Nhà dài của người Êđê là một nét đặc trưng văn hóa riêng biệt của tộc người. Ngôi nhà dài “một hơi ngựa chạy”
Nhà dài của người Êđê là một nét đặc trưng văn hóa riêng biệt của tộc người. Ngôi nhà dài “một hơi ngựa chạy” là nơi sinh sống của gia đình mẫu hệ với nhiều thế hệ, nơi nếp sinh hoạt của tộc người diễn ra qua một thời gian dài tạo nên một nền văn hóa đặc sắc riêng biệt của tộc người. Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, các buôn làng Êđê M’dhur đã mở rộng hơn với bên ngoài đã có sự tác động đến sự chuyển biến trong đời sống văn hóa của người Êđê M’dhur, ngôi nhà của người Êđê M’dhur vì thế cũng có sự biến đổi, không còn nguyên mẫu của những ngôi nhà dài mà mang hơi hướng của ngôi nhà sàn của tộc người trong thời hiện đại ngày nay.
Trong đời sống văn hóa vật chất thì nhà ở, vừa là nhu cầu vừa thể hiện nét độc đáo riêng của tộc người. Người Êđê M’dhur cũng không ngoại lệ, trong quá trình sinh tồn của mình, đã sáng tạo nên nền văn hóa của riêng mình, trong đó có hình ảnh của những ngôi nhà dài mà khi nhìn vào đó vừa thấy được những nét chung của nền văn hóa Tây Nguyên vừa thể hiện bản sắc riêng của tộc người mình.
Đời sống trước đây của người Êđê M’dhur gắn với việc du canh, du cư và sống trong môi trường khí hậu nhiệt đới với độ ẩm cao, nguồn thảo mộc phong phú nên nguồn vật liệu xây nhà được Êđê M’dhur tận dụng từ nguồn cây gỗ trong rừng; bên cạnh đó do môi trường sinh sống cần phải phòng tránh thú dữ nên trong cách xây dựng nhà của họ phải đảm bảo tiêu chuẩn về tính vững chãi và dễ tháo lắp. Cũng như các dân tộc vùng nhiệt đới khác, người Êđê M’dhur làm nhà sàn cao để ở và thường là các ngôi nhà dài với nhiều thế hệ cùng chung sống.
Về hướng xây dựng nhà thì đối với người Êđê M’dhur họ thường xây dựng theo hướng bắc- nam vì họ quan niệm, hướng đông-tây là hướng nhà mồ và hơn nữa là để tránh những luồng gió nam thổi hắt vào bếp dễ gây nên hỏa hoạn
Về đặc điểm ngôi nhà của người Êđê M’dhur gồm các bộ phận cấu thành ngôi nhà có thể tháo lắp dễ dàng: khung nhà, mái, khung cột và vách lá là hai bộ phận tách rời nhau; về các cấu kiện trang trí, chạm khắc, cách bài trí nội thất, quy mô ngôi nhà được thể hiện sự phân biệt giữa các tầng lớp cư dân. Nhà của người giàu thì ở hiên trước thường có 3 cầu thang bản, sau hiên có 2 cầu thang bản và được quy định thành lối đi riêng cho chủ, khách và các thành viên trong gia đình; hoặc các cây cột trong căn nhà có chạm trổ tỉ mỉ hơn. Cầu thang bản thường được chạm khắc hình vầng trăng lưỡi liềm và bầu vú của người phụ nữ, trước sàn hiên có đôi cột thường được chạm khắc thành đôi ghế có dáng như chiếc nồi đồng hoặc giống như chiếc cối giã gạo. Các cây cột khác bên sàn hiên như cột hiên và cột phơi chỉ cũng được chạm khắc hình hoa chuối, cột phụ được chạm khắc thành chiếc nồi đồng hoặc cặp ngà voi đỡ trái bầu khô làm chỗ vịn lúc lên xuống.
Về cấu trúc của nhà dài, thường chia làm hai gian, gian khách và gian ở. Gian khách thường có bếp ở giữa gian, cột chủ, cột khách và ghế dài dành cho người sử dụng chiêng khi có cúng lễ; khu vực dành riêng cho khách là phụ nữ. Gian khách được chia làm ba gian: Nơi tiếp khách, nơi nấu nướng vào dịp lễ, nơi để uống rượu, là chỗ để khách ngủ qua đêm và phần giành cho khách là nữ giới; gian ở được chia thành nhiều ngăn phân cách bằng các tấm phên cho các thành viên được tính theo thứ tự từ trước ra sau với thứ bậc của những người con trong gia đình cũng như gian dành riêng cho việc để tài sản chung, ngăn bếp chung và các vật dụng hàng ngày. Ở mỗi ngăn của các thành viên cũng có bếp lửa riêng để sưởi ấm và những vật riêng của họ; Không gian giữa dọc theo các ngăn là nơi quây quần ăn cơm, trên nóc mái khu vực này thường có tấm gác để các vật dụng như cần rượu, khung dệt, nông cụ và nhạc khí; Phía sau cùng là hiên sau của nhà, là nơi cho phụ nữ hóng mát, để các vật dụng như nia, mẹt, bầu nước, cối… và là nơi giã gạo của phụ nữ; Không gian dưới gầm sàn nhà thường là nơi chất củi, nuôi gia súc, gia cầm và là nơi phụ nữ dệt vải.
Tuy nhiên, không phải hầu hết nhà dài của các gia đình nào cũng đầy đủ cấu trúc như trên, nhưng về cơ bản thì được chia thành hai gian: Gian khách, gian ở là mẫu nhà cơ bản mà người Êđê M’dhur cư trú.
Trong nhà dài của người Êđê M’dhur trước đây, “nội thất” quan trọng không thể thiếu là chiếc ghế dài để các nghệ nhân ngồi khi đánh chiêng gọi là “Kpan”. Ghế được làm từ nguyên một thân cây cổ thụ lớn dài hơn 10m, rộng từ 0,6 – 0,8m. Một đầu thân ghế cong lên như hình dáng mũi thuyền, chân ghế liền với thân, không hề có đục, gá.
Hiện nay, với sự thay đổi trong đời sống văn hóa cũng như những điều kiện giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài cộng đồng buôn, đã tạo nên sự chuyển biến trong đời sống văn hóa của người Êđê M’dhur và ngôi nhà dài của họ cũng dần thay đổi theo năm tháng. Ngày nay, các ngôi nhà sàn thường thấp và ngắn hơn trước, phổ biến các ngôi nhà có độ dài chỉ từ 15-20m do có xu hướng tách ra thành từng gia đình nhỏ chứ không còn sống nhiều thế hệ trong một ngôi nhà dài trước đây.
Cầu thang bản hầu như không còn, thay vào đó là những bậc thang lên xuống bằng bê tông. Sàn hiên cũng ít hiện diện mà chỉ là phần sàn nhỏ trước cửa vào nhà. Bếp lửa cũng hầu như không có ở giữa gian khách nữa mà ngày nay, đa số họ xây chái thêm gian bếp phía sau hiên nhà và vẫn sinh hoạt ăn uống ở trên nhà dài. Gian khách vẫn giữ nguyên vai trò của nó trong việc tiếp khách, nơi tổ chức các nghi lễ của gia đình tuy nhiên đều ít nhiều có sự thay đổi. Chiếc ghế “Kpan” hầu như vắng bóng, các vật dụng thể hiện văn hóa tộc người như chiêng, ché, nhạc cụ bằng tre nứa cũng dần mất đi mà thay vào đó là sự xuất hiện của tủ, bàn ghế, tivi, đầu kéo, tủ lạnh… của thời hiện đại. Mức độ giàu có của gia chủ không còn được đo bằng những chiếc chiêng ché mà được thể hiện một phần ở các trang bị hiện đại. Bên cạnh các ngôi nhà sàn, các buôn làng Êđê hiện nay cũng xuất hiện các kiểu nhà xây như người Kinh, hoặc các mẫu nhà sàn có xu hướng cầu kỳ, chạm trổ với các trang bị vật dụng hiện đại mang hơi hướng của ngôi nhà gỗ biệt thự hơn đối với những gia đình giàu có.
Ngôi nhà dài truyền thống của Êđê M’dhur, xây dựng theo kiến trúc hiện đại ngày nay. Ảnh: TL
ừ sự thay đổi của hình ảnh các ngôi nhà dài, không gian sinh hoạt văn hóa của gia đình cũng có sự biến chuyển theo. Theo đó, hình ảnh của những buổi sinh hoạt sau lễ cúng của một gia đình quây quần trong gian khách cùng uống rượu cần, ngồi trên ghế kpan đánh chiêng xuất hiện với tần số thấp, thay vào đó, mọi người cùng uống rượu, bia, mở nhạc hoặc hát karaoke…; những buổi tối quây quần bên bếp lửa nghe người lớn tuổi trong nhà hát sử thi, kể chuyện… không còn nữa đã làm cho văn hóa dân gian và không gian văn hóa cồng chiêng của người Êđê M’dhur bị mai một dần.
Sự thay đổi về cấu trúc nhà dài hoặc cách thức ở của người Êđê M’dhur như trên là do tác động bởi các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là sự thay đổi môi trường sinh tồn trước đây của tộc người. Theo đó, xét về một phương diện cụ thể, cuộc sống của người Êđê M’dhur gắn chặt với rừng, nhưng hiện nay xung quanh vùng cư trú của họ, diện tích rừng hầu như không còn hoặc không còn nguyên vẹn nên những thứ cần cho một lối xây dựng nhà sàn nguyên mẫu trước đây đã khó hơn rất nhiều nên họ dành cho sự lựa chọn nhà xây hoặc nhà sàn bằng gỗ đơn giản theo tập tục. Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế đã làm cho đời sống của họ ngày một nâng cao, sự giao lưu rộng mở ra bên ngoài cộng đồng buôn làng so với trước đây đã tác động đến nhận thức của người Êđê M’dhur cũng như tạo điều kiện cho các “luồng gió mới” len lỏi vào trong đời sống của họ, mang đến sự tiếp biến và chuyển biến trong đời sống văn hóa cũng như trong thay đổi cấu trúc nhà ở của họ.
Tuy nhiên, sự thay đổi về cấu trúc nhà ở của người Êđê M’dhur cũng phần nào thể hiện sự mai một đi của không gian văn hóa của một tộc người bên cạnh những mặt tích cực là mang lại lối sống văn minh hơn. Chính vì vậy, trong chính sách về phát triển đời sống kinh tế, xã hội hiện nay của tộc người Êđê M’dhur, cần quan tâm thực hiện song hành với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của họ đảm bảo phương châm “tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”. Đó là cần phải cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện việc xây dựng và phát triển nền văn hóa của tộc người. Trong đó, riêng với vấn đề bảo tồn giá trị của những ngôi nhà dài thì cần tuyên truyền cho đồng bào về giá trị văn hóa của nhà dài để mọi người có ý thức giữ gìn và phát huy nó trong cộng đồng. Cũng có nghĩa với đó là cần phải bảo tồn không gian văn hóa cộng đồng, không gian văn hóa cồng chiêng và văn hóa lễ hội bên cạnh các hoạt động về xây dựng hình ảnh của một buôn làng trong phong trào Nông thôn mới hiện nay
Trần Thị Huyền Trang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]- Linh Ngà Niê Kdam, (2002),Văn Hóa Tây Nguyên giàu và đẹp, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[2]- Lê Thế Vịnh, Nguyễn Thị Hòa, Y Điêng (2005), Người Êđê M’dhur ở Phú Yên, Sở khoa học và công nghệ tỉnh Phú Yên.
[3]- Nguyễn Thị Hòa (2011), Làng, Buôn, Plei cổ ở Phú Yên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
[4]- Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (2003), Địa chí tỉnh Phú Yên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
[5]- Ngô Đức Thịnh (2007), Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên, Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh
[6]-Trương Bi, Bùi Minh Vũ, 2009, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các tộc người Êđê, Mnông, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[7]- Lê Văn Kỳ, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Quang Lê (2007), Phong tục tập quán cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở nam Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[8]-Phan Đăng Nhật (2011), Văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số, những giá trị đặc sắc (Tập 1), Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
[9]- Viện dân tộc học (1984), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía nam), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
[10] Chu Thái Sơn (1979), Ngôi nhà dài hiện nay của người Êđê, Tạp chí dân tộc học số 2.