TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Bảo vệ môi trường từ mô hình khởi nghiệp của 2 thanh niên 9X

Cập nhật lúc:   15:57:31 - 13/05/2019 Số lượt xem:   3606 Người đăng:   Administrator
Phan Xuân Danh và Võ Ngọc Huy thực hiện công đoạn xay rác hữu cơ - Ảnh: KHANG ANH Phan Xuân Danh và Võ Ngọc Huy thực hiện công đoạn xay rác hữu cơ - Ảnh: KHANG ANH
Tận dụng nguồn rác thải hữu cơ ở các quán, chợ, cơ sở sản xuất để tạo việc làm, xây dựng ý thức phân loại rác thải cho người dân là cách mà 2 thanh niên 9X ở xã An Phú, TP Tuy Hòa thực hiện. Cách làm này đã góp phần xử lý được một lượng lớn rác thải hàng ngày và hạn chế ô nhiễm môi trường ở các địa phương.
2 thanh niên được nhắc đến là Phan Xuân Danh và Võ Ngọc Huy đều sinh năm 1993 ở thôn Xuân Dục, xã An Phú, TP Tuy Hòa. Danh học Trường đại học Kinh tế còn Huy học Trường đại học Nông Lâm (TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp năm 2017, cả hai làm việc ở TP Hồ Chí Minh được một thời gian, sau đó trở về Phú Yên, quyết tâm khởi nghiệp, tìm một công việc phù hợp với mong muốn tạo ra giá trị mới cho địa phương.
 
Khởi nghiệp từ việc nuôi trùn quế
 
Nói về việc làm đầu tiên của mình ở quê nhà, Phan Xuân Danh chia sẻ: Thấy ở gần nhà và một số khu vực lân cận có nhiều hộ chăn nuôi bò, heo, em nảy sinh ý tưởng thu gom phân của các loại vật nuôi này, xử lý để nuôi trùn quế.
 
Tháng 3/2018, em được gia đình hỗ trợ gần 20 triệu đồng để xây dựng trại nuôi trên 50m2 đất của gia đình thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An. Làm xong trại, em đi tìm các hộ cung cấp phân, mua giống rồi bắt đầu quy trình nuôi. Sản phẩm trùn quế nuôi được em bán cho các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh.
 
Cùng với việc bán trùn quế tươi, Danh và Huy còn nghiên cứu công dụng của dịch trùn quế; dùng công nghệ thủy phân để lấy trùn chiết dịch rồi cung cấp cho nông dân, phục vụ nông nghiệp và chăn nuôi sạch.
 
Theo Phan Văn Danh, dịch trùn quế là sản phẩm dịch hữu cơ, rất tốt cho cây trồng, vật nuôi. Vì kết quả sau khi kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng đạm trong dịch chiếm khoảng 65-70% so với trùn quế tươi. Đây là sản phẩm do Danh tự nghiên cứu và bán cho nông dân với giá 80.000 đồng/lít.
 
Từ đây, 2 thanh niên đã chia sẻ công nghệ, hướng dẫn cho các hộ nuôi khác và hình thành các trại vệ tinh với quy trình tương tự. Đến nay, diện tích nuôi trùn quế ở các trại vệ tinh này có gần 1.000m2, Danh và Huy cũng thực hiện bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi. Có thể chưa tính đến lợi nhuận nhưng với mô hình nuôi trùn quế từ phân động vật đã đánh dấu một bước thành công, góp thêm động lực cho hai bạn trẻ mạnh dạn hơn trên con đường khởi nghiệp.
 
Đến thu gom rác thải hữu cơ để nuôi sâu canxi
 
Tiếp xúc với môi trường thực tế tại địa phương, cả hai nhận thấy ngoài phân động vật, ở các khu dân cư còn có nhiều loại rác thải khác, trong đó có rác hữu cơ nhưng chưa được người dân xử lý đúng cách. 2 bạn trẻ tiếp tục nghiên cứu, tìm một loài vật hữu ích để xử lý triệt để loại rác này.
 
Phan Xuân Danh cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, em phát hiện ra một loại sâu canxi ăn tạp nhất, có thể xử lý được rác hữu cơ. Tìm hiểu kỹ về loài vật này, em và Huy tiến hành thu gom rác hữu cơ từ rau, củ, quả ở 2 chợ xã An Phú và xã An Chấn, bã cà phê, bã nghệ ở quán, cơ sở chế biến… gần nhà rồi mang về sơ chế, nuôi sâu canxi. Bình quân mỗi ngày, gom từ 60-80kg rác hữu cơ.
 
Mô hình nuôi sâu canxi được Danh và Huy triển khai vào đầu năm 2019 trên diện tích 70m2; từ lượng nuôi thử nghiệm là 20g trứng, sau một thời gian, cả hai đã phát triển mô hình với hình thức nuôi khép kín. Đến nay, năng suất thu hoạch khoảng 120-150kg/tháng (cả ấu trùng trưởng thành và ấu trùng giống).
 
Theo Võ Ngọc Huy, muốn nuôi sâu canxi có hiệu quả kinh tế thì phải có kỹ thuật nuôi, biết cách kiểm soát độ dày của lớp nuôi, độ ẩm phù hợp, tạo lớp sinh khối… Nếu nuôi ấu trùng thương mại thì trong vòng 15 ngày có thể xuất bán; còn ấu trùng giống từ 30-40 ngày. Sản phẩm ấu trùng thương mại được bán cho các hộ nuôi chình, gà, cút với giá từ 30.000-40.000 đồng/kg; ấu trùng giống thì để nuôi tái tạo phục vụ vòng tuần hoàn mới.
 
Gửi thông điệp bảo vệ môi trường
 
Khi bắt tay thực hiện các dự án nuôi trùn quế và sâu canxi, Phan Xuân Danh và Võ Ngọc Huy đơn thuần chỉ nghĩ ra việc làm có ích, có thể bảo vệ môi trường chứ chưa tính đến lợi nhuận.
 
Chia sẻ về ý tưởng và những dự định sắp tới, Phan Xuân Danh cho biết thêm: Nhận thấy tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp trong những năm gần đây nên em nghĩ rằng, bên cạnh việc xây dựng mục tiêu cho bản thân thì sống có ích, làm việc có ý nghĩa cho xã hội là hết sức cần thiết. Việc em thực hiện các dự án như hiện nay nhằm mục đích xử lý rác thải hợp lý, theo hướng có lợi và giúp người dân làm quen với việc phân loại rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.
 
May mắn là việc làm của 2 thanh niên này được người dân xung quanh đồng tình ủng hộ. Bà Lê Thị Hóa, tiểu thương chợ xã An Chấn bày tỏ: Trước đây sau mỗi buổi chợ, tiểu thương quét dọn chung tất cả các loại rác để người dọn vệ sinh chợ đến gom chở đến bãi rác.
 
Nhưng từ khi có Danh và Huy đến chợ thu gom, hầu hết các tiểu thương để riêng rác hữu cơ và rác từ các loại bao bì, chai nhựa khác. Ban đầu, chúng tôi không biết 2 cháu gom rác để làm gì nhưng chỉ cần biết là làm sạch khu vực chợ, giúp các cháu có công ăn việc làm là ai nấy cũng sẵn sàng phân loại để các cháu tiện đến lấy. Hiện nay, ngoài tiểu thương trong chợ, nhiều người khác cũng gom sẵn rác hữu cơ ở các nơi rồi mang đến chợ cho 2 thanh niên này.
 
Đến thời điểm này, mong muốn ban đầu của Phan Xuân Danh và Võ Ngọc Huy đã được thực hiện. Tuy nhiên để tiếp tục duy trì mô hình, 2 thanh niên đang nghĩ đến hướng phát triển lâu dài.
 
“Có vốn mới có thể duy trì, thực hiện dự án lâu dài, bền vững hơn. Cả hai đã xây dựng kế hoạch và làm việc với một số đối tác, nhà đầu tư để hợp tác, hỗ trợ về vốn. Nếu được các em sẽ mở rộng thêm 1.000m2 diện tích nuôi trùn quế, hướng đến các khu vực gần với nguyên liệu sản xuất để giảm chi phí. Đồng thời tăng cường thu gom rác hữu cơ ở các khu vực lân cận, mở rộng diện tích nuôi sâu canxi, tìm kiếm các cơ sở thu mua số lượng lớn để tạo giá trị kinh tế”, Phan Xuân Danh nói.
 
Lâu nay, lịch thu gom rác thải các loại trên địa bàn xã An Chấn được thực hiện định kỳ 3 lần/tuần. Trường hợp phân loại rác thải hữu cơ để tái tạo sản xuất của Phan Xuân Danh và Võ Ngọc Huy là mô hình tương đối tốt. Địa phương sẽ nắm bắt hoạt động này để tuyên truyền giúp người dân hiểu về ý nghĩa việc phân loại, xử lý rác làm sạch môi trường, từ đó hỗ trợ các thanh niên trẻ hoàn thiện, mở rộng mô hình.
 
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch xã An Chấn, huyện Tuy An
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 14
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 275.459
account_box Trong năm: 24.082
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.402