Đây là đề xuất đáng chú ý được nêu ra tại Hội thảo Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức vào sáng 12/7 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Hội thảo nhằm triển khai Kế hoạch số 244-KH/BTGTW ngày 17/1/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đây là sự kiện thứ 2 do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức phục vụ nội dung rất quan trọng này…
Nhiều kết quả tích cực
Cùng với sách giáo khoa, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo từng bước đổi mới theo hướng xác định phẩm chất và năng lực của người học. Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng, bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đã tăng về số lượng và nâng cao trình độ đào tạo. Hiện, cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên, phân bố ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước.
|
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - Phan Xuân Dũng; Tổng thư kí Liên hiệp Hội Việt Nam- Nguyễn Quyết Chiến đồng chủ trì hội thảo |
Dù vậy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW vẫn còn một số hạn chế. Nguyên Phó Trưởng ban Ban Khoa giáo Trung ương – PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, giáo dục và đào tạo vẫn “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người và dạy nghề”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng thiết yếu cho người học chưa đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sử dụng người lao động.
Bên cạnh đó, theo các đại biểu, quy mô giáo dục ngoài công lập chậm phát triển. Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa đạt mục tiêu đề ra; chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nhiều nơi chưa gắn với yêu cầu giải quyết việc làm. Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Kết cấu hạ tầng đại học ít được đầu tư, nhất là các phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành; chưa có cơ chế đặt hàng đào tạo đối với một số ngành… Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, chính sách đãi ngộ với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
|
Nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương - Nghiêm Đình Vỳ phát biểu |
Sớm xếp lương giáo viên vào bậc cao của hệ lương sự nghiệp
Các đại biểu đều khẳng định, việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là rất quan trọng và cần thiết, do đó cần có đánh giá, làm rõ việc vì sao Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu; giáo dục, đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là động lực phát triển nhưng lại chưa đạt được kết quả như mong đợi, từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể.
Ông Nghiêm Đình Vỳ đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chuẩn bị định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trên cơ sở những thành tựu và hạn chế của giáo dục sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Bộ cũng nên đề nghị việc ban hành Kết luận của Ban Bí thư hay của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, trong đó có phần định hướng và giải pháp phát triển giáo dục cho 5 - 10 năm tiếp theo.
Riêng về vấn đề trường sư phạm và đội ngũ nhà giáo, nên tiếp tục cải cách lại hệ thống sư phạm với việc hình thành mạng lưới các trường và các khoa sư phạm. Xây dựng trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thực sự là trường trọng điểm theo chủ trương đã định từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết 29-NQ/TW. Các trường đại học sư phạm trọng điểm hướng tới chủ yếu là đào tạo sau đại học và trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là khoa học giáo dục.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Cũng theo các đại biểu, để nâng cao chất lượng giáo dục vàđào tạo, việc đào tạo giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, có 2 mô hình là đào tạo giáo viên từ các trường thuần túy về sư phạm và các trường theo xu hướng đa ngành. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá về các mô hình này, tổng kết một cách đầy đủ và tin cậy về các ưu, nhược điểm của mỗi mô hình trong bối cảnh mới để có quyết sách phù hợp.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, cần huy động đông đảo hơn các nhà khoa học đóng góp vào việc phát hiện những hạn chế của nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới, huy động các nhà giáo đóng góp những biện pháp để thực hiện tốt chương trình phổ thông mới.
|
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam - Nguyễn Cương phát biểu |
Dẫn ý kiến của các nhà khoa học, nguyên Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam - Nguyễn Cương nêu rõ, giải pháp tiên quyết để phát triển đội ngũ giáo viên nước ta là thu hút người giỏi, đào tạo giáo viên giỏi… Điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bảo đảm đầu ra có việc làm. Đặc biệt, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện sớm chủ trương xếp lương giáo viên vào bậc cao của hệ lương sự nghiệp; nghiên cứu việc phục hồi phụ cấp thâm niên.
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - Phan Xuân Dũng đã cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao 14 tham luận trình bày tại hội thảo, các ý kiến đã nhìn nhận các kết quả đạt được, những vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp, soạn thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, từ đó góp phần xây dựng các giải pháp để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới…