Sáng tạo kỹ thuật Sáng tạo kỹ thuật

GS Phan Thành Nam: Truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học và học tập cho học sinh

Cập nhật lúc:   15:15:20 - 07/09/2022 Số lượt xem:   1337 Người đăng:   Administrator
GS Phan Thành Nam có buổi giao lưu, nói chuyện với học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh vào sáng 5/9. Ảnh: TRUNG HIẾU GS Phan Thành Nam có buổi giao lưu, nói chuyện với học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh vào sáng 5/9. Ảnh: TRUNG HIẾU
GS.TS Phan Thành Nam, người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Hội Toán học châu Âu (EMS) năm 2020, vừa trở về trường cũ, nơi ông từng học ba năm lớp chuyên Toán (2000-2003) - Trường THPT chuyên Lương
Dịp này, Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với GS.TS Phan Thành Nam về những chương trình và dự định của ông trong chuyến về làm việc tại quê nhà Việt Nam, sau khi nhận giải thưởng EMS. 
* Là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, lần này về lại mái trường xưa trong ngày khai giảng năm học mới, cảm giác của giáo sư như thế nào? 
- Được trở về mái trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đúng dịp khai giảng năm học 2022-2023 tôi rất cảm động. Sự tiếp đón nồng hậu của thầy cô và các bạn học sinh đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc, giống như tôi mới rời ngôi trường này hôm qua vậy. 
* Cảm nhận về buổi giao lưu với thầy cô, các em học sinh ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh là gì, thưa giáo sư? 
- Tôi cảm thấy các bạn học sinh của trường rất dạn dĩ, không giống như tôi trước đây rất bỡ ngỡ khi đặt câu hỏi với những anh chị đi trước. Tại buổi giao lưu này, các bạn đặt ra những câu hỏi rất thiết thực. Thông qua những câu hỏi, câu trả lời, tôi hy vọng các em sẽ cảm nhận được một người bình thường từ Phú Yên nhưng nếu có một tấm lòng chân thành, muốn học hỏi, tự tin vào bản thân thì hoàn toàn có thể vươn tới những đỉnh cao của thế giới. Vì thế, trong lúc nói chuyện, tôi cố gắng đưa ra lời khuyên rất căn bản. Còn về lâu dài, ngọn lửa đó phải được nuôi dưỡng từ các thầy cô giáo, những hoạt động thường kỳ hàng năm, thậm chí nhiều năm chứ không thể chỉ có một buổi giao lưu, chia sẻ sẽ có kết quả ngay được. Qua buổi giao lưu hôm nay, tôi rất hy vọng sẽ gieo vào các bạn một niềm tin thành công trong tương lai. 
Tôi trao đổi với thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng nhà trường về việc sẽ có thêm những buổi giao lưu nhưng có thể quy mô nhỏ hơn, đặc biệt dành cho các bạn chuyên Toán. Tôi rất trông chờ vào những buổi giao lưu sắp tới hoặc có thể gặp gỡ, trao đổi giao lưu với những giáo viên dạy học trong toàn tỉnh về những phương pháp dạy và học môn Toán. Tôi hy vọng sẽ góp được phần nào giúp mọi người có thêm cách nhìn mới về môn học này. 
* Đợt này về Việt Nam, giáo sư có dự định thực hiện những công trình, phần việc gì trong lĩnh vực toán học? 
- Năm nay tôi về Việt Nam trong thời gian ba tháng. Từ tháng 8, tôi đã làm việc tại Hà Nội ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán học với những hoạt động khoa học rất quan trọng. Trong tháng 9 này, tôi sẽ ở Phú Yên giao lưu và làm việc với các bạn trẻ, các giáo viên như buổi giao lưu hôm nay. Tháng 10, lịch làm việc dự kiến của tôi là gặp gỡ sinh viên các trường đại học trên toàn quốc, như Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… 
* Năm 2020, giáo sư vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng của Hội Toán học châu Âu. Giáo sư có thể chia sẻ về những dự án, công trình nghiên cứu mới? 
- Hiện tại tôi có một số dự án rất quan trọng; trong đó có những dự án đã và đang triển khai ở Việt Nam. Trong đợt về nước lần này, ngoài làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán học, tôi đã nhận một bạn nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và bạn này sẽ sang Đức làm việc với tôi. Tôi cũng đã kết nối rất cụ thể với một số nhà toán học trong nước, hy vọng sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai được một số mạng lưới về vật lý và toán, sẽ lan tỏa không chỉ ở Việt Nam mà kết nối được với các nước, kể cả đào tạo và nghiên cứu. 
* Đội tuyển Olympic Toán học Việt Nam vừa tham gia kỳ thi quốc tế và đạt thành tích rất tốt, trong đó có bạn đạt điểm tuyệt đối. Giáo sư đánh giá thế nào về khả năng toán học của người Việt Nam? 
- Qua theo dõi, tôi thấy trình độ toán học Việt Nam gần như tiệm cận với thế giới. Đây là điểm rất đặc biệt so với các nước có trình độ phát triển tương đương, vì gần như không có quốc gia nào đạt được thành tích về toán như Việt Nam. Vấn đề duy nhất tôi thấy Việt Nam cần cải thiện để đạt được đẳng cấp khoa học quốc tế đó là những đề tài nghiên cứu. Hiện nay, nhiều giáo sư, các nhóm nghiên cứu tập trung vào những đề tài có trước đó trong thời gian dài và họ cần có mối cộng tác, thảo luận với những nguồn nghiên cứu chính thống trên thế giới. Còn về năng lực nghiên cứu, tôi hoàn toàn tin tưởng vào các nhà khoa học Việt Nam. Đặc biệt là lớp học sinh kế cận của Việt Nam rất giỏi. 
* GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn là những nhà toán học rất giỏi, gần đây họ quay về Việt Nam sống và làm việc, giáo sư có nghĩ một ngày nào đó, ông sẽ về quê hương hay làm việc theo phương pháp của thế giới phẳng? 
- Tôi được biết, GS Ngô Bảo Châu và GS Vũ Hà Văn không phải dành toàn thời gian về Việt Nam làm việc mà dành nhiều thời gian cho những hoạt động ở Việt Nam để phát triển toán học. Tôi bây giờ cũng vậy, cảm thấy rất có trách nhiệm làm những hoạt động tương tự như các giáo sư, những nhà khoa học đi trước. Thời gian gần đây, là một thành viên trong Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán học Việt Nam, tôi đã trao đổi rất nhiều với các giáo sư ở đó, đặc biệt là GS Ngô Bảo Châu. Tôi rất vui mừng và vinh dự góp phần vào sự phát triển toán học Việt Nam và những hoạt động cụ thể sẽ triển khai sắp tới. 
* Xin cảm ơn giáo sư!
Trong tháng 9 này, tôi sẽ ở Phú Yên giao lưu và làm việc với các bạn trẻ, các giáo viên. Tháng 10, lịch làm việc dự kiến của tôi là gặp gỡ sinh viên các trường đại học trên toàn quốc, như Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
TRUNG HIẾU (thực hiện)
Nguồn: Báo Phú Yên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 100
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.842
account_box Trong năm: 20.602
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.922