Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Lan tỏa giá trị cốt lõi về văn hóa từ tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cập nhật lúc:   14:40:17 - 12/09/2024 Số lượt xem:   99 Người đăng:   Administrator
Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc’’ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TRẦN THANH HƯNG Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc’’ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TRẦN THANH HƯNG
Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc’’ là cuốn sách đầu tiên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề văn hóa dân tộc. Sách do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức biên tập, xuất bản đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, bạn đọc.
Nội dung cốt lõi của tác phẩm 
Tác phẩm tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, điện, thư... của cố Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Trong đó có bài viết sớm nhất là năm 1968 với tiêu đề “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” đăng trên Tạp chí Văn học, số tháng 11/1968. 
Tác phẩm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cố Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nên nguồn lực nội sinh từ sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. 
Tác phẩm có 3 phần. Phần thứ nhất tập trung vào chủ đề văn hóa là hồn cốt của dân tộc, gồm 19 bài phát biểu, bài viết của cố Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, Hội nghị tuyên giáo toàn quốc... 
Với những lập luận thuyết phục, dẫn chứng phong phú và sinh động, cố Tổng Bí thư đã giải thích cụ thể nội hàm của khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời phân tích vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát huy đầy đủ, toàn diện giá trị văn hóa Việt Nam. 
Với chủ đề phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước bền vững, phần thứ hai của tác phẩm tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, điện, thư… của cố Tổng Bí thư đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa. Qua thực tiễn phong phú và tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, cố Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản… 
Phần thứ ba của tác phẩm, từ luận điểm văn hóa đến thực tiễn cuộc sống của cố Tổng Bí thư, tác phẩm tuyển chọn 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Kim chỉ nam về văn hóa 
Là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đồng thời là một nhà văn hóa, cố Tổng Bí thư luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, vấn đề mang tính trọng tâm, đột phá chiến lược, là nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cố Tổng Bí thư cũng rất quan tâm định hướng các giải pháp thiết thực, từ những vấn đề chung cho đến từng lĩnh vực cụ thể của văn hóa. 
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng nhân dịp tết cổ truyền dân tộc, xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh:TL

Trong gần 30 năm, kể từ năm 1997, trên nhiều cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, dù rất bận, nhưng ở cương vị công tác nào, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đều quan tâm và dành thời gian đi thăm, làm việc với Đảng bộ, Nhân dân nhiều địa phương; dành những tình cảm sâu nặng, sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo rất quan trọng và quý báu, tạo động lực và giúp nhiều địa phương phát huy truyền thống cách mạng, khai thác ngày càng có hiệu quả di sản văn hóa của tiền nhân để lại, tạo nên các đột phá chiến lược để xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống mọi mặt của Nhân dân không ngừng được nâng cao. 
Nhắc lại quan điểm “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, cố Tổng Bí thư luôn căn dặn các địa phương cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có vai trò trực tiếp, bảo đảm sự thành công cho chuyển đổi phương thức phát triển nhanh và bền vững của nhiều địa phương, trong đó có Phú Yên. 
Những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ của cố Tổng Bí thư, cùng những chỉ đạo, gợi mở của đồng chí đã kịp thời động viên và tiếp thêm động lực cho các địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người, hình ảnh, thương hiệu địa phương, góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam. 
Cụ thể hóa những chỉ đạo, gợi mở của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động 15-CTr/TU ngày 19/11/2021 về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả. 
Phú Yên cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt để giảm chênh lệch giữa các vùng miền; đầu tư mạnh mẽ đồng bộ hạ tầng, nhất là các thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm nâng cao mức sống và chất lượng sống của Nhân dân. Tỉnh ưu tiên các nguồn lực, đặc biệt là khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của người dân khi được sinh sống trên vùng đất có bề dày về lịch sử, di sản văn hóa, môi trường sống lý tưởng luôn được chăm chút, bảo vệ. Bên cạnh các sự kiện văn hóa, thể thao do tỉnh tổ chức, thu hút hàng chục ngàn người về với Phú Yên, cộng đồng dân cư ngày càng giữ vai trò quan trọng, là chủ thể trong việc sưu tầm, truyền dạy, phát huy các di sản văn hóa trên vùng đất Phú Yên. 
Cùng với cả nước, Phú Yên đang hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); 50 năm Ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975-1/4/2025). Đây cũng là dịp cả nước thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025). Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” sẽ là kim chỉ nam để các địa phương tôn vinh những đóng góp, hy sinh của các thế hệ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tạo nên động lực to lớn; tiếp tục phát huy di sản văn hóa như một tài nguyên quý giá trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay. 
Những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ, cùng những chỉ đạo, gợi mở của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời động viên và tiếp thêm động lực cho các địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người, hình ảnh, thương hiệu địa phương, góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam.
TRẦN THANH HƯNG
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 72
accessibility Hôm qua: 68
account_circle Trong tháng: 343.522
account_box Trong năm: 37.033
supervisor_account Tổng truy cập: 3.177.353