TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Sông Hinh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp

Cập nhật lúc:   14:15:01 - 26/02/2024 Số lượt xem:   671 Người đăng:   Admin
Ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển cây sầu riêng ở Sông Hinh. Ảnh: LỆ VĂN Ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển cây sầu riêng ở Sông Hinh. Ảnh: LỆ VĂN
Nhiều năm qua, thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Sông Hinh đã xây dựng chương trình hành động, triển khai nhiều kế hoạch thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt được một số kết quả quan trọng. 
Bước đầu, huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm sức lao động, giảm thất thoát sau thu hoạch… 
Từ trồng trọt đến chăn nuôi 
Về trồng trọt, huyện đã ứng dụng các giống lúa mới chất lượng vào sản xuất, như: Đài Thơm 8, ST25; các giống lúa hạt tròn năng suất cao như ĐB, QN9 để thay đổi bộ giống lúa địa phương. 
Diện tích trồng mía tăng mạnh, niên vụ 2023-2024 đạt khoảng 6.300ha, tăng khoảng 21% diện tích so với niên vụ trước. Nhờ áp dụng các giống mía mới, năng suất đạt 70-100 tấn/ha, giá mía cao, bà con rất phấn khởi chuyển đổi nhiều diện tích trồng sắn không hiệu quả sang trồng mía. 
Đối với cây ăn trái, nông dân chú trọng vào phát triển cây sầu riêng, cam, bưởi da xanh, mắc ca... Đối với sầu riêng, bà con chú trọng trồng các loại sầu riêng hạt lép có giá trị cao, như: Ri6, Monthon, Musaking, Black thorn... 
Về chăn nuôi, người dân đã đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong việc cải tạo giống, kỹ thuật chăn nuôi tiến bộ. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, người dân chuyển từ chăn nuôi thả rông không trồng cỏ sang hình thức chăn nuôi có chuồng trại kết hợp trồng cỏ, xây dựng các mô hình nuôi dê, nuôi heo đen xuất bán heo sữa có giá trị kinh tế cao hơn. 
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ giới hóa trong sản xuất; đưa thiết bị, máy móc hiện đại (máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy bay không người lái, hệ thống nước tưới tự động...) vào các khâu thu hoạch, gieo cấy và chăm sóc. 
Điển hình, thực hiện mô hình thâm canh sản xuất lúa tại công trình trạm bơm Ea Lâm II, với diện tích hơn 35ha, nông dân đã sử dụng các giống lúa mới chất lượng, cho năng suất cao, như Đài Thơm 8, TBR97, TBR1, năng suất bình quân vụ hè thu 2023 đạt khá cao với 70 tạ/ha. 
Trong khâu làm đất, 100% người dân đã áp dụng cơ giới hóa như sử dụng máy cày, máy bừa; 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, giúp giảm thất thoát, tiết kiệm thời gian, công lao động. 
Tập trung tuyên truyền, tập huấn 
Xác định đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả bền vững, lâu dài, là yếu tố quan trọng và quyết định sự thành bại, người dân được tuyên truyền trực quan và tin tưởng làm theo, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cho nông dân, đẩy mạnh tuyên truyền các hộ dân đầu tư cơ sở sản xuất, mô hình kinh tế có ứng dụng KH-CN. 
Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, từng bước tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như: Quy mô ứng dụng KH-CN vào sản xuất còn nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm KH-CN ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp còn khiêm tốn, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện; trình độ KH-CN ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, mới chỉ áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất, còn khâu chăm sóc và thu hoạch, bảo quản nông sản còn hạn chế. Việc hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước cho người dân ứng dụng KH-CN vào sản xuất còn hạn chế, nông dân thiếu vốn, thiếu trình độ sản xuất nên hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững. 
Vì vậy, để đẩy nhanh ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, thời gian đến, huyện Sông Hinh cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. 
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp thông qua đào tạo ngắn hạn, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu xây dựng mô hình hiệu quả, học hỏi kinh nghiệm các địa phương khác để lựa chọn các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình ứng dụng KH-CN vào sản xuất ở từng địa phương. Đồng thời, huyện chú trọng công tác thu hút doanh nghiệp về đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chuỗi liên kết phát triển thị trường và hợp tác về KH-CN phục vụ trong nông nghiệp.
Đến nay, huyện Sông Hinh có 18 sản phẩm đạt OCOP 3 sao như: Bò một nắng Thúy Liễu, bò một nắng Minh Thư, gà ủ muối Hùng Miên, hạt mắc ca Đất Phú, bưởi da xanh…; 74,5ha cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 65,05ha sầu riêng và đang xin cấp mã vùng xuất khẩu.
LÝ THỊ THU HẰNG
Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh
Nguồn: Báo Phú Yên

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 61
accessibility Hôm qua: 67
account_circle Trong tháng: 258.547
account_box Trong năm: 880
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.252