Di sản văn hóa và phát triển du lịch ở Phú Yên

Cập nhật lúc:   17:08:45 - 04/01/2018 Số lượt xem:   6891 Người đăng:   Administrator
Lễ dâng hương tưởng niệm Danh nhân Lương Văn Chánh. Ảnh: CTV Lễ dâng hương tưởng niệm Danh nhân Lương Văn Chánh. Ảnh: CTV
Di sản văn hóa – Tài nguyên du lịch : Phú Yên là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ
Di sản văn hóa – Tài nguyên du lịch

Phú Yên là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có gần 600 di tích gồm nhiều loại hình như: Di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, đình, chùa, nhà thờ, lăng, miếu, dinh, lẫm. Trong đó có 20 di sản văn hóa vật thể và danh thắng được công nhận là di sản cấp quốc gia, 31 di sản văn hóa vật thể và danh thắng được công nhận là di sản cấp tỉnh…

Các di tích nằm rải rác khắp địa bàn tỉnh chính là điểm nổi bật của Phú Yên. Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Phú Yên còn bảo tồn và phát huy được nhiều di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình đa dạng, phong phú như: Lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ; đặc biệt Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển và nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chinh năm của đồng bào dân tộc Chăm, Bana ở miền núi Phú Yên, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phú Yên còn có các lễ hội liên quan đến danh nhân lịch sử (Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Trần Phú), các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng… Về cảnh quan thiên nhiên, Phú Yên còn sở hữu nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài gần 200 km bờ biển, gắn với nhiều đầm, vịnh cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi bật nét kiến tạo địa chất độc đáo như gành Đá Đĩa, Hòn Yến, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Bãi Xép, Bãi Môn - Mũi Điện, Vũng Rô, núi Đá Bia, Hòn Nưa. Ngoài ra, nhờ thiên nhiên ưu đãi, Phú Yên có nhiều đặc sản văn hóa ẩm thực như Sò huyết Ô Loan, ốc nhảy, ghẹ đầm Cù Mông, cá ngừ, bánh tráng lòng heo Hòa Đa, bò một nắng, các sản vật tôm, mực, cá miền biển và nước ngọt có vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn đối với khách du lịch. Đứng từ góc độ này, nhiều chuyên gia cho rằng các giá trị văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. Trên cơ sở những giá trị di sản văn hoá, du lịch khai thác để hình thành nên những sản phẩm bán cho du khách.

Tuy nhiên du lịch Phú Yên giai đoạn từ 2011 trở về trước còn chậm phát triển, chưa khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa và tiềm năng vốn có của vùng đất, nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, công trình tôn giáo tín ngưỡng tâm linh, nhiều điểm du lịch chưa quy hoạch hợp lý, du khách vẫn chưa biết nhiều đến tiềm năng, lợi thế của Phú Yên. Kết quả hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng là do sản phẩm du lịch của Phú Yên còn đơn điệu, thiếu bền vững; sự liên kết trong khai thác, phát triển du lịch giữa các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, giữa các địa phương trong tỉnh và các vùng miền khác trong khu vực và toàn quốc còn hạn chế. Thêm nữa, công tác xúc tiến du lịch của địa phương thời gian qua còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa thường xuyên, chưa tạo dựng được thương hiệu cho du lịch Phú Yên vươn xa.

Du lịch phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng tình hữu nghị

Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch đặc biệt, vì chính sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hóa luôn hấp dẫn sự khám phá của các đối tượng khách du lịch; do vậy, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa là yếu tố góp phần phát triển du lịch bền vững. Ngược lại, Du lịch là một phương thức để phát huy các giá trị văn hóa có hiệu quả nhất, đặc biệt đối với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Ai đó đã từng ví von rất sinh động rằng du lịch được xem là “cầu nối” giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Ngẫm lại sự ví von đó thật sâu sắc và rất đúng bởi qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng mà còn được hiểu biết thêm về giá trị các di sản văn hóa, thưởng thức văn hóa ẩm thực nơi mình đến. Thông qua hoạt động du lịch, du khách có được những trải nghiệm đặc biệt, sống động, cảm nhận được các giá trị văn hóa trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của di sản, của lễ hội, nếp sống truyền thống cộng đồng mà không phương tiện nào có thể chuyển tải đầy đủ được.


Mũi Điện (huyện Đông Hòa), điểm đón mặt trời đầu tiên trên đất liền của Việt Nam. Ảnh: CTV
Với Phú Yên, từ sau đại lễ kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển đến nay (1611-2011) du lịch Phú Yên có bước chuyển biến vượt bậc, thể hiện từ nhận thức đến các việc làm cụ thể; các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của các chính sách, quy định liên quan đến phát triển du lịch, giúp các tầng lớp nhân dân địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng góp phần phát triển du lịch bền vững. Các địa phương đều tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững. Mạng lưới và các phương tiện giao thông vận tải của địa phương phát triển rất mạnh. Về đường bộ đã nhựa hóa và bê tông hóa các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và liên xã; các phương tiện giao thông cơ giới đã đến được 100% các trung tâm hành chính các xã trong toàn tỉnh. Về đường thủy; đường sắt, đường hàng không tới Phú Yên đều có nhiều lợi thế là điều kiện rất thuận lợi việc đi lại của du khách. Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển mạnh; sóng phát thanh, truyền hình phủ kín toàn địa bàn tỉnh. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; trong giao dịch, việc sử dụng Internet đã khá phổ biến trong nhân dân cũng là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch. Các công trình cung cấp điện thắp sáng, điện thoại, nước sạch được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của các tầng lớp nhân dân. Đến tháng 12/2016, toàn tỉnh có 135 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch 1; tổng số phòng lưu trú 2.770 phòng, trong đó có 500 phòng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Trong năm 2016, Tổng cục Du lịch đã quyết định công nhận 01 khách sạn 3 sao; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thẩm định và thẩm định lại 23 cơ sở lưu trú; cấp biển hiệu dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 03 cơ sở kinh doanh; có 16 cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Chỉ trong 5 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ngành Du lịch Phú Yên đón hơn 45.000 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu như các chuyến bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Tuy Hòa những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017 đều đạt 100% công suất. Liên tục các chuyến xe từ TP Hồ Chí Minh xuất bến về Phú Yên và những chuyến tàu Bắc - Nam cũng dừng đỗ trả khách tại ga Tuy Hòa. Hành khách trên những chuyến tàu, xe ấy, ngoài những người Phú Yên làm ăn xa về thăm người thân, chơi tết, còn lại là khách du lịch hoặc công tác. Đó là chưa kể những chuyến xe tour du lịch của các công ty lữ hành từ TP Hồ Chí Minh về xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”. Ông Lê Anh Hoàng, Phó phụ trách Phòng Quản lý Du lịch (Sở VH-TT-DL Phú Yên), cho biết trong 5 ngày tết (từ mùng 1-5), lượng khách lưu trú đạt khoảng 27.190 lượt, doanh thu hơn 106 tỉ đồng. Các ngày mùng 2-5 tết, hầu hết các khách sạn từ 2-5 sao đều kín phòng. Lượng khách du lịch lưu trú khá đông cùng với khách nội tỉnh du xuân khiến các điểm đến trọng điểm của tỉnh trở nên nhộn nhịp suốt những ngày tết, trong đó có gành Đá Đĩa - một trong những địa chỉ thu hút đông lượng khách đổ về tham quan, chụp ảnh khi đến Phú Yên. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó phụ trách Ban Quản lý di tích Phú Yên, trừ ngày mùng 1 không bán vé vào cổng, từ ngày mùng 2-5, lượng khách đến danh thắng này tăng mạnh so với tết năm ngoái. Riêng ngày mùng 4 tết, gành Đá Đĩa đón một lượng khách kỷ lục với 7.000 lượt. Một trong những điểm nhấn tại danh thắng này trong năm nay là được Sở VH-TT-DL đầu tư thêm một số hạng mục hạ tầng phục vụ du lịch như: Con đường vòng lát đá dẫn xuống phía Đông gành Đá Đĩa, bãi đậu xe, tiểu cảnh “hoa vàng cỏ xanh” tại bia di tích, bố trí các gian hàng lưu niệm, giải khát, nhà hàng ăn uống, nơi hô bài chòi, góp phần làm phong phú các dịch vụ du lịch tại đây. Các điểm du lịch khác như: Vịnh Xuân Đài, Bãi Xép, Bãi Môn – Mũi Điện, Vũng Rô, đều là những điểm thu hút khách tấp nập trong dịp tết Định Dậu 2017… Trong dịp đầu năm này, nhiều hoạt động vui xuân, đón tết được các doanh nghiệp tổ chức, tiêu biểu như khách sạn KaYa, Khu du lịch sinh thái Sao Việt, khách sạn Yasaka Hương Sen, Sài Gòn - Phú Yên, có nhiều chương trình tết Việt phục vụ du khách như: gói bánh chưng, bánh tét, phố đêm ẩm thực và trò các trò chơi dân gian, buffet cơm ngày tết với giá ưu đãi; múa lân, thưởng thức cà phê miễn phí; có chương trình giảm giá các dịch vụ spa… Bên cạnh việc tổ chức các chương trình tết, khuyến mãi dịch vụ, các đơn vị kinh doanh du lịch Phú Yên cũng nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ và tạo ấn tượng với du khách bằng sự thân thiện, hiếu khách. Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê giải khát đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới khang trang tại thành phố Tuy Hòa, Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa, Sông Hinh đều là những địa chỉ văn hóa hấp dẫn khách du lịch.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, từng bước hình thành cơ bản về tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra nhiều di tích lịch sử-văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo đang phát huy giá trị, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách. Huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch. Thời gian qua, xã hội hóa hoạt động du lịch ở Phú Yên bước đầu đạt được một số kết quả. Một số doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đầu tư vào xây dựng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống (nhà nghỉ, nhà hàng) phục vụ khách du lịch... Tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Sao Việt, được ví như cánh chim đầu đàn trong đầu tư phát triển du lịch từ nguồn lực của doanh nghiệp, cũng có một vai trò quan trong đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Có thể nói, du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và những giá trị của di sản văn hóa của Phú Yên tới du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch Phú Yên thời gian qua còn tham gia vào hoạt động bảo tồn của chính những giá trị văn hoá. Bởi công tác bảo tồn các giá trị văn hoá đòi hỏi có kinh phí cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: thu thập, nghiên cứu di sản; bảo vệ, tu sửa, tôn tạo… Trong thực tế, nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế của Phú Yên thời gian qua rất hạn hẹp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn văn hoá. Sau khi khai thác và trong quá trình vận hành, nguồn kinh phí thu được từ du lịch quay trở lại đầu tư một phần cho di sản như việc tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy thêm những giá trị của di sản văn hoá. Như vậy, có thể thấy du lịch phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng tình hữu nghị giữa con người với con người không chỉ trong một địa phương hẹp hay một quốc gia dân tộc mà là cả nhân loại. Với ý nghĩa đó, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ để xây dựng định hướng khai thác có hiệu quả các gía trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch và xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch có thể có những đóng góp tích cực và trách nhiệm nhất cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Phú Yên.


Bình minh ở Bãi Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An). 
Ảnh: CTV
Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững

Hiện nay du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương nói riêng của cả nước nói chung. Như vậy tỉnh Phú Yên cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Để đầu tư phát triển du lịch ở Phú Yên đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ thấu triệt quan điểm phát triển du lịch tạo tiền đề để hoạch định các chính sách đến những cơ chế, chính sách cơ bản, những bài học đúc kết từ thực tiễn và học tập ở các địa phương có kinh nghiệm trong phát triển du lịch và sự sáng tạo của nhân dân địa phương…

Để du lịch tỉnh Phú Yên phát triển đúng với tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: “Phú Yên – Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”, Tỉnh ủy Phú Yên đang triển khai Chương trình hành động về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu phấn đấu trong 5 năm thu hút hơn 7 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh; trong đó khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch tăng khoảng 29,5%/năm. Đến năm 2020, tiếp đón hơn 2.000.000 lượt khách, trong đó có khoảng 490.000 lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch khoảng 3.100 tỷ đồng; có 250 cơ sở lưu trú du lịch, với 5.800 buồng, tăng gấp đôi so với năm 2015; hơn 15 khách sạn 3-5 sao; thu hút 8.000 lao động trong tỉnh; có từ 70-80% lao động được bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên ngành...Để đạt được mục tiêu trên cần thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp; trong đó đòi hỏi sự chủ động vào cuộc của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, phải quan tâm kịp thời, đúng mức đến việc đầu tư phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật để phát triển du lịch ở Phú Yên.

Từ mục tiêu chung, người viết bài này đề xuất một số giải pháp chính để đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-HĐND, ngày 16/12/2011 của HĐND Tỉnh về phát triển du lịch Phú Yên, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đề các cấp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương có kế hoạch đầu tư kịp thời, đúng mức đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật, góp phần bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của di tích, danh thắng cho phát triển du lịch. Định kỳ hàng năm và 5 năm phải sơ kết, tổng kết đánh giá, kiến nghị cấp thầm quyền kịp thời giải quyết, điều chỉnh những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 36 và Quy hoạch của UBND Tỉnh về phát triển du lịch tại địa phương trong tỉnh. Đồng thời tập trung ban hành các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư du lịch trong giai đoạn 2016-2020 của địa phương.

Thứ hai, các địa phương trong tỉnh cần phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn huyện, thị, thành phố đủ điều kiện đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích. Khi các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật, trong đó chú trọng: Hạ tầng giao thông, Hạ tầng kỹ thuật điện, nước, hạ tầng kỹ thuật viễn thông..., để quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất, thu hút đầu tư đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong quy hoạch phát triển KT-XH của các địa phương.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, lễ hội, văn hóa ẩm thực của Phú Yên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các hội chợ, triển lãm du lịch lớn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Các hoạt động quảng bá này phải đạt tính chuyên nghiệp.

Thứ tư, tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tôn tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Triển khai thực hiện các văn bản quan lý nhà nước về công tác du lịch trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12 CT/UB ngày 17/9/2015 của UBND Tỉnh về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh thân thiện; Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên; khắc phục những vấn nạn thường xảy ra tại các di tích, danh thắng như: Giao thông lộn xộn, không an toàn; vệ sinh an toàn thực phẩm; rác rưởi, bụi bặm, nhà vệ sinh bẩn, văn hóa bán hàng không hấp dẫn…

Thứ năm, từ thực tế quản lý và khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh, các danh thắng trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua; chính quyền địa phương cần tiếp tục đề xuất cấp thẩm quyền cơ chế chính sách, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là thu hút những nhà đầu tư lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật tại các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng phát triển du lịch trên địa bàn các huyện, thị, thành phố.

Thứ sáu, xây dựng tour du lịch đến các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, các công trình tôn giáo, tâm linh trên địa bàn toàn tỉnh. Theo tour du lịch, người hướng dẫn viên phải giúp du khách hiểu rõ những giá trị nổi bật về di sản văn hóa và những phong tục tập quán tốt đẹp của Phú Yên. Có như vậy, giá trị của các di sản mới trở nên vĩnh hằng, hoạt động du lịch cũng vì thế ngày càng phát triển hơn.

Thứ bảy, tăng cường mở rộng hợp tác, thu hút vốn đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Chú trọng các tổ chức chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ tài trợ cho phát triển du lịch về quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, xây dựng văn bản qui phạm pháp luật du lịch. Chú trọng thu hút nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư, khai thác các tiềm năng lợi thế từ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng phát triển các dịch vụ du lịch; tạo sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương và quảng bá du lịch. Khuyến khích phát triển mạnh các tour du lịch chuyên đề: Tham quan, nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa đá, lễ hội tâm linh, ẩm thực, mua sắm; du lịch khám phá, mạo hiểm... Khuyến khích người dân gìn giữ những lễ hội truyền thống, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc văn hoá địa phương, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhiều đối tượng khách du lịch. Cần phải có chính sách ưu đãi, tôn vinh kịp thời, đúng mức những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho phát triển du lịch-dịch vụ Phú Yên phát triển bền vững 

Chú thích:

1. 2 khách sạn 5 sao: KS Cendeluxe - Thuận Thảo, KDL sinh thái Sao Việt; 2 khách sạn 4 sao: KS KaYa và KS Sài Gòn - Phú Yên; 02 khách sạn 3 sao: KS Hùng Vương, KS Long Beach; 04 khách sạn 2 sao, 45 khách sạn 1 sao, 01 biệt thự đạt chuẩn, 61 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn và một số cơ sở lưu trú đang làm thủ tục đăng ký thẩm định công nhận loại hạng theo quy định. 
Link 
 
ThS. NGUYỄN HOÀI SƠN
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 362
accessibility Hôm qua: 107
account_circle Trong tháng: 277.030
account_box Trong năm: 43.299
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.619