Nội lực cây bút nữ Phương Trà

Cập nhật lúc:   17:27:06 - 04/01/2018 Số lượt xem:   1409 Người đăng:   Administrator
 MC Phương Trà (phải) trong một sự kiện nghệ thuật. Ảnh: Hùng Phiên MC Phương Trà (phải) trong một sự kiện nghệ thuật. Ảnh: Hùng Phiên
Thoạt nhìn, Phương Trà khá mỏng manh nhưng thực sự chất chứa nhiều nội lực. Học hỏi và “cày ải” miệt mài 20 năm làm báo, viết văn, ,…, cây bút nữ đất Phú Yên này đã khẳng định chỗ đứng r
Cập nhật ngày: 20/06/2017

HÙNG PHIÊN

Thoạt nhìn, Phương Trà khá mỏng manh nhưng thực sự chất chứa nhiều nội lực. Học hỏi và “cày ải” miệt mài 20 năm làm báo, viết văn, MC,…, cây bút nữ đất Phú Yên này đã khẳng định chỗ đứng riêng trong lòng công chúng. 

Tận nơi để thấu

Tháng 11-2013, lũ quét vùng núi xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa, Phú Yên) đã xóa dấu tích lều trại cùng 4 người đàn ông độ tuổi 30, ai cũng có vợ và 2 con nhỏ. Một nhóm nhà báo tức tốc từ Tuy Hòa xe máy đến trung tâm xã. “Từ đây tới chỗ núi lở xa trên 30 cây số, leo bộ phải 4 tiếng, đường rừng mùa này khó đi lắm! Sức vóc như cô nhà báo này không đi được đâu!”, một cán bộ xã nói. Thế nhưng Phương Trà vẫn lặng lẽ cùng anh em băng rừng.

Thăm thẳm lối mòn khúc khuỷu, xói lở tan nát, suối dữ cắt ngang liên tục. Đoạn qua dốc Trán Thầy Chùa, nước đã trôi lối đi thành khe vực, mọi người phải di chuyển bằng cách choàng chân sang 2 bên vách đất nhão nhoét trong mưa, hối hả hướng vào hiện trường đồng bào bị nạn. Một số nam đồng nghiệp đã lắc đầu quá mệt, Phương Trà vẫn gan góc dấn bước.

Tan hoang rợn người, vùng lũ quét bày ra trên hàng chục cây số vuông. Đá tấn, cây to trốc gốc, bùn đất,… trôi dạt lăn lóc chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp. Rừng sau lũ quét, im lặng đến khó thở. Hàng trăm người âm thầm bê bết bùn đất, chia nhau lật đá, xẻ cây, moi móc tìm dấu vết người xấu số. Thỉnh thoảng, một chiếc xà beng va đá nghe lạnh chát, rồi ré lên một tràng cưa máy cắt dọn cây, tìm người… Phương Trà là người nữ duy nhất có mặt tại hiện trường vụ lở núi này. Sau loạt bài báo về sự kiện trên, Phương Trà lại phóng xe máy đem tiền của bạn đọc đến giúp đỡ gia đình các nạn nhân…

Rồi có lần cùng đi làm phóng sự điều tra, xong việc thì có bà con xin… chụp ảnh chung chỉ mỗi với nữ nhà báo Phương Trà. Cả nhóm nhà báo “cây đa, cây đề” ngẩng tò te. Hỏi ra mới biết lý do là “rất quý phong cách dẫn chương trình truyền hình của nữ nhà báo Phương Trà”.

“Đi và trải nghiệm là hạnh phúc. Được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều thân phận, rất nhiều mảnh đời khác nhau, có những người bị coi là “dưới đáy xã hội”, có những người bình dị và thầm lặng song việc làm của họ, đóng góp của họ rất có ý nghĩa đối với cộng đồng. Họ cho tôi những bài học, cho tôi niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và qua những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ đó, tôi tích lũy dần “vốn liếng” cho công việc sáng tác mà mình yêu thích”, Phương Trà bộc bạch.

Quyết bám… nhiều nhánh

Sinh đúng vào ngày 30-4-1976, tại Tuy Hòa. Lúc nhỏ sống với bà nội và ba ở vùng quê nghèo Tuy An. 7 tuổi mới vào Tuy Hòa với má. Ở phố nhưng “chất nông dân Phú Yên” vẫn đậm đặc, luôn thích ruộng đồng, sông nước, bãi soi, gió nam non, nam cồ và không chịu được máy lạnh; thích ăn cơm với muối é, cá rô, cá trê nướng,… hơn các đặc sản.

Phương Trà cho hay, ước mơ hồi nhỏ là lớn lên được đi khắp nơi và viết, dù chưa biết mình sẽ viết những gì, viết như thế nào… Lớn lên một chút, say mê xem phim của nước ngoài thì mơ ước trở thành luật sư để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những người bị oan ức. Chính vì vậy nên sau khi rời ngôi trường chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) thì học luật, mà học tại chức ở tỉnh nhà, chứ không chịu đi thi và học ở xa. Đó là một chuyện lạ lúc bấy giờ, chẳng có học sinh trường chuyên nào mà “đâm đầu” vô lớp tại chức cả.

Trong thời gian học đại học, tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương khá tích cực. Và “được” lên báo. Khi đọc bài viết mà người khác viết về mình, hơi ngạc nhiên vì thấy “bạn trẻ Phương Trà” trong bài viết khác với “bạn trẻ Phương Trà” ở ngoài đời: giỏi giang hơn và “tròn trịa” hơn.

Đến với công việc MC từ những sân chơi, hoạt động của Đoàn Thanh niên. Sau khi tốt nghiệp đại học (1998), nơi đầu tiên xin việc là Đài Truyền hình Phú Yên (nay là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên). Nhưng sau khi đọc thử một mẩu tin, thì thấy rằng có sự khác nhau rất lớn giữa việc dẫn chương trình trên sân khấu với việc đọc tin tức trước ống kính. Trượt ngay từ vòng loại.

Được người quen mách, Phương Trà xin về Báo Phú Yên, với “ba không” “không hậu duệ, không mối quan hệ, không tiền tệ” (quà cáp cũng không nốt). Tổng Biên tập nói: “Cứ thử việc đi, nhưng cơ quan đủ người rồi”. Còn phó tổng biên tập thì nói: “Nếu cháu xin được việc ở nơi khác thì hãy đến đó làm”. Nói chung là không có gì khả quan cả. Rốt cuộc lại được nhận vào làm việc và gắn bó với Báo Phú Yên từ tháng 8-1998 đến nay, trong đó có 2/3 thời gian làm biên tập.


Nữ nhà báo Phương Trà đang phỏng vấn nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên.
Ảnh: Hùng Phiên
Nhiều đồng nghiệp rất nể sự năng động của nữ phóng viên Phương Trà. Cô rất năng đi, đi suốt, không đi không chịu được, nhìn đâu cũng thấy đề tài, từ phòng phẫu thuật của bệnh viện đến… nhà xác, từ chợ khuya, những chuyến đò đêm đến… bàn bi-da, “phong trào” ăn nhậu, tranh chấp tại nhiều điểm nóng,… Mê viết phóng sự ngay khi chập chững vào nghề báo, và nhiều bài học “xương máu” cũng từ đây...

Theo Phương Trà, niềm vui nghề báo thì rất nhiều, đó là khi bài viết của mình mang lại điều tốt đẹp cho các nhân vật, được bạn đọc quan tâm chia sẻ, tạo được hiệu ứng xã hội (và cả được giải báo chí). Tuy nhiên nỗi buồn cũng không ít. Đó là khi mình cảm thấy bất lực. Và tai nạn nghề nghiệp thì cũng thấm thía rồi, nhất là khi làm biên tập viên, chọn đăng 2 tác phẩm bị cho là phản động - “sự kiện” đó trở thành 2 “vụ án văn chương” nổi tiếng không chỉ ở Phú Yên. Nhận ra mình đã học được rất nhiều điều từ 2 “sự kiện” đó, về tình người và lẽ đời. Đã thề là không “đụng” vô tác phẩm văn chương nào nữa, không bao giờ làm biên tập nữa. Nói thế nhưng vẫn không “đoạn tuyệt” với văn chương được. Vẫn viết truyện ngắn, dù không thường xuyên, vì thời gian làm báo đã lấn át thời gian viết văn. Và “nổi máu” làm thơ, dù không gởi đăng báo.

“Tôi là cây bút chính trực”

Phương Trà cho hay, chị luôn thích hình ảnh, điều đó thể hiện trong các phóng sự đời thường. Cũng vì thích hình ảnh nên đã xin cơ quan cho đi học lớp quay phim ngắn hạn ở Hà Nội. Học xong, thấy một “chân trời mới” cực kỳ thú vị mở ra, và ấp ủ dự định làm phim tài liệu. Đến nay vẫn chưa thực hiện được dự định này, song cũng đã “gom góp” được những điều bổ ích trong thời gian cộng tác với VTV Phú Yên, từ làm MC chương trình thời sự “Ngày mới”, dẫn một số chương trình văn nghệ, … Đã làm biên kịch dàn dựng 8 tập ký sự “Sông Cái - Từ nguồn ra biển” về vẻ đẹp và cuộc sống trên những vùng đất phía Bắc Phú Yên. Nhiều lần Phương Trà đã khóc ngon lành trước ống kính.

“Lúc đó, tôi nghĩ về người mẹ đã mất của mình. Tôi đã chạy theo các sự kiện, chạy theo niềm đam mê làm báo thay vì có mặt những khi má tôi cần tôi. Khi má đột ngột qua đời, tôi ân hận và chỉ muốn chết. Chính sự xuất hiện của đưa con nuôi bé bỏng đã giúp tôi lấy lại cân bằng và bước tiếp. Con bé thay đổi cuộc đời tôi. Trước kia, tôi chỉ có công việc. Bây giờ, công việc là một phần trong cuộc sống. Phần còn lại, lớn hơn, là con gái tôi. Tôi chưa phải là một nhà báo giỏi, nhưng tôi là một nhà báo chính trực. Con tôi có thể tự hào về điều đó ở mẹ của mình”  
Link 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 16
accessibility Hôm qua: 99
account_circle Trong tháng: 283.751
account_box Trong năm: 34.957
supervisor_account Tổng truy cập: 3.175.277