Phản biện xã hội cần được thể chế hóa

Cập nhật lúc:   15:03:13 - 26/09/2017 Số lượt xem:   1055 Người đăng:   Administrator
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao (Nguồn: Internet) GS.TS Nguyễn Ngọc Giao (Nguồn: Internet)
S.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT TP. Hồ Chí Minh kiến nghị vấn đề
S.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT TP. Hồ Chí Minh kiến nghị vấn đề trên khi trao đổi về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội. 

- Trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay được đánh giá là tổ chức hoạt động hiệu quả, đặc biệt là có những kết quả nổi bật trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội, được nhiều liên hiệp hội bạn đến giao lưu, học hỏi. Xin ông cho biết hoạt động này được Liên hiệp hội triển khai như thế nào?
 
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao: Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội  (gọi tắt là phản biện xã hội) của Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo 2 cách: tham gia đóng góp ý kiến  và trực tiếp tổ chức phản biện.
 
Với cách đầu tiên, Liên hiệp hội cử chuyên gia góp ý tại các buổi họp do UBND hoặc Mặt trận Tổ quốc TP chủ trì về các vấn đề như cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân, dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám.
 
Cách thứ hai là đối với các dự án mà lãnh đạo thành phố chính thức giao nhiệm vụ kèm với các hồ sơ, tài liệu cụ thể, Liên hiệp hội sẽ tùy tầm quan trọng của dự án mà hoặc giao cho các hội chuyên ngành hoặc giao cho Trung tâm Tư vấn -Phát triển của Liên hiệp hội triển khai. Trường hợp dự án đa lĩnh vực hoặc có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng thì Liên hiệp hội thành lập Hội đồng phản biện gồm các nhà chuyên môn ở các lĩnh vực tương ứng do một đồng chí Phó Chủ tịch hoặc chính Chủ tịch Liên hiệp hội chủ trì. Hội đồng phân công người nghiên cứu tài liệu, đi thực địa… và sau nhiều buổi trao đổi, thảo luận sẽ đúc kết thành các ý kiến phản biện chính thức của Liên hiệp hội để gửi lên UBND TP và Ban quản lý dự án. Khi cần thiết, trong quá trình làm việc còn có những buổi trao đổi trực tiếp với Ban quản lý dự án.
 
Cách làm này cũng áp dụng cho những dự án lớn tuy lãnh đạo thành phố không đặt hàng nhưng Liên hiệp hội thấy cần thiết phải phản biện và đã chủ động đề xuất với UBND TP.
 
- Đề nghị ông cho biết một số kết quả nổi bật trong hoạt động phản biện xã hội của Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh.
 
Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, với sự hợp tác (có ký kết văn bản) của các sở KH-CN, GT-VT, TN-MT và các sở khác, Liên hiệp hội và các hội thành viên đã triển khai tư vấn, phản biện và giám định xã hội hàng trăm dự án lớn, nhỏ. Các dự án Liên hiệp hội tự làm có thể kể như dự án “Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè”. Dự án này đã được Liên hiệp hội cùng Hội Vật lý TP. Hồ Chí Minh phản biện từ năm 2002. Sau đó, trong quá trình thành phố triển khai, Liên hiệp hội thực hiện giám định xã hội bằng việc thành lập Hội đồng giám định theo dõi sát sao 3 nội dung: công nghệ được sử dụng, ảnh hưởng đến môi trường và dư luận xã hội, định kỳ báo cáo UBND TP và thông báo với Ban quản lý dự án. Nhiều ý kiến Liên hiệp hội nêu ra khi phản biện đã xảy ra trong quá trình triển khai dự án như sụp hai robot thi công đào hầm do nền đất yếu. Dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2013, sang giai đoạn 2 là đưa nước bẩn qua bên kia sông để xử lý, Liên hiệp hội tiếp tục công việc giám định xã hội.
 
Với dự án cải tạo kênh Tấn Hóa – Lò Gốm, Liên hiệp hội giao cho Trung tâm Tư vấn -Phát triển phản biện và tham gia giám định xã hội. Dự án đã hoàn thành vào tháng 4/2015. Ngoài ra, Trung tâm Tư vấn – Phát triển đã phản biện “Báo cáo tiền khả thi xây dựng 2 tuyến metro ở TP. Hồ Chí Minh”.
 
Bên cạnh đó, Liên hiệp hội đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc TP phản biện một số dự án. Chẳng hạn như với dự án cổ phần hóa bệnh biện Bình Dân, các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc và Liên hiệp hội đã chỉ rõ tính bất cập của dự án, chính quyền thành phố đã tiếp thu và dừng triển khai. Tương tự ý kiến phản biện đã chỉ ra tính bất cập của dự án trạm thu phí xe máy vô nội thành đối với người dân dù khía cạnh kỹ thuật rất tiên tiến nên dự án này cũng không được triển khai. Vấn đề “hố tử thần” được Mặt trận Tổ quốc giao Liên hiệp hội tìm hiểu sâu. Liên hiệp hội đã thành lập Hội đồng chuyên môn (cùng Sở GT-VT và cả chuyên gia Singapore) và chỉ ra nhiều nguyên nhân. Việc tìm hiểu này đã dẫn đến một đề tài khoa học, kết quả được nghiệm thu và in thành sách cẩm nang cho các hoạt động liên quan đến công trình ngầm ở thành phố.
 
- Qua nhiều năm chỉ đạo hoặc trực tiếp tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội, ông đánh giá thế nào về hoạt động này? Liên hiệp hội cùng các hội thành viên có những thuận lợi và khó khăn gì khi triển khai hoạt động này?
 
Thông qua các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đội ngũ trí thức KH-CN đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp CNH, HĐH TP, đồng thời ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học đối với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh, của đất nước ta cũng không ngừng được nâng cao.
 
Tuy nhiên, số dự án được tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn quá ít so với số lượng các dự án, công trình đã được triển khai ở thành phố. Một số dự án lớn, quan trọng trong Quy hoạch tổng thể thành phố cũng chưa có sự tham gia của Liên hiệp hội. Điểm yếu này thực ra có thể khắc phục được khi có chủ trương của UBND TP và sự hợp tác của các sở, ngành.
 
Trở ngại lớn nhất của công tác phản biện xã hội chính là tư cách pháp nhân xã hội của nó. Không có gì bắt buộc các dự án phải qua phản biện xã hội. Các Ban quản lý dự án không phải lúc nào cũng mặn mà với việc này và nếu không phải qua khâu này thì càng gọn. Các ý kiến phản biện được trình lên lãnh đạo thành phố và thông báo cho Ban quản lý dự án cũng chỉ là góp ý, tư vấn, còn có được sử dụng hay không lại là vấn đề khác.

- Theo ông, để khắc phục trở ngại trên, Chính phủ cần làm gì?
 
Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất và bây giờ một lần nữa nhắc lại là công tác phản biện xã hội phải được thể chế hóa, tức là phải có một quyết định cụ thể của Chính phủ bắt buộc các dự án, công trình… có tổng kinh phí từ bao nhiêu tiền trở lên hoặc liên quan đến một địa bàn dân cư rộng bao nhiêu trở lên đều phải qua phản biện xã hội rồi mới được triển khai. Quyết định đó cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị phản biện cũng như của Ban quản lý dự án được phản biện đối với các ý kiến phản biện.
- Xin cảm ơn ông. 
Nguồn: vusta.vn ngày 14/01/2016
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 71
accessibility Hôm qua: 64
account_circle Trong tháng: 310.538
account_box Trong năm: 40.203
supervisor_account Tổng truy cập: 3.180.523