Chủ động từ cơ sở
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đang tiến hành kiểm tra công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) năm 2024 tại ủy ban MTTQ 9 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Hà Lương Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tây Hòa cho biết: Năm 2024, Ủy ban MTTQ huyện Tây Hòa tổ chức giám sát được 2 chuyên đề, đó là giám sát quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân tại UBND thị trấn Phú Thứ và UBND xã Sơn Thành Đông; giám sát việc quản lý và khai thác khoáng sản tại UBND xã Hòa Phú và Hòa Bình 1.
Đối với cấp xã, 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện chuyên đề giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ thông qua các cuộc họp chi bộ, sơ kết, tổng kết đánh giá cuối năm và tại các hội nghị, các cuộc đối thoại, các cuộc họp dân… để theo dõi cán bộ, đảng viên tại cơ sở.
Về PBXH, Ủy ban MTTQ huyện tổ chức được 2 hội nghị PBXH về dự thảo Đề án định hướng phát triển du lịch huyện Tây Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Quyết định về việc phân cấp cho phòng nội vụ thực hiện giải quyết 3 thủ tục hành chính về lĩnh vực tôn giáo thuộc thẩm quyền của UBND huyện Tây Hòa. Riêng cấp xã chỉ mới tổ chức lấy ý kiến PBXH bằng văn bản với 13 dự thảo các văn bản do cấp trên triển khai.
Những việc làm này của ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Tây Hòa là chưa nhiều, song theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, hoạt động GS, PBXH năm 2024 của huyện này đã có nhiều tiến bộ so với trước đây và đề nghị trong năm 2025, MTTQ cấp xã trên địa bàn huyện phải thực hiện cho được công tác PBXH bằng hình thức trực tiếp thông qua những vấn đề người dân quan tâm ngay tại địa phương.
Ở nhiều địa phương như Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân, Phú Hòa, Sơn Hòa, đoàn kiểm tra của Ủy ban MTTQ tỉnh cũng ghi nhận sự chủ động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện GS, PBXH. Ðó là mở rộng nội dung và hình thức giám sát, phản biện; lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xuất phát từ những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc.
Qua đó khẳng định tính đúng đắn của chủ trương tăng cường GS, PBXH, giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.
Nhiều kinh nghiệm được rút ra
Từ thực tế thực hiện công tác GS, PBXH của MTTQ các huyện, thị xã, thành phố năm 2024, nhiều kinh nghiệm đã được rút ra. Đó là nơi nào cấp ủy, chính quyền, ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên có nhận thức đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác GS, PBXH thì công tác này thực hiện đạt hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TX Sông Cầu chia sẻ: Ủy ban MTTQ thị xã vừa hoàn thành chương trình giám sát chuyên đề về việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của cử tri và việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu HĐND thị xã khóa XII từ năm 2021 đến nay.
Để đảm bảo tính khách quan, chính xác, đầy đủ, đoàn giám sát đã tiến hành thu thập thông tin qua các báo cáo công tác từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024 của Thường trực HĐND thị xã và kèm các phụ lục hoạt động của các đại biểu HĐND thị xã; lựa chọn mời thành viên tham gia đoàn giám sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực được giám sát; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình giám sát... “Đây là chuyên đề khó, nhưng bằng sự chủ động, MTTQ thị xã đã hoàn thành công tác này”, ông Lợi nói.
Nhiều năm tham gia hoạt động GS, PBXH của địa phương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa Phạm Hiểu cho rằng cấp ủy các cấp cần quan tâm và làm tốt công tác lãnh đạo, xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ MTTQ, nhất là cán bộ làm công tác GS, PBXH đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chính quyền cần bảo đảm các điều kiện cần thiết cho MTTQ thực hiện công tác GS, PBXH; phát huy có hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên trên các lĩnh vực.
Nâng cao hiệu quả công tác GS, PBXH được xem là một phương thức lãnh đạo của Ðảng nhằm xây dựng sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo tiền đề triển khai thắng lợi chủ trương, đường lối, quyết sách của Ðảng.
Năm 2024, ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có sự chủ động trong thực hiện công tác GS, PBXH. Ðó là mở rộng nộidung và hình thức giám sát, phản biện; lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xuất phát từ những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc. |
NGUỒN BPY