Mới đây, Sở KH-ĐT phối hợp với Vụ Khoa học, Giáo dục, TN-MT (Bộ KH-ĐT), Ban Quản lý Quỹ Hỗ trợ tăng trưởng xanh
Cập nhật ngày: 23/03/2017
Mới đây, Sở KH-ĐT phối hợp với Vụ Khoa học, Giáo dục, TN-MT (Bộ KH-ĐT), Ban Quản lý Quỹ Hỗ trợ tăng trưởng xanh (GGSF) do Chính phủ Bỉ tài trợ đã tổ chức tham vấn lần 1 kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Phú Yên. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến tại buổi tham vấn này.
ÔNG TRẦN THIỆN KIM, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KH-ĐT: Xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giúp Phú Yên phát triển bền vững
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những quan ngại ngày càng gia tăng về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã tích cực theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh nhằm đạt được đồng thời các mục tiêu kinh tế và môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1319/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh Việt Nam. Tại Phú Yên được sự quan tâm của Bộ KH-ĐT, Quỹ Hỗ trợ tăng trưởng xanh (GGSF) do Chính phủ Bỉ tài trợ, tỉnh Phú Yên đã thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến làm tổ trưởng.
Hiện bản dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020 đã cơ bản hoàn thành. Bản dự thảo được xây dựng trên quan điểm chỉ đạo tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Trong đó, tăng trưởng xanh là nội dung cơ bản không thể tách rời trong các chủ trương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của Phú Yên, là cơ sở và sự thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc thực hiện các Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững (PTBV) và chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Tăng trưởng xanh được thực hiện dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng xanh được thực hiện bởi con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường và tiêu dùng bền vững. Tăng trưởng xanh gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, đưa kinh tế Phú Yên từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên cơ sở KH-CN hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của tỉnh Phú Yên. Các hoạt động tăng trưởng xanh của tỉnh bảo đảm đạt được sự kết hợp giữa yêu cầu trước mắt với lợi ích lâu dài, có những bước đi thích hợp, cụ thể, với những đột phá và trật tự ưu tiên được xác định rõ, nhưng vẫn có thể điều chỉnh được cho phù hợp với tình hình, hoàn cảnh mới; có tính đến các mối quan hệ liên ngành, liên vùng, đáp ứng yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm cả trong tỉnh và ở tầm quốc gia. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh phải được xây dựng dựa trên việc phân tích kỹ lưỡng các điều kiện tự nhiên, các kết quả phân tích và dự báo về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các kết quả đánh giá hiện trạng và diễn biến môi trường…
Những nội dung này với Phú Yên còn khá mới mẻ và lần đầu được đề cập và triển khai bằng một kế hoạch hành động cụ thể trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh sẽ giúp Phú Yên phát triển bền vững.
BÀ NGUYỄN THỊ KIM DUNG, CHUYÊN GIA TƯ VẤN DỰ ÁN QUỸ HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG XANH: Đẩy mạnh đầu tư các dự án, sáng kiến, hay hoạt động “xanh”
Với tư cách là chuyên gia tư vấn dự án Quỹ Hỗ trợ tăng trưởng xanh giúp tỉnh Phú Yên xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh, tôi thấy Phú Yên có những thành tựu, kết quả cần được phát huy. Cụ thể về đầu tư xanh, Phú Yên đã dành sự quan tâm đáng kể cho việc đầu tư vào các dự án, sáng kiến, hay hoạt động “xanh”. Mặc dù là một trong những tỉnh có ngân sách hạn hẹp, Phú Yên vẫn dùng một phần đáng kể kinh phí để đầu tư cho các nghiên cứu khoa học liên quan đề tài bảo vệ môi trường và PTBV. Trong thập kỷ vừa qua, đã có một số đề tài, đề án được tỉnh chủ trì thực hiện, với các chủ đề tập trung vào phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường; cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường... Phú Yên còn chủ trương tăng đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng; đầu tư mạnh cho cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Mục tiêu là tăng cường sức khỏe cho cộng đồng dân cư nông thôn, nâng cao điều kiện sống của người dân, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, để bù đắp cho sự hạn hẹp của các nguồn ngân sách nhà nước, Phú Yên đã chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường và PTBV thông qua việc huy động vốn từ các nguồn khác nhau, kể cả từ khu vực tư nhân và các tổ chức, đoàn thể quần chúng, người dân, vốn vay tín dụng hoặc vốn huy động từ các nguồn ODA, hoặc vốn FDI.
Tuy nhiên, Phú Yên cũng cần khắc phục những hạn chế trong đầu tư xanh. Hạn chế việc sử dụng dàn trải, kém hiệu quả mà tập trung đầu tư cho việc ứng dụng KH-CN trong xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm, cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu tốn ít hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ sạch hay các chuỗi cung ứng xanh. Cần có các biện pháp tốt để định hướng đầu tư tư nhân, trong đó có FDI vào các lĩnh vực thiết yếu cho PTBV như xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án sản xuất công nghiệp thu hút nhiều lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ, các dự án du lịch dịch vụ, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, trồng rừng, các dự án đầu tư vào khu vực còn nhiều tiềm năng ở các huyện miền núi, các dự án xử lý chất thải, nước thải, các dự án về năng lượng tái tạo mà tỉnh có thế mạnh (phong điện, điện mặt trời…) hay vào các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao. Đồng thời quan tâm đến việc đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch xanh phát huy tốt và hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trong lĩnh vực này.
ANH KIỆT (thực hiện)
Nguồn: baophuyen.com.vn ngày 18/03/2017