Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Những tấm gương công dân học tập suốt đời

Cập nhật lúc:   14:13:51 - 20/02/2025 Số lượt xem:   41 Người đăng:   Admin
Những tấm gương công dân học tập với tinh thần học tập suốt đời. Thiết kế: TRẦN QUỚI Những tấm gương công dân học tập với tinh thần học tập suốt đời. Thiết kế: TRẦN QUỚI
Học tập suốt đời, không chỉ là một khẩu hiệu mà đã trở thành một triết lý sống, một nhu cầu thiết yếu của mỗi người
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, việc không ngừng học hỏi chính là chìa khóa giúp con người thích ứng với sự thay đổi và phát triển bản thân.

Hội Khuyến học Việt Nam phát động xây dựng xã hội học tập, với các mô hình: Công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, kêu gọi mọi tầng lớp trong xã hội tham gia vào quá trình học tập liên tục, suốt đời.

 Xu thế tất yếu của thời đại

 Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn và nhiều công nghệ khác đang thay đổi cách con người làm việc và sinh sống. Những kiến thức, kỹ năng học được trong nhà trường có thể trở nên lạc hậu chỉ sau vài năm. Vì vậy, để không bị bỏ lại phía sau, mỗi cá nhân phải luôn học hỏi, cập nhật tri thức mới và rèn luyện các kỹ năng mềm.

 Học tập suốt đời không chỉ giới hạn trong môi trường giáo dục chính quy mà còn mở rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống. Người lao động cần học để nâng cao tay nghề, người cao tuổi học để nâng cao chất lượng cuộc sống, người trẻ học để khởi nghiệp và vươn xa… Chính vì thế, học tập suốt đời đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp cá nhân phát triển bền vững và đóng góp tích cực cho xã hội.

 Mô hình Công dân học tập do Hội Khuyến học Việt Nam phát động hướng đến việc xây dựng một xã hội mà ở đó mỗi người đều có cơ hội và động lực để học tập.

 Ông Nguyễn Văn Tá, Chủ tịch Hội Khuyến học Phú Yên cho biết: Mô hình Công dân học tập nhằm kêu gọi mọi công dân dù ở nghề nghiệp, vị trí nào trong xã hội cũng đều học tập. Học tập qua các khóa đào tạo; học từ thực tiễn và trải nghiệm công việc hàng ngày, từ cộng đồng và cuộc sống (tham gia các CLB, hội thảo, hội nghị chuyên đề giúp mở rộng kiến thức và phát triển kỹ năng mềm); học từ công nghệ số qua các nền tảng học trực tuyến, sách điện tử, video hướng dẫn và trí tuệ nhân tạo… đang mở ra cơ hội và phương tiện học tập chưa từng có.

Năm vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh triển khai phần mềm “Công dân học tập” đến 9/9 huyện, thị xã, thành phố và 13 cơ sở giáo dục thuộc Sở GD&ĐT. Tổng số người đăng ký phần mềm “Công dân học tập” hơn 23.000 người, được chia thành 4 nhóm: Nông dân và lao động nông thôn; công nhân, lao động tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng, lao động tự do; cán bộ quản lý, công chức, viên chức, doanh nhân, quản lý doanh nhân; học sinh sinh viên 16 tuổi trở lên.

 Anh Nguyễn Anh Quân, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ - du lịch chiếu cói An Cư (huyện Tuy An) cho biết: “Bản thân tôi không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, quảng bá sản phẩm để đáp ứng yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao. Học đi đôi với hành giúp kiến thức trở nên hữu ích và thiết thực”.

 Sáng ngời những tấm gương hiếu học

 Nhiều người tâm đắc, ngưỡng mộ khi nhắc đến những tấm gương cho tinh thần học tập suốt đời: Thầy Trần Quốc Nhuận, một thầy giáo về hưu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 68; ông Nguyễn Văn Hưng (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), một người dân bình thường lần đầu tiên trong đời bước vào giảng đường đại học chính quy ở tuổi 61, tốt nghiệp ở tuổi 65; thầy giáo dạy trẻ khuyết tật, võ sư Võ Kim Long bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

 Khi được hỏi động lực nào thôi thúc ông đi học tiến sĩ khi đã ở tuổi nghỉ ngơi vui vầy cùng gia đình con cháu, thầy Trần Quốc Nhuận (nhà giáo ưu tú, giáo viên Trường phổ thông Duy Tân) từ tốn: “Từ nhỏ, tôi rất thích nghiên cứu, tìm hiểu về môn Địa lý. Tôi nhớ đến thầy giáo năm cấp III của tôi. Thầy dạy địa lý, lịch sử rất hay. Chính thầy đã truyền thêm cảm hứng cho tôi sau này. Lúc đó thầy dẫn lại lời của Bác Hồ từng nói Lênin khuyên chúng ta: Học, học nữa, học mãi. Tôi và chúng ta hãy lắng nghe lời Bác chỉ dạy. Người là vị cha già kính yêu của dân tộc. Những lời Người dạy dỗ tôi nhớ mãi và luôn nhắc mình phải tiếp tục học”.

 Ngày bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, thầy Nhuận vui đến rơi nước mắt. Vì sự học của ông không giống những người trẻ, những người còn lao động và có vị trí xã hội, có điều kiện về tài chính. Ông vừa học vừa đi dạy thêm để có chi phí trang trải cuộc sống và lo cho việc học. Tất cả các khoản đều phải chi tiêu tiết kiệm nhất có thể, để dành tiền đóng học phí và mua tài liệu.

 “Tôi thật sự vui lắm. Công sức bao nhiêu năm học tập nghiên cứu, tôi đã tự học tiếng Anh, đọc rất nhiều sách, tài liệu nước ngoài và tôi được mở mang tầm mắt rất nhiều. Tôi tự thấy những hiểu biết của mình vẫn còn ít lắm. Ngoài kia là cả một bầu trời tri thức”, thầy Nhuận chia sẻ.

 Đối với ông Nguyễn Văn Hưng, năm 1977, ông tốt nghiệp 12, rồi đi bộ đội chiến trường K. Trở về, cuộc sống mưu sinh không cho phép ông học tiếp. 40 năm sau, khi con cái đã yên bề gia thất, ông quyết định đi học đại học chính quy (Trường đại học Phú Yên). 4 năm ròng rã, ông Nguyễn Văn Hưng vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để trở thành cử nhân ở tuổi 65 trong sự ngưỡng mộ của bạn bè, thầy cô và niềm hạnh phúc của riêng mình.

 Ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Tôi chẳng có mưu cầu gì. Tôi muốn một lần trong đời bước qua giảng đường đại học, điều mà tôi chưa thể làm cách đây hơn 40 năm. Tôi học để làm gương cho con cháu về điều mà tôi vẫn thường nhắc nhở chúng thường ngày: tri thức là vô biên, những hiểu biết của mình là vô cùng hữu hạn, nên phải học tập suốt đời”. Có tấm bằng cử nhân, ông Hưng tiếp tục học sau đại học, kiên trì chạy xe máy đi về Tuy Hòa - Quy Nhơn, hiện nay hoàn thành 1/2 chương trình cao học, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam (Trường đại học Quy Nhơn).

 Hành trình trở thành tiến sĩ của thầy giáo Võ Kim Long (SN 1977, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên) đầy sự nỗ lực. Từ nhỏ, Võ Kim Long là tấm gương trò nghèo vượt khó học giỏi. Từ nhà ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), anh đạp xe đạp 40km vào TP Tuy Hòa để học và lần lượt tốt nghiệp cao đẳng, đại học, rồi thạc sĩ. Đồng thời, Võ Kim Long hăng say tập luyện võ cổ truyền. Năm 2004, anh chính thức được Hội đồng chuyên môn Liên đoàn Võ thuật Quốc gia cấp bằng võ sư, lúc ấy anh 27 tuổi, một trong những võ sư trẻ nhất cả nước. Sau đó không lâu, Võ Kim Long thi nâng cấp lên võ sư cao cấp, là trọng tài võ cổ truyền cấp quốc gia.

 Đối với thầy giáo dạy trẻ khuyết tật Võ Kim Long, sự học là không ngừng. Trước tết Ất Tỵ, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục, với đề tài “Quản lý hoạt động dạy học hòa nhập trẻ khuyết tật tại các trường tiểu học khu vực Nam Trung Bộ”. Tâm huyết của anh là được truyền dạy những kiến thức, cả về chuyên môn sư phạm lẫn tinh hoa võ học, đến các bạn trẻ. Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo, Phó Chủ tịch, Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam, nhận xét: Võ sư Kim Long là một nhân tài võ học và thực học, từ một võ sư trẻ, trọng tài quốc gia và cũng từ một giáo viên tiểu học đã nỗ lực, phấn đấu học tập để trở thành tiến sĩ, thật đáng quý!

Nguồn BPY

Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 40
accessibility Hôm qua: 66
account_circle Trong tháng: 231.246
account_box Trong năm: 3.175
supervisor_account Tổng truy cập: 3.187.547