TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Lợi ích từ việc điều trị dự phòng loãng xương

Cập nhật lúc:   09:12:27 - 13/11/2023 Số lượt xem:   229 Người đăng:   Administrator
PGS.TS.BS Lê Nghi Thành Nhân báo cáo khoa học trong chương trình đào tạo y khoa liên tục “Cập nhật chẩn đoán và điều trị trong chấn thương chỉnh hình” do Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phối h PGS.TS.BS Lê Nghi Thành Nhân báo cáo khoa học trong chương trình đào tạo y khoa liên tục “Cập nhật chẩn đoán và điều trị trong chấn thương chỉnh hình” do Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phối h
Cùng với xu hướng phát triển của y học hiện đại, chuyên ngành Chấn thương - Chỉnh hình tại Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong việc chẩn đoán, điều trị các chấn thương và tình trạng b
Đối với người cao tuổi, nếu chú ý đến việc điều trị dự phòng loãng xương thì sẽ mang lại lợi ích to lớn. 
Báo Phú Yên trao đổi với PGS.TS.BS Lê Nghi Thành Nhân, Trưởng bộ môn Ngoại, Trường đại học Y - Dược Huế, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Lồng ngực, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế về một số bước tiến trong lĩnh vực chấn thương - chỉnh hình và tầm quan trọng của việc điều trị dự phòng loãng xương. 
* Thưa phó giáo sư, những tiến bộ của công nghệ giúp ích như thế nào trong lĩnh vực chấn thương - chỉnh hình hiện nay? 
- Lĩnh vực chấn thương - chỉnh hình có sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ, giúp phát triển các kỹ thuật trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật. Công nghệ giúp chế tạo các phương tiện mới, dụng cụ mới, từ đó triển khai các kỹ thuật mới để chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Có thể kể một số kỹ thuật mới, như phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp vai... Mặt khác, những phương tiện mới giúp thầy thuốc nhận diện các tổn thương, các cấu trúc rất nhỏ mà trước đây có thể bỏ sót, nay chúng ta chẩn đoán được và điều trị rốt ráo, tích cực hơn. 
Công nghệ trong y khoa càng ngày càng tiên tiến. Đơn cử như kỹ thuật dựng hình 3D giúp thầy thuốc chỉnh hình cho phù hợp. Trước đây, phần lớn là chúng ta phải hình dung. Bây giờ từ mô hình 3D, chúng ta tính toán chính xác đặt nẹp như thế nào, uốn nẹp ra sao... Và sau khi phẫu thuật, điều trị, bệnh nhân phục hồi chức năng với sự hỗ trợ của máy móc giúp họ ít đau hơn trong quá trình tập luyện. Do đó, bệnh nhân hợp tác rất tốt, tập luyện tốt; việc phục hồi chức năng mang lại hiệu quả cao hơn. 
* Không phải người bệnh ở đâu cũng có thể tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến. Theo phó giáo sư, làm thế nào để bệnh nhân ở những địa phương xa các trung tâm có thể tiếp cận các phương pháp điều trị mới, hiệu quả cao hơn? 
- Việc phát triển các kỹ thuật mới đòi hỏi không chỉ có thiết bị điều trị trực tiếp mà cần có thiết bị hỗ trợ nên chi phí cao. Chúng ta không thể yêu cầu tất cả bệnh viện ở các tuyến đều có thể thực hiện được các kỹ thuật cao. Chúng ta sẽ lựa chọn, có thể tập trung vào một số đơn vị đứng đầu các vùng, khu vực, hay những bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh để triển khai các kỹ thuật mới. Vấn đề là các đơn vị có được nguồn đầu tư thích đáng. Về nhân lực thì phải đưa đi đào tạo và có trang thiết bị để họ thực hiện các kỹ thuật mới. Và vấn đề quan trọng là mạnh dạn giao cho họ làm.
Các bài tập vận động cơ thể phù hợp giúp tăng mật độ xương, đồng thời cải thiện sự cân bằng, hạn chế nguy cơ té ngã. Trong ảnh: Một nhóm phụ nữ tập thể dục vào buổi sáng ở TP Tuy Hòa. Ảnh: YÊN LAN

* Chúng ta vẫn nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phó giáo sư có những khuyến cáo gì để phòng ngừa chấn thương? 
- Phòng chống tai nạn thương tích - trong đó có tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt... - liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đây là vấn đề quá lớn. 
Với người cao tuổi hiện nay, có một vấn đề nổi trội mà chúng ta đang bỏ qua, trong khi chúng ta có thể phòng ngừa một cách hiệu quả, đó là tình trạng loãng xương. Nếu chúng ta đặc biệt chú ý đến điều trị dự phòng loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi, thì sẽ giảm được một lượng rất lớn bệnh nhân loãng xương. Theo thống kê ở các nước phát triển, hàng năm, trong tổng chi phí điều trị gãy xương thì chi phí điều trị gãy cổ xương đùi chiếm khá cao. Nếu điều trị dự phòng loãng xương tốt thì chúng ta sẽ giảm được chi phí điều trị rất lớn, đem lại lợi ích về sức khỏe cho bệnh nhân. 
Cần biết rằng gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi là một trong những yếu tố tiên lượng nguy cơ tử vong trong thời gian sau đó. Theo nghiên cứu so sánh giữa các nhóm, cùng một độ tuổi, ở nhóm người bị gãy cổ xương đùi, tỉ lệ tử vong trong năm đầu tiên sau đó cao hơn hẳn nhóm không gãy xương. Vì vậy, nếu chúng ta điều trị dự phòng loãng xương tốt thì sẽ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh và cho xã hội. 
* Phụ nữ ở độ tuổi nào thì cần quan tâm đến việc điều trị dự phòng loãng xương, thưa phó giáo sư? 
- Phụ nữ tuổi mãn kinh bắt buộc phải theo dõi loãng xương. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ 65 tuổi trở lên phải đi đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra xem tình trạng xương đang ở mức độ nào, có bị loãng xương không. Nếu chưa loãng xương nhưng xương thiếu các chất khoáng, tổng khối xương giảm... thì phải điều trị dự phòng. 
* Xin cảm ơn phó giáo sư! 
YÊN LAN (thực hiện)
Nguồn: Báo Phú Yên

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 44
accessibility Hôm qua: 87
account_circle Trong tháng: 244.533
account_box Trong năm: 24.755
supervisor_account Tổng truy cập: 3.165.075