Nâng cao năng suất doanh nghiệp dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ

Cập nhật lúc:   14:33:48 - 16/10/2023 Số lượt xem:   338 Người đăng:   Administrator
Cán bộ Sở KH&CN cập nhật thông tin về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp. Ảnh: LỆ VĂN Cán bộ Sở KH&CN cập nhật thông tin về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp. Ảnh: LỆ VĂN
Sở KH&CN vừa phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN&ĐMST) nhằm khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, triển khai dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN&ĐMST nâng cao năng suất. 
Chỉ mới dừng ở mức các hệ thống quản lý chất lượng 
Theo báo cáo của Sở KH&CN, trong giai đoạn 2021-2025, đóng góp của KH-CN trong tăng trưởng kinh tế đo bằng đóng góp của tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng GRDP đạt 37%. Công tác quản lý nhà nước về KH-CN&ĐMST có nhiều đổi mới; tiềm lực KH-CN được nâng lên; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH-CN trên các lĩnh vực được đẩy mạnh, chất lượng, hướng đến hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, hình thành 3 doanh nghiệp KH-CN, bước đầu thương mại hóa sản phẩm khoa học mang lại hiệu quả kinh tế. 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 18/8/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 11 về phát triển, ứng dụng KH-CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Mục tiêu chung đặt ra là phát triển, ứng dụng KH-CN&ĐMST, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; chú trọng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực, nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhanh và bền vững với các nhóm mục tiêu cần đạt được. 
Cụ thể, tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025; phấn đấu 90% nhiệm vụ KH-CN đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống; phấn đấu đến năm 2025, hình thành không gian ĐMST và chuyển đổi số, phục vụ chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số cho các tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; hỗ trợ phát triển 10 dự án khởi nghiệp ĐMST, 5 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ xây dựng ít nhất 5 doanh nghiệp KH-CN; ít nhất 1 doanh nghiệp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo; 5 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho ít nhất 20 sản phẩm hàng hóa của tỉnh… 
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Giai đoạn 2021-2025, sở tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng, hỗ trợ kinh phí cho 7 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về các hệ thống quản lý, công nghệ tiên tiến ISO 9001:2008 và ISO 2200:2005. Thực tế cho thấy việc hỗ trợ cho doanh nghiệp chỉ mới dừng ở mức các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, giải thưởng chất lượng quốc gia.
Nhân viên Công ty TNHH Hải sản Bình Minh (huyện Tuy An) vận hành thiết bị công nghệ Kuraban để bảo quản hải sản. Ảnh: LỆ VĂN

Các doanh nghiệp mong muốn gì? 
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý KH-CN (Sở KH&CN), qua khảo sát tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, doanh nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn sản xuất, thiếu lao động, thiếu chuyên gia; khó khăn trong tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, lưu thông hàng hóa và khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Đối với các doanh nghiệp quy mô vừa trở lên, các hệ thống quản lý năng suất chất lượng cơ bản được áp dụng như hệ thống ISO 9000, hệ thống ISO 22000, 5S, tuy nhiên mức độ áp dụng cũng có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp. 
“Nhìn chung, các doanh nghiệp đều mong muốn và sẵn sàng tham gia các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng của tỉnh. Nhu cầu hỗ trợ cũng khác nhau, có doanh nghiệp cần hỗ trợ về kinh phí, số khác lại cần hỗ trợ về chuyên gia và đào tạo”, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết thêm. 
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. 
Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2021-2025 là nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về năng suất chất lượng cho khoảng 10-20 cán bộ, công chức, chuyên gia thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng cho cán bộ, công chức. Xây dựng đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng tại chỗ cho địa phương. Tăng cường năng lực cho các tổ chức kiểm định, thử nghiệm, đánh giá chứng nhận nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa. Số doanh nghiệp được phổ biến, đào tạo, hướng dẫn áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng hàng năm tăng từ 5-10%. Lựa chọn ít nhất 2 doanh nghiệp để hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Vận động, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia giải thưởng Chất lượng quốc gia, trong đó phấn đấu có ít nhất 3 doanh nghiệp tham gia và đạt giải thưởng này. Phấn đấu trong giai đoạn 2026-2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15% và có ít nhất 5 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng. 
Theo ông Dương Bình Phú, để đạt được các mục tiêu nêu trên, thời gian đến, các cơ quan, đơn vị cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Thông tin, tuyên truyền về năng suất chất lượng; đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tăng cường năng lực cho các tổ chức kiểm định, thử nghiệm, đánh giá chứng nhận nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH-CN&ĐMST ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cải tiến năng suất còn nhằm xây dựng các nền tảng cho hoạt động cải tiến năng suất, bao gồm các hoạt động giáo dục, đào tạo, cải thiện chính sách, cải thiện năng suất chất lượng dịch vụ. Trong đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn được chú trọng để hỗ trợ tốt phong trào năng suất chất lượng tại địa phương, trang bị kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động chủ động triển khai các giải pháp cải tiến năng suất tại đơn vị. 
                                             Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN
 
LỆ VĂN – NGUYỄN NAM
Nguồn: Báo Phú Yên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 47
accessibility Hôm qua: 117
account_circle Trong tháng: 244.921
account_box Trong năm: 25.143
supervisor_account Tổng truy cập: 3.165.463