Họa sĩ: Chấn Hưng
Khác với thể loại tranh sơn dầu, sơn mài hay bột màu... khi vẽ người họa sĩ có thể tha hồ tự do mặc sức phóng cọ theo dòng cảm xúc đang dâng trào của mình. Nhưng đối với vẽ tranh lụa, họa sĩ phải lắng lòng để chuyển tải cảm xúc, do đó cảm hứng sáng tạo thường diễn ra chậm. Đây là đặc tính của tranh lụa, cách diễn đạt mềm mại mơ màng... đòi hỏi họa sĩ ngoài tính kiên nhẫn, phải có thêm một thái độ tỉ mỉ đến cầu kỳ trong từng nét vẽ, tạo vết loang màu mới làm nên một bức tranh lụa đẹp thanh thoát, lung linh mờ ảo. Tính chất này đã làm nên một nét riêng cho tranh lụa Việt Nam.
1- Tranh lụa có từ bao giờ?
Tranh lụa thường được biết đến ở một số nước phương Đông, có nghề trồng dâu nuôi tằm từ xa xưa rất phát triển như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam. Lụa được dệt từ tơ tằm, người ta nuôi tằm lấy tơ dệt thành vải lụa. Từ xưa lụa là một mặt hàng cao cấp, bởi nó bền mịn và mượt mà có vẻ đẹp óng ánh. Từ phương Đông nó đã trở thành một ngành thương nghiệp xuyên quốc gia, mà ngày nay chúng ta biết được con đường tơ lụa nổi tiếng. Tranh lụa được biết đến ở Trung Hoa vào thời Tam Quốc, Lục Triều vào khoảng Thế kỷ III sau CN, cũng có thể trước đó rất lâu. Người Việt Nam thời cổ cũng vẽ trên lụa và giấy, nhưng thời phong kiến hội họa nước ta không phát triển, giờ đây còn lưu giữ bức chân dung của Nguyễn Trãi ở Thế kỷ XV và nhiều bức ở Thế kỷ XIX.
Với những trình bày trên, chắc hẳn tranh lụa đã được vẽ từ lâu, họa sĩ và nghệ nhân ở mỗi quốc gia tiếp cận, thể hiện trên chất liệu này theo mỗi cách riêng, ứng dụng trong cuộc sống theo một tập quán khác nhau.
2- Tranh lụa Việt Nam
Trong vòng 20 năm (1925-1945) các họa sĩ Trường Mỹ Thuật Đông Dương đã có một cái nhìn mới trong sáng tác. Trong khi nghệ thuật sơn dầu đang tiếp cận các cuộc cách tân hội họa, với xu thế “hướng về phương Đông” đang bùng nổ tại Pháp đầu thế kỷ XX. Những sự kiện này đã gợi ý cho hội họa Việt Nam tìm về bản sắc của mình, tiến lên theo kịp các trào lưu hội họa hiện đại thế giới. Chính Victor Tardieu(*) đã đề ra phương pháp đào tạo thế hệ họa sĩ này hết sức sinh động, các họa sĩ phải học đúng chương trình theo nguyên tắc, nhưng sáng tác thì họ tìm tòi thử nghiệm các chất liệu Á Đông. Chỉ trong một thời gian ngắn, một số tác phẩm đặc sắc mang diện mạo Việt Nam ra đời, cùng với nhiều thử nghiệm chất liệu các thể loại tranh. Tranh lụa được nhiều họa sĩ sử dụng, như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Mai Trung Thứ, Vũ Giáng Hương, Lê Thị Lựu ...
Các họa sĩ bậc thầy Việt Nam, luôn để lại những dấu ấn cá nhân trường phái và bút pháp của mình. Như Tô Ngọc Vân tài hoa, Nguyễn Tư Nghiêm thâm trầm mạch lạc, Dương Bích Liên trau chuốc tinh tế, Bùi Xuân Phái biểu tượng đầy cảm xúc... thì ở Nguyễn Phan Chánh lại chân phương, mộc mạc đậm chất Đông phương sâu lắng hồn quê.
3- Vẽ tranh lụa
Màu dùng để vẽ trên lụa thường là màu nước, phẩm hoặc mực Tàu. Trong dân gian, màu vẽ được chế từ các sản phẩm thiên nhiên có sẵn: màu đen từ than xoan, lá tre; màu xanh từ lá chàm; màu vàng từ hoa hòe; màu trắng từ điệp tán nhuyễn ...
Khi cầm lụa trên tay, có thể cảm nhận được vẻ mịn màng, lụa không giống như các loại vải dệt từ các loại sợi nhân tạo. Người ta dệt lụa cũng tùy làng nghề truyền thống, có loại dệt sợi dày, có loại dệt thưa và màu sắc cũng khác nhau, có loại trắng ngà, có loại hơi vàng... Cho nên khi vẽ người ta cũng cần thứ lụa thích hợp với sở trường và kinh nghiệm của mình. Các họa sĩ ngày nay không dùng màu tự nhiên nữa, mà dùng màu nước (water colour) để vẽ, sau khi vẽ xong thì hồ và bồi nền sau lưng tấm lụa. Kỹ thuật trên đã làm thay đổi căn bản kỹ thuật vẽ lụa cổ truyền. Vẽ bằng màu tự nhiên người ta không rửa và chuốt mặt lụa quá nhiều, chủ yếu vẽ một lần, hoặc vờn ngay trên bề mặt. Nếu vẽ bằng màu nước, thực chất là một kỹ thuật nhuộm lụa, màu nước sẽ ngấm vào trong thớ lụa, trở thành sợi nhuộm màu, chứ không ở trên mặt tranh. Bằng kỹ thuật này phải vẽ ẩm và rửa nước nhiều lần, màu sẽ lung linh huyền ảo và các sắc độ tinh tế hơn vẽ khô, thực ra khi vẽ ẩm, các màu khác sẽ hòa vào nhau, tạo ra một màu xám đen, dễ bị tối màu. Vì tranh lụa hiện nay vẽ theo kỹ thuật ẩm càng để lâu càng xám lại. Cho nên không xử lý căn bản của bước đầu, sẽ dẫn đến tác phẩm sẽ mau hư theo thời gian, vấn đề này đã từng xảy ra cho các loại tranh lụa có bồi giấy, sau nhiều năm chất lượng lớp hồ bị hủy hoại, làm hư cả giấy bồi và lụa ở bên trên lẫn phía dưới.
Có những bức tranh phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành, từ khâu vẽ hình họa lên giấy rồi áp vào sau tấm lụa để in nét. Vì thế không để lại nét chì sau này, màu được phủ lên hình họa, để khô, sau đó nhẹ nhàng rửa cho hết lớp gợn của bột màu, để khô rồi tiếp tục quết tiếp lớp màu nữa, đến khi có được màu như ý cho tác phẩm...
Lụa sẽ thấm từ bề mặt và bề trái của tranh. Cho thấy vẽ tranh lụa, không những phải có tài năng mà còn rất kiên nhẫn và bền bỉ.
4- Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh
Đặc biệt bức tranh Chơi ô ăn quan, được vẽ trên nền lụa trắng ngà. Ở đây ta thấy hai màu nâu và đen Nguyễn Phan Chánh làm người xem ngỡ ngàng, khi vẽ những em bé chơi trò mà không nghịch ngợm, chăm chú mà điềm tĩnh, ngây thơ mà tư lự... Đã gây một tiếng vang lớn trong cuộc Triển lãm đấu xảo Paris năm 1931. Từ đó Nguyễn Phan Chánh chuyên sáng tác và nổi tiếng về tranh lụa, dùng lụa miêu tả phản ánh hiện thực, đã khẳng định được phong cách cùng khuynh hướng nghệ thuật hiện thực dân tộc. Tài năng Nguyễn Phan Chánh thể hiện ngay trong cách nhìn sự việc vốn luôn hiện hữu trong cái đơn giản của đời sống một cách minh triết, ông nhìn bằng tâm tưởng, thấy được những điều mà mắt người không thấy hoặc thờ ơ bỏ qua. Là những vẻ đẹp đơn giản rất đời thường. Bố cục rất lạ nhưng thông thoáng, có thể thấy một sự trải nghiệm tinh tế của phương Đông, nhưng hài hòa cùng với sự chính xác khoa học phương Tây, giữa mô tả và gợi tả (nếu nói đến mô tả, tả thực trong hội họa phương Tây, có nhiều tác phẩm làm ta sững sờ kinh ngạc, chính xác đến từng chi tiết). Nguyễn Phan Chánh đã thẩm thấu tâm hồn chúng ta bởi một hồn quê dân dã. Tranh ông mang một sắc thái êm ả, thanh thản, bình dị, trữ tình.
Nguyễn Phan Chánh là một trong những họa sĩ hàng đầu của tranh lụa Việt Nam, và cũng là người gõ tiếng chuông lớn cho hội họa Việt Nam ở nước ngoài năm 1931. Tính cách thuần Việt xuyên suốt trong các tác phẩm của ông đã in đậm bao kỷ niệm êm đềm về quê hương, xứ sở. Ngày nay với sự tác động của đô thị hóa quá mạnh mẽ ở nông thôn, làm biến đổi trầm trọng cảnh quan và hồn người. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh như một dấu tích tâm hồn dân tộc, sẽ được nhiều thế hệ trân trọng gìn giữ.
Thường trong những bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, hay có những dòng thư pháp chữ Hán đi kèm ở góc trên của tranh, tùy theo bố cục tranh. Do từ nhỏ ông đã được học chữ Hán và nghệ thuật thư pháp, đây là thói quen khác lạ so với các họa sĩ vẽ tranh lụa khác, mặc dù phóng một vài câu thơ thư pháp chữ Hán này không ăn nhập với nội dung ý tưởng của bức tranh, chỉ là những tâm sự độc lập của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh. Có thể nói thơ trên tranh là một nét riêng của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Cũng chính điều này mà vô tình việc sao chép tranh và làm giả tranh Nguyễn Phan Chánh đã được hạn chế rất nhiều.
Ông mất năm 1984, số lượng tranh của Nguyễn Phan Chánh hiện nay chưa có số liệu chính thức. Ước lượng khoảng 50 bức, trong đó gia đình lưu giữ 20 bức, 30 bức còn lại ở các Bảo tàng và trôi nổi. Riêng nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã mua được trên hàng trăm bức ký họa. Bức chơi ô ăn quan trước đây thuộc nhà sưu tầm Đức Minh, nhưng sau Ông qua đời vì nhiều lý do đã bán cho nhà sưu tầm nước ngoài. Bức người bán gạo vẽ năm 1932 được bán đấu giá tại nhà Christi’s London tới hàng trăm ngàn Đô la, mà hôm nay chúng ta biết được.
5- Tranh lụa hôm nay và thực trạng
Lớp họa sĩ hiện nay không thật sự dấn thân, do tranh lụa vẽ công phu và khó thành công trong phong cách. Khuynh hướng giảng dạy của các trường còn nhiều bàn cãi, sinh viên trong Khoa lụa càng ngày càng ít hẳn đi. Tác phẩm lụa trong các triển lãm càng ít đi theo từng đợt. Hiện nay dòng tranh này vẽ để cốt bán theo hàng lưu niệm, cho nên giá trị nghệ thuật không cao, dễ dãi đơn giản ở các đô thị lớn. Cần có những hội thảo chuyên đề Lụa, điểm lại những thành tựu giá trị lâu bền nhìn từ tác phẩm chơi ô ăn quan. Đây là điểm tựa để chúng ta giữ niềm tin vào tương lai của thể loại hội họa này
Tài liệu tham khảo:
(*) Victor Tardieu (1870-1937) người Pháp, hiệu trưởng đầu tiên Trường Cao Đẳ̉ng Mỹ Thuật Đông Dương.
1- Khai thác chất liệu truyền thống cho những đề tài đương đại. Nguyễn Quân, Nghệ thuật số 5&6, 1978
2- Các họa sĩ trường Cao Đẳ̉ng Mỹ Thuật Đông Dương. ,Nxb Mỹ thuật, Hà Nội 1998.
3- Danh họa Nguyễn Phan Chánh- Trịnh Chu, KTNN số 678.
4- Kỹ thuật tranh lụa Việt Nam- Nguyễn Thụ, Nxb Mỹ thuật,1995