Là doanh nghiệp được Bộ KH&CN giao thực hiện đề tài “Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên”, thời gian qua, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã triển khai và đạt nhiều kết quả mà dự án đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, cho biết: “Dự án này thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, với tổng kinh phí hơn 40 tỉ đồng, trong đó ngân sách khoa học hơn 19,3 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Qua thời gian triển khai, đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng được 2 mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ đạt sản lượng 5 tấn/mô hình/vụ. Đồng thời xây dựng quy trình công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể có hệ thống tuần hoàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Việc triển khai thành công dự án đã mở ra cách nuôi tôm hùm mới, vừa tránh được dịch bệnh, vừa không bị ảnh hưởng thiên tai và không gây ô nhiễm môi trường”.
Rất cần sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, để đưa KH-CN&ĐMST phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thời gian đến, Bộ KH&CN cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tham gia phát triển ứng dụng KH-CN&ĐMST; tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai một số nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ KH-CN thực hiện Nghị quyết 19 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhanh kết quả nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất….
 |
Bộ trưởng KH&CN (thứ 3 từ trái qua) tham quan mô hình nuôi tôm hùm trên bờ ở Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Ảnh: LỆ VĂN |
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Phú Yên có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao… Vì vậy, nếu Phú Yên đầu tư tương xứng, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, dịch vụ, công nghệ mới và cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực KH-CN&ĐMST.
“Thời gian tới, Phú Yên cần phải có nhiều giải pháp về KH-CN mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Cách tiếp cận để đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN của tỉnh với việc triển khai các chương trình KH-CN cấp quốc gia để giải quyết bài toán quy mô lớn, có tính lan tỏa cao; hợp tác quốc tế, tìm kiếm chuyển giao các công nghệ hiện đại để phát triển các sản phẩm chủ lực về thủy sản, nông nghiệp, vấn đề truy xuất nguồn gốc, định danh mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch…”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy lưu ý thêm.
Nhằm tiếp tục phối hợp hoạt động KH-CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh, Bộ KH&CN và UBND tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp về KH-CN&ĐMST, giai đoạn 2023-2030. Chương trình phối hợp này nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển KH&CN&ĐMST đến năm 2030 tại Phú Yên. Song song đó, hai bên tăng cường sự phối hợp trong hoạt động KH-CN&ĐMST để nâng cao hiệu quả hợp tác nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 50 của Ban Bí thư, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Chương trình này sẽ huy động các nguồn lực đầu tư cho KH-CN&ĐMST; thúc đẩy phát triển một số sản phẩm có lợi thế đặc thù của địa phương phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhanh kết quả nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất, khẳng định vai trò, vị thế của KH-CN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…