HỌA SỸ CHẤN HƯNG –CHÂN DUNG MỘT HỌC GIẢ
Cập nhật lúc: 10:41:35 - 27/09/2017
Số lượt xem: 63654
Người đăng: Admin
HỌA SỸ CHẤN HƯNG –CHÂN DUNG MỘT HỌC GIẢ
Được biết anh qua những trang viết cộng tác với Tạp chí Trí thức Phú Yên khoảng 2 năm trở lại đây
Được biết anh qua những trang viết cộng tác với Tạp chí Trí thức Phú Yên khoảng 2 năm trở lại đây, những bài viết của anh luôn được Ban Biên tập đánh giá cao và được đọc giả nhắc tới nhiều. Tôi không hề chủ quan hay thiên vị khi nhận định như vậy. Là phóng viên của Tạp chí Trí thức, người chịu trách nhiệm trị sự phát hành, nên sau mỗi lần Tạp chí phát hành có bài viết của anh, tôi đều nhận được khá nhiều cuộc điện thoại từ bạn đọc gọi tới hỏi thăm tác giả và trao đổi về chủ đề bài viết. Phần đông đọc giả sau khi xem bài anh viết đều khen tác giả viết sâu sắc, thấu hiểu ngọn nguồn của chủ đề được đề cập; lĩnh vực anh viết có phần “lạ” và “độc”. Chính sự hâm mộ của đọc giả đã khiến tôi tò mò muốn viết về anh. Một điều khá thú vị là tác giả của những bài viết đó không phải là một nhà báo, một nhà văn hay người viết chuyên nghiệp mà là một người “chuyên vẽ”. Đó chính là họa sỹ Chấn Hưng - hiện sinh sống tại thành phố Tuy Hòa. Ở độ tuổi trên 50, cuộc sống gia đình ổn định, thu nhập có phần sung túc nhưng họa sỹ Chấn Hưng vẫn say mê làm việc và dành phần lớn thời gian cho việc tự học, tự tìm tòi nghiên cứu để vẽ và viết.
Nghị lực vươn lên từ trong gian khó
Họa sỹ Chấn Hưng không phải là dân bản địa đất Phú, mà là dân Cố Đô-Huế thuộc dòng tộc khoa bảng, đời cố và nội đã từng làm quan thời triều Nguyễn. Năm lên ba tuổi, do hoàn cảnh chiến tranh nên gia đình anh xuôi vào Nam và như một nhân duyên đã chọn Tuy Hòa làm quê hương thứ hai để sinh cơ lập nghiệp. Vào Tuy Hòa năm lên 3 nên tuổi thơ của anh gắn liền với vùng “Đất Phú – Trời Yên” này. Họa sỹ Chấn Hưng thoạt nhìn đã có cái thần thái của một nghệ sĩ, cái ung dung, trang nhã cốt cách thông minh của một nhà nghiên cứu. Khi bắt chuyện đã thấy được khẩu khí của người có kiến văn rộng, tuy hơi đạo mạo nhưng vui vẻ, dễ gần. Trong giao tiếp rất lịch lãm và phong cách chỉn chu trong trang phục, điều này tạo cho anh giao tiếp được rộng rãi với nhiều người, nhiều giới.
Dù rất sáng dạ và có năng khiếu hội họa từ nhỏ nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn và đất nước còn chiến tranh nên sự học của Chấn Hưng bị gián đoạn. Anh phải làm rất nhiều công việc khác nhau để có thu nhập phụ giúp gia đình trang trải cho cuộc sống. Sau khi tâm sự về những năm tháng cơ cực của mình, uống ngụm nước mát, anh từ tốn kể tôi nghe tiếp về chặng đường dài anh đã trải qua, một chặng đường đầy gian nan thử thách nhưng cũng rất hiển hách vinh quang. Bản thân Tôi cũng thấy mình thật may mắn khi là người trực tiếp nghe và cảm nhận câu chuyện ấy từ một người đầy nghị lực như anh. Điều làm tôi khâm phục nhất ở anh là dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn mấy anh vẫn luôn có ý thức học tập, học người lớn hơn mình, học bạn bè, học qua sách vở, học từ thực tế công việc đời thường và luôn nung nấu ước mơ trở thành họa sỹ. Chấn Hưng từng là một người lính bộ đội Cụ Hồ, anh tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia 5 năm (1982-1986). Trong thời gian rèn luyện tại quân ngũ, anh đã được giao và đảm trách nhiều lĩnh vực công tác. Với bản tính cần cù, chịu khó, cầu tiến và chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, Chấn Hưng luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trong thời gian 5 năm làm nghĩa vụ quốc tế tại Cămpuchia, anh được Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 tặng thưởng Huy chương, nhiều Bằng khen, giấy khen, huy hiệu, kỷ niệm chương v.v....
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Chấn Hưng được phục viên trở về với cuộc sống đời thường; nhưng chính những phẩm chất người lính đã tôi luyện anh cách nghĩ, cách làm luôn chủ động, đầy sáng tạo, vượt khó để thực hiện ước mơ của mình. Năm 1987, anh thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, anh đã rong ruổi khắp nơi để làm việc kiếm tiền ăn học. Ra trường, lớp họa sỹ như Chấn Hưng không được thuận về kinh tế như những người họa sỹ khác, anh đã phải làm đủ các công việc để mưu sinh.
Chuyên môn sở trường là lĩnh vực mỹ thuật nhưng họa sỹ Chấn Hưng lại rất đam mê nghiên cứu. Từng trăn trở với rất nhiều lĩnh vực như: Văn học, sử học, nghệ thuật, triết học, mỹ học…, nhưng lúc đầu anh cũng chỉ ấp ủ trong ý tưởng; đến khi được người bạn thân động viên, khích lệ anh mới mạnh dạn viết bài tham gia cộng tác với các báo và Tạp chí. Trong số bài anh viết vẫn mang nét đặc biệt là những bài được dịch từ chữ Hán (chữ Nho), anh dịch chữ Hán khá chuẩn bởi trước đó, thời còn đi học anh đã được dạy bộ môn này và rất đam mê về Hán học. Khi nhắc đến việc học chữ Hán, anh hồ hởi kể: Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (ngành Hội họa-Thiết kế) anh lang bạt vào Sài Gòn làm nghề quảng cáo để nâng cao tay nghề, nhân dịp trang trí khánh tiết phục vụ lễ Phật đản ở chùa Già Lam (số 498/11 đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) thấy các chú tiểu ở chùa được học chữ Hán do các vị sư thầy chỉ dạy, thấy thích nên anh đã xin theo học. Không hiểu cơ duyên thế nào nhưng sư thầy mới thoạt nhìn thấy anh đã nhận ngay, sư thầy còn động viên anh rằng “Bộ môn này rất khó nhưng ta nghĩ con sẽ vượt qua nó và sẽ thành công, cố lên con nhé”. Thầy giảng giải cách thức: Chữ Hán được tạo nên từ các nét. Mỗi nét là một dấu bút tạo thành trước khi nhấc bút khỏi giấy để viết nét kế tiếp. Có những dạng và kích cỡ nét, một nét có thể là một đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc, đường có móc hoặc dấu chấm. Đầu tiên căn bản là viết đúng số nét việc này rất có ích khi tra từ điển, và khi đã quen dần với mặt chữ tiếp đến giai đoạn thứ hai là xác định được bộ thủ, việc này gần giống với học tiếng Anh là biết được động từ Bất qui tắc và chia các được các động từ, đó là một thành tố để tiến xa hơn trong quá trình học chữ Hán. Sau này sâu xa hơn anh được một lời khuyên từ Thượng tọa Thích Trí Thủ: Tốt nhất nên học mỗi lần một ít nhưng đều đặn, thường xuyên đam mê và luyện tập đó là bí quyết của thành công. Từ lời dạy của sư thầy, từ sự nỗ lực của chính mình, bây giờ anh đã là người khá tinh thông chữ Hán. Anh thường xuyên cộng tác bài viết bằng vốn dịch chữ Hán của mình.
Không chỉ có dịch chữ Hán, họa sỹ Chấn Hưng còn rất đam mê tự sáng tạo tranh thư pháp chữ Hán. Tôi rất thích khi được anh dẫn cho xem căn phòng treo những bức tranh thư pháp chữ Hán do chính anh sáng tác và rất ấn tượng cho những ai bước vào căn phòng này là được “Mục sở thị” những giá sách đầy ắp chứa đựng với hơn ba ngàn đầu sách nghiên cứu đủ các thể loại có giá trị. Nhìn căn phòng đầy tranh chữ Hán với nét thể hiện sắc sảo của người họa sỹ tài hoa và ngắm những tủ sách quý của anh trong gian phòng riêng như một thư viện, tôi vỡ lẽ được những kiến thức uyên bác trong những bài viết đã thể hiện chính sự tích lũy trau dồi nghiêm túc qua sách vở miệt mài, tôi thầm ngưỡng mộ anh thật nhiều.
Những người có chút ít hiểu biết về thư pháp chữ hán đều biết thư pháp chữ Hán là loại chữ quý, thiên về giá trị tinh thần, thường người ta chỉ viết tặng, biếu hay cho chữ chứ mấy ai “mua chữ”. Khi được hỏi về vấn đề này, họa sỹ Chấn Hưng tâm sự: “Ngày xưa, những ông đồ chỉ xem viết thư pháp như một thú chơi tao nhã. Còn tôi thì luôn trau dồi và xem nó như một cái nghề bổ trợ cho công việc. Tôi không chỉ viết để chơi mà còn viết để “sống”. Và qua việc “bán chữ”, mọi người sẽ dễ dàng có trong tay một hay nhiều bức thư pháp với câu chữ như ý muốn chứ không phải quá khó khăn để xin được chữ như trước đây”. Tuy vậy tranh chữ thư pháp chữ Hán là sản phẩm rất kén người mua. Nó không phải là một loại hàng hoá thuần túy nên không thể sản xuất hàng loạt và rất khó tìm thị trường. Những người “chơi chữ” tìm đến Chấn Hưng không nhiều. Tranh thư pháp chữ Hán của anh hầu hết dành tặng cho những bạn bè tri kỷ vì anh xác định khi kinh doanh loại hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, ngay từ khi anh dành thời gian đam mê về nó, anh đã không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Tuy chưa đạt kết quả như mong đợi nhưng những gì họa sỹ Chấn Hưng đạt được đã thể hiện niềm đam mê và sáng tạo của anh.
Cháy mãi ngọn lửa đam mê vẽ và viết
Năm 1990, Chấn Hưng trở về Tuy Hòa tiếp tục làm nghề, ở cái tỉnh lẻ thời ấy, họa sỹ không nhiều, anh được biết đến trong vai trò họa sỹ và hoạt động quảng cáo, vẽ bảng hiệu có bề dày thâm niên trong tỉnh Phú Yên. Và anh là một trong những người họa sỹ đầu tiên ở Tuy Hòa, những tháng năm đó góp phần làm đẹp đường phố. Thực ra, Chấn Hưng là một họa sỹ đa năng, anh vẽ tranh ký họa, tranh chân dung, dựng tranh liên hoàn khổ lớn….Vẽ trên lụa, sơn dầu, sơn khắc, thuốc nước…sử dụng chất liệu chắc tay, tinh nghề, khám phá bí quyết vẽ chồng màu, sử dụng màu nguyên của nghệ thuật dân gian truyền thống. Anh nhớ lại một thời vẽ chân dung, tranh truyền thần, cùng vẽ với họa sỹ Nguyên Lai, đây là dòng tranh kiếm ra tiền để nuôi sống hàng ngày. Thế mạnh nữa của Chấn Hưng là vẽ phong cảnh và vẽ áo dài. Khi được hỏi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp nhiều họa sỹ chỉ chuyên về tạo dáng công nghiệp sao anh lại thích vẽ phong cảnh, họa sỹ Chấn Hưng bộc bạch: “Đất nước mình đâu đâu cũng có cảnh đẹp, ngắm nhìn vẫn chưa thỏa trí mà mình muốn thể hiện qua sáng tác tranh để lưu giữ những cảm xúc sáng tạo về tình yêu với quê hương đất nước”. Còn tà áo dài chính là hình ảnh duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam, với những phẩm chất đặc biệt về "Công, Dung, Ngôn, Hạnh" luôn là chủ đề tạo cảm xúc mạnh cho những sáng tạo nghệ thuật nói chung và của người họa sỹ nó riêng. Thời bao cấp, tất cả áo dài rất đơn điệu nên người ta hay đưa đến họa sỹ để vẽ và thổi hồn sinh động tăng thêm sự duyên dáng cho tà áo dài thời đó rất nhiều. Không chỉ có khả năng về hội họa, Chấn Hưng còn có nghề dịch thuật, từng dạy tiếng Anh. Ngoài thời gian dành cho vẽ, họa sỹ Chấn Hưng còn là người đam mê nghiên cứu về viết lách, tạo ra những tác phẩm có giá trị được giới học thuật đánh giá cao. Nhiều bài viết của anh được chọn đăng trên Tạp chí Trí thức Phú Yên, Tạp chí Trí thức và Phát triển (Hà Nội), báo Phú Yên, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, được đọc giả yêu thích đánh giá cao. Đọc những bài viết của anh, chúng ta nhận thấy anh có nền tảng kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực; trong đó triết học Đông phương, họa sỹ Chấn Hưng nghiên cứu có bề dày, có cách tiếp cận và tư tưởng riêng biệt tổng quan và xem xét sự vật theo nguyên tắc kỹ lưỡng nhưng mới lạ. Các bài viết được giới học thuật đánh giá cao đậm tính triết học Đông phương như bài Minh triết một chữ Tâm, khi đọc người ta sẽ cảm nhận được thiện tâm, chân tâm và công tâm và cuộc sống này cần có chữ tâm soi rọi để đóng góp hết mình cho xã hội. Qua bài Chữ Lộc trước đã, bài viết phân tích chữ Lộc đồng thời lồng vào đó một triết lý sâu xa cho những ai biết hưởng Lộc thì phải biết tạo Phúc – ngoài ra những bài đi sâu mang tính chuyên khảo đó là chữ Thọ niềm mơ ước của con người, chữ Phú trong lịch sử và thế giới ngày nay và bài đậm tính triết học Kiến giải một chữ Nhàn đều được đón đọc và có nhiều ý kiến tích cực. Cùng với niềm đam mê hội họa và nghiên cứu, họa sỹ Chấn Hưng cũng rất quan tâm đến các hoạt động xã hội, từ thiện; đã nhiều lần làm từ thiện công đức cho các chùa, đóng góp, giúp đỡ những cuộc đời cơ nhỡ, bản thân anh và gia đình còn tham gia tài trợ nhiều chương trình sự kiện thiết thực cho các đoàn thể, hội giới trong tỉnh… Công việc thì nhiều, nhưng Chấn Hưng luôn mang chất lính vào từng công việc, khi đã bắt tay vào làm, dù bất kỳ việc gì đều phải quyết tâm làm cho xong và tạo uy tín tuyệt đối trong từng công việc.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với viết lách, Họa sỹ Chấn Hưng vẫn thường tâm sự với bạn bè rằng: Nguyễn Hoài Sơn – Chủ tịch Liên hiệp Hội Phú Yên, Tổng Biên tập Tạp chí Trí thức, là một chiến hữu lâu năm đồng thời cũng chính người đã khơi dậy trong anh niềm đam mê viết. Đó là một buổi sáng mùa hạ năm 2013, cùng ngồi uống cà phê và đàm đạo, Hoài Sơn đã phát hiện ra thiên chất trong họa sỹ Chấn Hưng. Trước mỗi số Tạp chí xuất bản, Tổng Biên tập Hoài Sơn đều gợi ý hoặc đặt hàng để Chấn Hưng viết như là khơi dậy trong anh niềm đam mê viết. Chấn Hương chia sẻ: “Tôi xem Hoài Sơn như “người đàn anh” trong nghề viết. Tôi hay chia sẻ với Hoài Sơn về những chủ đề viết của mình. Niềm vui sướng nhất vẫn là không thể nào quên khi lần đầu tiên cầm trên tay tờ báo có đăng bài viết của mình. Bài viết dù nhỏ thôi, nhưng cũng đủ làm cho tôi cảm thấy thật vô cùng hạnh phúc”.
Chấn Hưng là hình ảnh người họa sỹ trí thức với hơn 30 năm cống hiến và sáng tạo. Lặng lẽ làm việc, âm thầm cống hiến, họa sỹ Chấn Hưng đã được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Nói về những đam mê của mình, Chấn Hưng chia sẻ: “Từ nhỏ Tôi đã đam mê vẽ và ham đọc sách, vì vậy hầu như tự học là chính, Tôi tự học bằng cách đọc sách ở các thư viện, mua sách bất cứ nơi đâu khi có dịp và quan niệm chỉ có đọc sách để thâu ngắn con đường đến nhanh với tri thức, là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho mình có một kiến thức vững vàng. Thật vậy, dù là bậc thông minh đến đâu cũng nhờ đọc sách mà kiến thức ngày một thêm rộng. Tuy nhiên, đọc sách là một nghệ thuật, không phải là mọt sách mà quan trọng tiêu hóa được nó như thế nào, không quan trọng để biết được nhiều nhưng để biết rõ ràng vấn đề hơn. Đối với viết và dịch là củng cố cái học của mình vững vàng hơn trong nghiên cứu. Hiểu biết mà không nói ra được, viết ra được thì học bao nhiêu cũng vô ích”.
Mong ước lớn nhất của họa sỹ Chấn Hưng lúc này chính là hoàn thành quyển sách viết về Phú Yên với chủ đề Một cách nhìn mới các địa danh ở Phú Yên, đề tài đã được họa sỹ ấp ủ nhiều năm công phu do phải tham khảo nhiều tư liệu tin cậy. Họa sỹ Chấn Hưng mong rằng khi hoàn thành tập sách sẽ góp một phần giúp bạn đọc gần xa hiểu được bề dày lịch sử văn hóa trên 400 năm Phú Yên. Ai đó đã từng ví von, cuộc đời là một dòng chảy, mỗi con người sẽ tự lựa chọn cho mình một dòng chảy riêng. Có những dòng chảy muốn vươn mình thể hiện tài năng vượt trội để được long lanh dưới ánh nắng mặt trời nhưng cũng có những ngoại lệ nhẹ nhàng ẩn mình thành dòng nước ngầm để lắng lại trầm tích mà cũng để âm thầm tưới tắm cho những mầm cây non nớt. Họa sỹ Chấn Hưng chưa phải là mạch nước ngầm tinh khiết ấy nhưng những gì anh âm thầm sáng tạo, âm thầm cống hiến trong suốt hơn 30 năm qua cũng rất xứng đáng để chúng ta trân trọng ghi nhận. Chia tay anh ra về, hình ảnh người họa sỹ có khuôn mặt “học giả” với nụ cười thân ái, khoáng đạt, đầy khát vọng cùng sự quyết đoán, đã để lại trong tôi một cảm xúc đặc biệt về tấm gương họa sỹ vượt khó vươn tới thành công. Viết về anh, chúng tôi thấy vui và tin rằng: Người họa sỹ tài hoa ấy, với nền tảng tri thức chuyên sâu nhiều ngoại ngữ và nhiều lĩnh vực khoa học khác cùng niềm đam mê cháy bỏng sẽ còn vẽ, viết và cống hiến cho đời nhiều hơn nữa trong hành trình khám phá cái đẹp từ cuộc sống quanh mình.