Hiệu quả từ việc chuyển giao thiết bị công nghệ Nhật Bản

Cập nhật lúc:   15:39:03 - 03/04/2023 Số lượt xem:   472 Người đăng:   Administrator
Công nhân Công ty TNHH Hải sản Bình Minh vận chuyển hải sản vào Kuraban để bảo quản. Ảnh: LỆ VĂN Công nhân Công ty TNHH Hải sản Bình Minh vận chuyển hải sản vào Kuraban để bảo quản. Ảnh: LỆ VĂN
Thông qua Tổ chức Năng suất châu Á (APO), Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ và chuyển giao cho Phú Yên 4 thiết bị bảo quản lạnh, gồm 2 container bảo quản lạnh Kuraban 20ft, 1 container bảo quản lạnh 40ft và 1 thiết bị sản xuất đá bào từ nước mặn Sea Snow cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá 57 triệu yên, tương đương 12 tỉ đồng. 
Qua hơn 1 năm sử dụng, các thiết bị bảo quản lạnh bằng điện từ trường này không chỉ giúp các doanh nghiệp ở Phú Yên giữ thực phẩm tươi lâu hơn, mà chuỗi giữ lạnh tối ưu sử dụng công nghệ của Nhật Bản còn mang lại giá trị gia tăng cho nông, thủy sản tươi sống… Đây chính là món quà công nghệ thực sự ý nghĩa cho ngành Thủy sản và kinh tế biển vốn là tiềm năng và thế mạnh của Phú Yên. 
Món quà ý nghĩa 
Cuối tháng 11/2021, Công ty TNHH Hải sản Bình Minh (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) được tỉnh bàn giao 1 container bảo quản lạnh Kuraban 20ft do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Đến ngày 10/3 vừa qua, công ty tiếp tục nhận 1 container Kuraban được điều chuyển từ Trung tâm KH&CN (Sở KH&CN). Đây là những container bảo quản lạnh bằng điện từ trường, cho phép duy trì độ tươi và chất lượng sản phẩm được bảo quản lâu hơn ít nhất 5 lần so với các container làm lạnh thông thường. Sản phẩm bảo quản không bị đóng băng trong suốt quá trình lưu trữ. 
Theo ông Phạm Phú Phong, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bình Minh, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, thiết bị đông lạnh Kuraban đã giúp doanh nghiệp chủ động trong việc bảo quản thủy sản. Thiết bị đông lạnh này có nhiều công nghệ mới mà các thiết bị đông lạnh trong nước chưa có được, nổi bật là nhiệt độ trữ đông ở mức -350C, nhiệt độ lạnh hơn giúp kéo dài thời gian trữ thực phẩm, tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại để bảo quản thực phẩm tốt hơn. Ngoài ra, hệ thống này làm lạnh sâu hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện từ 30-50% so với các thiết bị lạnh hiện có trên thị trường. 
Công ty CP Bá Hải (Khu công nghiệp Hòa Hiệp, TX Đông Hòa) cũng đang thụ hưởng 2 thiết bị do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, gồm 1 container Kuraban 40ft và 1 thiết bị sản xuất đá bào Sea Snow SS-1000. Sea Snow là thiết bị làm nước đá bào từ nước mặn (nước biển), tạo vảy đá xốp như tuyết, có khả năng giữ nhiệt độ ở mức -10C với nồng độ muối NaCl 1%, cho phép duy trì độ tươi sống của thủy sản mà không làm tổn hại đến sản phẩm. Chuỗi giữ lạnh tối ưu sử dụng công nghệ của Nhật Bản này mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều lần cho nông thủy sản tươi sống. 
“Thiết bị Sea Snow cho sản phẩm đá tuyết phù hợp với bảo quản cá tươi sống, đặc biệt là cá ngừ đại dương. Đá ở dạng xốp, giảm tác động cơ học làm ảnh hưởng đến cơ thể cá. Hơn nữa, trong sản phẩm đá bào chứa muối NaCl 1% có tác dụng ức chế sự hoạt động và phát triển của vi sinh vật, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cá”, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải cho biết. 
Nâng cao chất lượng sản phẩm 
Theo đánh giá của Sở KH&CN, qua hơn 1 năm vận hành và sử dụng, kết quả tại các đơn vị thụ hưởng dự án nói trên cho thấy, thiết bị Kuraban với các ưu điểm như vận hành thiết bị đơn giản, an toàn; đảm bảo được chất lượng sản phẩm trong bảo quản, chế biến, được các doanh nghiệp đánh giá cao. 
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý KH&CN (Sở KH&CN) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy ưu điểm của thiết bị Kuraban và thiết bị Sea Snow là giữ được chất lượng sản phẩm thực phẩm tốt hơn, thời gian dài hơn so với thiết bị lạnh thông thường. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ Kuraban, Sea Snow để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông thủy sản, nhất là trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp trên phạm vi toàn cầu”. 
Theo ông Phạm Phú Phong, thiết bị lạnh bằng điện từ trường này rất hữu ích và là món quà công nghệ đầy ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Đây là công nghệ mới được xem như giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Ngoài ra, việc thụ hưởng các thiết bị công nghệ hiện đại trong bảo quản đông lạnh giúp doanh nghiệp nhận biết được công nghệ mới, từ đó có những định hướng trong mua sắm thiết bị, mở rộng sản xuất. 
“Khi sản phẩm được bảo quản và làm lạnh bằng những công nghệ tiên tiến, khách hàng rất thích. Họ đánh giá doanh nghiệp mình rất cao khi biết ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Hơn nữa, việc ứng dụng KH&CN mới vào sản xuất giúp nâng cao được chất lượng và làm định mức tốt hơn, cũng như nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường thế giới. Hiện nay, việc áp dụng KH&CN vào sản xuất nhanh chừng nào thì hiệu quả kinh tế mang lại nhanh chừng đó”, ông Lê Văn Hồng chia sẻ. 
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, hiện nông nghiệp là ngành chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp tại tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến. Với nhận thức công nghệ hiện đại là chìa khóa để tháo gỡ khó khăn, Phú Yên hy vọng gói tài trợ của APO và Chính phủ Nhật Bản sẽ giúp từng bước hiện đại hóa lĩnh vực khai thác thủy sản, đáp ứng nhiệm vụ phát triển của địa phương.
Tôi kỳ vọng dự án hỗ trợ thiết bị công nghệ này sẽ giúp các đặc sản nổi tiếng của Phú Yên như cá ngừ đại dương, sò huyết đầm Ô Loan, tôm hùm bông, ghẹ Sông Cầu, cá mương sông Ngân Sơn… đến với người dân cả nước và vươn ra thế giới. Tôi cũng hy vọng, APO và Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục chọn Phú Yên là mảnh đất tiềm năng để ươm những hạt mầm năng suất xanh thông qua các dự án hỗ trợ phát triển về KH&CN và đổi mới sáng tạo. 
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 34
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.280
account_box Trong năm: 23.903
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.223