10 năm thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới

Cập nhật lúc:   14:38:39 - 14/05/2020 Số lượt xem:   812 Người đăng:   Administrator
Đoàn viên thanh niên tham gia thu gom rác thải ở bãi biển Tuy Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN Đoàn viên thanh niên tham gia thu gom rác thải ở bãi biển Tuy Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN
Năm 2010, xuất phát điểm của quá trình thực hiện tiêu chí 17 về môi trường, toàn tỉnh không có xã nào đạt. 5 năm sau (năm 2015), cả tỉnh mới có 17/88 xã hoàn thành và đến nay số xã đạt tiêu chí này đã lên tới 59 xã. Kết quả này có được là quá trình chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị và người dân.
Thay đổi thấy rõ 
Cách đây 10 năm, hầu hết người dân xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) vẫn giữ thói quen chăn nuôi thả rông không chuồng trại, vứt rác sinh hoạt, rác nông nghiệp bừa bãi quanh nhà, ngoài ruộng rẫy. Đường trong thôn, xóm và trên các kênh mương vì thế đầy rác. Nước sinh hoạt của bà con cũng rất khó khăn. “Hôm nay khác rồi, nhà có heo, gà đều làm chuồng kiên cố. Bò tại các gia đình có người dắt đi chăn thả và cuối ngày lùa vào chuồng. Bà con cũng quen với việc mang rác ra điểm tập kết để xe rác đi thu gom. Hai bên đường, các hội đoàn thể tự quản tổ chức các buổi dọn vệ sinh, nhiều nơi công cộng còn được trồng hoa, cây cảnh nên rất khang trang, sạch đẹp. Toàn xã có hai công trình nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của bà con”, ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 cho biết. 
Theo Sở TN-MT, năm 2010, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt thực hiện trên quy mô nhỏ, tập trung ở một số tuyến đường chính và được xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác tập trung. Các hộ dân chủ yếu tự thu gom sau đó chôn hoặc đốt. Từ năm 2015 đến nay, phạm vi thu gom được mở rộng, phủ khắp từ huyện tới xã, thôn, từ đường chính tới đường nhánh và từng hộ gia đình. Đối với chất thải xây dựng, trước đây các địa phương chưa quy hoạch bãi thải vật liệu xây dựng thì nay huyện nào cũng có nên việc quản lý đi vào nề nếp. Cùng với đó, các cơ sở có chất thải nguy hại cũng có nhà kho lưu giữ, thiết bị chứa và cam kết xử lý hợp quy chuẩn. Chất thải y tế được các địa phương thu gom về Trung tâm Y tế huyện để phân loại và đốt tại lò đốt riêng. Đặc biệt, chất thải nông nghiệp sau vụ mùa được các hộ dân tái sử dụng gần như 100%, không còn chôn lấp nữa. Chất thải chăn nuôi được tái chế bằng cách ngâm ủ để làm phân bón ruộng, trồng hoa, cây cảnh. 
Nâng cao ý thức người dân 
Để người dân thấy được hiệu quả của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thời gian qua, Sở TN-MT đã phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình điểm vệ sinh môi trường tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu; thành lập đội tình nguyện vì môi trường biển “Xanh - sạch - đẹp” tại các xã bãi ngang ở huyện Đông Hòa; thành lập 10 câu lạc bộ phụ nữ “Biển xanh - làm sạch bờ biển” tại huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa, huyện Tuy An. Trên phạm vi toàn tỉnh, đơn vị cùng các hội đoàn thể kêu gọi người dân, thanh niên tích cực hưởng ứng chiến dịch “Môi trường xanh” thông qua hoạt động vệ sinh bờ biển định kỳ; cùng các hội đoàn thể phát động phong trào “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cựu chiến binh gương mẫu xây dựng nông thôn mới ”… Tất cả tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng. 
Anh Nguyễn Văn Mỹ ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: Từ hoạt động của đoàn, hội, tôi hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường tới sức khỏe và phát triển kinh tế. Từ đó, bản thân ý thức hơn trong việc sử dụng tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng đồ nhựa, rác để đúng nơi quy định… 
Xã hội hóa hoạt động thu gom, xử lý rác thải nông thôn cũng là cách huy động sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân. Cũng theo Sở TN-MT, hiện toàn tỉnh có 42 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có 13 tổ/đội thuộc UBND xã, 21 tổ/đội thuộc HTX và 8 cá nhân. Việc chuyển đổi quản lý từ Nhà nước sang dịch vụ công ích, xã hội hóa cho các tổ chức, cá nhân đã thu hút thêm nhiều thành phần tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường. 
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2 (huyện Phú Hòa) cho biết: HTX thực hiện thu gom rác trong các hộ dân và rác trên các kênh mương, các tuyến đường trong xã. Hoạt động này vừa giúp mang lại doanh thu cho HTX vừa góp phần cùng xã bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. 
Theo bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, trong quá trình thực hiện tiêu chí 17 về môi trường, đích đến là nâng cao đời sống người dân, thay đổi bộ mặt làng quê. Người dân thấy được hiệu quả sẽ đồng thuận chung sức cùng hệ thống chính quyền và khi ấy các chỉ tiêu của tiêu chí 17 mới nhanh chóng được hoàn thành. “Gần 10 năm qua, thành công lớn nhất khi thực hiện tiêu chí 17 đó là căn bản quản lý được vấn đề rác thải, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp… Các xã chưa hoàn thành tiêu chí này, thời gian tới, đơn vị phối hợp đưa ra phương án để giải quyết từng chỉ tiêu khó”, bà Xuân nói.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 42
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.394
account_box Trong năm: 24.017
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.337