Du lịch cộng đồng: Hướng đi bền vững của Phú Yên

Cập nhật lúc:   15:36:25 - 07/01/2019 Số lượt xem:   1518 Người đăng:   Administrator
Du khách trồng rau cùng nông dân xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) - Ảnh: LÊ MINH Du khách trồng rau cùng nông dân xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) - Ảnh: LÊ MINH
“Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa độc đáo và kho tàng ẩm thực phong phú, thời gian gần đây, Phú Yên đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương, thu hút ngày càng nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm. Du lịch cộng đồng đã giúp người dân tăng thêm thu nhập và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên…”, đó là những chia sẻ của ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên khi trao đổi với Báo Phú Yên xoay quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết những lợi thế của Phú Yên trong phát triển du lịch cộng đồng?
 
- Phú Yên có địa hình đa dạng gồm biển đảo với nhiều danh thắng nổi tiếng như Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, Vịnh Vũng Rô, Hòn Yến, Đầm Ô Loan, Hòn Lao Mái Nhà; đồng bằng phì nhiêu với những cánh đồng lúa bao la được mệnh danh là vựa lúa miền Trung trước đây, bên những thắng cảnh thiên nhiên đẹp như núi Đá Bia, núi Chóp Chài, Đá Bàn, Vực Phun, Đập Hàn, thác Cây Đu, Đập Đồng Cam; ngược về miền núi có nhiều suối, thác tiêu biểu như thác H’Ly, thác Drai Tang của huyện Sông Hinh, hồ thủy điện Sông Hinh, thủy điện Sông Ba Hạ, thác Sơn Nguyên, vùng cao nguyên Vân Hòa với thực vật phong phú như cây đỏ, thác Hàn, suối Tía, Vực Đá Nhà thuộc huyện Sơn Hòa, suối nước nóng Triêm Đức, Trà Ô, suối Mơ, Vực Hòm thuộc huyện Đồng Xuân. Đó là tài nguyên quý giá về thiên nhiên để Phú Yên có nhiều lợi thế phát triển du lịch cộng đồng.
 
Văn hóa cũng là tài nguyên vô cùng phong phú. Ở vùng biển có di sản lâu đời hò bá trạo, lễ hội cầu ngư, làng nghề thúng chai Phú Mỹ, làng nghề nước mắm Gành Đỏ, Mỹ Quang. Ở đồng bằng có nghệ thuật bài chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, làng nghề truyền thống bánh tráng Hòa Đa, Đông Bình, làng nghề đan lát Vinh Ba. Ở miền núi, riêng huyện Sông Hinh là nơi quy tụ của hơn 19 dân tộc thiểu số như Ê Đê, Ba Na, Chăm H’roi, Thái, Dao, Mông với những di sản giàu bản sắc như lễ cúng mừng sức khỏe, cúng mừng lúa mới và kho tàng sử thi vô giá…
 
Mới đây, lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; huyện Đồng Xuân có nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Về âm nhạc, Phú Yên nổi tiếng với đàn đá, đặc biệt là bộ kèn đá chỉ có duy nhất tại Việt Nam. Nhiều món ngon của vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” đã lọt vào top 100 món ngon Việt Nam như mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc bắc, gà nướng Sông Cầu, sò huyết Ô Loan… Đây chính là tiềm năng quý để Phú Yên phát triển du lịch cộng đồng.
 
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng việc phát triển du lịch cộng đồng ở Phú Yên hiện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Bởi vậy, việc đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở từng địa phương và đưa ra các chính sách, giải pháp phát triển phù hợp là cần thiết.
 
* Thưa ông, để du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng, Phú Yên chú trọng thực hiện những giải pháp nào?
 
- Trước hết, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) về phát triển du lịch cộng đồng để nắm bắt nguyện vọng của người dân, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để từ đó xây dựng các chính sách, giải pháp phù hợp. Phú Yên mong muốn tạo ra một phong trào sôi nổi để người dân vào cuộc và mạnh dạn sáng tạo, đầu tư các mô hình du lịch mang tính bền vững, gắn phát triển du lịch cộng đồng với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa.
 
Bên cạnh đó, việc khảo sát, phát huy thế mạnh mô hình “Du lịch - Nông nghiệp”; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch góp ý, xây dựng, lựa chọn sản phẩm do người dân địa phương làm ra để bà con được chia sẻ lợi ích từ việc phát triển du lịch cũng sẽ được chú trọng. Mỗi địa phương cần có phương án xây dựng loại hình sản phẩm từ thế mạnh, đặc trưng của mình tránh sự rập khuôn về mô hình, sản phẩm du lịch.
 
Điều quan trọng là cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, giúp đỡ, hướng dẫn bà con đón tiếp, ứng xử văn minh với khách du lịch, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng sản phẩm chất lượng, đặc sắc, mô hình “Du lịch - Nông nghiệp” giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế, xã hội nông thôn...
 
Phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi lâu dài. Phú Yên sẽ tập trung xây dựng chính sách, kế hoạch, chương trình, liên kết tổ chức để các điểm du lịch cộng đồng phát triển mạnh hơn như làng rau Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc; buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng; buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh; thôn Hòa Ngải, xã Sơn Định.
 
Ngoài ra, sở sẽ phối hợp khảo sát để bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ thiên nhiên như rừng, thác, suối, cây thuốc quý; bảo tồn các giá trị văn hóa, ẩm thực ở các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới như buôn Ly, xã Ea Trol; buôn Kít, xã Sông Hinh; thôn Lượng Sơn, xã Sơn Xuân; thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh; thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng…
 
* Xin cảm ơn ông!
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 78
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 268.720
account_box Trong năm: 20.480
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.800