Ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá cho nông nghiệp

Cập nhật lúc:   15:08:55 - 21/07/2022 Số lượt xem:   269 Người đăng:   Administrator
Nghiên cứu và ứng dụng KH-CN trong nuôi cấy mô ở Trung tâm KH-CN (Trường đại học Phú Yên). Ảnh: LỆ VĂN Nghiên cứu và ứng dụng KH-CN trong nuôi cấy mô ở Trung tâm KH-CN (Trường đại học Phú Yên). Ảnh: LỆ VĂN
Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phục vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025 là chương trình tổng hợp thuộc lĩnh vực KH-CN, nhằm tập trung ưu tiên hỗ trợ việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình mẫu trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức, các đối tượng kinh tế tập thể, doanh nghiệp để làm cơ sở nhân rộng kết quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Nhất là ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và xây dựng nông thôn mới. 
Tăng cường ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp 
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH-CN vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện đã lai tạo thành công một số giống cây nông nghiệp có ưu thế vượt trội và xây dựng được một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉ lệ cơ giới hóa một số khâu trong quy trình sản xuất tăng, nhất là khâu làm đất, tưới nước và thu hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định như năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh còn thấp. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Nhiều mô hình ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp có triển vọng chưa được tổng kết, đánh giá kịp thời, chưa tuyên truyền sâu rộng để nông dân tiếp thu, nhân rộng. Hiện chưa có các chương trình, đề án nghiên cứu KH-CN trọng điểm dài hạn (10-20 năm) đối với một số đối tượng chủ lực của ngành để tạo ra chuỗi sản phẩm cuối cùng là các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực có năng suất, chất lượng cao, ổn định, bền vững và tác động rõ rệt đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 
Là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh với trên 6.500ha, nhưng giá trị kinh tế mà cây lúa đem lại cho người dân Tây Hòa chưa cao. Để giải quyết bài toán này, huyện Tây Hòa đã đưa ra định hướng phát triển cây lúa và sản phẩm lúa, gạo theo hướng chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất. Trong đó chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lúa, gạo Tây Hòa để nâng tầm giá trị cây lúa. Mặt khác, UBND huyện Tây Hòa cũng thực hiện việc hỗ trợ vốn, bao bì, phát triển thị trường cho các sản phẩm này nhằm nâng tầm lúa, gạo địa phương. 
Ông Lương Công Xem, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), cho biết: “Để phát triển nhãn hiệu hạt gạo Tây Hòa, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong đã liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm xây dựng quy trình trồng, chăm sóc lúa theo hướng sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra sản phẩm gạo sạch bán ra thị trường. Bên cạnh đó, HTX cũng thực hiện dán mã QR code để người dùng có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm”.
Người dân huyện Phú Hòa ứng dụng KH-CN vào quy trình sản xuất nấm mối đen. Ảnh: LỆ VĂN

Gia tăng giá trị hàng hóa 
Trong thời gian đến, để gia tăng giá trị hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và xây dựng nông thôn mới, theo ông Dương Văn Nghị, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KH-CN), sở sẽ phối hợp với các cấp, ngành, các nhà khoa học nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm ứng dụng rộng rãi giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống, hệ thống canh tác, quản lý dịch bệnh, tạo ra chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời ứng dụng công nghệ di truyền để chọn lọc giống, tạo giống chất lượng và bảo tồn nguồn gen; sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, quy trình VietGAP… 
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển ứng dụng KH-CN và ĐMST phục vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề cập chi tiết và cụ thể Chương trình ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngoài việc nghiên cứu và ứng dụng KH-CN để gia tăng giá trị hàng hóa thì chương trình này còn nghiên cứu làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất giống thủy sản; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao nuôi trồng theo hướng thâm canh; đẩy mạnh hình thức nuôi thủy hải sản bằng lồng, bè trên biển, các mô hình nuôi kết hợp bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cấp đông bảo đảm chất lượng hải sản đánh bắt trên biển. Đồng thời, chương trình nghiên cứu thử nghiệm, khảo nghiệm một số cây lâm nghiệp mới có giá trị kinh tế cao gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển rừng sản xuất gỗ lớn có giá trị kinh tế cao gắn với chế biến; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong lâm nghiệp… 
Cũng theo ông Phú, Chương trình ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và xây dựng nông thôn mới còn nghiên cứu xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất nông nghiệp như: Ứng dụng các thiết bị cảm biến, thông minh điều khiển tự động quá trình sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ đèn led trong canh tác để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng; sử dụng các thiết bị bay không người lái khảo sát, thu thập, phục vụ quản lý sản xuất; ứng dụng quy trình quản lý phục vụ kết nối các hoạt động từ trang trại với bên ngoài (quản lý sản phẩm theo chuỗi giá trị; truy xuất nguồn gốc...). 
“Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, chương trình này phải chọn tạo ít nhất từ 2-3 giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ; tuyển chọn được 3-5 giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao. Mặt khác phải làm chủ ít nhất công nghệ sản xuất hai giống thủy sản có giá trị kinh tế cao; ít nhất một sản phẩm nông nghiệp được công nhận sáng chế/giải pháp hữu ích một giống/sản phẩm/quy trình sản xuất/giải pháp kỹ thuật/giải pháp quản lý trong nông nghiệp được công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp; ít nhất một mô hình ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời bảo tồn và khai thác ít nhất hai nguồn gen có giá trị kinh tế và sản xuất ít nhất hai chế phẩm sinh học”, ông Dương Bình Phú cho hay. 
Để xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, không còn con đường nào khác là phải tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. 
                                                      Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 58
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.800
account_box Trong năm: 20.560
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.880