Nông nghiệp và nông thôn Phú Yên hướng đến mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững.

Cập nhật lúc:   12:09:50 - 27/09/2017 Số lượt xem:   1183 Người đăng:   Admin
Nông nghiệp và nông thôn Phú Yên hướng đến mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững. Nông nghiệp và nông thôn Phú Yên hướng đến mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp: đã hoàn thành rà soát quy hoạch 3 loại rừng, tập trung đẩy mạnh trồng rừng
1. Lời mở đầu:

Nông nghiệp và nông thôn Phú Yên trong những năm qua phát triển khá toàn diện, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, tạo tích luỹ vốn và thị trường cho công nghiệp và dịch vụ phát triển; nông thôn đổi mới tạo cơ sở vững chắc phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn là lĩnh vực rộng lớn, còn khó khăn, thách thức đối với sự phát triển bền vững; kết quả đạt được là to lớn, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển. Vì vậy, Đại hội đại biểu tỉnh đảng bộ Phú Yên lần thứ XV đã xác định: Tạo một bước chuyển biến trong việc thực hiện mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp và nông thôn là 1 trong 3 nhiệm vụ có tính đột phá đi lên trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

2. Khái quát tình hình và kết quả phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2006-2010:

Trong những năm qua tuy gặp nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu toàn cầu, thường xuyên gây bệnh hại trên vật nuôi, cây trồng, nắng hạn kéo dài, bão lũ lớn gây ra nhiều tổn thất; giá cả có nhiều biến động theo hướng bất lợi cho người sản xuất do kinh tế thế giới suy giảm và các rào cản kỹ thuật đối với các mặt hàng nông thuỷ sản xuất khẩu…Tuy nhiên sản xuất nông lâm thuỷ sản Phú Yên tiếp tục duy trì ổn định và phát triển toàn diện, cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng phát huy các lợi thế so sánh, điều kiện sinh thái của từng vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, nguồn vốn góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, ngư dân và lao động ngành nghề nông thôn.

Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2016-2010 liên tục tăng trưởng, với tốc độ bình quân 4,28%/năm và tăng GDP là 3,3%/năm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt ổn định trên 32 vạn tấn, đáp ứng nhu cầu lương thực cho tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh và một phần cung ứng ra ngoài tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá đáp ứng cầu đa dạng thị trường trong nước, phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu; nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, năm 2010 bình quân giá trị sản phẩm trồng trọt đạt 29 triệu đồng/ha canh tác, tăng 1,7 lần so với năm 2005; đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn với nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn. Chăn nuôi tuy gặp khó khăn, dịch bệnh, tổng đàn gia súc của tỉnh tuy có giảm so với năm 2005, nhưng chất lượng được nâng lên. Bước đầu đã xuất hiện một số mô hình chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, công nghiệp gắn với công tác thú y phòng chống dịch bệnh. Đến năm 2010, đàn bò 193.000 con, giảm 4,3% so với năm 2005, nhưng tỉ lệ đàn bò lai đạt 50%, tăng 15,7% so với năm 2005; đàn lợn 131.500 con, giảm 33,2%, đàn gia cầm khoảng 2,3 triệu con, tăng 2,7% so với năm 2005.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp: đã hoàn thành rà soát quy hoạch 3 loại rừng, tập trung đẩy mạnh trồng rừng theo quy hoạch, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng sản lượng sinh khối của rừng trồng. Đã thu hút được các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất, bước đầu phát triển lâm nghiệp gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Tỉ lệ độ che phủ rừng từng bước cải thiện, đến năm 2010 tỉ lệ độ che phủ rừng (theo tiêu chí mới) ước đạt 34,9%.

Trong lĩnh vực thuỷ sản: năng lực khai thác thuỷ sản được tăng cường. Tổng số tàu thuyền trong tỉnh hiện có 7.187 chiếc, với tổng công suất 204.663 CV, tăng 3.090 chiếc so với năm 2005, tổng công suất tăng thêm 72.083 CV. Sản lượng thủy sản năm 2010 đạt khoảng 45 nghìn tấn, tăng 16,6% so năm 2005, trong đó sản lượng nuôi trồng là 9.000 tấn, tăng gấp 2,8 lần so năm 2005. Đã có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá đối tượng nuôi trồng, mở rộng một số đối tượng nuôi mới, có hiệu quả như tôm thẻ chân trắng, tu hài, cá bớp, cá mú, rong sụn… đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Tiên Châu, Khu neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão cho tàu thuyền vịnh Xuân Đài đang chuẩn bị đầu tư Cảng cá Phú Lạc.

Trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Hệ thống thủy lợi được chú trọng đầu tư; hệ thống đê kè được củng cố; đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp một số hồ chứa, trạm bơm điện, đập dâng, hệ thống kênh mương. Tiếp tục triển khai Chương trình kiên cố hoá kênh mương; khởi công xây dựng các hồ chứa nước từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và hệ thống kênh tưới. Năng lực tưới của hệ thống thủy lợi từng bước được nâng lên, tỉ lệ diện tích cây trồng được tưới tăng từ 42,9% năm 2005 lên 44,1% năm 2010; trong đó diện tích lúa được tưới ổn định tăng từ 83,2% năm 2005 lên 90% năm 2010. Đến năm 2010, năng lực của các công trình thủy lợi đảm bảo tưới chủ động cho khoảng 55.700 ha gieo trồng. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và kết nối giữa các vùng. .. Đầu tư xây dựng một số cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp… tác động tích cực đến phát triển sản xuất, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo.

Trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân cư nông thôn: Đời sống nông dân tiếp tục được quan tâm hơn, Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2008 về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân, Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn; Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư; triển khai thực hiện chính sách miễn thuỷ lợi phí theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP…

Một số khó khăn, thách thức đối với sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn:

Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, trong điều kiện ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều từ những bất lợi của thời tiết do biến đổi khí hậu toàn cầu, đang đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ để thích ứng.
Kinh tế thế giới suy giảm và các rào cản kỹ thuật trên các mặt hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu gây ra các biến động cung cầu, bất lợi về giá cả sản phẩm, vật tư phục vụ sản xuất nên phần nào hạn chế đến hiệu quả sản xuất, thu nhập của nông dân.

Sản xuất nhỏ vẫn còn phổ biến, ruộng đất bị chia nhỏ, manh mún, không phù hợp với yêu cầu của việc sản xuất hàng hoá lớn, tập trung để áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp và các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến dẫn đến năng suất lao động nông nghiệp và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp.

Công tác khuyến nông, khuyến ngư, phát triển giống được chú trọng tăng cường, tuy nhiên nhìn chung việc tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là về giống, về phương thức canh tác bền vững, về cơ giới hoá các khâu sản xuất, chăm sóc, thu hoạch.

Công tác thú y, bảo vệ thực vật được tăng cường, tuy nhiên dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản còn diễn biến phức tạp chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm; việc nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, sản xuất an toàn có hiệu quả còn chậm.

Công tác quản lý bảo vệ rừng và sử dụng rừng còn yếu và bất cập, tuy có tăng về số lượng diện tích rừng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học rừng tăng chậm, tác động của ngành lâm nghiệp đối với xoá đói giảm nghèo còn hạn chế, thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp và chưa ổn định.

Công nghiệp, dịch vụ và làng nghề phát triển chậm, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường kém, do đó chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn; công nghiệp chế biến thủy sản phát triển chưa tương xứng với phát triển nguồn nguyên liệu thuỷ sản.

Kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp, hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn tuy nhiều năm qua đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thấp kém, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, sinh hoạt dân cư nông thôn, nhất là về thuỷ lợi, kết cấu hạ tầng nghề cá, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Lực lượng lao động nông thôn đông đảo, nhưng chất lượng lao động thấp, lao động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn tuy được chú trọng, song tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn vẫn còn thấp (đạt 22,4%) so với tỉ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh là 38% ( năm 2010).

Nông dân, dân cư nông thôn có tinh thần tự lực, tự cường, ý thức vươn lên nhưng đại đa số còn nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập và đời sống đòi hỏi cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ phù hợp.

3. Phương hướng phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015:

Với mục tiêu tổng quát là:

- Xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá, với cơ cấu hợp lý và bền vững trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ, làm ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn; tăng nhanh thu nhập và đời sống của nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm nghề rừng.

- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

Trong đó, cụ thể về chỉ tiêu chủ yếu như sau:

Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông- lâm- thủy sản tăng 3,5-4%/ năm; tỷ trọng giá trị gia tăng ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 20% GDP của tỉnh vào năm 2015;

Phối hợp giải quyết việc làm, nâng mức thời gian sử dụng lao động ở nông thôn đến năm 2015 đạt 87-88%;

Phấn đấu đến năm 2015, xây dựng ít nhất 25% số xã đạt theo tiêu chí nông thôn mới;

Về môi trường đến năm 2015, phấn đấu: Đưa tỉ lệ che phủ rừng lên 39%, Tỉ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt khoảng 90%.

Về trồng trọt: Triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cơ bản quỹ đất trồng lúa hai vụ nhằm bảo đảm sản lượng lúa giai đoạn 2011-2015 khoảng 32 vạn tấn/năm. Mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có lợi thế; phát triển vùng rau tập trung, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển và duy trì sản xuất ổn định một số cây trồng chủ yếu sau: Cây mía khoảng 18.000ha, Cây sắn khoảng 9.000ha, Cây cao su khoảng 7.000ha tại một số địa phương theo quy hoạch. Tập trung đầu tư hoàn thành các công trình kênh tưới dưới 150 ha thuộc DA sử dụng nước hồ Thuỷ điện Sông Hinh và kênh cấp I trở xuống thuộc Dự án Hồ chứa nước Đồng Tròn; các dự án: Hồ chứa nước Suối Vực, Hồ chứa nước Kỳ Châu, Hồ chứa nước Buôn Đức… đảm bảo tưới tiêu chủ động 100% đất lúa hai vụ và tăng diện tích có tưới đối với rau, màu, cây ăn quả. Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, khuyến kích dồn điền, đổi thửa, kiến thiết đồng ruộng tạo điều kiện áp dụng cơ giới hoá. Tăng cường năng lực hệ thống bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch bệnh cây trồng. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, về phương thức canh tác vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên (đất đai, lao động và nguồn vốn), nâng cao thu nhập trên một đơn vị ha đất canh tác, trên một ngày công lao động; cải thiện đời sống của nông dân.

Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi theo hướng khuyến khích phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng vùng; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống bò, heo; áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Đến năm 2015, đàn bò 245.000 con, với 65% bò lai; đàn heo 170.000 con, với 90% heo thịt hướng nạc.

Lâm nghiệp: Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng). Thu hút nhiều nguồn đầu tư để phát triển rừng có hiệu quả, gắn phát triển rừng kinh tế với công nghiệp chế biến, lấy nguồn thu từ rừng để bảo vệ, phát triển rừng và từng bước làm giàu từ rừng. Nghiên cứu và xây dựng mô hình trồng rừng sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân ở khu vực có rừng và doanh nghiệp trồng rừng; đổi mới quy trình trồng rừng theo hướng tránh gây hại cho môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trồng rừng thâm canh, hiện đại hóa công nghệ khai thác, chế biến nhằm nâng cao giá trị lâm sản; ưu tiên bố trí vốn và chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trồng rừng kinh tế nhằm nâng cao độ che phủ rừng lên 39% vào năm 2015, góp phần chống xói mòn và hạn chế lũ lụt.

Thuỷ sản: Ổn định sản lượng khai thác thủy sản, tiếp tục phát triển các tổ tàu thuyền an toàn, tổ chức tốt các mô hình hợp tác sản xuất và áp dụng các công nghệ mới nhằm tăng hiệu quả đánh bắt xa bờ, gắn hoạt động khai thác với bảo vệ chủ quyền các vùng biển, giảm dần tàu thuyền và sản lượng sản lượng khai thác ven bờ… Xây dựng cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu dịch vụ phục vụ khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; chú trọng đầu tư các phương tiện kỹ thuật cho lực lượng kiểm ngư và ngư dân, đảm bảo khai thác an toàn và hiệu quả.

Phát triển nuôi trồng thủy sản hợp lý, đa dạng đối tượng nuôi, phát huy lợi thế của từng vùng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, thức ăn, môi trường nuôi. Tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các khu sản xuất giống thủy sản tập trung, chất lượng cao; bên cạnh các đối tượng nuôi trồng truyền thống, chú ý mở rộng một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: sò huyết, bào ngư, cá bớp, cá ngựa… Đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng vùng nuôi, phát triển dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản, xây dựng vùng nuôi an toàn, bền vững, hiệu quả cao. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thuỷ sản như cá ngừ đại dương, tôm hùm . . .

Xây dựng nông thôn mới: Tập trung công tác xây dựng đề án, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất (thuỷ lợi, giao thông nội đồng, điện..), đầu tư hệ thống đê biển, kè sông và các công trình phòng chống thiên tai. Nâng cấp cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thông tin và các dịch vụ xã hội khác đáp ứng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội của người dân nông thôn.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, trước hết tăng cường đào tạo cán bộ quản lí và cán bộ chuyên môn kỹ thuật, kinh tế cho vùng nông thôn để có đủ năng lực đáp ứng cho tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế.

4.Thay lời kết

Nông nghiệp và nông thôn Phú Yên trong những năm qua đã có bước phát triển khá toàn diện; nông nghiệp phát triển ổn định tạo nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ; đời sống nông dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn đổi mới góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị xã hội, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra yêu cầu toàn đảng, toàn dân phải tập trung quan tâm giải quyết.

Ngành Nông nghiệp và PTNT tập trung phối hợp với các cấp ngành, các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống; phát huy tiềm năng, lợi thế, phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, đoàn kết quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của cộng đồng nông dân, ngư dân phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra./.
[Biện Minh Tâm - Giám đốc Sở nông nghiệp PTNT tỉnh Phú Yên]
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 41
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.903
account_box Trong năm: 1.236
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.608