Giám sát, phản biện xã hội ngày càng cụ thể, chặt chẽ

Cập nhật lúc:   10:27:52 - 14/07/2023 Số lượt xem:   651 Người đăng:   Administrator
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Ảnh: THÚY HẰNG Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Ảnh: THÚY HẰNG
Đó là đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (NQLT 403) tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết này vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. 
Giám sát, phản biện xã hội nhiều lĩnh vực  
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, sau 5 năm thực hiện NQLT 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. 
Từ năm 2018-2022, ban thường trực ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc, trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và mặt trận cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực như: giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm... 
Đặc biệt, trong 5 năm qua, ban thường trực ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở. 
Riêng Phú Yên, trong 5 năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhiều nơi đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ ở địa phương, quan tâm xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Thông qua giám sát, phản biện xã hội, MTTQ thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân ngày càng rõ nét, được các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, các cấp, ngành ghi nhận và Nhân dân đánh giá cao. 
Cụ thể, 5 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức giám sát 1.371 chuyên đề; chủ trì tổ chức phản biện xã hội hơn 250 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 3 dự án. Nội dung giám sát, phản biện tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. 
Cùng với đó, MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò giám sát thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đến nay, ban thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát 8.013 vụ, việc; ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 10.134 công trình, dự án. Qua đó đã kiến nghị, phản ánh đến nhà thầu, chủ đầu tư xử lý những sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện các dự án để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư dự án trên địa bàn. 
Làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, tuyên truyền 
Giám sát, phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên, là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. 
Trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và NQLT 403 nói riêng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đỗ Thị Như Tình cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm để mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức giám sát và phản biện xã hội ngày càng hiệu quả hơn. 
Hằng năm, MTTQ và các đoàn thể cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn nội dung, phương pháp giám sát, phản biện phù hợp… 
Đây cũng là ý kiến được nhiều ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố nêu tại hội nghị. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, hệ thống MTTQ từ trung ương tới cơ sở phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao hơn nữa về nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó làm tốt hơn công tác tham mưu, tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội hiểu rõ và tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp với MTTQ thực hiện nhiệm vụ này.
 
THÚY HẰNG
Nguồn: Báo Phú Yên

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 380
accessibility Hôm qua: 107
account_circle Trong tháng: 277.048
account_box Trong năm: 43.317
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.637