Sáng tạo kỹ thuật Sáng tạo kỹ thuật

Sân chơi trí tuệ cho học sinh đam mê nghiên cứu khoa học

Cập nhật lúc:   14:33:13 - 01/02/2023 Số lượt xem:   424 Người đăng:   Administrator
Ban Giám khảo cuộc thi KHKT cấp tỉnh lần thứ 10 dành cho học sinh trung học, năm học 2022-2023 chấm các dự án dự thi. Ảnh: HIẾU TRUNG Ban Giám khảo cuộc thi KHKT cấp tỉnh lần thứ 10 dành cho học sinh trung học, năm học 2022-2023 chấm các dự án dự thi. Ảnh: HIẾU TRUNG
Sở GD-ĐT vừa trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh lần thứ 10 dành cho học sinh trung học, năm học 2022-2023. Cuộc thi là sân chơi trí tuệ, khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ, giúp tăng cường năng lực theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Cuộc thi diễn ra trong 3 ngày, có 87 dự án của 162 học sinh tham gia; trong đó khối THCS có 33 dự án, khối THPT có 54 dự án. 
Nhiều dự án có khả năng ứng dụng vào đời sống 
Trong 87 dự án tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh lần này, ở khối THCS, nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo phù hợp với trình độ, gắn liền với kiến thức phổ thông. Một số dự án liên quan đến việc học tập, lao động, sản xuất, phòng chống dịch COVID-19... Khối THPT, học sinh tập trung nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, robot và máy thông minh, khoa học xã hội hành vi... 
Một số dự án có khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống thực tiễn như dự án: ICARUS - Thiết bị bay hỗ trợ khảo sát địa chất, quan trắc mặt đất, thu thập dữ liệu thời tiết, khí tượng, phát hiện và phòng chống thiên tai, cháy rừng của em Huỳnh Thái Bảo, lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa); dự án MetaTravel - Du lịch qua thế giới ảo của đồng tác giả Vũ Tùng Minh, lớp 11 Tin và Ngô Đại Thanh Quang, lớp 11 Sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh; dự án Hệ thống đảm bảo an toàn lao động sử dụng trí tuệ nhân tạo AI của đồng tác giả Đỗ Huy Hoàng và Phan Nguyễn Gia Tôn, lớp 9A Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (huyện Đồng Xuân)... 
Em Huỳnh Thái Bảo, lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Huệ, chia sẻ: “Hiện nay, với sự phát triển của KHKT, các thiết bị bay không người lái (flycam) dần phổ biến trong cuộc sống thường ngày, nhất là ở lĩnh vực quay phim, chụp ảnh. Để thực hiện dự án trên, em lên ý tưởng về kiểu dáng, cơ chế khí động học để làm khung máy bay rồi vẽ bản vẽ 3D, lắp ráp khung của sản phẩm. Đồng thời, em dùng phần mềm Shapr3D, Creo Parametric và SketchUp để vẽ khung 3D, xuất file dưới dạng file in 3D, sau đó in 3D khung máy bay thành các phần nhỏ, ráp khung máy bay. Sơ đồ mạch điện, phân bố các linh kiện trong thân máy bay, cân bằng, tìm điểm CG và cân bằng CG, cân đo lại trọng lượng so với lực đẩy của motor, cài đặt các thông số, chức năng phụ cho máy bay và các chế độ bay, nạp phần mềm bay vào mạch... Qua nhiều tháng nghiên cứu, dự án đã hoàn thành, tham gia cuộc thi, đạt giải nhất cấp tỉnh khối THPT và được ban tổ chức chọn tham gia cuộc thi cấp quốc gia sắp tới”. 
Theo Huỳnh Thái Bảo, khi dự án hoàn thành, có thể ứng dụng rộng rãi vào nhiều ngành, lĩnh vực trong thực tiễn, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau của con người. Sản phẩm có khả năng bay xa, bay cao, thực hiện đa nhiệm vụ so với các dòng máy bay khác. Cơ chế khí động học hiệu quả, thiên hẳn về dạng dùng cho máy bay trinh thám, các chức năng mới hơn so với thị trường... 
Sân chơi cho học sinh đam mê nghiên cứu 
Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học ngày càng có sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Cuộc thi thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, môi trường giao lưu học tập để học sinh sáng tạo KHKT, công nghệ, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn, liên môn, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng của học sinh trung học. 
Em Đỗ Huy Hoàng, lớp 9A Trường THCS Nguyễn Viết Xuân cho biết: “Để thực hiện dự án Hệ thống đảm bảo an toàn lao động sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, lĩnh vực robot và máy tính thông minh, em và bạn Phan Nguyễn Gia Tôn cùng lên ý tưởng, nghiên cứu gần 1 năm và được thầy Đỗ Thanh Hùng, giáo viên dạy môn Hóa của trường hướng dẫn. Dự án có chức năng phát hiện công nhân không mặc áo bảo hộ, không đội mũ bảo hộ, không đeo găng tay bảo hộ, phát cảnh báo qua đèn còi. Ngoài ra, hệ thống còn phát nhắc nhở qua hệ thống loa, hệ thống điều khiển đóng mở cửa tự động và có tính năng giám sát công nhân lao động tự động từ xa... Dù quá trình nghiên cứu, thực hiện rất khó, nhưng nhờ đam mê nên chúng em cố gắng hoàn thành. Em rất vui và cảm thấy có thêm động lực khi dự án đạt giải nhất cấp tỉnh khối THCS”. 
Theo đánh giá của ban tổ chức, cuộc thi đã giúp các em học sinh biết cách biến ý tưởng thành hiện thực; biết cách viết, trình bày, thuyết trình một báo cáo khoa học bằng các hiểu biết của mình. Có thể xem cuộc thi là một trong những hoạt động giáo dục có ý nghĩa lớn, góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực mà ngành Giáo dục đang triển khai, qua đó góp phần vào thành công chung của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. 
Qua 10 năm tổ chức cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, số lượng dự án, học sinh tham gia cuộc thi mỗi năm một tăng. Hầu hết các trường đã tạo điều kiện để học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều ý tưởng của học sinh đã được phát triển thành đề tài, dự án KHKT, đây là kết quả của việc học đi đôi với hành. 
Ông Dương Bình Luyện, Trưởng phòng Giáo dục trung học -
thường xuyên (Sở GD-ĐT), Phó Trưởng ban trực Ban Tổ chức cuộc thi
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 25
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.767
account_box Trong năm: 20.527
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.847