Hội thành viên Hội thành viên

Thạc sĩ Trương Hùng Mỹ: Tâm huyết với nông dân và nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật lúc:   09:20:57 - 03/08/2020 Số lượt xem:   2039 Người đăng:   Administrator
ThS Trương Hùng Mỹ (trái) trong dịp chuyển giao kỹ thuật trồng chuối cấy mô cho người dân huyện Tuy An. Ảnh: THÁI HÀ ThS Trương Hùng Mỹ (trái) trong dịp chuyển giao kỹ thuật trồng chuối cấy mô cho người dân huyện Tuy An. Ảnh: THÁI HÀ
Thời gian qua, hoạt động của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh (Sở KH-CN) ngày càng gắn chặt với các mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp, góp phần hoàn thành chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) trên địa bàn. Trong kết quả chung đó có đóng góp của ThS Trương Hùng Mỹ, Trưởng Phòng Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ của trung tâm này.
Nặng tình với nông dân, nông thôn 
Tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và được giữ lại trường nhưng vì đam mê làm NNUDCNC, anh Mỹ đầu quân cho Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu (Đài Loan) tại Việt Nam; sau đó, anh được Tập đoàn Bayer (Đức) mời làm việc. Dù nhận được lời mời từ những tập đoàn lớn với chế độ đãi ngộ tốt, nhưng năm 2002, anh Mỹ quyết định quay về quê theo nguyện vọng của gia đình, làm việc tại Tổ Khuyến nông huyện Sơn Hòa, sau đó là Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm công nghệ sinh học Hòa Quang và đến năm 2015 giữ chức vụ Trưởng Phòng Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ cho đến nay. 
Có nhiều dịp tham gia các chuyến đi chuyển giao công nghệ về các địa phương trong tỉnh với ThS Trương Hùng Mỹ, điều tôi ấn tượng nhất là đi đến đâu người dân cũng quý mến anh và hỏi han ân cần. Hỏi ra mới biết, mỗi năm, anh Mỹ đi về không biết bao nhiêu lượt để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Vì quý mến, người dân thấy có cây trái gì ngon đều mang ra làm quà nhưng anh Mỹ và cả đoàn ai cũng từ chối nhận. 
Còn nhớ trong một chuyến đi về xã Sông Hinh, sau khi xong việc, chúng tôi được mời đến nhà của một người dân trên địa bàn xã. Chỗ thân tình với anh Mỹ nên gia đình có sự chuẩn bị trước và mời chúng tôi ở lại dùng cơm. Đến khi bữa ăn xong xuôi, tôi thấy anh Mỹ dúi tiền gửi lại cho chủ nhà. Anh bảo đó là công tác phí của anh em cùng đi, chủ nhà cầm cho vui, không lấy là anh ngại, bữa sau không dám ghé. 
Giản dị trong cuộc sống, nhiệt tình, tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học, ThS Trương Hùng Mỹ luôn đau đáu với những vấn đề liên quan thiết thân đến cuộc sống nông dân. Anh luôn tâm niệm, việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rất quan trọng để tăng hiệu quả đầu tư, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đam mê nghiên cứu 
ThS Trương Hùng Mỹ. Ảnh: THÁI HÀ

Trong 15 năm công tác, ThS Trương Hùng Mỹ đã thực hiện 15 đề tài, sáng kiến. Dù đề tài nhỏ hay lớn, cấp cơ sở hay cấp Nhà nước, anh Mỹ đều thực hiện rốt ráo đến cùng với mục tiêu, không giúp dân làm giàu thì cũng giúp cho người dân bớt khổ. 
Là một người khá kỹ tính, nên khi quyết định thực hiện đề tài, anh Mỹ thường đi trước một bước để đảm bảo rằng, đề tài khi được cho phép thực hiện sẽ phải thành công. Còn nhớ khi tham gia triển khai đề tài trồng cây ba kích tím, anh Mỹ đã đi rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, đến tận huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh (vùng đất cây ba kích tím sinh trưởng trong tự nhiên lâu đời) để tìm hiểu về môi trường sống, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. “Muốn biết cây có phát triển được ở vùng đất Phú Yên hay không, cuối tuần tôi thường chạy xe máy về các vùng núi để tìm hiểu cây ba kích tím mọc trên những vùng đất nào, điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng ra sao. Có đợt gặp nhà dân thì gửi xe, có đợt cứ tấp xe đại ở bìa rừng mà lo ngay ngáy không biết khi xuống núi chiếc xe còn hay mất”, anh Mỹ cười chia sẻ. 
Tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học, anh Mỹ đã tham gia và chủ trì thực hiện nhiều đề tài, dự án. Hiện anh Mỹ đã làm chủ được công nghệ trong việc nhân giống một số loại hoa, dược liệu, cây lâm nghiệp; sản xuất cây giống keo lai, bạch đàn, hoa cúc, ba kích tím, sa nhân tím, cà gai leo… cung cấp cho thị trường và chuyển giao kỹ thuật cho người dân, các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Việc chuyển giao nhiều thành quả nghiên cứu khoa học của anh Mỹ đã được nông dân ứng dụng và làm giàu trên chính mảnh đất của mình. 
Ứng dụng tiến bộ khoa học vào cuộc sống 
Trăn trở lớn nhất của ThS Trương Hùng Mỹ là làm sao tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản. Chính vì thế, anh cùng đồng nghiệp đã lặn lội đến rất nhiều nơi để tìm hiểu, dày công nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng đất để cho ra đời những sản phẩm mới, sau đó chuyển giao giống và công nghệ trồng trọt cho bà con. 
Trên những con đường đã đi qua, có những năm anh Mỹ nhìn thấy nhiều trâu bò ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An bị chết vì lạnh và thiếu thức ăn; nhìn thấy hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích lúa bị bỏ hoang, nguồn rơm rạ dự trữ cho trâu bò bị thiếu hụt; thấy người dân Sông Hinh thu hoạch bắp nhưng sau đó phải chịu cảnh bắp nảy mầm vì không có nắng để phơi… Đem những trăn trở đó, cùng với kiến thức khoa học, anh Trương Hùng Mỹ báo cáo với lãnh đạo đơn vị và nhận được sự đồng thuận. Năm 2019, qua rất nhiều khâu chuẩn bị, anh Mỹ thực hiện dự án cấp Nhà nước: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong các nông hộ và trang trại”. Hiện tại, mô hình triển khai tốt trên diện tích 200ha bắp lấy cây theo hướng chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - HTX nông nghiệp - nông dân sản xuất, đạt năng suất 55-60 tấn cây/ha gieo trồng tại huyện Tuy An và huyện Tây Hòa với gần 100 hộ tham gia. Mỗi tháng, vùng trồng bắp này cung cấp khoảng 1.500 tấn bắp ủ chua cho các công ty sữa Vinamilk, TH, Nutifood. Vừa qua một đoàn chuyên gia từ Nhật đã đến làm việc tại Phú Yên và lô hàng đầu tiên đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. 
Bà Nguyễn Thị Thúy (thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) cho biết, trước giờ người dân trong thôn vẫn trồng tiêu nhưng thời gian gần đây, tiêu chết vì bệnh, phần giá tiêu xuống thấp nên đa số chủ vườn phải phá bỏ, một số thì giữ lại nhưng chỉ đầu tư cầm chừng. “Riêng nhà tôi có 8 sào đất trồng tiêu thì nay đã phá bỏ 6 sào để chuyển sang trồng bắp. Bắp trồng mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ hai tháng rưỡi. Từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch đều có máy móc hỗ trợ. Trừ đi hết chi phí thì mỗi năm cũng lời được gần 70 triệu đồng. Thấy có lợi, bà con trong thôn chuyển sang trồng bắp nhiều lắm!”, bà Thúy chia sẻ. 
Nói về ThS Trương Hùng Mỹ, bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ cho biết, anh Mỹ là người có chuyên môn cao, nghiêm túc trong nghiên cứu - chuyển giao và được người dân tín nhiệm. Đáng trân trọng nhất là các kết quả nghiên cứu của anh đều được ứng dụng vào thực tiễn, giúp nông dân khắc phục những khó khăn trong quá trình sản xuất và đem lại hiệu quả khi ứng dụng. 
Với những thành tựu đạt được, anh Trương Hùng Mỹ đã vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh, Bộ KH-CN. Hiện mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua của anh Mỹ được Bộ KH-CN mời báo cáo điển hình trong hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình “Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”. 
Tôi xuất thân từ nhà nông, hiểu được cái khổ của người dân nên luôn trăn trở cách giúp bà con sống được và làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào đời sống sản xuất của nông dân là tâm huyết lớn của tôi.
 
ThS Trương Hùng Mỹ
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 1
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 310.156
account_box Trong năm: 39.821
supervisor_account Tổng truy cập: 3.180.141