Cha, con & sản phẩm du lịch bên bến Đà Rằng

Cập nhật lúc:   16:48:45 - 04/01/2018 Số lượt xem:   3146 Người đăng:   Admin
Cha con ông Bình SVC trong xưởng chế tác sản phẩm du lịch sông nước. Ảnh: Hoàng Yến Cha con ông Bình SVC trong xưởng chế tác sản phẩm du lịch sông nước. Ảnh: Hoàng Yến
Với nhiều sáng tạo trên chất liệu gáo dừa, cha con ông Phạm Hồng Bình - Phạm Hồng Bảo (ở TP Tuy Hòa)
Với nhiều sáng tạo trên chất liệu gáo dừa, cha con ông Phạm Hồng Bình - Phạm Hồng Bảo (ở TP Tuy Hòa) đang sở hữu nhiều kỷ lục độc đáo. Kỳ này, cha con ông chuyển sang lập Đội hỗ trợ cứu hộ tư nhân Sông Ba, rồi “vẽ chuyện” du lịch trên dòng sông Đà Rằng… 

Khởi nghiệp gáo dừa

Bây giờ ở đất Phú Yên, nhiều người chẳng hiểu: Cha con ông Phạm Hồng Bình (Bình SVC) giàu hay nghèo. Thế nhưng chắc chắc: ông này là người nổi tiếng. Tại tỉnh này, ông được xem là kỷ lục gia với nhiều “đồ bự” nhất… để bán. Năm nay 68 tuổi, tính sơ sơ, ông Bình SVC đã trải qua khoảng chục nghề. Sau 1975, ông vào ngành công an, rồi chuyển sang làm thương nghiệp, xuất khẩu. Được chục năm, ông dứt áo Nhà nước, ra làm tư nhân với nghề mở phòng tối chụp rửa ảnh. Tiếp đến, ông trồng hoa, cây kiểng để bán; rồi nhận thầu làm non bộ, hoa viên,… Năm 2002, ở tuổi quá 50, ông rẽ ngang “chuyên trị” gáo dừa (sọ dừa) bằng việc mở Doanh nghiệp Mỹ nghệ Bình SVC.

Ông rong rảo đi mua gom hàng xe tải vỏ gáo dừa, đem về đập vỡ ra từng mảnh, rồi ghép lại thành những bức tranh đằm thắm. Tiếp đến là những chiếc đèn bàn, đèn ngủ, bình trang trí, bình cắm hoa,… đủ kiểu dáng. Nhiều vật dụng như bàn, ghế, giường, tủ, bình rượu, “gạch” lát nền, ốp tường,… được ốp hoa văn gáo dừa, trông rất lạ mắt. Câu chuyện gáo dừa còn được ông “kể” trên mô tô, mũ bảo hiểm để kêu gọi an toàn giao thông, làm cả một du thuyền phủ gáo dừa lên chất liệu composite để đặt trụ sở Công ty Du lịch Lạc Hồng,… Bởi cuộc chơi mỹ nghệ - du lịch, ông Bình SVC đã thế chấp tất cả nhà cửa để vay ngân hàng mới đủ nguồn vốn trang trải.

Để thu hút khách hàng mua sản phẩm và du lịch địa phương, ông nghĩ kế đem gáo dừa tạo ghép những tác phẩm “đồ sộ”. (Cách đây khoảng mươi năm, phong trào… các kiểu kỷ lục đang lên đỉnh điểm). Do thiếu vốn, trong quá trình làm kỷ lục, ông Bình SVC đã vận động nhiều nguồn đối tác và liên tiếp được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “bự nhứt” bằng gáo dừa. Ấy là các kỷ lục: Chiếc bình hoa “Huyền sử đời Hùng” (cao 3,62m) được thực hiện năm 2005; Chiếc đèn bàn “Nguồn sáng Việt” (cao 6,2m) năm 2006; Con chim yến “Biển gọi” (dài 4,5 m) năm 2007; Con cá ngừ đại dương “Bò gù” năm 2014,… Tất cả các kỷ lục này, sau khi được triển lãm đó đây, đã được cha con nhà SVC liên hệ bán lại cho các đối tác, với giá hời.

“Tui đâu có thừa tiền mà làm kỷ lục… để chơi! Tui muốn “mượn danh” kỷ lục để bán món hàng của mình được giá hơn. Hết “mùa” kỷ lục thì… nghỉ chơi”, ông Bình nói.

Áp 70, dù không tuyên bố “rửa tay gác kiếm” nhưng ông Bình SVC nói: “Tôi đã giao hầu hết công việc làm ăn cho hai đứa con. Bây giờ, phải tìm chuyện gì đó để… chơi”. Cuộc chơi mới của ông lúc này là cùng con trai nghiên cứu sản xuất hàng loạt ca nô, mô tô nước, thuyền kajac,… bằng vật liệu composite, bên ngoài phủ gáo dừa. Đã cứng tuổi nhưng ông còn tỏ ra rất “lợi hại”, đi đứng nhanh nhẹn, miệng nói tay làm. Cái xưởng ở nhà ông không lúc nào vắng tiếng cưa, đục, la liệt đồ nghề, nguyên vật liệu làm thuyền bè. Bao nhiêu thiết kế được vẽ rồi xóa, những thùng composite đắt tiền, khung ván gỗ, xốp,… và cả bia được bày biện để ông “vừa làm, vừa chơi”.

Ở tuổi 40 tuổi, Phạm Hồng Bảo đang nối nghiệp kinh doanh của cha, với việc điều hành Công ty Du lịch Lạc Hồng, kinh doanh nhà hàng nổi bên bến Đà Rằng. Anh cho hay: “Khách đến Tuy Hòa thì có chỗ ăn ngon rồi nhưng rất ít nơi chơi chất lượng. Tôi vừa dốc vốn nghiên cứu sản xuất hơn 30 ca nô, mô tô, xe đạp nước, thuyền chèo,… bằng vật liệu composite. Để du khách có thể thoải mái rong ruổi thăm thú đôi bờ sông Đà Rằng”.

Bảo nói tiếp: “Vùng sông nước này thường xuyên có nhiều người chết đuối. Nhất là mấy năm rồi có quá nhiều người… nhảy cầu tự vẫn. Tôi ngồi ở du thuyền Lạc Hồng nhìn ra và chợt nghĩ: Nếu có chiếc ca nô nằm thường trực ở đây thì có thể cứu sống được nhiều người. Có thể, trong giây phút cùng quẫn, họ lao mình quyên sinh. Thế nhưng nếu được can thiệp, cứu sống thì chắc rằng họ sẽ lại vô cùng khao khát cuộc đời… Nếu có vài ca nô và lực lượng thường trực ở đây thì có thể cứu sống được nhiều người…”.

Thế là Bảo đứng ra thành lập Đội hỗ trợ cứu hộ tư nhân Sông Ba, với trách nhiệm của một doanh nhân đối với cộng đồng. Thương trường đầy rẫy khó khăn và nhiều người rất cảm kích với tâm niệm, việc làm của cha con ông SVC. 
Link 
Hoàng Yến
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 40
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.902
account_box Trong năm: 1.235
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.607