Ngày 28/11/2013 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày 28/11/2013 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nội dung bản Hiến pháp này có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Trong những nội dung mới đó, có nội dung đặc biệt quan trọng đó là Hiến pháp quy định rõ ràng hơn, đầy đủ hơn và khái quát hơn về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong nội dung bài viết này chỉ tập trung tìm hiểu về Chế định “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong Hiến pháp.
1. Khái quát về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
- Về quyền con người:
Quyền con người là những quyền thiết yếu gắn liền với sự tồn tại và phát triển của con người. Đó là những quyền tự nhiên của con người mà bất cứ ai cũng có quyền đó như: Quyền được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc, không ai có thể bị xâm phạm. Ngay từ khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến quyền con người. Quyền con người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Với ý nghĩa đó ta thấy, quyền con người là quyền thiết yếu nhất gắn liền với cuộc sống, sự tồn tại của con người, khác với các thực thể sinh vật và động vật khác trên trái đất.
- Về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân:
Mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân chủ yếu được thể’ hiện qua quy định quyền và nghĩa vụ của công dân. Công dân là những cá nhân được mang quốc tịch của một nhà nước sở tại. Đã là công dân thì họ được hưởng đầy đủ các quyền và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà Hiến pháp quy định. Quyền công dân thường được xuất phát từ quyền con người, chính vì lẽ đó, nên quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thể’ chế hóa trong Hiến pháp Việt Nam là cơ sở chủ yếu xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ sở để’ mọi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
2. Những điểm mới cơ bản trong Chế định "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Hiến pháp đã dành riêng một Chương (Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) và đặt trang trọng sau Chương I: Chế độ chính trị, có thể’ thấy Hiến pháp đã khẳng định và đề cao giá trị, vai trò quan trọng của "con người" trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, có thể’ khẳng định: Nhà nước được lập ra là để’ bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân; việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân gắn bó mật thiết với việc bảo đảm chế độ chính trị. Căn cứ vào Hiến pháp, có thể’ khái quát một số điểm mới cơ bản trong Chế định "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" trong Hiến pháp như sau:
- Một là, một trong các bước tiến quan trọng của Hiến pháp là đề cao chủ quyền nhân dân. Hiến pháp khẳng định "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" (Khoản 1, Điều 2); vì thế tại Điều 14 Hiến pháp khẳng định "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Bởi vì, Điều 50 Hiến pháp 1992 chỉ ghi nhận "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện trong quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật". Ở đây ta thấy, điểm nổi bật là Hiến pháp đã không còn các quy định theo cách thức được Nhà nước thừa nhận các quyền con người, mà quyền con người ở đây được hưởng một cách mặc nhiên và Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cũng như phải bảo vệ cho những quyền đó được thực hiện trên thực tế.
- Hai là, Hiến pháp đã thể hiện rõ sự thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, quyền nào là nhóm quyền được áp dụng đối với mọi cá nhân với tư cách là quyền con người, quyền nào là nhóm quyền chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam với tư cách là các quyền công dân. Quyền con người cũng là quyền công dân, nhưng phải có một sự phân định rạch ròi, những gì mà mọi người được hưởng thì đó là quyền con người; những gì công dân được hưởng thì đó là quyền công dân, mục đích tối thượng của Hiến pháp là được sinh ra để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
- Ba là, Hiến pháp đã khẳng định lại và bổ sung để làm rõ các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hướng: " Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác" (Điều 15). Quy định này đã bổ sung thêm: "Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác" (Khoản 2 Điều 14) và "Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác" (Khoản 4 Điều 15), trong Hiến pháp 1992 không đề cập hai nguyên tắc này.
- Bốn là, Hiến pháp khẳng định rõ hơn nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tiêu biểu: tại Khoản 2 Điều 16 Hiến pháp khẳng định: "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội", tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 Hiến pháp khẳng định: "Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ"... Đồng thời, Hiến pháp sắp xếp lại các điều, khoản theo các nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, bảo đảm tính khả thi hơn.
- Năm là, Hiến pháp đã bổ sung thêm 8 quyền mới, đó là: quyền được sống (Điều 19), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác (Điều 20), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34), quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36), quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41), quyền xác định dân tộc (Điều 42), quyền được sống trong môi trường lành mạnh (Điều 43). Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên, thể’ hiện sự nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.
- Sáu là, Hiến pháp tiếp tục kế thừa các nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992, chỉ khác ở hai điểm là: về nghĩa vụ nộp thuế được sửa đổi về chủ thể là "Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định" (Điều 47), thay cho "Công dân có nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật" (Điều 80, Hiến pháp 1992) và Hiến pháp đã bỏ một nghĩa vụ là "Công dân có nghĩa vụ lao động công ích".
- Bảy là, Hiến pháp đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" (Khoản 2 Điều 14). Ở đây ta thấy rõ Hiến pháp đã thể hiện nhất quán trong việc quy định giới hạn quyền con người, quyền công dân, tức là việc hạn chế quyền không thể tùy tiện mà phải"bằng luật"chứ không phải "bằng pháp luật".
3. Đánh giá chung
Từ những điểm mới cơ bản trong Chế định "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" trong Hiến pháp như đã nêu trên, có thể’ khẳng định: Chế' định"Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân"trong Hiến pháp có những ưu điểm cơ bản sau đây:
- Hiến pháp đã cụ thể hóa quan điểm "Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân" theo tinh thần của Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta.
- Hiến pháp đã quy định hợp lý và phân biệt rõ ràng về quyền con người và quyền công dân, đã khắc phục được sự nhầm lẫn giữa quyền con người với quyền công dân. Hiến pháp không còn đồng nhất quyền con người với quyền công dân, mà đã phân biệt và sử dụng hai thuật ngữ "mọi người" và "công dân" cho việc chế định các quyền con người và quyền công dân.
- Hiến pháp đã xác định rõ quyền cơ bản của công dân phải là các quyền tối thiểu về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội mà Hiến pháp cần ghi nhận cho công dân phù hợp với điều kiện đất nước. Những quyền và nghĩa vụ nào không phải là cơ bản thì không cần quy định ở Hiến pháp mà để luật quy định.
- Hiến pháp đã thể hiện nhất quán trong các quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chứ không thể do Nhà nước "ban cho" những quyền ấy. Công dân và mọi người được hưởng các quyền con người một cách mặc nhiên và Nhà nước có nghĩa vụ công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.
- Hiến pháp đã quy định rõ ràng hơn về nghiã vụ và trách nhiệm của mỗi người, mỗi công dân. Trong Hiến pháp, việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi công dân có nội dung đầy đủ, rõ ràng hơn.
- Hiến pháp đã quy định rõ việc giới hạn quyền con người, quyền công dân chỉ có thể"bằng luật" thay vì "bằng pháp luật" như Hiến pháp 1992, vậy nên các cơ quan nhà nước không thể tùy tiện hạn chế quyền công dân.
Qua tìm hiểu Chế định "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân"trong Hiến pháp, ta thấy, Hiến pháp đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp sửa đổi, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực nhà nước ta là ở nhân dân, thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Với tinh thần đó, hoàn toàn có thể khẳng định, Hiến pháp đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
ThS. Nguyễn Văn Cường
Trường Chính trị tỉnh Phú Yên
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu tuyên truyền những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
2. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp (1992).
3. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp (2013).
4. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945