CÂU CHUYỆN CHỮ VIẾT

Cập nhật lúc:   10:09:22 - 10/09/2018 Số lượt xem:   539395 Người đăng:   Administrator
Họa sĩ Chấn Hưng Vùng Lưỡng Hà được coi là nơi có chữ viết hoàn hảo sớm nhất của nhân loại. Lịch sử trên dưới bảy ngàn năm của chữ viết, chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi của loài người tiến hóa trong hàng triệu năm của mình. Nhưng chính nhờ có chữ viết mà loài người đã tiến những bước nhảy vọt khổng lồ và chữ viết đã làm nên nền văn minh hiện đại.
Từ lời nói đến chữ viết - vai trò của trí nhớ, vần điệu, kí hiệu (signal), hình vẽ v.v... là những bước chuyển tiếp từ ngôn ngữ đến chữ viết.

1- Từ dấu hiệu tới chữ viết

Cuộc sống xã hội của nhân loại càng phát triển, nhu cầu giao tiếp thông tin ngày càng phức tạp. Người xưa đã sớm biết sử dụng những vật thật hoặc dấu hiệu để hỗ trợ trí nhớ, và để thông báo tin tức (một sợi dây thắt nút, một vài hòn đá được xếp chồng theo những kiểu dáng nhất định, hoặc khắc vạch lên đá, lên xương, gốm những đường nét nông sâu...) đều có tác dụng thông báo tin tức theo qui ước giữa các thành viên trong một cộng đồng.

Trước khi biết cách ghi lại vỏ âm thanh của ngôn từ được thuận tiện, các cộng đồng dân cư cổ xưa đều tìm cách ghi lại nội dung ý nghĩa của ngôn từ, chủ yếu bằng cách vẽ những biểu đạt giao tiếp không qua lời nói. Bằng cách này, những người tuy không dùng chung một ngôn ngữ nhưng nếu gần nhau về mặt văn hóa, đều có thể hiểu được đại khái nội dung mà hình vẽ muốn thông báo. Trong quá trình hình thành, các hệ thống cổ xưa đều phải trải qua giai đoạn “hình vẽ diễn ý” ấy. Và nó vẫn có những hạn chế trong một thời gian dài. Để giảm bớt và đi tới chỗ loại trừ những sự nhầm lẫn mơ hồ, không rõ ràng, trong việc dùng hình vẽ làm công cụ hỗ trợ cho ngôn ngữ. Qua kinh nghiệm thực tiễn, người xưa dần đi tới chỗ đơn giản hóa cách vẽ, ổn định hình dạng vật thể trong hình vẽ với những từ ngữ nhất định. Cuối cùng mỗi hình vẽ được biểu thị cho một từ nhất định, có hình dạng nhất định, có âm đọc biểu thị một khái niệm. Và chữ viết đã thực sự định hình từ đây, dưới dạng sơ khai-chữ hình vẽ.

Chữ viết không phải chỉ ghi lại những kinh nghiệm ngàn đời của nhân loại mà còn giúp cho những kinh nghiệm đó tồn tại mãi với thời gian. Trái lại chữ viết còn có một khả năng lưu trữ rộng lớn. Trước hết, chữ viết giúp cho ta lưu giữ cách diễn đạt được nhiều chi tiết, nhiều khía cạnh - chính yếu và phụ thuộc - của một sự vật, một biến cố. Ngoài ra, chữ viết còn tồn tại lâu dài với thời gian vì thiết yếu dựa vào vật chất) gỗ, thanh tre, giấy, đất sét, đá...). Từ ngày phát minh ra kỹ thuật ấn loát và chế tạo ra giấy, nhân loại đã ghi giữ lại tất cả những kiến thức đã thâu lượm được đưa vào trong các pho sách. Gần như những gì ta muốn biết đều có thể được tìm thấy trong sách. Những quyển sách về vật lý, hóa học, về thiên văn sẽ giúp ta hiểu rõ về thiên nhiên, về sự cấu tạo của vật chất, về sự chuyển động của các hành tinh... Những bộ sách về lịch sử giúp chúng ta hiểu biết về đời sống của các xã hội khác nhau và tiếp xúc với những nền văn minh Maya, Azteque, Sumer... Muốn biết về con người, chúng ta đã có những khảo luận về tâm lý học.

Sách lưu giữ tất cả và trái với ký ức (se souvenir), sách không bao giờ quên. Có thể nói chữ viết là ký ức hoàn hảo của nhân loại.

2- Chữ ghi ý - chữ ghi âm:

Những chữ ghi âm ghi lại vỏ kết cấu âm thanh của từ, hoặc đơn âm tiết hoặc đa âm tiết như chúng ta đã biết. Đây là cái mốc rất lớn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình sáng chế chữ viết của nhân loại. Và từ đây, từ chữ hình vẽ còn rườm rà không tiện sử dụng, người ta đã cải tiến chữ viết theo hướng đơn giản, tiện dụng. Cuối cùng người Ai Cập cổ đại xây dựng được một hệ thống 24 chữ cái, ghi lại các phụ âm trong ngôn ngữ Cổ Ai Cập, và được dùng song song với hệ thống chữ viết hình vẽ - ghi ý. Khoảng 2000 năm trước CN người Sémites và Phénicie đã cải tiến bổ sung thêm và tạo ra những chữ ghi âm tố làm cơ sở cho sự xuất hiện hệ thống chữ cái A,B,C... rất quen thuộc với chúng ta ngày nay. Những người Sémites đã mượn chữ hình vẽ - ghi ý này, đã đơn giản hóa hình thể của nó đến mức cao độ, để biểu thị âm tố “a” âm tố đứng đầu của từ aleph trong ngôn ngữ Sémites. Người Hy Lạp đã mượn con chữ này để ghi âm“a” thành một dạng thức ký hiệu chuẩn, cách biệt hoàn toàn hình vẽ đầu tiên. Cuối cùng người Roman đã cải biến nhiều lần chữ A của bảng chữ cái Roman, mà chúng ta quen gọi là chữ cái Latinh, đã có hình dạng như ngày nay. Từ chỗ là một hình vẽ với số lượng có thể là vô hạn, biểu thị một nội dung ý nghĩa của từ ngữ tiến tới chỗ hình thành một hệ thống ký hiệu đơn giản, hoàn chỉnh. Với một giới hạn nhất định về mặt số lượng, ghi lại một cách khá trung thực và uyển chuyển mặt âm thanh của từ ngữ, nhiều hệ thống chữ viết ghi lại những ngôn ngữ khác nhau của cộng đồng nhân loại, đã nối tiếp nhau xuất hiện và bảng hệ thống chữ viết được sử dụng rộng rãi nhất là hệ thống chữ cái ghi âm tố A,B,C...

3 - Sự ra đời của bảng chữ cái:

Trong thiên niên kỷ thứ II trước CN người Sémites đã sử dụng một phần trong bộ chữ tượng hình Ai Cập để biểu đạt âm thanh của tiếng họ được coi là bảng chữ viết có hệ thống đầu tiên. Trong đó, những biểu tượng riêng biệt tượng trưng cho các phụ âm đơn, không có biểu tượng cho các nguyên âm, được viết từ phải qua trái. Nó gồm 22 biểu tượng đơn giản, các thương nhân bình thường cũng có thể học và viết. Đến khoảng thế kỷ VIII - VII trước CN nó được truyền sang Hy Lạp, tại đây nó được hoàn chỉnh và phát triển để ghi lại tiếng Hy Lạp. Một số ký tự được giữ lại, số khác bị bỏ đi. Tiến bộ vượt bậc nhất là việc sử dụng chữ cái để ghi lại nguyên âm.

Tiếng Hy Lạp ban đầu được viết từ phải sang trái, nhưng cuối cùng được chuyển thành xen kẽ các dòng từ phải qua trái và từ trái qua phải cho đến thế kỷ V trước CN, hướng viết chữ đã cố định cách viết từ trái sang phải cho đến tận ngày nay. Bảng chữ cái của người Hy Lạp đã sản sinh ra nhiều bảng chữ cái khác. Người La Mã đã tiếp nhận bảng chữ cái Hy Lạp và sửa đổi, bổ sung. Từ đó, bảng chữ cái Latinh đã ra đời và được người Châu Âu sử dụng rộng rãi. Sau đó, các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh sau này dựa trên bảng chữ cái La Mã. Là bước văn minh quan trọng của Phương Tây và một kỷ nguyên cho ngôn ngữ học. Trong đó chứa đựng nguồn gốc của chữ Quốc ngữ của Việt Nam.

4- Đặc điểm của chữ Quốc ngữ:

a/ Tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer trong hệ ngữ Nam Á (Austroasiatic), khác hẳn ngữ hệ Hán-Tạng, và cũng không phải là ngôn ngữ của tiếng Hán (như có một số học giả lầm tưởng). Thể hiện rất rõ, ở chỗ có nhiều âm tiết và khác hẳn về mặt ngữ pháp, cho nên, dù đã dùng chữ Hán trên 2000 năm, nhưng nước ta vẫn không bị Hán ngữ hóa. Chữ Hán được nền hành chính và giới trí thức Việt Nam dùng trong công việc giao tiếp hành chính và sáng tác văn hóa rất dài trong lịch sử, chúng ta đã tự sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở của Hán tự trong một thời gian ngắn. Cuối cùng chấp nhận chữ Quốc ngữ do các nhà Truyền giáo Châu Âu làm ra. Thứ chữ này, được ghi âm tiếng Việt và trở thành Quốc ngữ cho đến ngày nay.

b/ Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm viết bằng chữ Latinh ghép lại, có hình thức khác với chữ Latinh thường thấy trong tiếng Anh, tiếng pháp... ở chỗ các từ có thêm nhiều dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng...) ở trên hoặc dưới của chữ. Những dấu hiệu ấy thể hiện đặc điểm của tiếng Việt là đơn âm, có nhiều âm tiết, nhiều thanh điệu. Tiếng Việt có 6 thanh điệu, cho nên tiếng Việt phải có 5 dấu giọng thể hiện các thanh điệu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Ngoài ra còn có dấu thể hiện âm đọc của các chữ: ă, â, đ, ô, ơ, ư. Các nhà Truyền giáo Châu Âu lấy chữ cái Latinh để ghi âm tiếng Việt đã sáng tạo ra 5 dấu thể hiện 5 thanh điệu và các chữ có thêm dấu. Nhờ những sáng tạo đặc biệt ấy, chữ Quốc ngữ ghi được hầu như toàn bộ ngữ âm tiếng Việt từ cách nói đến cách đọc, từ các vùng miền của đất nước (kể cả phương ngữ và thổ ngữ). Đây là một yêu cầu rất cao về sự chính xác đến độ lý tưởng của ngôn ngữ mà khó có thứ tiếng nào có được.

c/ Công đầu cho các nhà Truyền giáo:
Các nhà truyền giáo như Antonio, Gasparo d’Amiral, Alexandre de Rhodes, Francesco de Pina, C.Borri, Pigenau de Béhaine... đã tham gia làm ra chữ Quốc ngữ, sáng tạo ra chữ ghi âm tiếng Việt, các giáo sĩ này hiểu biết rất nhiều ngôn ngữ và rất giỏi môn ngôn ngữ học, Nhờ thế, tuy điều kiện khó khăn, không cùng một nhóm, cuối cùng họ bổ sung và hoàn thiện tiếng Việt trong một giai đoạn dài. Họ đầu tiên dùng chữ cái Latinh đã hoàn thành một sáng tạo trong ngôn ngữ học thế giới, dùng chữ cái Latinh một loại chữ ghi âm thành công tiếng nói của một dân tộc châu Á, tạo ra cho Việt Nam một hệ thống chữ viết Quốc ngữ ký âm gần như hoàn toàn chính xác tiếng Việt. Trong 4 quốc gia đồng văn (Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam), duy nhất Việt Nam nhờ có chữ Quốc ngữ, mà hoàn toàn“thoát Hán” về ngôn ngữ. Đây có thể nói là một công trình cống hiến vĩ đại cho dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, công lao hàng đầu trong việc truyền bá phổ cập chữ Quốc ngữ, tiếp sức rất lớn lao của tờ Gia Định báo-tờ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội truyền bá chữ quốc ngữ. Phong trào thơ mới, tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn, với hàng triệu người hưởng ứng phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ. Sau Cách mạng Tháng Tám Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác định chữ quốc ngữ và tổ chức diệt giặc dốt với phong trào Bình dân Học vụ trong một thời gian ngắn để xóa nạn mù chữ ở nước ta. Chữ Quốc ngữ dễ học, dễ nhớ, dễ đọc dễ viết.

5- Việc truyền bá chữ Quốc ngữ

a/ Truyền bá chữ Quốc ngữ: Đầu tiên ở Nam kỳ, đây cũng chủ tâm của Pháp muốn cắt đứt với quá khứ Hán học nặng nề ở Việt Nam. Dạy cho dân chúng chữ Pháp, và cần một văn tự cho tiếng nói bản xứ, thì chữ Quốc ngữ đã sẵn sàng với mẫu tự Latinh. Với chủ trương ấy, việc đầu tiên là xây dựng những cơ sở văn hóa để truyền bá chữ Pháp và chữ Việt Latinh. Ngay năm 1867, Đô đốc Charner đã ký nghị định thành lập trường“College d’Adran” để đào tạo người Việt làm thông ngôn và cả người Pháp muốn học tiếng Việt. Tiếng Việt, viết và dạy ở đây hoàn toàn là tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ, được tổ chức đều khắp trong Lục tỉnh là môn học bắt buộc.

Song song với sự truyền bá này, văn viết bằng chữ Quốc ngữ cũng khởi sự ra đời, đi đầu là báo chí. Giai đoạn này báo chí đóng vai trò cốt yếu, báo chí dạy người ta học chữ Quốc ngữ, giúp người ta làm quen với văn Quốc ngữ, giúp cho người ta hiểu những khái niệm về học thuật tư tưởng, văn nghệ nước ngoài bằng những bài dịch thuật. Năm 1865 tờ công báo đầu tiên Gia Định báo viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời, tiếp theo là những sách Giáo khoa sơ học cũng được biên soạn trong thời kỳ này. Làm sách, giảng dạy học thuật Tây Âu, người ta thấy cần bắc một nhịp cầu với học thuật cũ bằng cách dịch những sách Hán học ra văn chữ Quốc ngữ. Sau sách giáo khoa đến các tác phẩm văn học, đồng thời cũng dịch những áng văn chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ. Thời này các công trình biên khảo và các tác phẩm văn xuôi như truyện vui, hồi ký cũng được sáng tác. Đặc biệt một quyển từ điển Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ cũng được hoàn thành. Đi tiên phong có Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, họ đã góp phần cho việc hoàn thiện và truyền bá, bằng cách dịch thuật, trước tác những tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên.

b/ Bình dân học vụ: Với Sắc lệnh 19/SL và 20/SL, của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát động ngày 8 tháng 9 năm 1945. Phong trào này nhằm giải quyết “giặc dốt”, một vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam lúc bấy giờ của thời này khoảng 90% dân Việt Nam bị mù chữ. Đây là một quốc nạn đối với một quốc gia vừa giành được độc lập.

Để phục vụ chiến dịch xóa nạn mù chữ, Nha Bình Dân Học Vụ được thành lập ngày 18/ 9/1945. Và khóa học đầu tiên đã liên tiếp ra đời, phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Các lớp bình dân được mở khắp nơi, chùa chiền , miếu mạo, sân đình... đều có thể tận dụng trở thành lớp học. Người ta sáng tác ra các câu hò vè và các câu văn vần, miêu tả các chữ cái để người học dễ thuộc, ví dụ: “o tròn như quả trứng gà/ ô thì đội mũ, ơ là thêm râu”.
Tới năm 1952, chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản đã được hoàn thành. Đi đôi với việc diệt“giặc dốt”, việc bổ túc văn hóa để củng cố sự đọc thông viết thạo cho những người đã thoát nạn mù chữ được đẩy mạnh, trình độ văn hóa của người dân cũng được nâng lên.

6- Vấn đề cải cách
Thật ra vấn đề cải cách chữ viết không có gì là mới trong các hệ thống chữ viết trên thế giới này. Mọi ngôn ngữ, mọi chữ viết trên thế giới chắc chắn không có loại chữ viết nào tuyệt đối hoàn hảo. Chữ Quốc ngữ cũng vậy, dù sao từ khi ra đời nó cũng có những thăng trầm và cuối cùng nó đã thích hợp nhất cho tiếng Việt. Do được Latinh hóa nên việc mã hóa chữ Quốc ngữ hiện nay để đưa tiếng Việt vào máy tính trở nên rất thuận lợi, không phải mất hàng chục năm nghiên cứu như mã hóa chữ Hán... Mặc dù người ta có phương án ghi âm chữ Hán ngữ (Hanyu Pinyin Fangan), nhưng vẫn là bộ chữ Latinh thể hiện âm đọc của từng chữ Hán, chỉ có chức năng làm công cụ hỗ trợ cho việc học chữ Hán mà thôi. Người Hàn Quốc cũng sáng tạo được bộ chữ Hangul là loại chữ ghi âm, nhưng vẫn gặp khó khăn về các chữ đồng âm và từ đồng âm, họ vẫn dùng chữ Hán để ghi chú nghĩa của một số từ. Người Nhật tuy sáng tạo được loại chữ Kana, nhưng họ vẫn dùng rất nhiều chữ Hán trong Nhật ngữ hiện nay. Và các dân tộc kể trên về cơ bản vẫn chưa“thoát Hán” về ngôn ngữ.

Lịch sử đã nhìn thấy quá trình người Việt Nam bỏ chữ Hán, Chữ Nôm chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ. Một quá trình tự nhiên, vì chữ Quốc ngữ có khả năng ký âm được ngôn ngữ tiếng Việt ở tất cả các vùng Việt Nam. Thứ chữ dễ viết, dễ đọc, hơn hẵn các loại chữ mà tổ tiên ta đã biết, từ đó nó đã hoàn thiện cho đến ngày nay. Hình thành hệ thống ký hiệu giống như đã được mặc định trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ Việt, mà không cần đến sự xáo trộn nào trong cải cách.

Trong thế kỷ XX , đã có 2 lần đề nghị cải cách của Nguyễn Bạt Tụy và Hoàng Phê cũng dựa trên nguyên tắc là âm vị học và các dấu, nhưng cũng không được sự hưởng ứng cơ bản nào. Đầu thế kỷ XXI, năm 2002 là “công trình khoa học” của Đặng Thị Lanh, cho ra đời Sách giáo khoa “Tiếng Việt lớp 1, tập 1”. Cơ sở lý luận mang tính“khoa học”của nhóm này khi đưa chữ E lên đầu bảng chữ cái, thay vị trí chữ A. Họ cho rằng chữ E dễ phát âm hơn và dễ viết hơn chữ A, với bảng chữ cái E,B,V cho lớp vỡ lòng mà không theo truyền thống A,B,C. Tác giả rất thản nhiên lập luận bằng cách nguyên âm ghép với phụ âm sẽ cho ra nhiều từ hơn! bằng việc thay đổi trật tự chữ cái A,B,C bằng E, B, V và kết quả là “be, bè, bé, bé vẽ bê” ?.

Việc công trình cải cách Tiếng Việt của tác giả “Giáo dục” thành “Záo dụk” ... chỉ mang tính công trình nghiên cứu cá nhân, cho nên vẫn còn nhiều lỗ hổng. Như việc thay th thành w, ng thành q. Và ông đã chưa nghiên cứu thấu đáo về âm vị nên mới nhìn một chiều. Một tổ hợp chữ cái ghi 2 âm vị khác nhau, nên công trình để lộ nhiều sai sót..., chứng tỏ tác giả đã đi ngược với xu hướng hệ thống văn tự, khi gán cho những kí tự thông dụng những âm tiết hết sức xa lạ với người Việt Nam. Nếu tiếp thu đề xuất này, học sinh sẽ khó khăn trong việc học tiếng nước ngoài, và người nước ngoài sẽ đọc sai khi học tiếng Việt, đã được hệ thống phiên âm Quốc tế IPA (International Phonetic Alphabet) các hệ thống chữ Latinh. Và sự phát âm mỗi vùng miền của Việt Nam hơi khác nhau (phương ngữ) hoặc do giọng điệu của từng người, thậm chí do sự thẩm âm mà có một vài chênh lệch không lớn trong ký hiệu phiên âm Quốc tế của cùng một âm tiết. Theo Wiktionary ghi phiên âm của Việt Nam với các giọng phát âm riêng biệt của các vùng phương ngữ

Cho nên, những việc thay đổi ở mức độ từ ngữ dấu chính tả cũng chưa được hoan nghênh, chứ chưa nói đến thay đổi cả một hệ thống ký tự. Mọi ý tưởng bằng cách này hay cách khác theo hướng tối giản, sẽ lợi bất cập hại, nó kéo theo nhiều hệ lụy cho kho dữ liệu quá lớn, chưa kể yếu tố thói quen đã ăn sâu vào các thế hệ. Nó sẽ gây ra thảm họa đứt gãy văn hóa và sự tiếp cận văn hóa của các thế hệ tiếp theo.

7 - Lời kết
Gần 400 năm của chữ Quốc ngữ, tiếng Việt ngày nay được bổ sung thêm vào kho từ vựng một số lượng lớn hoàn chỉnh như ngày hôm nay, theo quy luật của cuộc sống, đã có những từ mất đi vĩnh viễn và có những từ mới lạ xuất hiện, trong vòng năm thập niên trở lại, do sự giao thoa nhiều ngôn ngữ trên thế giới và tốc độ tiến bộ của công nghệ khoa học ngày nay. Để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta cần trau dồi thêm vốn liếng văn hóa ngôn ngữ của mình. Đó là rèn luyện ngôn ngữ ở hai dạng: nói và viết. Nói phải nói chính âm ( tức là phát âm chuẩn), viết thì phải viết đúng chính tả (viết đúng). Với ngôn ngữ nào đi nữa, thì cũng được xây dựng trên ba bình diện cơ bản: Từ vựng (vocabulary) - ngữ âm (phonology) và ngữ pháp (grammar). Giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt là giữ gìn được nền tảng văn hóa của ngôn ngữ Việt Nam.
Từ sự ra đời của chữ Quốc ngữ thế kỷ XVI-XVII, đến cuối thế kỷ XIX phong trào cải cách và dùng chữ Quốc ngữ cũng không được xuôi chèo mát mái, cũng gặp nhiều gian nan, sự đả kích của các nhà Nho thời ấy cho là của“bọn mắt xanh mũi lõ”. Rồi người ta cũng nhận ra được vai trò của chữ Quốc ngữ, trong công cuộc nâng cao dân trí và canh tân đất nước. Chính thời này, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết một câu bất hủ: “Nước Nam ta mai sau, hay dở là nhờ chữ Quốc ngữ” 
 

Tài liệu tham khảo:
  1. Chữ Viết- Một trong những thành quả lớn lao nhất của nền văn minh nhân loại. GS. Đặng Đức Siêu ( theo Almanach -Nxb VHTT, 2006)
  2. Dạy và học từ Hán Việt ở trường phổ thông. Đặng Đức Siêu - Nxb GD, 2006.
  3. ALMANACH những nền văn minh thế giới- Nxb VHTT 2006.
  4. Tự vị Annam Latinh - Nxb Trẻ, 1999
  5. Lột trần Việt ngữ - Bình Nguyên Lộc, Nxb Nguồn Xưa, Saigon 1970
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 58
accessibility Hôm qua: 87
account_circle Trong tháng: 311.634
account_box Trong năm: 41.299
supervisor_account Tổng truy cập: 3.181.619