Do sống trong một thời đại mà biết bao lo toan mưu cầu lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cả tương lai nữa. Nói chung chúng ta sống trong một thế giới mà cái Tôi bị bao vây tứ bề của công việc.
Song chúng ta vẫn mơ ước có một phút giây thanh thản, đó là chữ
Nhàn đích thực trong đời sống, làm sao biết về
Nhàn để cuộc sống dễ chịu hơn.
Nhàn trong Đông Phương
Thiên nhiên vốn hữu hình mà vô ngôn, con người nhiều khi vô tình mà lại đa ngôn, cả hai phải sở cậy vào nhau như thân với ý, như hình với bóng, cảnh với tình… trong cái tam hoa tụ đỉnh: tinh-khí-thần của đạo giáo
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta hãy uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Bài viết này muốn mượn ý “cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, để dẫn dắt vào chữ Nhàn là diệu ý hơn cả mà ngôn từ không thể nói hết được.
Người ta có thể hiểu khác nhau về
nhàn và chữ
nhàn. Có thể mượn chữ nhàn trong ngôn ngữ Trung Hoa đã được Việt Nam hóa làm một thuật ngữ tâm lý nghệ thuật. Theo chiết tự
nhàn 閒 là một chữ rất đẹp, rất xứng đáng để trở thành một thuật ngữ mỹ học. Ngày xưa nhà Nho rất đắc ý với hình ảnh tượng hình của nó, nên đã tạo ra một thành ngữ để miêu tả nó
“nguyệt lai môn hạ nhàn” 月來門下閒 (bộ
nguyệt 月đặt giữa bộ
môn 門). Khi trăng đến dưới khung cửa đó là nhàn). Chúng ta cũng cần biết thêm rằng trong lịch sử phát triển của Hán tự, hệ thống từ vựng từ đơn âm tiết chiếm ưu thế về mặt số lượng. Bởi vì đặc điểm của chữ Hán về mặt chữ viết phải tuân theo dạng ô vuông, phần lớn đều tuân theo cấu tạo của phương pháp tượng hình hoàn chỉnh bao hàm 3 mặt: Kí hiệu văn tự-ý nghĩa-âm đọc, tất cả đều biểu thị trong một chữ (từ đơn âm). Cho nên đặc điểm này là sự kết hợp gắn bó chặt chẽ, khi trực tiếp khi gián tiếp, giữa hai mặt
hình thể và ý nghĩa. Và sự biểu đạt của chữ qua hình thể kết cấu của các nét đều qua bộ thủ, để thấy được ký hiệu khái quát mà chữ tạo ra. Vì vậy người ta thường chiết tự để thỏa mãn ở hình thức phân tích chữ linh hoạt trong địa hạt văn chương và trí tuệ đầy thú vị, về mặt hình thể của chữ mà còn liên hệ cả phương diện âm và nghĩa, biểu ý với chữ đơn thể hay hợp thể trên các nét hợp thành. Cho nên hình tượng
"nguyệt lai môn hạ nhàn" là hình tượng trở thành thuật ngữ mỹ học, những danh sĩ, những nhà thơ cổ kim đều gắn bó với biểu tượng trăng trong khung cửa
月 到 書 樓 明 正 秋
Nguyệt đáo thư lâu minh chính thu
(trăng kề cửa, lầu sách đang là giữa thu)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
人 向 窗 前 明 看 月
月 从 窗 隙 看 诗 氤
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi nhân
(Vọng nguyệt-Hồ Chí Minh)
Dịch thơ:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
(Nam Trân)
Chính những hình ảnh trên, những vần thơ trên. Người ta đã đạt đến sự vi diệu của chữ
nhàn rất ung dung tự tại, sự lạc quan kì lạ không một mảy may yếm thế. Giữa tha nhân với vũ trụ, trạng thái tĩnh lặng của nội tâm, tai sẽ nghe tất cả các âm thanh kỳ diệu của tạo hóa, từ tiếng chim hót đến điệu nhạc Rap-Rock đinh tai nhức óc, từ tiếng đâm chồi của mầm non đang vươn lên đến âm thanh của các vì tinh tú xa xôi của vũ trụ. Cho nên cái nhàn của các danh sĩ, đạt được cái mà Phan Huy Chú trong bộ
sách Lịch triều hiến chương loại chí-phần văn tịch chí có nhận xét: “thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý hòa quyện thiên nhiên”. Tính ưu thời mẫn thế, đậm chất triết lý nhân sinh dễ tiếp nhận mang tính chiêm nghiệm từng trải, đạt tính mỹ hóa cao gợi cho con người khám phá được qui luật của thiên nhiên, để suy nghiệm nhằm tự vượt thoát ra khỏi những bế tắc của thân phận nhân sinh. Giá trị ấy đến nay vẫn còn mới.
Giữa ngổn ngang trăm bề thế sự của cuộc sống, Nguyễn Công Trứ vẫn đạt được cái tự tại cho chữ nhàn:
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn đủ để cho hậu thế ngưỡng mộ bản lĩnh của một bậc minh triết. Đây chính là hình mẫu con người tài cao đạt tới trình độ thấu suốt lẽ đời, đạt tới diệu đạo đại ẩn, dấn thân nhập cuộc với chốn quan trường, thị thành phồn hoa, danh lợi mà vẫn gián cách, vượt lên, đứng trên mọi nẻo phiền toái danh lợi. Hơn nữa Nguyễn Công Trứ cũng có phần đồng cảm với cách nhìn của Phật giáo về thân phận đời người vốn dĩ đong đầy bất trắc mong manh và hữu hạn. Các danh sĩ trong thời kỳ trước đây, khi muốn thoát khỏi vòng thế tục đều tìm vào thế giới Phật-Lão để tìm sự an ủi. Nhưng phần đông họ có nhiều khuynh hướng thiên về vô vi của Lão tử hơn là Phật. Vì nhà Nho đã đến lúc thoát lui thì ưa cảnh nhàn vô vi và hiếu lạc hơn là khổ hạnh và diệt dục. Nhà Nho cầu nhàn không phải để suy nghỉ về đạo lý mà là để hưởng thụ cuộc đời lạc thú. Họ thoát tục không phải bằng tu hành mà là bằng rượu, thơ, cờ, đàn, cô ả, trăng gió, sông núi. Họ có cốt cách giang hồ, tài tử chứ không khổ hạnh. Họ nhìn ra những biến chuyển của dòng thời gian và bày tỏ tinh thần hòa nhập, hòa giải với thế giới thiên nhiên.
Nhàn trong Phật giáo Đại thừa:
Chưa bao giờ các công trình nghiên cứu về bí mật của Thiền định và cuộc sống của con người trước thời đại bất an của áp lực cuộc sống, lại được các bài viết mô tả chi tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều, đề cập đến cách giữ thăng bằng trong nội tâm để trút bỏ mọi stress đang đè nặng trên mọi cá nhân ngày nay. Người ta đang nói về điều đó chính là Thiền định (zen) của Phật giáo Đại thừa.
Thật ra trong phong cách của Phật giáo các vị chân tu ta đã thấy họ đã đạt được chữ nhàn trong đời sống hằng ngày, theo một quan niệm:
Sắc tức thị không, không tức thị sắc. (kinh Bát Nhã) gần như triết lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Xuân hoa phong nguyệt không mà sắc (trung quán ngu hứng). Họ đạt được cái tĩnh tâm trong cái biến động của đời sống.
Các thiền sư tu tập thiền định để Đạt sự chứng ngộ, giải thoát. Những điều đó thường là khá cao siêu đối với nhiều người trong chúng ta, những kẻ còn quay cuồng trong đời sống bon chen thế tục. Nhưng chúng ta có thể tìm phương pháp ngồi thiền với mục đích đơn sơ mà ta có thể đạt được chữ nhàn trong tĩnh tâm, ngay trong một thời gian khá ngắn. Ta thấy thiền đã thể hiện trong chiều dài lịch sử, cũng như khắp các sinh hoạt của người phương Đông và cả thế giới hôm nay. Chúng ta vẫn thấy phong cách thiền đã được thể hiện trong sinh hoạt như phong cách uống trà, phong cách cắm hoa, phong cách làm vườn… có thể nói từ võ thuật đến y học, trong mọi sinh hoạt thường nhật và sinh hoạt văn nghệ, thiền đều hiện diện cùng khắp.
Khác với thư giãn thông thường, thiền định có tác dụng điều chỉnh lớn đến mọi hoạt động của cơ thể, tạo lập sự cân bằng nội tại, cân bằng cơ thể với môi trường sống, kiểm soát quá trình quan hệ giữa nội giới và ngoại giới.
Tiến sĩ tâm thần học Gregg Jacobs, Đại học Harvard, nghiên cứu qua sóng não đã phát hiện ra những người thiền có thể sản ra rất nhiều sóng theta và có thể phong tỏa phần não trước vốn nhận và xử lý cảm giác, ngoài ra họ cũng giảm thiểu hoạt động ở phần thùy đỉnh não, nơi phụ trách các cảm giác về không gian-thời gian. Bằng cách "tắt" thùy đỉnh não, người ta có thể mất cảm giác về giới hạn và thấy vũ trụ "trở thành một". Thiền định và quán chiếu có thể chế phục được nhân hạnh đào (amygdale), một vùng não lưu trữ những ký ức sợ hãi. Người ta cũng nhận ra rằng những thiền sư cao cấp khó bị chấn kích, bất an, sợ hãi, hoảng hốt hay nổi giận như những người khác. Tuyến thượng thận, nơi tiết ra adrenalin điều khiển nhịp tim trong các trường hợp sợ hãi, hoảng hốt như được các thiền sư khống chế hoàn toàn. Một báo cáo trong tạp chí New Scientist rằng: "Lập thuyết hữu lý nhất là có cái gì đó nơi hành thiền của Phật giáo đã dẫn đến một nguồn an lạc mà tất cả chúng ta đều mưu cầu". Đây chính là trạng thái an nhiên tự tại của chữ nhàn.
Tóm lại, tri kiến của thiền là trí huệ (prajna) là một loại tri kiến hoàn toàn tự do, hoàn toàn tự tại, không giới hạn, không vướng mắc, không chủ quan, không khách quan, không co không không, không vừa có vừa không… Đó là tri kiến không còn đối tượng không còn chủ thể, một tri kiến của thế giới bất nhị của… "bờ - bên - kia". Nó không rời thế giới nhị nguyên này, không phủ nhận cảnh giới "liễu hoa xanh biếc" này… nhưng "trong suốt" không vướng mắc…
Điều đó không có nghĩa là Thiền chống đối tri thức, hay trí năng, mà trái lại, thiền muốn đẩy trí tuệ của hành giả xa hơn nữa, cao hơn nữa, để tiến vào một cảnh giới bất-tri, ngoài khả năng diễn đạt của ngôn ngữ và đạt đến một chữ nhàn cao siêu trong tâm thức. Thiền của Phật giáo Đại thừa đã có từ lâu đời. Có lẽ từ ngày xa xưa con người tình cờ phát hiện ra những giây phút rơi vào trạng thái an lạc nhàn tâm, sảng khoái, siêu thoát nào đó, một trạng thái nói không được, mà chỉ có cảm nhận, trực nhận bởi chính bản thân mình, rồi tích lũy kinh nghiệm, truyền đạt lại cho nhau bằng nhiều cách.
Chính Đức Phật, trong khi tìm kiếm con đường giải thoát, tình cờ nhớ lại tuổi ấu thơ của mình đã có lần rơi vào trạng thái sơ thiền này mà nhanh chóng phát hiện ra con đường riêng của mình, con đường "diệt trừ khổ ưu" mà còn dẫn đến "thành tựu chánh tín" và đạt đến
tâm nhàn cao siêu. Rõ ràng thiền đã có từ xa xưa nhưng thiền Phật giáo có những sáng tạo riêng.
Chữ nhàn hôm nay:
Thời đại ngày nay, con người đứng trước một thách thức: Cuộc sống công nghiệp và xu thế toàn cầu hóa, đang tác động rất lớn đến sự phát triển lối sống của xã hội hiện nay, và nó cũng đặt ra những thách thức vô cùng khẩn cấp và nan giải. Do chứa đựng nhiều loại giá trị rất phức tạp, toàn cầu hóa cũng phá vỡ nhiều hình thức và nội dung của cuộc sống truyền thống Việt Nam, nhiều yếu tố phi nhân văn đang ảnh hưởng mạnh tới ý thức và hành vi của nhiều tầng lớp xã hội và nguy cơ dẫn đến khủng hoảng lối sống là có thật!. Kỹ nghệ ngày càng phát triển với tốc độ rất cao và để bắt nhịp với nhịp sống công nghiệp, để theo kịp với máy móc cũng như các phương tiện hiện đại khác. Kết quả là làm thay đổi nhịp sống sinh học tự nhiên sang nhịp sống nhanh hơn, gọi là nhịp sống công nghiệp. Đây là nguy cơ của con người hiện đại ngày nay, là đang mất dần tính tự nhiên trong đời sống chuyển sang nhịp sống công nghiệp vội vã. Đời sống vật chất không ngừng được nâng lên nhưng tâm hồn con người dường như lại thêm lo âu nhiều áp lực tâm lý, bất an hoặc cô đơn, trống rỗng. Là những yếu tố gây stress làm rối loạn sức khỏe nghiêm trọng. Người ta muốn tìm một chữ nhàn đích thực cho mình.
Con người đã nghĩ ra hàng trăm phương pháp thể dục cho cơ thể, thế nhưng một phương pháp thể dục cho tinh thần thì hầu như chưa ai nghĩ đến. May sao cho con người đã có phương pháp thiền định từ hơn 2500 năm trước, tuy bị lãng quên hoặc ngộ nhận nhiều điều, nhưng cuối cùng chắc chắn nó sẽ có những đóng góp tích cực cho cuộc sống và văn minh nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Ngoài những phút giây nhàn tâm trong thiền, chúng ta vẫn còn thêm một triết lý tri túc nữa là:
知 足 便 足 待 足 何 時 足
知 閒 便 閒 待 閒 何 時 閒
tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn
(Biết đủ thì đủ, đợi khi nào cho đủ,
Biết nhàn thì nhàn, đợi bao giờ cho nhàn.)
Trong bài "Uống rượu tiêu sầu" thi khách Cao Bá Quát cảm khái rằng:
Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu /Trầm tư bách kế bất như nhàn (Đưa tiễn một đời người chỉ có rượu, suy nghĩ trăm kế không gì bằng nhàn)
Triết lý phương Đông,
chữ nhàn vẫn còn nguyên giá trị giữa thời đại Công nghiệp chóng mặt hôm nay?
Tài liệu tham khảo:
1/
Một góc nhìn của trí thức - giải mã những bí mật của thiền định, Hồ Trung Tú. Nxb Tia sáng 2005
2/
Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, chú thích-thư pháp, Hoàng Trang. Nxb Chính trị Quốc Gia 2005.
3/
Câu đối trong văn hóa Việt Nam, Nguyễn Hoàng Duy - Nxb Tổng Hợp TP.HCM 2003
4/
Dạy và học Từ Hán Việt ở trường phổ thông, Đặng Đức Siêu. Nxb Giáo dục 2006
5/
Hán văn Văn pháp, Phạm Tất Đắc. Nxb KHXH. 1996
6/
Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Trương Chính. Nxb Văn học 1983