Nhà báo và nghề báo

Cập nhật lúc:   17:13:13 - 04/01/2018 Số lượt xem:   1737 Người đăng:   Administrator
Người làm báo, không chỉ bây giờ mà từ thời xưa đã được coi là những trí thức và là kẻ sĩ của thời đại.

Người làm báo, không chỉ bây giờ mà từ thời xưa đã được coi là những trí thức và là kẻ sĩ của thời đại. Các triều đại trước đây hoàn toàn có lý khi coi nhà báo nói riêng và kẻ sĩ nói chung là những người mang vị thế của “một nhóm tinh hoa” có khả năng là đại diện cho đời sống tinh thần của cộng đồng. Mà kẻ sĩ thời ấy luôn được xếp vào đẳng cấp cao trong xã hội. Đó là tầng lớp mà triều đại nào cũng phải xem trọng, vì không những phải đào tạo công phu mới có được, mà còn liên quan trực tiếp tới bộ mặt ngoại giao, tới phản ánh chính trị, kinh tế, xã hội của một quốc gia… Nhà báo được xem như những Thư ký của thời đại là vì vậy. Ngày nay cũng vậy, đội ngũ những người làm báo vẫn có thể coi là tầng lớp biểu hiện tập trung nhất phẩm chất, năng lực đối diện với thực tế đời sống của người trí thức hiện đại. 

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập ngày một sâu rộng, báo chí và hoạt động của nhà báo cho dù bản chất không thay đổi, nhưng thực sự có những yêu cầu rất cao và tính phức tạp cũng ngày một nhiều hơn. Nhà báo, vì thế càng đòi hỏi những nỗ lực rất lớn mới làm tròn trách nhiệm trước xã hội. Mặt khác, bản thân báo chí cũng mang đến một không gian mới, một khả năng mới cho sự tồn tại độc lập cũng như khả năng tác động đến thực tiễn của nhà báo với tư cách là người trí thức trong xã hội. Có lẽ vì vậy mà nghề báo đòi hỏi kinh nghiệm thực tế nhiều hơn là tài năng bẩm sinh của mỗi người. Những nhà báo không chịu lăn lộn thực tiễn, không va đập với cuộc đời, không có thái độ trung thực và thiếu lương tâm nghề nghiệp thì khó mà thành công theo đúng nghĩa được, ngòi bút sẽ chỉ “mòn” đi theo năm tháng, để rồi chính mình tự đào thải mình khỏi một nghề đòi hỏi những tố chất rất đặc thù này. Đạo đức nhà báo, vì thế luôn là vấn đề mang tính thời đại.

Để làm báo đúng và hay, trước hết phải bám sát được sự kiện, sự việc, tránh tình trạng qua loa đại khái. Và, sự trung thực, tính khách quan vẫn luôn là một yêu cầu tối quan trọng. Ngay cả khi cần bày tỏ chính kiến của mình thì nhà báo vẫn phải phản ánh trung thực, chính xác sự kiện đó. Đây chính là một trong những biểu hiện cơ bản của đạo đức nghề báo. Với vai trò là chủ thể phản ánh, nhà báo phải biết đặt mình đúng nơi, đúng vị trí và cần sự đúng mức khi phản ánh sự kiện để làm sao cho tính khách quan và “liều lượng” phản ánh có được sự phù hợp, mang lại hiệu ứng tích cực. Cũng đôi khi, đạo đức nhà báo không nhất thiết phải nằm ở những khái niệm “cao - xa”, mà chỉ thể hiện ngay ở cách đưa tin, cách phản ánh, giới thiệu về sự việc thế nào? Từ đó, bài báo mang lại cho người đọc một thông điệp tích cực, một cảm nhận nhân văn, sự tin tưởng, lạc quan…, hay là đưa đến sự hoang mang vô lý, sự lo lắng nặng nề…? Điều đó một phần quan trọng phụ thuộc vào cách đưa tin, vào sự nhìn nhận sự việc của nhà báo. Vì vậy mà quá trình phản ánh sự việc (nhất là sự việc có tính nhạy cảm) cũng đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, cầm máy.

Ở một góc độ khác, báo chí là “món ăn tinh thần” có tính tức thời cho công chúng. Nhưng không vì thế mà tính giáo dục bị xem nhẹ. Để người đọc dễ tiếp nhận và hiểu đúng mục đích nội dung muốn chuyển tải, bài báo cần có văn phong trong sáng, cách viết dễ hiểu, từ ngữ không cầu kỳ, nội dung không dài dòng, không “vòng vo tam quốc”, phù hợp với trình độ dân trí chung. Suy cho cùng, hiệu quả xã hội của từng tác phẩm báo chí là điều đáng quan tâm nhất. Điều đó thể hiện năng lực, trình độ của nhà báo và cũng chính là văn hóa báo chí mà mỗi nhà báo cần trau dồi cho mình.

Với những nội dung được đề cập trên đây, nghề báo có thể coi là một nghề mang tính tổng hợp cao. Thiếu một sự hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, nhà báo không thể giỏi nghề được. Tương tự như vậy, một nhà báo thực sự có nghề không bao giờ là một người xa rời thực tế đời sống xã hội, hoặc chí ít cũng là thực tế vận động của lĩnh vực mình đi sâu để phản ánh với công chúng. Mà muốn được như vậy, nhà báo phải yêu nghề, thực sự say nghề. Đó là cái gốc cho sự giỏi nghề của người làm báo 
 
Trong thời kỳ phát triển và hội nhập ngày một sâu rộng, báo chí và hoạt động của nhà báo cho dù bản chất không thay đổi, nhưng thực sự có những yêu cầu rất cao và tính phức tạp cũng ngày một nhiều hơn. Nhà báo, vì thế càng đòi hỏi những nỗ lực rất lớn mới làm tròn trách nhiệm trước xã hội. 
TS. ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 32
accessibility Hôm qua: 76
account_circle Trong tháng: 283.402
account_box Trong năm: 34.608
supervisor_account Tổng truy cập: 3.174.928