Sự cố cáp quang biển IA, APG: Sẽ phải mất vài tuần để khắc phục

Cập nhật lúc:   09:48:21 - 12/01/2021 Số lượt xem:   432 Người đăng:   Administrator
Ảnh minh họa Ảnh minh họa
Trong những ngày đầu năm 2021, IA và APG - hai trong năm tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, đã gặp sự cố.
Theo đó, tuyến cáp IA gặp sự cố vào 12 giờ 52 ngày 1/1/2021. Nguyên nhân là do lỗi cáp trên phân đoạn 1, cách trạm cập bờ tại Singapore của tuyến cáp khoảng 49km. Sự cố gây ảnh hưởng toàn bộ dung lượng kết nối hướng Singapore. Còn với APG, vào 6h45 ngày 9/1/2021, tuyến cáp biển này gặp sự cố trên nhánh S3, làm gián đoạn thông tin trên hướng kết nối đi Hongkong, Nhật Bản. 
Hiện các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cũng chưa nhận được kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên hai tuyến cáp biển IA và APG. Tuy nhiên, Viettel, VNPT và FPT là những nhà mạng đang sử dụng nhiều dung lượng trên 2 tuyến cáp biển IA, APG đều đã triển khai phương án chuyển hướng lưu lượng. 
Thông tin từ VNPT cho hay ngay sau khi xảy ra sự cố, VNPT Net và các VNPT tỉnh, thành phố trên cả nước đã khẩn trương tiến hành cân tải qua các hướng cáp quốc tế khác để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng. Tương tự với CMC Telecom, đại diện nhà mạng này cho biết đã đã chủ động chuyển sang các hướng cáp khác, gồm cả hướng cáp xuyên Đông Nam Á (A-Grid), kết nối Internet từ Việt Nam qua các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. 
Viettel cũng đã dự kiến bổ sung khoảng 800 Gbps cho tuyến cáp AAE-1 và 300 Gbps cho tuyến APG hướng đi Singapore. Cũng theo đại diện Viettel, quá trình phân bổ, điều chuyển lưu lượng quốc tế giữa các tuyến cáp được hệ thống của Viettel thực hiện tự động để kịp thời duy trì chất lượng dịch vụ cho khách hàng Viettel và cả các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế trên các tuyến cáp biển này. 
Nhà mạng này cũng lưu ý, việc sự cố đồng thời trên 2 tuyến cáp biển cũng có thể khó tránh khỏi hiện tượng chập chờn vào các khung giờ cao điểm (20 giờ-22 giờ). 
Đại diện Viettel cũng khẳng định, các sự cố trên cáp quang biển quốc tế không ảnh hưởng tới chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước sử dụng các nền tảng phần mềm do Viettel phát triển và hệ thống máy chủ (Server) đặt tại Việt Nam vì các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước, không phụ thuộc vào đường cáp quang biển quốc tế. 
Trên thực tế, việc các tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố khá thường xuyên, do đó không chỉ Viettel, VNPT và CMC mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước đều luôn dự phòng và khá quen thuộc với tình huống phải triển khai các phương án ứng phó, khắc phục sự cố cáp biển. 
Theo ông Vũ Thế Bình, CEO Công ty NetNam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), các nhà mạng Việt Nam nhìn chung đã quen với việc ứng phó với các sự cố cáp biển. Họ sẽ bổ sung dung lượng thiếu hụt qua các kênh cáp biển khác như AAG và qua các tuyến cáp đất liền ở phía Bắc và phía Tây Nam. 
"Với riêng NetNam, chúng tôi cũng thực hiện giống như các nhà mạng khác là mở lưu lượng bù qua các kênh khác, với các kịch bản đã được chuẩn bị sẵn. Chất lượng dịch vụ về cơ bản không ảnh hưởng nhiều, một phần do NetNam chỉ có các nhóm khách hàng tổ chức - doanh nghiệp, nơi có nhu cầu băng thông không lớn, nhưng cần chất lượng ổn định. Tất nhiên một số đích có thể ảnh hưởng có tính chất cục bộ, khi đó các kỹ sư NetNam sẽ phải thực hiện các kỹ thuật tối ưu qua các tuyến cáp khác", ông Bình nhấn mạnh. 
Ông Bình cũng cho biết thêm nếu sự cố liên quan đến đứt cáp dưới đáy biển, thông thường sẽ cần từ 2-4 tuần để khắc phục. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào tình hình thời tiết ở khu vực cáp gặp sự cố. 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 56
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.892
account_box Trong năm: 23.515
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.835