Khúc tráng ca bất tử bên bờ biển xanh
Cập nhật lúc: 17:42:19 - 04/01/2018
Số lượt xem: 5273
Người đăng: Administrator
Trên đồi cát trắng mịn màng ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Trên đồi cát trắng mịn màng ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hiện hữu rõ nét giữa không gian tháng ba đầy nắng gió ngọt lành. Ở đó không chỉ có cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” với hình tượng 9 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đứng tựa bên nhau, tay gương cao cờ Tổ quốc, bên cạnh đó là 64 đồng đội đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma - quần đảo Trường Sa ngày 14-3-1988 được kết nối thành “Vòng tròn bất tử”, mà còn có cả Bảo tàng ngầm và Quảng trường Hòa Bình đã được khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (20/7/1947-20/7/2017).
KÝ ỨC BI HÙNG TRÊN ĐẢO GẠC MA
29 năm về trước, vào ngày 11- 3-1988 HĐND tỉnh Phú Khánh trước đây ban hành Nghị quyết sẵn sàng và quyết tâm bảo vệ Trường Sa. Ba ngày sau đó, máu của những cán bộ - chiến sĩ (CBCS) Trường Sa đã đổ trong trận hải chiến ngày 14-3-1988 trên đảo Gạc Ma. Thời điểm ấy đất nước đã hòa bình, thống nhất gần tròn 13 năm, những người dân nước Việt chỉ mong muốn dành thời gian, chung sức đồng lòng xây dựng đất nước, nhưng phía bên kia đã buộc ta phải cầm súng bảo vệ biển đảo tiền tiêu Tổ quốc. Cho nên, máu đã đổ ở Trường Sa. Mất mát, hy sinh, thế nhưng những người lính Trường Sa vẫn kiên cường bám đảo đến hơi thở cuối cùng.
Trước đó vài tháng, Trung Quốc (TQ) đã điều tàu chiến xâm phạm chủ quyền Trường Sa của Việt Nam. Sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, TQ tiếp tục huy động nhiều tàu chiến hoạt động thường xuyên. Dự báo TQ sẽ đánh chiếm một số bãi cạn nằm ở cụm đảo Sinh Tồn - Nam Yết, trong đó có Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, nên Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân Việt Nam chỉ đạo tăng cường xây dựng và bảo vệ. Đại úy Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125 Hải quân Việt Nam cùng đồng đội được lệnh rời đảo Đá Đông đến đảo Len Đao cắm quốc kỳ rạng sáng 13-3-1988 để khẳng định chủ quyền. 9h sáng cùng ngày, Thiếu tá Vũ Huy Lễ chỉ huy tàu HQ-505 rời đảo Đá Lớn, phối hợp tàu HQ-604 vận chuyển vật liệu đến đảo Gạc Ma, Cô Lin để hai phân đội công binh Trung đoàn 83 – Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cắm cờ, đo đạc và xây dựng nhà. Trong lúc bộ đội đang bốc dỡ vật liệu đưa lên đảo đêm 13-3- 1988 thì tàu chiến TQ bám sát hai tàu HQ-604, HQ-505 và triển khai đội hình bao vây đảo Gạc Ma. 6h sáng 14-3-1988, hơn 40 binh lính TQ rời tàu chiến mang vũ khí lên 3 xuồng nhôm tiến vào đảo Gạc Ma giật cờ của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại quốc kỳ nên đối phương nổ súng khiến Thiếu úy Phương hy sinh, Hạ sĩ Lanh bị thương, nhưng CBCS hải quân vẫn kiên cường bám đảo bảo vệ chủ quyền. Hơn 1 giờ sau, TQ tăng cường hai tàu chiến và binh lính tấn công, nhưng Đại úy - thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy CBCS đánh trả quyết liệt. Tàu chiến TQ bắn đạn pháo dồn dập khiến tàu HQ-604 thủng vỏ, chìm dần xuống biển, Đại úy Trừ, Trung tá Thông cùng một số đồng đội hy sinh, những CBCS còn lại chuyển hướng bám xuồng, dũng cảm đánh trả, bảo vệ chủ quyền đảo Len Đao. Cùng thời điểm đó, Thiếu tá Vũ Huy Lễ chỉ huy tàu HQ- 505 hướng mũi lái đến đảo Cô Lin để cắm quốc kỳ, nên hai tàu chiến TQ dội pháo tấn công chiếm đảo. Bất chấp hiểm nguy, Thiếu tá Lễ chỉ huy tàu HQ-505 tăng tốc lao nhanh lên bãi, tạo thành “lá chắn sống” chặn hướng tấn công của TQ, bảo vệ đảo Cô Lin.
Mặc dù phải đối mặt trong trận hải chiến không cân sức, nhưng CBCS Hải quân Việt Nam bất chấp hy sinh, dũng cảm chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, 64 CBCS hy sinh, 9 người bị phía TQ bắt giữ đưa về Quảng Đông 3 năm mới trao trả. Với chiến công oanh liệt đó, tàu HQ-505 cùng Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương quân công, chiến công…
29 năm qua, mỗi chuyến tàu từ đất liền ra huyện đảo Trường Sa đều dừng lại bên cụm đảo Cô Lin – Gạc Ma – Len Đao để tổ chức lễ tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến 14-3-1988. Giữa không gian mênh mông biển cả trong thời khắc chuyển giao ngày và đêm, những vòng hoa tươi có hình quốc kỳ cùng với đèn hoa đăng thả xuống biển khi tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” ngân lên khiến cho mọi người xúc động rơi nước mắt, cảm nhận hồn thiêng liệt sĩ đang hòa quyện trong sóng nước dập dềnh.
Ở phía đất liền, cho dù người lính Trường Sa năm xưa đã là cán bộ hưu trí, chủ doanh nghiệp hay thương binh, ngư dân, nông dân…nhưng 10 năm qua, hàng trăm cựu chiến binh ở mọi miền đất nước đều có cuộc gặp gỡ giàu nghĩa tình đồng đội tại Phú Yên, Khánh Hòa để ôn lại truyền thống lịch sử 14-3 và tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma. Trong mỗi cuộc gặp mặt đó, ký ức hào hùng sau trận hải chiến Gạc Ma luôn hiện hữu trong tâm trí những cựu binh Trường Sa, như còn mới nguyên niềm tin trong ánh mắt và lời thề quyết tử của những đồng đội thân thương đã ngã xuống nơi ấy. Những cái bắt tay nồng ấm hay động thái ôm chầm, siết chặt vai nhau thân tình như anh em ruột thịt, rồi những lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ đã thể hiện nét đẹp bình dị của người lính. Những phút tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma và những nghĩa cử ân tình với thân nhân, gia đình thương binh – liệt sĩ bày tỏ tri ân sâu sắc với đồng đội đã để lại một phần máu thịt hoặc vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển mẹ ở Trường Sa.
KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ
Ngược thời gian cách đây hai năm, ngày 13-3- 2015 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trên diện tích 25.000m2 bên bờ biển thuộc địa phận xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm để tưởng nhớ và tri ân 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 khi chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trong số hơn 100 bản vẽ, mô hình, thuyết minh công trình gửi đến cuộc thi thiết kế, hai tác phẩm “Hành trình khát vọng” của nhóm kiến trúc sư ở Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và “Những người nằm lại phía chân trời” của Lý Thị Liễu – Công ty TNHH Mỹ thuật – Nhiếp ảnh Oanh Vũ, TP Hồ Chí Minh đã được tuyển chọn, phối thành đề án tổng thể Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Là một trong những nhà báo có mặt từ khi khởi công Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tôi không sao quên được những giọt nước mắt lăn chảy trên gương mặt bà Nguyễn Thị Hằng đến từ Quảng Trị khi nói đến con trai của mình - liệt sĩ Hoàng Ánh Đông và hình ảnh những nghệ nhân làng đá nổi tiếng Ninh Vân ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình tất bật dưới nắng mưa, gió cát, cẩn trọng tạc vào đá thiêng những nét khắc họa sống động, đậm khí chất anh hùng của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma năm xưa. Nghệ nhân Đỗ Đình Hanh tâm sự: “Tác phẩm của nhà thiết kế, nhưng với kỹ thuật, mỹ thuật tạc tượng, chúng tôi đã nỗ lực bằng tất cả tâm huyết của mình để thổi hồn thiêng chiến sĩ Gạc Ma vào những tảng đá granite”.
Cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” giữa biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được ví như “trái tim”Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới chỉ đạo thi công với khối lượng gần 300 tấn đá granite, trong đó có nhóm nhân vật tạo hình liền khối từ tảng đá nguyên hơn 14 tấn. Hình tượng 9 chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong cụm tượng đài với dáng đứng hiên ngang bất khuất dưới ngọn cờ Tổ quốc tung bay trước gió, tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước từ phía biển Đông. Bên cạnh đó là Bảo tàng ngầm lưu giữ những hiện vật, câu chuyện, hình ảnh về cuộc đời và gia đình của những chiến sĩ đã chiến đấu trên đảo Gạc Ma và Quảng trường Hòa Bình có khu“mộ gió” của 64 liệt sĩ gắn bia ghi danh họ, tên, địa chỉ từng người cùng với không gian sinh thái cây xanh, thảm cỏ…thu hút những cánh chim trời hội tụ về đây xây tổ ấm khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Khi đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chị Đinh Thị Mỹ Lệ trầm tư lắng nghe người mẹ là bà Đỗ Thị Hà kể lại những kỷ niệm thân thương về người bố kính yêu của của mình – liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh trước ngày rời đất liền ra quần đảo Trường Sa bảo vệ tiền tiêu phía Đông của Tổ quốc. Chị Lệ xúc động chia sẻ: “Bố tôi cùng nhiều đồng đội đã nằm lại ở vùng biển Trường Sa gần 30 năm rồi, nhưng những phần “mộ gió” hiện hữu ở Quảng trường Hòa Bình sẽ là nguồn động viên sâu sắc về tâm linh đối với mẹ con tôi và những gia đình liệt sĩ không tìm được thi thể người thân đã hy sinh giữa thời bình”. Đứng bên cụm tượng đài, nữ Trung úy hải quân Trần Thị Thủy – con gái liệt sĩ Trần Văn Phương – Anh hùng lực lượng vũ trang, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, bày tỏ : “Khi tôi cất tiếng khóc chào đời thì người bố kính yêu đang cùng đồng đội của mình cầm súng bảo vệ biển trời Trường Sa. Sau trận hải chiến trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988, bố tôi và 63 đồng đội đã hòa mình vào biển xanh mênh mông. Đứng giữa “Vòng tròn bất tử” trong Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hôm nay, tôi tự hào về sự hy sinh cao đẹp đó và cảm nhận tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước dành cho “Những người nằm lại phía chân trời”. Và tôi tin, mỗi khi đến viếng thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, mỗi người sẽ nhận diện đầy đủ hơn về một dấu mốc lịch sử hào hùng của Quân chủng Hải quân nói riêng, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung”.
Trận hải chiến 14-3-1988 ở đảo Gạc Ma mãi mãi khắc ghi vào lịch sử bảo vệ chủ quyền đất nước của dân tộc và là dấu ấn sâu đậm trường tồn trong tâm thức người dân đất Việt. Đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thời điểm sắp hoàn thiện, mỗi người đều nhận biết nơi này không chỉ là công trình văn hóa, mà còn là điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử góp phần giáo dục truyền thống kiên cường, bất khuất cho các thế hệ hôm nay và mai sau trong công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc