Đa dạng hóa sản phẩm
Nối nghề của gia đình, chị Bùi Thị Minh Nguyệt, chủ cơ sở sản xuất mây, tre đan Cường Thịnh (xã An Định, huyện Tuy An) phát triển nghề làm gia dụng từ mây, tre thủ công, bán ở chợ xã. Đến năm 2022, chị Nguyệt tiếp cận thị trường, bán hàng qua các kênh online và nhiều tỉnh thành khác. Năm 2023, chị đăng ký làm sản phẩm đặc trưng địa phương, OCOP 3 sao cho 8 sản phẩm như: bộ rổ, thúng, sàng, quang gánh, mẹt, kệ tầng… “Lấy nguyên liệu mây, tre tại địa phương và các xã lân cận, gia đình tôi cùng một số người dân trong xóm đan rổ, thúng các loại. Chất liệu tre, mây sau khi đan, tạo hình sản phẩm, tôi đem hun khói để tạo màu tự nhiên, thân thiện môi trường, hoàn toàn không sử dụng hóa chất độc hại”, chị Nguyệt nói.
Từ nguyên liệu sẵn có, các sản phẩm của cơ sở sản xuất mây, tre đan Cường Thịnh đều thân thiện môi trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay, do đó lượng tiêu thụ ngày một tăng. Các sản phẩm cũng đã đăng ký tham gia và được bình chọn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024. Theo chị Nguyệt, bình quân mỗi tháng, cơ sở bán được khoảng 100 sản phẩm, doanh số khoảng 40-50 triệu đồng. Chị sẽ tiếp tục đầu tư các loại thiết bị, máy móc để hỗ trợ quá trình sản xuất, góp phần gia tăng hiệu quả, tạo sản phẩm đẹp, bắt mắt hơn.
Đến thời điểm này, hộ kinh doanh gia vị bếp sạch Út Vũng Tàu (phường 6, TP Tuy Hòa) đã cho ra thị trường 7 sản phẩm gia vị như: tương ớt, tương cà, dầu hào, sốt trộn mì… và nhiều sản phẩm chế biến theo mùa khác được làm từ nguyên liệu thiên nhiên, không chất bảo quản.
Chị Dương Thị Trúc Linh, chủ hộ kinh doanh này chia sẻ: Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, tiện lợi, an toàn cho sức khỏe người dùng nên từ năm 2017, tôi đã tự tay chọn nguyên liệu rồi chế biến tương ớt, sau đó là sốt trộn mì… Sau khi dùng thử, nhiều bạn bè rất thích sản phẩm này. Đến năm 2022, tôi bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm gia vị. Tôi đầu tư nhà xưởng, dần dần phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nguyên liệu tôi chọn để làm sản phẩm phần lớn là cà chua, ớt, hành tây, sả… được trồng chủ yếu ở Phú Yên và các nông trại trồng nông sản sạch, hữu cơ ở tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum. Hiện các sản phẩm đã được kiểm nghiệm an toàn và cho ra thị trường, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Sau khi chế biến thành công các sản phẩm gia vị, chị Linh đã dành nhiều thời gian để tham gia các đợt trưng bày, quảng bá sản phẩm. Kết quả là nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng sản phẩm thiên nhiên, không chất bảo quản, phụ gia, tạo màu… Chính vì thế, chị sẽ nghiên cứu, lựa chọn nguyên liệu để tạo ra nhiều sản phẩm hơn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Không chỉ có thực phẩm, đồ gia dụng mà ngay cả sản phẩm làm đẹp, hóa phẩm cũng được các cơ sở sản xuất theo tiêu chí an toàn, tốt cho người dùng. Chị Lê Thị Phương, chủ hộ kinh doanh Lê Thị Phương (phường 5, TP Tuy Hòa) cũng là một trong số cá nhân đã làm ra sản phẩm từ thiên nhiên để chăm sóc tóc, da…
Chị Phương thổ lộ: Từ đam mê, nghiên cứu các sản phẩm thiên nhiên, tận dụng các loại cây, lá thảo dược trồng ở vườn nhà (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) và một số sản phẩm truyền thống của địa phương, tôi đã làm ra các loại dầu gội, dầu xả, dầu massage, xà phòng tắm, nước rửa chén sinh học… Gần đây, tôi còn nghiên cứu sản phẩm muối ngâm chân thảo dược lên men. Tôi nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm thiên nhiên, thân thiện môi trường cũng là vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Để quảng bá sản phẩm, tôi đang tiến hành các bước đăng ký sản phẩm đặc trưng địa phương, xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng cho cơ sở “Lê Phương handmade”.
Thích sưu tầm và sử dụng sản phẩm an toàn, bà Lâm Vân Anh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) cho hay: Trên thị trường luôn có nhiều sản phẩm và ngày càng đa dạng về chủng loại đến mức người tiêu dùng cũng phải đắn đo khi lựa chọn sản phẩm. Điều lo ngại của chúng tôi là gặp phải hàng kém chất lượng, hàng giả ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, phương châm của gia đình tôi hiện nay là ưu tiên chọn sản phẩm thân thiện, an toàn, thiên nhiên và nếu là sản phẩm do người dân tại địa phương sản xuất, được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng… thì càng yên tâm hơn.
Những năm qua, Phú Yên phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó có sản phẩm truyền thống, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và kể cả các sản phẩm do người dân tự nghiên cứu, sản xuất. Ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đơn vị khuyến khích các cơ sở đầu tư, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, hướng đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ sở biết cách làm mới, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, có sự đầu tư, học hỏi, nghiên cứu để sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như người sử dụng. Các cơ sở cần nắm bắt cơ hội để tham gia những đợt bình chọn, đánh giá sản phẩm do cấp địa phương, cấp tỉnh, khu vực, quốc gia tổ chức; từ đó khẳng định thương hiệu, uy tín cơ sở.
Các cơ sở cần biết cách làm mới, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, có sự đầu tư, học hỏi, nghiên cứu để sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như người sử dụng.
NGUỒN BPY