Hướng mà chúng tôi đã và đang làm để hội nhập là đưa tính chuyên nghiệp của ngành nghề lên cao
Hướng mà chúng tôi đã và đang làm để hội nhập là đưa tính chuyên nghiệp của ngành nghề lên cao, gắn liền với các yếu tố bản địa, nâng cao chất lượng dịch vụ có tính độc đáo của địa phương. Sẵn sàng cho công việc liên doanh liên kết, xem hội nhập như là một cơ hội chứ không phải là thách thức” (KTS Lê Trọng Cường).
Chuyên nghiệp và đa hệ
Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội, Kiến trúc sư Lê Trọng Cường (44 tuổi) đã có 20 năm gắn bó với các công trình xây dựng khắp đất nước. Anh hiện là Giám đốc Công ty Kiến trúc Delta, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên.
Nhiều người quen biết đã không hiểu bằng cách nào mà Cường có thể “ham vui” ở rất nhiều lĩnh vực. Năm ngoái, tôi bất ngờ khi anh “ôm” thêm việc đầu tư Nhà hàng cà phê Delta và tiếp đến là Trung tâm Bida Delta. Cường cho hay: “Kinh doanh là sở thích của tôi, việc làm thêm một số loại hình dịch vụ thiên về giải trí tuy có bận thêm nhưng là niềm vui. Nếu ta có kế hoạch cụ thể và điều hành nhân sự tốt thì không tốn nhiều thời gian lắm đâu”. “Vậy đâu là bí quyết để đạt hiệu quả điều hành cùng lúc nhiều cơ sở kinh doanh?”. “Đó là sử dụng hợp lý nguồn nhân lực hiện có ở mỗi địa điểm kinh doanh, có kiến thức am hiểu về tập quán tiêu dùng của người dân địa phương. Có kế hoạch làm việc phục vụ cho phương án kinh doanh nghiêm túc cho từng loại hình đầu tư”.
Về dự báo kinh doanh, Cường cho hay: “Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ. Khi hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp này sẽ
bị tác động rất lớn. Công ty chúng tôi cũng nằm trong diện này. Hướng mà chúng tôi đã và đang làm để hội nhập là đưa tính chuyên nghiệp của ngành nghề lên cao, gắn liền với các yếu tố bản địa, nâng cao chất lượng dịch vụ có tính độc đáo của địa phương. Sẵn sàng cho công việc liên doanh liên kết, xem hội nhập như là một cơ hội chứ không phải là thách thức”.
Tôi tò mò về việc “điều khiển” vốn vay của anh trong kinh doanh, thì được Cường bộc bạch: “Việc vay vốn trong kinh doanh là điều tất yếu của sự phát triển kinh tế, làm sao đầu tư ít nhất, thời gian đầu tư nhanh nhất, đưa vào khai thác đạt hiệu quả theo kỳ vọng. Luôn điều chỉnh vốn theo từng thời kỳ và sử dụng vốn đầu tư hợp lý cho từng loại hình kinh doanh, đúng mục đích, đúng thời điểm”.
Doanh nhân, võ sư Lê Trọng Cường. Ảnh: Hùng Phiên
Doanh nhân hào hoa
Thời gian “vàng ngọc” nhưng Lê Trọng Cường vẫn không nguôi lang thang với đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật và đang là Phó Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Sông Ba (Hội VHNT Phú Yên). Trải dài theo những công trình kiến trúc, ngơi ra một chút là anh lao vào nghệ thuật. Trong nhiếp ảnh, Cường xác định cho mình nhóm đề tài “li ti” như cận cảnh hoa, bướm, côn trùng. Các bộ ảnh như “Bướm”, “Kiến”, “Kắc ké”,… đều được anh chăm chút, khai thác triệt để “chộp” nhiều giống loài, góc độ, dáng thế.
Anh quan niệm, kinh doanh là một bộ môn nghệ thuật trí tuệ, đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về thị trường, về xã hội, về văn hóa tiêu dùng, và nhiều thứ khác mà người doanh nhân phải học và cập nhật kiến thức thường xuyên. Luôn nhạy bén với sự thay đổi của thị trường. Còn làm nghệ thuật thì phải có đam mê và luôn sáng tạo.
“May mắn, nghề kiến trúc sư vốn dĩ đã có tính nghệ sĩ trong đó, các bộ môn khác mà tôi tham gia như nhiếp ảnh, hội họa, nhạc, thơ,… đều từ cảm hứng kiến trúc mà ra. Doanh nhân có tính nghệ sĩ thì kinh doanh mới có nghệ thuật, hai yếu tố này luôn bổ trợ cho nhau. Doanh nhân phải biết giải quyết tốt các mâu thuẫn trong công việc theo cách “nghệ thuật” thì sẽ thành công”, Cường nói.
Nhiều người càng bất ngờ hơn khi biết Lê Trọng Cường còn là một võ sư có “số má”, anh hiện là Chủ tịch Hội Karatedo Phú Yên, với nhiều tâm huyết phát triển môn võ này trên quê hương xứ Nẫu.
Link
HÙNG PHIÊN