Những giải pháp xuất phát từ thực tiễn
Năm 2008, anh Nguyễn Ngọc Trí (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) tốt nghiệp trung cấp cơ khí ở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (nay là Trường cao đẳng Công Thương miền Trung). Sau đó, anh về nhàmởxưởng cơ khí, chuyên sửa chữa máy cày, gia công máy nông nghiệp, làm nông cụ… Nhiều lần chứng kiến cảnh nông dân hốt lúa khá vất vả mỗi khi đến mùa gặt, anh đã nghiên cứu sáng chế ra máy hốt lúa.
“Máy chỉ cần 2 người vận hành, một người lo việc gắn bao vào máy, đưa bao lúa đã đầy trên máy xuống đất và một người lo khâu cột miệng bao lúa. Khoảng 1 phút, chiếc máy hốt được 1 bao lúa 70kg. Chiếc máy đã giải phóng khá nhiều công lao động”, anh Trí cho biết.
Máy vận hành thành công ngoài thực tế, anh Trí mạnh dạn đưa sản phẩm tham gia hội thi STKT tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Nghị (xã Hòa Thành, TX Đông Hòa) vốn không còn xa lạ với nhiều người, bởi các sản phẩm do anh sáng tạo như than củi trấu, than không khói từ phế phẩm nấm linh chi, lò bánh tráng tiện ích… đã đạt giải tại các hội thi STKT tỉnh. Năm nay, anh tiếp tục mang đến hội thi STKT lần thứ 10 sản phẩm “Hỗn hợp vi sinh dành cho cây trồng”. Đây là giải pháp thân thiện với môi trường, nhằm tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp chế tạo thành sản phẩm hữu ích, vừa tránh lãng phí vừa thân thiện với môi trường.
Tạo nhiều ấn tượng cho ban giám khảo hội thi năm nay ở lĩnh vực nông nghiệp là mô hình “Trồng thửnghiệm giống sắn kháng bệnh khảm lá ứng dụng phương pháp canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn tỉnh” của nhóm tác giả Phạm Quốc Hoàng, Phạm Duy (Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên). Đề tài nhằm tìm ra giống sắn mới có tính kháng bệnh, mang lại năng suất cao trước tình hình giống sắn ở Phú Yên đang bị bệnh khảm lá như hiện nay.
|
Tác giả Phạm Quốc Hoàng (phải) giới thiệu giống sắn kháng bệnh khảm lá với ban giám khảo. Ảnh: VĂN TÀI |
Khơi dậy và thúc đẩy tinh thần sáng tạo
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, hội thi STKT năm nay thu hút 41 giải pháp, sản phẩm tham dự, thuộc 6 lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; y dược; giáo dục - đào tạo. Các giải pháp dự thi năm nay có chất lượng hơn so với các hội thi lần trước, có tính mới, tính ứng dụng cao và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.
“Đối tượng tham gia hội thi ngày càng đa dạng, phong phú, gồm các nhà khoa học, cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, công nhân, nông dân, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc... Thông qua việc tham gia hội thi, nhiều đơn vị đã thúc đẩy được phong trào lao động sáng tạo của người lao động, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Các giải pháp dự thi mang lại hiệu quả tốt, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.
Có thể thấy phong trào lao động sáng tạo gắn với hội thi STKT đã khẳng định được hiệu quả thiết thực, các giải pháp có tính mới, tính sáng tạo và có khả năng áp dụng trong thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Một số ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng tích cực của việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, từ đó đầu tư cho phong trào lao động sáng tạo phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Để có nhiều giải pháp mang tính đột phá cao, ở nhiều lĩnh vực và khai thác được thế mạnh của địa phương, thời gian tới, các cấp, ngành, cơ quan đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào lao động sáng tạo gắn với hội thi STKT; giới thiệu những điển hình tiên tiến, những giải pháp mang lại hiệu quả trong thực tế cuộc sống.
Hội thi STKT tỉnh Phú Yên lần thứ 10 (2022-2023) thu hút 41 giải pháp, sản phẩm thuộc 6 lĩnh vực có chất lượng hơn so với các hội thi lần trước, có tính mới, tính ứng dụng cao và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học
và kỹ thuật tỉnh |