Đa dạng mô hình, ý tưởng mới
Với 50 cặp cầy vòi hương, 10 con dê, 10 con bò và vịt, heo, gà..., mô hình Chăn nuôi cầy vòi hương và đa dạng hóa các loài vật nuôi tại địa phương đã giúp vợ chồng anh Trương Tấn Phúc, chị Đoàn Thị Hồng ở thôn Tân Bình, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) có thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng/năm.
Anh Phúc cho biết lúc đầu gia đình anh nuôi dê, bò, heo, gà. Tháng 3/2023, học hỏi các hộ nuôi cầy vòi hương trong và ngoài huyện, anh bắt đầu mua 5 cặp giống cầy vòi hương với giá 50 triệu đồng về nuôi. Theo anh Phúc, cầy vòi hương không khó nuôi, nhưng mang lại thu nhập cao. “Mỗi năm cầy vòi hương sinh sản 2 lứa, mỗi lần sinh sản 4-6 con. Mỗi cặp giống bán được 6-7 triệu đồng. Còn cầy thịt nuôi 6-7 tháng nặng 3-4kg, bán được 1,3 triệu đồng/kg”, anh Phúc nói.
Anh Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc cho hay: “Mô hình Chăn nuôi cầy vòi hương và đa dạng hóa các loài vật nuôi tại địa phương của vợ chồng anh Trương Tấn Phúc đã góp phần đa dạng hóa các vật nuôi trên địa bàn xã, làm thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, mô hình này được nhiều người trong và ngoài xã đến học tập nhân rộng”.
Mô hình nuôi đà điểu của gia đình ông Hoàng Văn Nhiêu ở thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) thực sự làm nhiều người hiếu kỳ, bởi đây là vật nuôi mới. Ông Nhiêu cho biết: Tôi tập tành nuôi đà điểu từ tháng 7/2021, đến nay có được 12 con. Dù là mô hình chăn nuôi mới, song lại cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hiện gia đình tôi mới chỉ nuôi đà điểu bán trứng (250.000-280.000 đồng/trứng). 2 năm qua, tôi đã bán được 40 trứng với thu nhập hơn 10 triệu đồng.
“Đà điểu là loài chim dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn của đà điểu dễ kiếm, chủ yếu là các loại rau dễ trồng, dễ mua tại địa phương. Những tín hiệu tích cực đó đã tăng thêm niềm tin để tôi tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại quyết tâm gắn bó với loài vật nuôi này”, ông Nhiêu nói.
Ngoài mô hình của vợ chồng anh Phúc và ông Nhiêu, từ ngày 2/10-1/11, đoàn khảo sát, thẩm định việc triển khai xây dựng các mô hình, sáng kiến thuộc phong trào Phú Yên đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế (gọi tắt là phong trào Đoàn kết, sáng tạo) do Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì đã khảo sát, thẩm định 50 mô hình khác nữa, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn ANTT ở cơ sở...
Tại các hộ gia đình, đoàn đã nghe chủ mô hình báo cáo, đánh giá tình hình, thực trạng của mô hình. Trên cơ sở đó, mô hình nào đảm bảo các điều kiện tính mới, tính phù hợp, tính tập thể, tính thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia... sẽ được hội đồng thẩm định. Căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại các sáng kiến, sáng chế, ý tưởng mới, hội đồng sẽ đề xuất các sáng kiến, sáng chế, ý tưởng mới tiêu biểu để Ủy ban MTTQ tỉnh công nhận và đề nghị UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh khen thưởng.
Người dân tích cực hưởng ứng
Thực hiện phong trào Đoàn kết sáng tạo giai đoạn 2021-2023, Ủy ban MTTQ tỉnh đã công nhận 88 mô hình sáng kiến, ý tưởng mới tiêu biểu, trong đó nhiều mô hình mới, giải pháp hay như các mô hình các tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, đảm bảo ANTT, ATGT; sản xuất lúa chất lượng áp dụng công nghệ 4.0; nuôi lươn thịt thương phẩm trong hồ nhân tạo; khu vườn mẫu, trồng bưởi da xanh, trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ nhằm phát triển sản phẩm OCOP gắn với vườn mẫu góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; nuôi bò 3B kết hợp với nuôi gà thả vườn và nuôi heo rừng lai; nuôi ong dú lấy mật... Hiện các mô hình này được nhân rộng, góp phần tạo thu nhập, ổn định đời sống của Nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam, qua khảo sát, thẩm định 52 mô hình đăng ký tham gia phong trào Đoàn kết, sáng tạo năm 2024 cho thấy các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực phong trào này. Các mô hình mới, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; qua đó không ngừng nâng cao trình độ, năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác, học tập, lao động, sản xuất và phục vụ đời sống...
Để phong trào Đoàn kết, sáng tạo tiếp tục lan tỏa, có hiệu quả sâu rộng hơn nữa, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của phong trào này trong giai đoạn hiện nay; tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền và các ngành chức năng về hỗ trợ hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp của Nhân dân; nhất là giới thiệu những giải pháp sáng kiến, mô hình, cách làm hiệu quả tham dự các cuộc thi sáng tạo để thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu quả rõ rệt, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Kết quả khảo sát, thẩm định 52 mô hình đăng ký tham gia phong trào thi đua Phú Yên đoàn kết, sáng tạo năm 2024 cho thấy các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực phong trào này.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam |