Hội thành viên Hội thành viên

Xây dựng hình mẫu nông dân thế hệ mới

Cập nhật lúc:   10:36:52 - 03/11/2020 Số lượt xem:   2514 Người đăng:   Administrator
Ông La Lang Tiến (bìa trái) cùng lãnh đạo xã thường xuyên theo dõi việc xây dựng trường học trên mảnh đất gia đình ông đã tặng. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG Ông La Lang Tiến (bìa trái) cùng lãnh đạo xã thường xuyên theo dõi việc xây dựng trường học trên mảnh đất gia đình ông đã tặng. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG
Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới (NTM)”. Người nông dân bao đời luôn muốn được làm chủ, có cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Xây dựng NTM như một công cụ hữu hiệu để họ thực hiện ước mơ đó.
BÀI 1: Tự nguyện cống hiến, hăng say sáng tạo 
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nông dân Phú Yên đã tự nguyện hiến hàng trăm héc ta đất, hàng triệu ngày công, hàng trăm tỉ đồng để xây dựng NTM; đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị ứng dụng cao. 
Người hiến đất, người hiến công 
Những ngày này, khi công trình điểm trường tiểu học ở thôn Hòa Ngãi (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) bước vào giai đoạn hoàn thiện thì niềm vui của những người dân xã miền núi này càng được nhân lên. Cụ La Mô Thinh ở thôn Hòa Ngãi, chia sẻ: “Suốt 4 tháng qua, từ khi khởi công xây dựng điểm trường này, mặc dù không có chức trách gì nhưng ngày nào tôi và nhiều người dân ở đây, hễ đi rẫy thì thôi, còn ở nhà là có mặt để cùng với chính quyền xã “giám sát” việc xây dựng trường. Mình không đủ điều kiện đóng góp nhiều nên cố gắng góp chút công sức để đảm bảo công trình được xây chất lượng nhất”. 
Điểm trường mới với 3 phòng học khang trang, trong khuôn viên gần 4.000m2 được tường rào bao bọc xung quanh sẽ là nơi gieo những con chữ đầu tiên cho các thế hệ trẻ em ở xã miền núi xa xôi này. Toàn bộ diện tích xây trường vốn là mảnh đất trồng nông sản của gia đình ông La Lang Tiến ở thôn Hòa Ngãi. Ông Tiến tâm sự: “Năm 1988, gia đình tôi di cư từ Sơn Hội sang đây, vợ chồng cất công khai hoang được ít đất sản xuất. Để có thêm đất canh tác, năm 2012, tôi mua thêm mảnh đất này (mảnh đất hiến để xây trường - PV) mất vài chục triệu đồng. Vài năm trước có người muốn mua lại nhưng tôi không bán. Giờ đây, thấy con em trong thôn cần có trường học nên tôi bàn bạc với gia đình hiến tặng 4.000m2 đất mà không đòi hỏi bất cứ điều gì”. 
Trước tấm lòng và nghĩa cử cao quý của gia đình ông Tiến, người dân địa phương cũng cố gắng đóng góp chút công sức của mình để chung tay xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho con cháu. Bà con đã đồng lòng góp tiền để cùng với Nhà nước bê tông toàn bộ đoạn đường dẫn vào điểm trường mới này. 
Chủ tịch UBND xã Sơn Định Nguyễn Minh Hoài cho hay: “Dự kiến giữa tháng 11 này, trường sẽ đưa vào hoạt động. Cũng nhờ được sự sẻ chia của gia đình ông Tiến mà xã có điều kiện xây điểm trường mới, đảm bảo cơ sở vật chất, khắc phục tình trạng thiếu phòng học cho con em địa phương”. 
Từ nhiều năm nay, cả ngàn học sinh bậc mầm non và THCS ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) ngày ngày đến trường học tập trong ngôi trường sạch đẹp và tiện nghi. Từ năm 2015, khi địa phương thực hiện chuẩn hóa hạ tầng trường học, gia đình bà Lê Thị Út ở thôn Tân Lập đã không ngần ngại tặng mảnh đất vườn rộng 13.000m2 để xây Trường THCS Đức Bình Đông. Tiếp đó, gia đình ông Lê Văn Tài cũng ở thôn này hiến mảnh vườn rộng hơn 9.000m2 để xây Trường mầm non Đức Bình Đông. Càng đáng trân trọng và cảm phục hơn nữa khi cả gia đình bà Út và ông Tài đều là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Bà Út hàng ngày bán bánh mì để kiếm tiền nuôi hai con bị tật nguyền bởi di chứng chất độc da cam, còn vợ chồng ông Tài phải bôn ba làm thuê nhiều nơi để trang trải cuộc sống. 
Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông Nông Văn Trình cho biết: “Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp của các hộ này, mới đây, gia đình ông Nguyễn Văn Lượng ở thôn Tân Lập cũng đã hiến hơn 300m2 đất để xây Trạm Y tế xã. Nhờ có những người dân biết hy sinh lợi ích bản thân, sẵn lòng gánh vác cho cộng đồng nên chính quyền địa phương mới thuận lợi trong việc thực hiện các mục tiêu, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, tạo diện mạo mới cho quê nhà phát triển.
Ông Lê Ngọc Nuôi bên chiếc máy bóc vỏ keo do ông nghiên cứu chế tạo ra. Ảnh: NGỌC HÂN

Lão nông đam mê sáng chế 
Từ thực tiễn sản xuất, cùng với niềm đam mê sáng tạo, lão nông Lê Ngọc Nuôi ở khu phố Long Châu (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) đã nghiên cứu và sáng chế ra nhiều công cụ, máy móc có tính ứng dụng cao, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương. 
Ở tuổi 80, con cái đã yên bề gia thất và thành đạt, ông Lê Ngọc Nuôi vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Bởi theo ông, lao động chính là phương thức luyện tập tốt nhất để nâng cao sức khỏe mà vẫn có thu nhập tốt. Ông kể, sau khi thất bại trong nuôi tôm, vợ chồng ông đã nỗ lực khai hoang đất, trồng mía, nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. “Lúc đó tôi buồn lắm vì cơ nghiệp cả đời gầy dựng lại mất trắng. Nhưng nghĩ, nếu mình buông xuôi thì coi như chấm hết nên tôi cố động viên gia đình không được nản lòng, thành công sẽ không phụ người có chí”, ông Nuôi tâm sự. 
Hơn 10 năm trước, nhờ Hội Nông dân thị trấn đứng ra tín chấp, gia đình ông vay 15 triệu đồng từ ngân hàng và quyết định lên xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), mạnh dạn đầu tư trồng cây keo lai giâm hom vừa phủ xanh đất trống đồi trọc vừa phát triển kinh tế rừng. Đất không phụ người, rừng keo phát triển lên 200ha, thu nhập gia đình liên tục tăng lên. Ngoài trồng trọt, vốn có nghề cơ khí, ông Nuôi còn dành thời gian cho những sáng chế, tạo ra các loại máy móc mang lại hiệu quả cao cho công việc trồng trọt phục vụ nông dân địa phương như: Lưỡi cày cắt hàng trồng mía có khoảng cách 70cm, lưỡi cày xới gốc, khung chụp máy phun thuốc nhằm hạn chế việc phát tán thuốc ra xung quanh, giảm thiểu việc cháy lá mía vì dính thuốc và hạn chế ô nhiễm cho người phun… 
Xem ti vi, thấy các nước phát triển thu hoạch cây lâm nghiệp bằng máy móc cơ giới hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông mê lắm nhưng giá thành tới 1 tỉ đồng/máy và không phù hợp địa hình đồi núi. Ông tham khảo nguyên lý hoạt động của các thiết bị, rồi tự thiết kế cho mình một máy bóc vỏ keo phù hợp, giá chỉ 550 triệu đồng. Ông Nuôi cho biết: “Với cấu tạo 1 khung thân xe tải, 1 động cơ dầu, 1 cần cẩu tự chế bóc keo cây từ dưới đất lên máy, 3 bánh nhông bóc vỏ, 1 cưa máy dứt khúc keo tự động, 1 bộ tời cáp để chuyển keo ở đường kính 100m, tất cả được vận hành bằng hệ thống thủy lực rất nhẹ nhàng với công suất bóc vỏ 50 tấn/ngày. Trong khi tổng chi phí nhiên liệu và công vận hành mỗi ngày chỉ 3 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao”. Ông Ma Đào, một nông dân ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, giải bài toán: “Để bóc được 50 tấn keo thành phẩm thì phải có 50 lao động làm việc trong một ngày, chi phí 15 triệu đồng, còn sử dụng máy bóc vỏ sẽ tiết kiệm 12 triệu đồng/ngày. Chỉ cần máy hoạt động 20 ngày/tháng, trong 2,5 tháng liên tục thì sẽ thu hồi vốn”. 
Mỗi năm, gia đình ông Nuôi thu nhập trên 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 30-40 lao động.
Bài cuối: Phát huy vai trò chủ thể của nông dân 
Ông Lê Ngọc Nuôi đã góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân. Chiếc máy bóc vỏ keo do ông chế tạo, giúp thay đổi tập quán canh tác thủ công. Ông Nuôi vinh dự được Thủ tướng Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
 
       Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân
THU THỦY - TUYẾT HƯƠNG - NGỌC HÂN
Nguồn: Báo Phú Yên ngày 03/11/2020
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 358
accessibility Hôm qua: 107
account_circle Trong tháng: 277.026
account_box Trong năm: 43.295
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.615