DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA Ở PHÚ YÊN VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH

Cập nhật lúc:   10:41:31 - 27/09/2017 Số lượt xem:   11945 Người đăng:   Administrator
DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA Ở PHÚ YÊN VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA Ở PHÚ YÊN VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Phú Yên là một vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá, có vị thế quan trọng trong suốt diễn trình lịch sử
Phú Yên là một vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá, có vị thế quan trọng trong suốt diễn trình lịch sử của dân tộc. Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc tạo lập cuộc sống nên từ thời tiền sử mảnh đất này đã được con người chọn làm nơi cư trú. Trải qua thời gian tháng năm miền đất này trở thành điểm hội tụ của nhiều tộc người cùng chung sống. Chính đặc điểm đan cài với sự hỗn dung văn hoá theo chiều lịch đại nên Phú Yên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch. 
1. Di sản văn hoá nguồn tài nguyên phát triển du lịch
 
Di sản văn hoá vật thể ở Phú Yên phong phú về loại hình, đa dạng về chủng loại. Trong đó chủ yếu là các di tích lịch sử-văn hoá. Đây là bằng chứng khách quan, chứa đựng dấu ấn của các thời đại, đồng thời thể hiện sinh động những giá trị tinh thần của cộng đồng dân cư ở địa phương và của dân tộc. Mật độ di tích lịch sử -văn hoá ở Phú Yên khá dày và đa dạng về loại hình: Di tích khảo cổ thời tiền-sơ sử, thành cổ, đền tháp, mộ cổ, đền thờ danh nhân lịch sử, chùa chiền, nhà thờ, đình làng, lăng, lẫm, miếu, làng nghề truyền thống, kiến trúc dân gian, những di vật, cổ vật, những công cụ, nhạc cụ... Những hiện vật có giá trị lịch sử-văn hoá tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hoá vật thể của Phú Yên là bộ đàn đá Tuy An, phát hiện năm 1992, được các nhà khoa học đánh giá là có thang âm hoàn chỉnh nhất trong các bộ đàn đá phát hiện ở Việt Nam vào thời điểm công bố; và cặp kèn đá, phát hiện vào cuối năm 1995, một nhạc khí thời cổ đại-là báu vật vô giá bởi sự độc đáo của nó. Đây là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta. Đàn đá và kèn đá Tuy An đều có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Cùng với những hiện vật trên còn có 06 trống đồng Đông Sơn, niên đại cách ngày nay hơn 2.000 năm, phát hiện ở vùng đồng bằng Tuy Hoà. Phát hiện hơn 1.000 kg tiền cổ kim loại với hàng trăm hiệu tiền Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 18 và hàng trăm hiện vật nghệ thuật điêu khắc Chămpa chất liệu đá được khai quật, sưu tầm và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Còn có các sưu tập nhạc cụ, hiện vật dân tộc học về đời sống vật chất và tinh thần của các tộc người thiểu số ở Phú Yên. Hiện tại ở ba huyện miền núi của tỉnh còn lưu giữ cả ngàn bộ cồng chiêng (riêng huyện Sông Hinh có 555 bộ cồng chiêng, 600 nghệ nhân). Các di tích, di vật này có giá trị to lớn về mặt văn hoá và là minh chứng về lịch sử lâu đời, cùng những hoạt động giao lưu, giao thương rộng lớn của vùng đất Phú Yên trong tiến trình phát triển.
 
Cùng với kho tàng di sản văn hoá vật thể, miền đất Phú Yên còn lưu truyền một kho tàng di sản văn hoá phi vật thể, với nhiều loại hình đa dạng và phong phú. Để bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương tiến hành khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, lưu trữ về di sản văn hoá phi vật thể như: Lễ hội đâm Trâu (dân tộc Bana-Chăm); Hội đánh bài chòi, Hò khoan, Lễ hội cầu ngư, Lễ cúng đất (dân tộc Kinh); Lễ bỏ mả, Lễ mừng nhà mới (dân tộc Êđê); Lễ mừng sức khoẻ, Lễ cưới theo nghi thức truyền thống của dân tộc Chăm H'roi. Từ năm 1990 đến nay, nhiều đề tài, công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá dân gian ở tỉnh Phú Yên được thực hiện. Trong đó nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng đã công bố các công trình như: Trường ca Xinh Chi Ôn; Trường ca Chi Lơ Kok; Trường ca Chi Liêu; Trường ca Hbia Tulúi Kalipu (Ka Sô Liễng và Ma Mơ Khư); Trường ca Chi Blơng (Ka Sô Liễng và Ây Bhơm); Ca dao dân ca trên vùng đất Phú Yên (nhiều tác giả); Truyện cổ dân gian Phú Yên (Ngô Sao Kim); Người Bana ở Phú Yên (Văn Công); Đất Phú trời Yên (Trần Sĩ Huệ); Câu đố; Hò Khoan ở Phú Yên (Nguyễn Đình Chúc); Tục lệ thờ cúng và lễ hội ở Phú Yên (Bùi Tân); Món ăn dân gian Đồng Xuân; Thơ ca dân gian Đồng Xuân (Nguyễn Văn Hiền); Văn học dân gian Phú Yên; Văn học dân gian Sông Cầu (Nguyễn Định); Truyện cổ Tuy Hoà (Nguyễn Hoài Sơn); Lễ bỏ mả của đồng bào Êđê ở Phú Yên (Nguyễn Hữu Bình)... Ngoài ra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn điều tra, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số, thông qua một số chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hoá phi vật thể. Kết quả có 92 sử thi và 49 nghệ nhân hát sử thi được phát hiện. Theo đó, các ngành chức năng đã tiến hành sưu tầm, dịch và giới thiệu được một số sử thi có giá trị tiêu biểu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trong đời sống đương đại. Trong kho tàng di sản văn hoá phi vật thể ở Phú Yên còn có các loại hình lễ hội: Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội đua thuyền, Hội đua ngựa, lễ hội tưởng niệm các danh nhân lịch sử, văn hóa, lễ hội liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng dân gian… Các lễ hội truyền thống và cả đương đại, luôn chứa đựng những khát vọng, những ước muốn tâm linh, vừa trần tục vừa thiêng liêng, vừa tha thiết, nhưng mãnh liệt của quần chúng lao động. Thời gian trôi qua, bao nhiêu lớp sa bồi văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng đã lắng đọng trên lễ nghi, trò diễn và nghi thức thờ cúng, khiến nó trở thành một hiện tượng văn hoá có sức thu hút, lôi cuốn nhiều thế hệ con người tham gia hưởng thụ và sáng tạo những giá trị văn hoá. Di sản văn hóa phi vật thể là nguồn tài nguyên to lớn cho du lịch.
 
2. Thực trạng khai thác các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch
 

Theo kết quả điều tra của Ngành Văn hoá vào thời điểm cuối năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh có 545 di tích lịch sử-văn hoá và danh lam thắng cảnh, trong đó có 19 di tịch lịch sử, danh thắng đã được công nhận di tích cấp quốc gia và 31 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh. Cụ thể phân loại như sau:
- Di tích khảo cổ học:    33
- Di tích lịch sử:  420
- Di tích kiến trúc-Nghệ thuật:    67
- Danh lam thắng cảnh:    25
 
 Ngoài các loại hình di tích đề cập trên, trong nhiều năm qua Bảo tàng Phú Yên đã sưu tầm và bảo quản 10.110 đơn vị hiện vật; bao gồm nhiều chất liệu: Gốm, đá, tre nứa, giấy, kim loại.
 
Từ số liệu điều tra và phân loại di tích lịch sử, văn hóa như đề cập trên cho thấy Phú Yên có nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch. Trong đó ưu thế là các di tích lịch sử, văn hóa có số lượng lớn và phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua tỉnh ta cũng đã có sự quan tâm chỉ đạo khá mạnh về phát triển du lịch. Nghị quyết số 36/NQ-HĐND, ngày 16/11/2011 của Hội đồng Nhân dân Tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt, khi xây dựng đã dựa trên chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam làm tư vấn, nên hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Trong đó xác định loại hình du lịch chính là biển đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái và văn hóa bản địa. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy du lịch Phú Yên phát triển. Kết quả đạt được trong hoạt động du lịch thời gian qua tập trung vào một số mặt nổi bật như sau:

Kè Tam Giang huyện Tuy An - Phú Yên - Ảnh: Tư liệu
Thứ nhất, các cấp, các ngành đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của các chính sách, quy định liên quan đến phát triển du lịch, giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần phát triển du lịch.
 
Thứ hai, các cấp chính quyền, các sở ngành liên quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy hoạch của địa phương, của ngành gắn với chủ trương, chính sách của trung ương và tỉnh về quy hoạch phát triển du lịch. Tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch.
 
Thứ ba, đầu tư tôn tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh; tổ chức mở rộng, liên kết, phối hợp với các tỉnh trong khu vực để phát triển du lịch; hoàn thiện nhiều công trình có ý nghĩa chào mừng sự kiện 400 năm tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển, góp phần làm phong phú, đa dạng các địa chỉ văn hóa hấp dẫn khách du lịch.
 
Thứ tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, từng bước hình thành cơ bản về tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Cụ thể tại thành phố Tuy Hòa như: Núi Nhạn, Sông Đà; Bảo tàng Phú Yên, địa điểm quản thúc và giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Mộ bà Dũ Ký, Đình Ngọc Lãng, chùa Khánh Sơn, bãi biển Long Thủy… Theo số liệu báo cáo của UBND thành phố Tuy Hòa, tổng lượt khách du lịch ước tính từ 2011-2015 khoảng 2,2 triệu du khách, với tổng doanh thu khoảng 2.165 tỷ đồng; trong đó: Khách quốc tế đạt trên 207 ngàn; khách nội địa đạt trên 2 triệu lượt khách. Thị xã Sông Cầu hình thành những tuyến tham quan du lịch trong khu vực vịnh Xuân Đài, kè Tam Giang, kết nối với một số điểm du lịch thuộc tỉnh Bình Định… Huyện Tuy An, nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch được đầu tư xây dựng kết nối các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng để hình thành các tuyến, điểm du lịch như: Tuyến đường đi các xã từ thành An Thổ đến chùa Từ Quang, xã An Dân, An Lĩnh, An Xuân; tuyến đường quanh đầm Ô Loan; tuyến quốc lộ 1 đi gành Đá Đĩa…Huyện Đông Hòa đã hình thành tuyến du lịch của tỉnh sau khi đường Hùng Vương đã được thông tuyến đường, Bãi Môn – Mũi Điện: Tuy Hòa – Bãi Môn, Mũi Điện – khu di tích tàu Không số Vũng Rô – Tháp Nhạn. Huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, Sơn Hòa, Đồng Xuân cũng đã từng bước hình thành cơ bản về tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trong phạm vi địa bàn quản lý, thu hút khá đông khách tham quan du lịch, chủ yếu là khách trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
 
Thứ năm, huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch. Thời gian qua xã hội hoá hoạt động du lịch ở tỉnh ta bước đầu đạt được một số kết quả đáng kích lệ. Một số doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đầu tư vào xây dựng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng) tập trung ở thành phố Tuy Hoà và trung tâm các huyện lỵ, thị xã. Công ty Thuận Thảo, Công ty du lịch Sao Việt được xem là những cánh chim đầu đàn trong việc thực hiện xã hội hoá hoạt động du lịch ở Phú Yên. Riêng các địa bàn nông thôn, miền núi các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp gắn với các di tích lịch sử, văn hoá, các căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, nơi trở về nguồn thì việc người dân biết làm du lịch còn nhiều hạn chế, khó khăn...Bước đầu phục hồi một số làng nghề, một số lễ hội truyền thống của các tộc người có quá trình định cư lâu dài tại vùng đất này như: Êđê, Bana, Chăm H'roi phục vụ khách tham quan khi có yêu cầu của chính quyền hoặc ngành văn hóa...
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng lợi thế các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh trong hoạt động du lịch còn hạn chế; tốc độ còn chậm, thiếu tính bền vững; mức tăng trưởng doanh thu từ du lịch, dịch vụ bình quân hằng năm tuy có tăng nhưng chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; lượng khách du lịch đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nhìn chung còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
 
- Việc kêu gọi thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, công tác quản lý bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều bất cập. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng có tiềm năng lớn về du lịch chưa được đầu tư khai thác.
 
- Phú Yên có số lượng di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng lớn, nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng việc lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng tiến hành còn chậm. Việc chậm trễ này có ảnh hưởng đến sự xuống cấp của các di tích vì thiếu cơ sở pháp lý để khoanh vùng bảo vệ di tích theo Luật di sản quy định.
 
- Sự phân cấp trong công tác quản lý nhà nước các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng đã được đặt ra nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa tỉnh, huyện và các địa phương nên tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm hại di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác thanh kiểm tra còn bất cập nên chưa có biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng vi phạm này.
 
- Các thủ tục hành chính liên quan đến hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển du lịch theo hướng bền vững còn nhiều bất cập... ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài

Bộ Đàn đá và cặp kèn đá Tuy An - Phú Yên đều có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. - Ảnh: Tư liệu
 
3. Đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng để phát triển du lịch
 
Trải qua thời gian năm tháng, với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dù đã bị mất mát, nhưng đến nay Phú Yên vẫn còn gìn giữ được một kho tàng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và đặc sắc. Tiêu biểu là những di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng. Nhằm khai thác nguồn tài nguyên to lớn này để phát triển du lịch, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp chính như sau:
 
Thứ nhất, Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-HĐND, ngày 16/12/2011 của HĐND Tỉnh về phát triển du lịch Phú Yên, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đề các cấp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của di tích cho phát triển du lịch. Tổng kết đánh giá, kiến nghị cấp thầm quyền kịp thời giải quyết, điều chỉnh những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 36 và Quy hoạch của UBND Tỉnh về phát triển du lịch tại địa phương, đơn vị.
 
Thứ hai, Tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Khi các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất, thu hút đầu tư đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương.
 
Thứ ba,Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Phú Yên trên các phương tiện truyền thông lớn, các hội chợ, triển lãm du lịch lớn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Các hoạt động quảng bá này phải đạt tính chuyên nghiệp.
 
Thứ tư, Tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tôn tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; khắc phục những vấn nạn thường xảy ra tại các di tích, danh thắng như: Giao thông lộn xộn, không an toàn; vệ sinh an toàn thực phẩm; rác rưởi, bụi bặm, nhà vệ sinh bẩn, văn hóa bán hàng không hấp dẫn…
 
Thứ năm, Từ thực tế quản lý và khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua; các cấp chính quyền địa phương và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục đề xuất cơ chế chính sách, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giải pháp bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là thu hút những nhà đầu tư lớn để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tại các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng phát triển du lịch.
Thứ sáu, Chú trọng thu hút nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư, khai thác các tiềm năng lợi thế từ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng phát triển các dịch vụ du lịch; tạo sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương và quảng bá du lịch. Thực tiễn cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý, khi người dân thực sự hiểu biết được giá trị những nguồn tài nguyên mà họ đang nắm giữ và lợi ích do hoạt động du lịch mang lại thì người dân sẽ tự giác tham gia vào các hoạt động du lịch. Người dân ở Phố Cổ Hội An, đồng bào ở Buôn Đôn, các làng, bản ở SaPa, ở Cao nguyên Đá Đồng Văn, những người dân ở miệt vườn Nam Bộ... là những địa chỉ rất tiêu biểu về hoạt động xã hội hoá du lịch. Xã hội hoá hoạt động du lịch ở Phú Yên là xu thế tất yếu, nhưng để hoạt động này có hiệu quả và được tiến hành nhanh chóng phải khơi dậy sức dân. Để nguồn lực trong dân trở thành hiện thực phải phổ biến rộng rãi việc quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; phải làm rõ giá trị nhiều mặt của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cho nhân dân biết, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tiếp đến là sự hướng dẫn và quản lý hoạt động du lịch của ngành chức năng phải xuất phát từ điều kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể mà chế định các qui tắc rõ ràng, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và điều kiện thực tế của vùng, miền. Khuyến khích người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ những lễ hội truyền thống, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc văn hoá tộc người, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Cần phải có chính sách ưu đãi, tôn vinh kịp thời, đúng mức cho những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp thực hiện xã hội hoá hoạt động du lịch.  
 
 
 
 
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 70
accessibility Hôm qua: 64
account_circle Trong tháng: 310.537
account_box Trong năm: 40.202
supervisor_account Tổng truy cập: 3.180.522