Nhiều năm qua, Hội Nông dân huyện Phú Hòa đã tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất, tạo cơ hội cho nông dân mở hướng làm ăn mới có hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương…
Khẳng định vai trò “bạn nhà nông”
Theo ông Nguyễn Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa, để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững, hội đã tập trung phát động nhiều phong trào thi đua, chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn mọi người chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, đầu tư vốn, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Thời gian qua, hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ và triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp như: Sản xuất giống nông hộ; sản xuất lúa chất lượng cao và kỹ thuật chăn nuôi bò, heo, trồng cây ăn trái… giúp hội viên, nông dân nắm bắt và áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, hội còn phối hợp với ngành Ngân hàng tổ chức tốt việc tín chấp cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích trong sản xuất. Nhiều nông dân sau khi được vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT và Chính sách xã hội huyện đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. Đến nay, hội đã tín chấp cho hơn 8.000 lượt hộ được vay với dư nợ gần 331 tỉ đồng đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi hiệu quả, góp phần cơ bản xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo trên địa bàn huyện.
“Năm 2023, các cấp hội đã vận động phát triển mới 600 hội viên; thành lập mới 8 chi, tổ hội nghề nghiệp; vận động hỗ trợ xây dựng 5 nhà mới cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 382 triệu đồng; vận động hội viên tham gia mô hình Điện sáng đường làng, lắp 535 bóng đèn ở 28 tuyến đường với chiều dài gần 19.000m; giải ngân vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện hơn 90 triệu đồng, hỗ trợ 4 hộ vay để chăn nuôi bò sinh sản; đồng thời phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân tại các địa phương...
Nhờ đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi phù hợp, đến nay toàn huyện có 8.700 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”, ông Nguyễn Siêng cho biết thêm.
Nhân rộng mô hình
Với những cách làm hay, thiết thực trong công tác hội và phong trào nông dân, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh làm ăn hiệu quả đã được phát huy và nhân rộng.
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương là mô hình bó chổi của anh Nguyễn Tường Dân ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Theo anh Dân, năm 2019, với số vốn ban đầu hơn 50 triệu đồng vay mượn, gia đình anh đã mở cơ sở sản xuất bó chổi đót tại nhà.
Với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá bán phải chăng nên sản phẩm nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Cứ thế, cơ sở sản xuất chổi đót của anh ngày càng mở rộng quy mô và nhiều công đoạn sản xuất được sử dụng bằng máy móc hiện đại; bình quân mỗi ngày sản xuất từ 1.500-2.000 cái chổi, lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
“Năm 2023, được hội nông dân hướng dẫn các thủ tục tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nên sản phẩm chổi đót Tường Dân của gia đình tôi đã đạt OCOP 3 sao. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh phía Nam và xuất khẩu sang Úc, Canada…”, anh Dân phấn khởi nói.
Còn mô hình trồng cây ăn trái tại tổ hợp tác Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc đang là một trong những điển hình phát triển sản xuất nông nghiệp dưới sự hỗ trợ của hội nông dân với tổng diện tích sản xuất gần 50ha, chuyên canh tác các loại cây chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Huỳnh Văn Tánh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sơn Ngọc cho hay: Đơn vị hiện có 50 thành viên, trong đó có khoảng 25% là người dân tộc thiểu số, phát triển các giống cây ăn trái chủ lực, được thị trường ưa chuộng như mít, mãng cầu, cam dừa, đu đủ.
Cũng nhờ tham gia vào tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp, nông dân chúng tôi được hỗ trợ vốn, giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất…, thu nhập ổn định bình quân 100-200 triệu đồng/hộ/năm.
Theo bà Lê Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hội, thời gian qua, với định hướng tham gia vào Chương trình OCOP nên hội nông dân xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân theo hướng an toàn, hữu cơ, có ghi chép nhật ký sản xuất vào quy trình sản xuất trồng.
“Hiện nhiều hộ dân tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất như: Trồng dưa hấu hữu cơ, trồng ớt chỉ thiên, trồng sắn phủ bạt... Đặc biệt, mô hình trồng dưa hấu hữu cơ đã có 30/50 hộ dân tại địa phương tham gia và hiện dưa hấu Hòa Hội đã được công nhận OCOP 3 sao, cấp mã vạch xuất khẩu nên nông dân trồng dưa không còn lo đầu ra sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập”, bà Hoa cho biết.
Với những bước đi mới, nền nông nghiệp của huyện Phú Hòa đang phát triển vững chắc. Thời gian tới, ngoài nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, hội tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng tìm hiểu, nghiên cứu, tìm ra các mô hình, con giống, cây giống mới có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Qua đó góp phần nâng cao vai trò của hội trong việc nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa |