Nhân rộng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật lúc:   14:56:01 - 04/01/2018 Số lượt xem:   1033 Người đăng:   Administrator
Hệ thống tưới nước tự động giúp cây trồng chủ lực vùng miền núi phát triển tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu - Ảnh: MINH DUYÊN Hệ thống tưới nước tự động giúp cây trồng chủ lực vùng miền núi phát triển tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu - Ảnh: MINH DUYÊN
Kinh tế vùng miền núi trọng tâm là sản xuất nông lâm nghiệp. Trong điều kiện biến đổi khí hậu
 
Cập nhật ngày: 14/02/2017
Kinh tế vùng miền núi trọng tâm là sản xuất nông lâm nghiệp. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, đây là vùng dễ bị tác động. Việc nhân rộng những mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu chính là tiền đề cho vùng này phát triển bền vững, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu. 

Hiệu quả

Huyện Sơn Hòa thường xuyên xảy ra hạn hán vào mùa khô khiến cây mía - cây trồng chủ lực của địa phương, bị giảm năng suất. Mô hình thâm canh cây mía, tăng năng suất trong điều kiện biến đổi khí hậu ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) được triển khai từ năm 2015. Đến nay, thành công lớn nhất của mô hình ngoài cho năng suất cao còn giúp thay đổi tập quán canh tác. Ông La Thanh Phục, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phước, cho biết: Toàn xã có 1.030 hộ, trong đó dân tộc thiểu số 596 hộ, với 7 dân tộc là Chăm Hroi, Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, Tày, Nùng, X Tiêng. Sơn Phước là xã đặc biệt khó khăn, với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên trong điều kiện khí hậu biến đổi sản lượng, năng suất cây trồng rơi vào tình trạng bấp bênh. Nhờ sự phối hợp của Sở TN-MT và Công ty Mía đường Sơn Hòa, 8 hộ dân trên địa bàn xã đã được tham gia mô hình thâm canh cây mía thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hộ sử dụng các giống mía mới kết hợp với kỹ thuật mía tưới nước và áp dụng cơ giới hóa đã cho kết quả cả hai vụ mía đều cho năng suất cao trong mọi điều kiện thời tiết. 

Mô hình được triển khai trên diện tích 15ha, niên vụ mía 2016 đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, trên diện tích 1ha nếu làm thủ công chi phí 12 triệu đồng, làm máy hết 11 triệu đồng, tiết kiệm 1 triệu đồng; đồng thời tiết kiệm được thời gian như làm thủ công hết 3 ngày còn làm máy hết 1 ngày. Cây mía sinh trưởng tốt hơn, cho năng suất bình quân 98,5 tấn/ha cao hơn 15-20 tấn/ha so với trước, cho lợi nhuận từ 8,2-9,2 triệu đồng/ha. Ma Tâm ở thôn Tân Hòa là hộ tham gia mô hình, cho biết: Gia đình tôi có 1,7ha đất trồng mía, ngày trước phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên năng suất chỉ đạt 60-70 tấn/ha. Nay học theo mô hình, tôi chủ động đào hồ tìm nước tưới cho mía nên năng suất cao hơn hẳn.

Trong khi đó huyện Đồng Xuân thường xảy ra ngập lụt vào mùa mưa, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng cây trồng, đặc biệt là cây lương thực chủ lực như sắn, bắp... Hội Nông dân huyện triển khai các mô hình đậu xanh xen sắn, đậu phộng xen sắn, đậu phộng vụ đông xuân, bắp lai vụ hè thu và bắp vụ thu đông tại các thôn Phú Sơn, Triêm Đức của xã Xuân Quang 2 thuộc đề án xây dựng mô hình thích ứng với ngập lụt trong sản xuất nông nghiệp ở vùng ven sông Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) đã giúp người dân sản xuất hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo UBND xã Xuân Quang 2, những mô hình được triển khai trên diện tích 32ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn với lãi ròng hơn 1,7 tỉ đồng/năm, trong đó lãi mô hình luân canh 65 triệu đồng/ha/năm, đậu phộng xen sắn 30-43 triệu đồng/ha/năm, đậu xanh xen sắn 21-40 triệu đồng/ha/năm. Cao hơn từ 5-10 triệu đồng/ha/năm so với canh tác thông thường.

Đối với cây tiêu, ngay từ năm 2012 mô hình sử dụng giàn tưới nước tự động được triển khai thí điểm ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), nhờ vậy nhiều hộ trồng tiêu đạt hiệu quả kinh tế. Bà Nguyễn Thị Mơ ở xã Sơn Thành Tây, cho biết: Vườn tiêu 4.000m2 của gia đình tôi, ngày trước mỗi năm phải tốn từ 7-10 triệu đồng chi phí. Từ khi có hệ thống tưới, tiết kiệm được nước, phân bón và nhân công nên mỗi năm chi phí chỉ còn 5 triệu đồng.

Được nhân rộng

Việc chủ động nguồn nước tưới để thích ứng với nắng hạn đã được người dân xã Sơn Phước áp dụng rộng rãi. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phước La Thanh Phục cho biết thêm: Kỹ thuật mía tưới nước và đưa cơ giới hóa vào trồng mía đã được nhân rộng từ 8 hộ ra 30 hộ trong xã. Những hộ có điều kiện kinh tế hạn chế thì dùng máy bơm đưa nước về tưới cho mía hoặc đào hồ tìm nguồn nước gần diện tích canh tác. Một số hộ có điều kiện kinh tế đã bắt đầu áp dụng giàn phun tưới nước tự động. Về cơ giới hóa, máy trồng mía có một số hạn chế như cây mía giâm bị hư, máy không phát hiện được để bỏ ra. Một số hộ dân trong xã đã tự cải tạo máy cày truyền thống của gia đình mình thành máy trồng mía, vừa khắc phục được hạn chế trên vừa giảm chi phí.

Theo ông Phạm Ngọc Huệ ở thôn Tân Bình, vụ mía 2016, ông dùng nước tưới cho mía nên năng suất đạt 124 tấn/ha, cao nhất từ trước tới nay. Hiện để tiết kiệm diện tích đào hồ, ông đang đầu tư kinh phí lắp đặt cả hệ thống giàn phun nước kết hợp với bón phân.

Hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt tự động trên cây tiêu không chỉ có ở xã Sơn Thành Tây mà đã nhân rộng ra các hộ trồng tiêu ở huyện Sông Hinh, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa)... Còn mô hình thích ứng với ngập lụt trong sản xuất nông nghiệp ở xã Xuân Quang 2, từ 21 hộ tham gia đã nhân lên 150 hộ trong xã và mở rộng ra xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), với 100 hộ tham gia ban đầu.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, cây mía, cây tiêu, cây sắn… là cây trồng chủ lực ở vùng dân tộc miền núi tỉnh; được quy hoạch gắn với các nhà máy chế biến. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, người dân cần chủ động sản xuất thì mới đảm bảo được sản lượng, cung cấp đủ nguyên liệu ổn định cho các nhà máy hoạt động. Thành công của những mô hình trên là tác động tới nhận thức của bà con về hậu quả của biến đổi khí hậu, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời chuyển giao được kỹ thuật canh tác mới gắn với cơ giới hóa và khoa học hiện đại. Đây là bước đi quan trọng để Phú Yên thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vùng miền núi.
HẢI PHONG
Nguồn: baophuyen.com.vn ngày 04/02/2017

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 76
accessibility Hôm qua: 113
account_circle Trong tháng: 310.914
account_box Trong năm: 40.579
supervisor_account Tổng truy cập: 3.180.899