Tín hiệu vui từ các mô hình trồng rừng theo hướng bền vững

Cập nhật lúc:   15:52:44 - 27/02/2018 Số lượt xem:   1396 Người đăng:   Admin
Sản xuất dăm gỗ tại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu ở KCN Đông Bắc Sông Cầu của DNTN Bảo Châu - Ảnh: ANH NGỌC Sản xuất dăm gỗ tại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu ở KCN Đông Bắc Sông Cầu của DNTN Bảo Châu - Ảnh: ANH NGỌC
Những năm qua, Phú Yên quan tâm đến việc phát triển diện tích rừng trồng và tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh chú trọng triển khai nhiều mô hình trồng rừng kinh tế và sản xuất, chế biến lâm sản theo hướng phát triển bền vững.
Phát triển rừng theo hướng bền vững
 
Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có khoảng 191.950ha đất có rừng; trong đó rừng tự nhiên khoảng 129.570ha, rừng trồng hơn 62.380ha. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, diện tích đất rừng phòng hộ khoảng 102.720ha, đất rừng đặc dụng 19.440ha, đất rừng sản xuất 153.900ha, tỉ lệ che phủ rừng ở Phú Yên đạt 45%. Để đạt được mục tiêu trồng rừng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt 8 dự án quy hoạch trồng rừng kinh tế cho các doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 3.700ha.
 
DNTN Bảo Châu là đơn vị tiên phong của tỉnh phát triển trồng rừng kinh tế theo hướng bền vững. Hiện doanh nghiệp này trồng hơn 3.000ha rừng, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu; trong đó có khoảng 1.900ha bắt đầu đến kỳ thu hoạch. Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, cho biết: Sau khi được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) kết nạp vào mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu, doanh nghiệp đã xin chủ trương của tỉnh nâng diện tích rừng lên khoảng 3.900ha và sẽ triển khai trồng rừng theo hướng bền vững. Với sự hỗ trợ của mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu và của tỉnh, doanh nghiệp phấn đấu đến năm 2020 nâng lên khoảng 5.000ha theo quy hoạch phát triển rừng của Phú Yên.
 
Bên cạnh việc phát triển trồng rừng kinh tế, tỉnh còn có nhiều mô hình trồng rừng khác. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Phú Yên đang xây dựng mô hình điểm trồng rừng gỗ lớn tại tiểu khu 307, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) do Trường đại học Nông lâm Huế chuyển giao kỹ thuật với diện tích 6,6ha. Mô hình này tập trung trồng các loại cây sao đen, dầu rái, thời gian thực hiện khoảng 8 năm. Sở NN-PTNT cũng đang lập dự án trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017-2020 theo chủ trương của tỉnh, với quy mô hơn 336ha trồng rừng gỗ lớn và 479ha trồng lâm sản ngoài gỗ. Đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh triển khai trồng khoảng 110ha rừng gỗ lớn gồm các loại cây bản địa…
 
Nâng cao giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ
 
Không chỉ trồng rừng, việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ rừng cũng đang được tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn chú trọng. Cuối năm 2016, DNTN Bảo Châu đầu tư xây dựng và đưa nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại KCN Đông Bắc Sông Cầu vào hoạt động, với công suất 36 tấn gỗ dăm/giờ, tổng sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đầu tư nhà máy chế biến gỗ mỹ nghệ, gia dụng tại KCN An Phú (TP Tuy Hòa). Ông Dương Tử Hảo, Phó Giám đốc DNTN Bảo Châu, Giám đốc Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại KCN Đông Bắc Sông Cầu, cho biết: Doanh nghiệp đã hợp tác với các tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài nước để tiếp cận, chủ động nắm bắt công nghệ hiện đại trong việc đa dạng hóa sản phẩm gỗ. Đến nay, sản phẩm dăm gỗ của nhà máy đã xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đang hướng tới những thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu… Hiện doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng lâm sản của doanh nghiệp khoảng 30 triệu USD/năm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100 triệu USD/năm.
 
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, hiện diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện rất lớn, tỉnh cần có chủ trương và đầu tư các nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ quy mô lớn ở các địa phương phát triển rừng trồng sẽ giúp người dân sinh sống bằng nghề trồng rừng có thu nhập ổn định… Còn ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Phú Yên đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh, sâu về gỗ, lâm sản và thu hút đầu tư trong, ngoài nước nhằm nâng cao giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp có phương án đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, chế biến ván thanh, đồ gỗ cao cấp để tiêu thụ nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh.
 
Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp Phú Yên bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tập trung 4 nhiệm vụtrọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp phát triển trồng rừng theo hướng bền vững.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 40
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.902
account_box Trong năm: 1.235
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.607