Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng năng suất lao động dựa trên hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chủ trương này, Phú Yên đã và đang từng bước xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Ứng dụng khoa học, công nghệ (KH-CN) là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và cạnh tranh bền vững trên thị trường…
Phát triển bền vững
Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, kinh doanh thức ăn, thuốc và vật tư nuôi trồng thủy sản, thu mua thủy sản và vận chuyển hàng hóa chuyên dùng.
Nhiều năm qua, công ty luôn chú trọng đổi mới sáng tạo, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN tiên tiến để tối ưu hóa quá trình vận hành Dự án phát triển công nghệ nuôi trồng thương phẩm tôm thẻ chân trắng trên cát bằng nước biển ven bờ ở miền Trung, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT); hay Dự án hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Bộ KH&CN.
Theo ông Nguyễn Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, trong bối cảnh thị trường thủy sản trong nước và quốc tế có nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc ứng dụng các giải pháp, cải tiến KH-CN được công ty đặt lên hàng đầu.
Song song đó, công ty luôn khuyến khích cán bộ, người lao động đẩy mạnh nghiên cứu, hiến kế các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo. Nhờ đó đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty.
Xác định việc nâng cao năng suất, chất lượng là điều kiện tiên quyết giúp công ty phát triển bền vững, thời gian qua, Công ty TNHH Yến sào Khang Châu tích cực xây dựng các chương trình nghiên cứu KH-CN; vận hành, tối ưu hóa các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến.
“Công ty đã áp dụng nhiều hệ thống cải tiến như hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; HACC, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, OCOP 4 sao và các công cụ cải tiến năng suất như 5S, LEAN”, bà Trần Bảo Châu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Khang Châu cho biết.
|
Nhân viên Công ty TNHH Hải sản Bình Minh (huyện Tuy An) vận hành thiết bị công nghệ Kuraban để bảo quản hải sản. Ảnh: LỆ VĂN |
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Sở KH&CN tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về năng suất, chất lượng, từng bước hình thành mạng lưới tư vấn, chú trọng nguồn nhân lực của các trường đại học, cao đẳng.
Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh nâng cao chất lượng tại các trường đại học, cao đẳng, góp phần gắn kết hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo nền tảng kiến thức, tư duy về năng suất, chất lượng trong đội ngũ sinh viên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn nhân lực đảm bảo về năng suất, chất lượng trong tương lai.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng. Chú trọng giải pháp hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
Theo ThS Lê Xuân Biên, Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng), thực tế cho thấy, đa phần việc ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo chỉ được các doanh nghiệp lớn chú trọng thực hiện.
Trong khi đó, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn Phú Yên chiếm đến khoảng 97%, nên việc áp dụng công cụ quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm coi trọng và đầu tư thỏa đáng.
Trình độ quản lý của doanh nghiệp ở Phú Yên còn hạn chế, chưa có nhân sự đáp ứng chuyên môn để ứng dụng các thành tựu KH-CN vào sản xuất, kinh doanh; chi phí đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số khá lớn.
“Nâng cao năng suất, chất lượng là điều kiện tiên quyết giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng các công cụ, hệ thống cải tiến, thì tư duy con người là yếu tố quyết định. Thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng sẽ phối hợp với Sở KH&CN tổ chức các hoạt động đào tạo chuyên gia tư vấn năng suất, chất lượng để kịp thời hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu và thu hút doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH-CN vào sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp ở Phú Yên không ngừng nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường”, ông Biên nhấn mạnh.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định 96 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Mục tiêu chung của kế hoạch này là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực thông qua việc ứng dụng những thành tựu mới của KH-CN, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; triển khai các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo…
Phấn đấu đến năm 2030, mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm; đóng góp của KH-CN thông qua TFP, khoảng 35% vào tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà; phấn đấu có 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; xây dựng 10 mô hình điểm về cải tiến năng suất trong một số lĩnh vực dịch vụ công, bệnh viện, trường học; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng về năng suất trong các cơ sở đào tạo đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.