Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Tạo cơ hội cho nữ giới tiếp cận sở hữu trí tuệ

Cập nhật lúc:   14:39:48 - 27/04/2023 Số lượt xem:   285 Người đăng:   Administrator
Các nữ giảng viên Trường đại học Phú Yên nghiên cứu cây trà Mã Dọ. Ảnh: LỆ VĂN Các nữ giảng viên Trường đại học Phú Yên nghiên cứu cây trà Mã Dọ. Ảnh: LỆ VĂN
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ để tôn vinh thành quả sáng tạo. SHTT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt bình đẳng giới trong nghiên cứu KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST), khuyến khích phụ nữ tham gia, sử dụng hệ thống SHTT là vấn đề mà Việt Nam và nhiều nước khác đang hướng tới. 
Nhằm tôn vinh vai trò của SHTT trong đời sống, nâng cao nhận thức của cộng đồng, Tổ chức SHTT thế giới (WIOP) đã chọn ngày 26/4 hàng năm là ngày SHTT thế giới. Chủ đề ngày SHTT thế giới năm 2023 được WIOP công bố là “Phụ nữ với SHTT - Thúc đẩy ĐMST”. 
Từng bước khẳng định vai trò 
WIPO luôn tôn trọng bình đẳng giới trong lĩnh vực SHTT nên đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho các nhà sáng tạo, nữ doanh nhân nhằm giúp họ sử dụng SHTT như là công cụ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, ĐMST, phát triển doanh nghiệp; thu hẹp khoảng cách của nhà khoa học nữ, nữ doanh nhân, nhà sáng tạo nữ, cũng như tạo cơ hội cho họ tiếp cận hệ thống SHTT, giúp họ có thể cạnh tranh một cách công bằng. 
Theo WIPO, phụ nữ có thể hưởng lợi từ SHTT theo những cách sau: Bảo vệ các phát minh, sáng tạo và sản phẩm của họ khỏi việc sử dụng, sao chép hoặc khai thác trái phép; tạo thêm thu nhập từ việc cấp phép hoặc bán SHTT của họ; thiết lập quan hệ đối tác thương mại và các cơ hội hợp tác khác; đạt được sự công nhận về công việc của họ và bảo vệ danh tiếng của họ; đảm bảo kiểm soát chất lượng công việc và sản phẩm của họ; tăng giá trị của doanh nghiệp hoặc thương hiệu của họ. 
Thống kê của WIPO cho thấy, chỉ 16,5% nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ; tại Hoa Kỳ, nam giới đăng ký nhiều gấp đôi so với nữ giới. Phụ nữ hầu như rất ít tham gia vào hệ thống SHTT, bởi họ ít có khả năng được đào tạo và khuyến khích tham gia vào các lĩnh vực STEM (Khoa học - Science, Công nghệ - Technology, Kỹ thuật - Engineer, Toán học - Math) cũng như rất ít nhận được các nguồn lực họ cần để giúp thành công trong kinh doanh; ít có khả năng theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực quản lý và SHTT; ít có khả năng nhận thức được các cơ hội cố vấn và thăng tiến trong các lĩnh vực về SHTT… 
Tuy nhiên, từ năm 2007-2016, số đơn đăng ký sáng chế do phụ nữ nộp theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế của WIPO đã tăng gần gấp đôi. Điều này thể hiện sự chuyển dịch, thay đổi, tăng cường sự đóng góp của phụ nữ trong các ngành sáng tạo. 
Tại Việt Nam, KH&CN hiện là một trong tám lĩnh vực trọng tâm trong mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Trong nhiều năm qua, phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động nghiên cứu KH&CN và ĐMST. Số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học có sự gia tăng, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. Trong đó, nhiều giải pháp sáng tạo đã được thương mại hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
Việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu KH&CN đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế và văn hóa đất nước, từ đó cũng mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Các hoạt động ĐMST cũng được đẩy mạnh bởi những nỗ lực của phụ nữ, từ đầu tư cho các nền tảng công nghệ, đến tạo ra các thương hiệu mới… Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận.
Giải pháp “Ứng dụng than hoạt tính từ gáo dừa để tinh sạch rượu gạo lên men truyền thống” của cô giáo Huỳnh Thị Chung (bìa phải) ở TP Tuy Hòa. Ảnh: LỆ VĂN

Thúc đẩy nữ giới nghiên cứu KH&CN 
Nhà nước ta đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay HTX do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực SHTT. 
Một trong những chính sách nổi bật những năm gần đây đó là đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (gọi tắt là Đề án 939 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Theo đó tại Phú Yên, UBND tỉnh đã giao Hội LHPN tỉnh là cơ quan thường trực thực hiện Đề án 939 và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 939. 
Kết quả từ năm 2017 đến nay, Đề án 939 đã hỗ trợ, kết nối, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý kinh doanh, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, kết nối - tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù nhiều rào cản đã dần được tháo gỡ, song nhiều phụ nữ vẫn chưa mặn mà với các hoạt động khởi sự kinh doanh; có ý tưởng khởi nghiệp song quyết tâm chưa cao, đặc biệt nhiều chị em đã lớn tuổi, trình độ tiếp nhận KH&CN hạn chế, phương thức kinh doanh chỉ dựa kinh nghiệm nên dẫn đến tình trạng ngại thay đổi, ĐMST. Đồng thời, việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Đề án 939 chủ yếu là lồng ghép, phối hợp nên kết quả chưa thật sự rõ nét. 
Chính vì vậy, việc khuyến khích phụ nữ tham gia và sử dụng hệ thống SHTT ngày càng nhiều hơn để có thể tối ưu hóa khả năng sử dụng công nghệ của họ; cung cấp cho phụ nữ công nghệ và tài nguyên cần thiết để có thể tham gia vào việc đầu tư, sáng tạo và tiếp cận các cơ hội kinh doanh, cơ hội học hỏi về công nghệ, mở rộng các kỹ năng và định hướng xã hội của bản thân. Việc tôn trọng, xác lập và thực thi nghiêm túc quyền SHTT của phụ nữ sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sức sáng tạo của con người nói chung và phụ nữ nói riêng, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội. 
Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và sử dụng hệ thống SHTT, tham gia hoạt động nghiên cứu KH&CN, tích cực hội nhập quốc tế, trong thời gian đến cần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung và phụ nữ trong hoạt động SHTT, nghiên cứu KH&CN nói riêng thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. Xã hội và chính giới nữ cần đổi mới, đa dạng hóa về hình thức thể hiện và nội dung tuyên truyền bình đẳng giới trên nhiều phương tiện, môi trường khác nhau. Song song đó cần xây dựng và cụ thể hóa các chính sách bình đẳng giới trong hoạt động SHTT, nghiên cứu KH&CN như: Chính sách nâng lương, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, lựa chọn và tuyển dụng…; đồng thời cần có chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên đối với nữ trí thức làm công tác SHTT, nghiên cứu KH&CN…
Theo thống kê của WIOP, chỉ 16,5% nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ. Vì vậy vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống SHTT cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo giúp họ có thể cạnh tranh một cách công bằng.
LÊ THỊ THU THỦY
Phó trưởng phòng Quản lý KH&CN, Sở KH&CN
Nguồn: Báo Phú Yên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 12
accessibility Hôm qua: 80
account_circle Trong tháng: 275.166
account_box Trong năm: 23.789
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.109