Sau thời gian tiếp nhận quy trình và ươm nuôi cá chim vây vàng, đến nay Dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng tại Phú Yên do Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng (TP Tuy Hòa) chủ trì thực hiện, kỹ sư Trần Ngọc Trường làm chủ nhiệm đã làm chủ được công nghệ giống và công nghệ nuôi cá chim vây vàng, một loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng nuôi công nghiệp bằng lồng HDPE trên các vùng biển của tỉnh
Đây là dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, với tổng kinh phí thực hiện 10 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách KH&CN Trung ương hỗ trợ hơn 4,1 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Mục tiêu của dự án là ứng dụng thành công tiến bộ KH&CN, xây dựng mô hình sản xuất giống cá chim vây vàng và mô hình nuôi thương phẩm trong lồng bè theo công nghệ Na Uy phục vụ xuất khẩu tại Phú Yên.
Làm chủ công nghệ giống và công nghệ nuôi
Sau thời gian tiếp nhận công nghệ sản xuất giống và công nghệ nuôi cá chim vây vàng thương phẩm từ Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) và Trường đại học Nha Trang, mấy tháng qua đội ngũ kỹ sư và nhóm thực hiện Dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng tại Phú Yên luôn tất bật “cùng ăn, cùng ngủ” để chăm sóc các mẻ cá giống đủ loại kích cỡ đang ươm nuôi thành công ở Trại sản xuất giống thủy sản ở khu phố Phú Thọ 1 (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa).
Kỹ sư Trần Ngọc Trường, chủ nhiệm dự án cho biết: “Theo đánh giá bước đầu, cá chim vây vàng thích nghi tốt với điều kiện môi trường của Phú Yên. Cá giống có tỉ lệ sống cao, trung bình trên 90%, tốc độ tăng trưởng vượt trội. Hiện, chúng tôi đã làm chủ được công nghệ sản xuất cá giống, công nghệ nuôi cá chim vây vàng để ươm nuôi đại trà phục vụ nuôi biển. Song song với việc chuẩn bị nguồn giống, chúng tôi cũng tiến hành xây dựng mô hình nuôi thương phẩm trên vùng biển Cù Lao Mái Nhà (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) với quy mô 12 ô lồng vuông và 4 ô lồng HDPE, trong tháng 12 này sẽ tiến hành thả nuôi 250.000 con giống tại đây”.
Cá chim vây vàng là một loài cá nổi, ưa hoạt động, dễ nuôi, có khả năng nuôi với mật độ cao trong lồng hoặc trong ao ở cả thủy vực nước lợ và nước mặn. Cá chim vây vàng có thịt thơm ngon, ít xương nhỏ, giàu chất dinh dưỡng và Omega 3 rất có lợi cho sức khỏe. Loài cá này có tốc độ sinh trưởng khá nhanh và có khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore…
Theo ông Phạm Đức Phương (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), Phú Yên có nhiều thuận lợi để phát triển nuôi đối tượng này, tuy nhiên, đến nay nghề nuôi cá chim vây vàng chưa phát triển. Nguyên nhân do nguồn cung cấp giống tại địa phương không đủ, nhập giống nước ngoài thì chi phí cao, hoặc cá khó thích ứng với môi trường mới dẫn đến hao hụt. Vì vậy, việc tiếp nhận công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng của Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng để mở rộng mô hình sản xuất, chủ động cung cấp đủ con giống chất lượng và phát triển nuôi đối tượng này là rất cần thiết”.
Triển vọng nghề nuôi cá chim vây vàng
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, hiện nay, tại Việt Nam, cá chim vây vàng đã được sản xuất giống nhân tạo thành công nên có thể chủ động được nguồn giống chất lượng để đưa vào nuôi thương phẩm. Khi cá đạt trọng lượng từ 0,8-1kg thì tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hay thu hoạch toàn bộ cùng lúc tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường. Thức ăn cho cá chim vây vàng là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, có độ đạm từ 40% trở lên, lipid từ 15% trở lên.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, mục tiêu cụ thể của dự án là tiếp nhận thành công quy trình sản xuất giống và quy trình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng trong lồng bè theo công nghệ Na Uy; đào tạo được 7 kỹ thuật viên sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp; tập huấn cho 100 hộ dân thúc đẩy phát triển phong trào nuôi cá biển ở vùng khơi xa phù hợp định hướng nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Song song đó, dự án xây dựng một mô hình sản xuất giống cá chim vây vàng từ trứng cá đã thụ tinh đến cá bột, cá hương, cá giống tạo ra con giống đạt chất lượng, với công suất đạt 1,2 triệu con giống/năm. Ngoài ra, dự án xây dựng một mô hình nuôi cá chim vây vàng gồm: 6 lồng bè HDPE dùng ương nuôi cá giống cỡ từ 6-7cm lên 8-10cm để nuôi thương phẩm; 4 lồng bè bằng vật liệu nhựa HDPE công nghệ của Na Uy sử dụng cho cá ăn tự động, với năng suất bình quân 30 tấn/vụ.
“Dự án này sẽ mở ra một hướng đi mới, giúp người nuôi phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm rủi ro cho ngư dân, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời, dự án cũng nhằm đa dạng đối tượng nuôi biển và mở ra hướng phát triển theo hướng nuôi công nghiệp của tỉnh; góp phần phát huy hiệu quả mặt nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân và tạo sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, ông Dương Bình Phú cho hay.
Mới đây, đoàn công tác của Bộ KH&CN do bà Trần Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tình hình thực hiện dự án này. Đoàn đã kiểm tra thực địa tại các cơ sở nuôi giống, vùng biển nuôi trồng cá chim vây vàng, kiểm tra cơ sở sản xuất giống…
“Tôi đánh giá cao đơn vị chủ trì và chủ nhiệm dự án đã hoàn thành nhiều khối lượng công việc trong thuyết minh đã được phê duyệt, nhất là đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống và công nghệ nuôi cá chim vây vàng. Dư địa để phát triển nuôi biển của tỉnh Phú Yên hiện còn rất lớn. Cùng với các loài cá biển đang được ngư dân trong tỉnh nuôi thì cá chim vây vàng đã và đang mở ra cơ hội đối với nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong thời gian tới’, bà Hà nói.
Phát triển nghề nuôi cá chim vây vàng trong lồng bè theo công nghệ Na Uy rất có ý nghĩa trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Người dân nuôi biển Phú Yên có cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến, giảm bớt áp lực lên khai thác nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản Phú Yên bền vững, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Ông Phạm Đức Phương Chuyên gia kỹ thuật (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I)
Nguồn BPY