Trong những năm qua, UBND tỉnh Phú Yên đã quan tâm chỉ đạo và giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật cấp tỉnh định kỳ 2 năm/lần. Qua mỗi lần Hội thi, phong trào lao động sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh được khơi dậy và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều giải pháp sáng tạo kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, xã hội.
Thành công từ sự phối hợp
Hội thi được UBND tỉnh giao bốn đơn vị phối hợp tổ chức, do đó sau khi có Quyết định thành lập của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Tổ chức đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi, phân công trách nhiệm thành viên Ban Tổ chức; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phát động, đăng tải trên trang thông tin điện tử của các sở ngành liên quan; tổ chức làm việc với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh ký kết phối hợp công tác tuyên truyền Thể lệ Hội thi. Đặc biệt mỗi cơ quan đồng tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ đã có nhiều cách triển khai kịp thời, linh hoạt, thu hút được nhiều giải pháp tham gia Hội thi. Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Thể lệ Hội thi và nhiều hoạt động trong đơn vị trực thuộc và hệ thống quản lý, kích thích sáng tạo nghiên cứu đề tài khoa học thiết thực; Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động, tích cực tham gia hưởng ứng Hội thi; Tỉnh đoàn phát động rộng rãi trong lực lượng đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia xung kích sáng tạo. Ngoài ra, các thành viên Ban Tổ chức thuộc đơn vị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở tuyên truyền Thể lệ, thông tin về Hội thi trên website của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, vận động hướng dẫn để nhiều đối tượng biết, tích cực tham gia nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân. Qua Hội thi phát hiện, tôn vinh, khuyến khích, nhân rộng các mô hình, giải pháp sáng tạo kỹ thuật có hiệu quả, tính ứng dụng cao vào sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Hội thi được triển khai rộng rãi, hình thức, cách thức tuyên truyền đa dạng, vận động và thu hút được nhiều đối tượng tham gia, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, thành phần kinh tế. Các lĩnh vực dự thi đều liên quan đến các hoạt động sản xuất và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng trong 2 năm phát động (2022 -2023), Hội thi lần thứ 10 đã nhận được 41 giải pháp sáng tạo kỹ thuật tham gia dự thi. Trong đó lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông 8 giải pháp; lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng giao thông vận tải 13 giải pháp; lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng 5 giải pháp; lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp và Môi trường 10 giải pháp và lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo 5 giải pháp.
Điểm sáng trong Hội thi lần này là sự tham gia đông đảo của đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Công thương miền Trung với 15/41 giải pháp. Trong 15 giải pháp tham gia có 13 giải pháp sáng tạo đạt giải. Cụ thể 02 giải Nhì với giải pháp Nghiên cứu thiết kế quy trình hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng hướng đến chuyển đổi số áp dụng cơ sở giao dục nghề nghiệp, giải pháp trà bạc hà kết hợp vỏ thơm và gừng, 04 giải Ba, gồm giải pháp Thiết bị ủ rác thải hữu cơ dễ phân hủy sinh học ở cụm dân cư, xe đẩy điện, xe nâng điện kết hợp xe rùa điện mi ni 3 trong 1 sử dụng pin năng lượng mặt trời, thiết kế và chế tạo bộ sản phẩm sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước uống sạch, mô hình Peer-tutor hỗ trợ học tập dành cho sinh viên giáo dục nghề nghiệp và 07 giải Khuyến khích. Hội đồng giám khảo đều đánh giá cao các giải pháp tham gia của lực lượng giảng viên nhà trường. Hầu hết các giải pháp đều được sản xuất cho ra sản phẩm, có hình thức, mẫu mã bao bì đẹp. Một số giải pháp đã ứng dụng vào thực tế chứng minh được tính mới, tính hiệu quả và dễ phổ biến nhân rộng.
Để đạt được nhiều giải thưởng trong Hội thi, Trường Cao đẳng Công thương miền Trung luôn quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học, xác định giảng dạy và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường. Từ đó động viên, khích lệ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên, sinh viên tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật. Mục đích không chỉ giới hạn giải thưởng nhận được qua các cuộc thi, hội thi, mà giúp giảng viên, sinh viên gắn học lý thuyết với thực hành, nâng cao khả năng tư duy khoa học, xây dựng thương hiệu nhà trường.
Hiệu quả giải pháp sáng tạo kỹ thuật
Hội thi lần thứ 10 đã thu hút đa dạng mô hình, giải pháp sáng tạo trên các lĩnh vực và rộng khắp trong toàn tỉnh. Trong số 41 giải pháp tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần này, có hàng chục tập thể, cá nhân biến những ý tưởng sáng tạo trở thành hiện thực, từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, Hội thi còn là nơi sự hội tụ những thành quả của phong trào Lao động Sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, đó chính là kết tinh của quá trình nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, là mồ hôi, công sức, trí tuệ và sự đam mê nghiên cứu sáng tạo, tiến quân vào khoa học công nghệ, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Điển hình là giải pháp đạt giải Nhất về
“Nghiên cứu quy trình trích ly tinh bột từ hạt mít và tạo màng bảo quản thực phẩm sinh học, kết hợp dịch chiết Nano Oxit sinh học bằng phương pháp hóa học xanh”, của nhóm tác giả Lưu Sinh Nhật Sư, Ngô Công Tiến, Nguyễn Thái Anh Huy, Tx. Đông Hòa. Qua phân tích, nghiên cứu cơ chế hoạt động, đề tài đã tổng hợp thành công nano đồng oxit, kẽm oxit và nano đồng oxit phối trộn kẽm oxit bằng phương pháp hóa học xanh sử dụng dịch chiết lá bình bát làm tác nhân khử ổn định hạt nano, sau đó các hạt nano oxit kim loại được mang đi phân tích các tính chất hóa-lý của hạt, đồng thời tiến hành sử dụng hạt nano oxit kim loại khảo sát khả năng xúc tác quang của hạt nano và đánh giá kháng oxi hóa và hoạt tính kháng khuẩn của chúng trên bốn chủng khuẩn là E.coli, S.aureu, Bacillus subtilis và P.aeruginosa. Đề tài đã khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất trích ly tinh bột như thời gian, nhiệt độ, tỉ lệ giữa bột mít và dung dịch, và nồng độ NaOH trong dung dịch. Đánh giá khả năng chống oxi hóa và hoạt tính kháng khuẩn của màng tinh bột/ PVA phối trộn hạt nano CuONPs, ZnONPs, CuO/ZnONPs trên ba chủng khuẩn nghiên cứu là E.coli, Bacillus subtilis và P.aeruginosa. Từ những kết quả đạt được cho thấy giải pháp mang ý nghĩa ứng dụng cao của nano được tổng hợp bằng phương pháp hóa học xanh và vật liệu bao bì có khả năng phân hủy sinh học trong lĩnh vực thực phẩm và môi trường.
Giải pháp
“Hệ thống thực hành thí nghiệm hóa học tự động, thông minh dành cho học sinh phổ thông” của Nguyễn Thanh Tuấn – Tx. Sông Cầu đạt giải Nhì là giải pháp sáng tạo nhằm phục vụ hỗ trợ học sinh và giáo viên trong việc thực hành thí nghiệm hóa học an toàn hơn, hiệu quả hơn. Giải pháp được điều khiển bằng phần mềm trên smartphone có thể thuyết minh, giới thiệu các thao tác, đọc tên danh pháp các hóa chất, đưa ra những lưu ý trong quá trình thực hiện… Hệ thống bao gồm nhiều cánh tay robot thực hiện các thao tác thay thế con người, tiếp xúc trực tiếp với các dụng cụ, hóa chất; những thiết bị cấp nước; thiết bị tạo nhiệt; thiết bị hút – bơm hóa chất… Tất cả hệ thống - phòng thí nghiệm tự động này được đặt trong một không gian khép kín, cách biệt với môi trường bên ngoài, tuyệt đối an toàn; học sinh và giáo viên có thể điều khiển và quan sát các thí nghiệm từ bên ngoài. Giải pháp hiệu quả, hiện đại, phù hợp với xu hướng khoa học công nghệ hiện nay đó là tạo ra một hệ thống, một phòng thí nghiệm tự động, thông minh, được trang bị đầy đủ những điều kiện, những dụng cụ cần thiết cho việc thí nghiệm thực hành.
Giải pháp
“Hỗn hợp vi sinh dành cho cây trồng” của tác giả Nguyễn Văn Nghị ở Tx. Đông Hòa là một giải pháp thực tiễn, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất. Giải pháp “Hỗn hợp vi sinh dành cho cây trồng” có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng N,P,K cần thiết cho cây trồng, giúp cây trồng phát triển cân đối. Hỗn hợp được sử dụng khi bón cho cây trồng sẽ không bị mất cân bằng dinh dưỡng khi cung cấp cho cây trồng như khi sử dụng phân bón hóa học. Đồng thời hỗn hợp vi sinh dành cho cây trồng có các chất dinh dưỡng sẽ được phân giải từ từ nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong thời gian dài, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng trong suốt thời gian sinh trưởng của cây. Đặc biệt trong hỗn hợp vi sinh dành cho cây trồng còn có các loại vi sinh vật hữu ích: vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải xenlulo… khi sử dụng cho cây trồng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật hữu ích phát triển, hạn chế tối đa các vi sinh vật gây hại, như: giúp cây trồng phát triển cân đối, ổn định; tăng chất lượng nông sản; tăng hàm lượng dinh dưỡng, cung cấp chất mùn cho đất….
Giải pháp
“Trồng thử nghiệm giống sắn kháng bệnh khảm lá ứng dụng phương pháp canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn tỉnh” của nhóm tác giả Phạm Quốc Hoàng, Phạm Duy (Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên) được Hội đồng giám khảo đánh giá cao trong Hội thi lần thứ 10. Giải pháp nhằm tìm ra giống sắn mới có tính kháng bệnh, mang lại năng suất cao trước tình hình giống sắn ở Phú Yên đang bị bệnh khảm lá như hiện nay.
|
Tác giả đoạt giải chia sẻ giải pháp của mình với PV báo chí |
Tính đến nay, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên đã tổ chức 10 lần, thu hút được trên 400 giải pháp của hàng trăm tác giả, nhóm tác giả tham gia, đạt giải cấp tỉnh và có một số giải pháp đạt giải tại Hội thi cấp toàn quốc. Nhiều giải pháp sau khi dự thi đã được ứng dụng rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như:
Giường kéo dãn cột sống model M-01”của Cử nhân vật lí trị liệu Lê Phạm Bá Khánh - Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên có đầy đủ tính năng như một chiếc giường kéo dãn hiện đại, giá rẻ so với chiếc giường nhập ngoại gần 200 triệu đồng. Năm 2013, sản phẩm đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh lần 5, giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế; giải pháp “
Thiết bị theo dõi và cảnh báo thân nhiệt thông minh TWD” thuộc lĩnh vực CNTT của tác giả Phạm Quốc Bảo (TP Tuy Hòa) đạt giải Khuyến khích Hội thi toàn quốc lần thứ 14; giải pháp “
Thiết bị gây tê cá ngừ đại dương” của nhóm tác giả TS. Bùi Ngọc Dịnh và kỹ sư Phạm Duy Phượng (Trường Cao đẳng Công thương miền Trung) có ý nghĩa đối với ngành khai thác thủy sản Phú Yên, góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả đánh bắt, đồng thời giảm chi phí cho những chuyến biển khai thác cá ngừ đại dương; giải pháp “
Xe lăn điện” của tác giả Nguyễn Văn Thắng (TX Sông Cầu) giúp người bị liệt có thể di chuyển dễ dàng, thuận tiệngóp phần đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của các tầng lớp nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu. Trong thời gian tới, Ban Tổ chức Hội thi tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong toàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, thể lệ Hội thi; kịp thời phản ánh phong trào thi đua lao động sáng tạo tại các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp, các địa phương và tinh thần say mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật của các tác giả, tập thể tác giả có các giải pháp tham gia Hội thi. Vận động sự tham gia hưởng ứng Hội thi của các đơn vị, cơ quan, công ty, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân, nhân dân lao động trong toàn tỉnh có các công trình và giải pháp Sáng tạo Kỹ thuật tham gia Hội thi. Đồng thời có các hình thức tôn vinh kịp thời, xứng đáng về vật chất, tinh thần đối với các tác giả đạt thành tích cao trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật cấp tỉnh và toàn quốc, để khích lệ niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo trong toàn dân trên địa bàn tỉnh.