1- Ngôn ngữ:
Nhìn từ góc độ lý thuyết và đặt trong tương quan của tác giả thuyết, ngôn ngữ là cái đầu tiên góp phần tạo nên văn hóa. Chính nhờ ngôn ngữ mà con người có thể thông tin trao đổi và cùng làm việc với nhau. Ngôn ngữ đã trở thành phương tiện giao tiếp chủ yếu của loài người, cùng với lao động. Ngôn ngữ đã góp phần xây dựng nên bản chất xã hội và nền văn minh của nhân loại. Và từ đây hình thành nhiều khái niệm để diễn đạt tư tưởng trong thế giới sự vật và hiện tượng, hình thành nên trao đổi tư tưởng, ý nghĩ và chuyển giao văn hóa cho thế hệ mai sau.
Theo V.I Lénine: Ngôn ngữ là “phương tiện giao tiếp xã hội quan trọng nhất của con người”. Đó là một hiện tượng xã hội, tồn tại song song với xã hội loài người, Con người xã hội tư duy, trao đổi ý nghĩ tình cảm, tư tưởng, kinh nghiệm sản xuất và đấu tranh qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ phục vụ toàn thể xã hội và có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội.
Cho đến hôm nay, chúng ta thực sự chưa hiểu được rõ ràng ngôn ngữ được bắt đầu như thế nào. Có giả thuyết cho rằng ngôn ngữ bắt đầu từ việc người ta gọi nhau một cách tự nhiên, người ta dùng nó để diễn đạt sự kinh ngạc, vui hoặc buồn của mình. Cũng có hướng cho rằng, ngôn ngữ bắt đầu từ việc người ta bắt chước những âm thanh trong thiên nhiên. Có thể là mỗi giả thuyết kể trên đều là một phần giải thích ngôn ngữ. Cuối cùng chúng ta biết rằng, tất cả các ngôn ngữ mà loài người sử dụng trên thế giới đều có thể truy tìm về cùng một gốc chung: một ngôn ngữ ban đầu, từ đó đẻ ra nhiều ngôn ngữ khác mà ra, được gọi là “ngữ hệ”.
Các thứ tiếng hôm nay trên thế giới đều bắt nguồn từ một ngôn ngữ thượng cổ của loài người, được dùng cách đây hàng chục ngàn năm ở châu Phi. Từ đó đã nảy sinh nhiều thứ tiếng mới cải biến và dung nạp lẫn nhau, ngày nay theo nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học có tới trên 7.000 tiếng nói trên thế giới này, tức là tiếng nói đang còn được sử dụng ở khắp nơi, trong dó tại châu Phi là 2.146, Châu Á là 2.303, Châu Mỹ là 1.060, Châu Âu là 285 thứ tiếng (1).
Ở mỗi quốc gia đa sắc tộc (nhiều dân tộc thiểu số) luôn song hành nhiều tiếng nói khác nhau ngoài tiếng nói chung-quốc ngữ - và đi cùng nó là hệ thống chữ viết và bên cạnh đó cũng có nhiều tiếng nói không có chữ viết (chỉ truyền khẩu). Cho nên hiện nay người ta chia ra thành 3 loại: sinh ngữ: là thứ tiếng hiện nay được sử dụng trong những cộng đồng, và nhiều người sử dụng hàng ngày. Tử ngữ: là nhưng thứ tiếng không còn được sử dụng hàng ngày, chỉ còn trong các thư tịch nghiên cứu và di chỉ. Hoại ngữ: Là nhưng thứ tiếng càng ngày càng không được sử dụng trong các cộng đồng. Có nguy cơ tự biến mất trong cộng đồng thiểu số ngày càng rõ rệt(*).
Phổ biến trên thế giới hiện nay các thứ tiếng được sử dụng nhiều nhất là: Hoa, Anh, Pháp, Hà Lan, Ba Tư, Ả Rập... do đây là các nước có lãnh thổ rộng với nhiều thuộc địa xưa kia. Lý do nữa, vì sự thịnh hành của chúng nên nhiều người chọn làm ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ. Vì sự giao thoa văn hóa dường như ai cũng thích học nhưng tiếng lạ xung quanh, tạo hóa phú cho mỗi người đều có khả năng học tiếng rất nhanh language proficiency(*). Khoa học đã xác định rằng trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi đã có thể học nói bất cứ thứ tiếng nào các em được nghe và không những chỉ một mà đến 2, 3 ngôn ngữ, khả năng này càng lớn tuổi càng khó học. Theo các nghiên cứu, cũng có thứ tiếng dễ học và rất khó học, người ta dựa theo số lượng nguyên âm để đánh giá một ngôn ngữ khó hay dễ. Các thứ tiếng dễ học thường là Anh, Pháp , Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, chỉ cần 24 tuần tương đương 600 tiết học. Các tiếng khó học là Hoa, Iceland, Ả Rập, Nhật , Hàn, Đức... phải cần ít nhất 88 tuần gần 2.200 tiết học mới được tạm dùng.
2- Chữ viết:
Chữ viết, công cụ văn hóa mà chúng ta đã quá quen thuộc vốn là một trong những thành quả văn hóa lớn lao, quan trọng nhất của nhân loại.
Khoảng trước sau thiên niên kỷ (trước CN) chữ viết mới xuất hiện. Vùng Lưỡng Hà, Ai Cập cổ đại được coi là nơi có chữ viết hoàn hảo sớm nhất. So với lịch trình phát triển cuả nhân loại, lịch sử trên 6000 năm của chữ viết chỉ là một thời gian ngắn ngủi, những chính nhờ có chữ viết mà nhân loại người đã tiến vào giai đoạn phát triển nhảy vọt với nhưng bước dài và có thể khẳng định rằng: “không có chữ viết thì không có nền văn minh hiện đại”. Chữ viết với những phương thức vận hành cổ điển vẫn là người bạn đồng hành thân thiết của con người trong nhiều thế kỷ phát triển trước mắt từ lời nói đến chữ viết – vai trò của trí nhớ, vần điệu, dấu hiệu, hình vẽ... trong những bước tiếp từ lời nói đến chữ viết.
Có thể nói mọi hệ thống chữ viết đã được biết đến đều thoát thai từ hình vẽ. Chữ viết đầu tiên của loại người chỉ chú ý ghi lại nội dung ý nghĩa của từ ngữ, chứ chưa quan tâm đến vỏ âm thanh của từ ngữ. Như vậy là chỗ dùng hình vẽ đã biểu đạt nội dung ý nghĩa thông tin, rồi dùng chữ hình vẽ để biểu đạt nội dung ý nghĩa từ ngữ. Người xưa đã tiến tới chỗ sáng chế ra chữ ghi ý (chữ ghi lại nghĩa của từ). Và trên cơ sở này đã tiến dần đến chỗ sáng chế ra chữ ghi âm (chữ ghi lại âm thanh của từ). Chữ ghi âm ghi ngôn từ là một cách giãn tiện hơn là chữ, hình vẽ - ghi ý, không cần phải tạo ra thêm nhiều chữ để đuổi theo số lượng từ cần ghi. Những chữ ghi âm buổi đầu như thế này đều này đều ghi trọn vẹn một âm tiết, cho nên gọi là chữ ghi âm tiết. Từ đây, từ chữ ghi âm (đơn âm tiết, đa âm tiết) đến bảng chư cái A,B,C...
Người Phénicie và người Hy Lạp, những người sáng tạo ra những hệ chữ cái đầu tiên từ đó sinh ra các hệ chữ viết ở phương Tây là những người đi biển và xâm chiếm thuộc địa, họ cần phải truyền đi rất xa những thông điệp vừa dễ dọc, và vừa chính xác. Vì vậy, từ rất sớm chữ viết ở phương Tây đã đặt ra yêu cầu viết nhanh lên hàng đầu và do đó, các ký hiệu phải được đơn giản hóa. Việc tạo ra một hệ các chữ cái dựa trên âm vị (chứ không phải một hệ chữ tượng hình) và chỉ gồm có khoảng hơn hai chục ký hiệu để ghi lại tiếng nói là một giai đoạn quyết định trong quá trình trừu tượng hóa ấy. Trong đó người Hy Lạp đã đóng vai trò hàng đầu, bằng cách hoàn thiện rất nhiều hệ chữ cái Phénicie. Hệ chữ cái ấy mà người Hy Lạp đã tạo ra là nguồn gốc sinh ra bảng chữ cái La Tinh được dùng phổ biến trên thế giới ngày nay.
Bên cạnh đó chữ viết ở phương Đông ra đời muộn hơn, nhưng đã đóng góp vào hệ chữ viết cho nhân loại rất rực rỡ đó là: hệ ngữ Sanskrit Pali, Hán văn... Theo sử sách ở thời thượng cổ người Trung Hoa dùng kiểu thắt nút để ghi nhớ sự việc, việc lớn thì thắt nút lớn, việc nhỏ thì thắt nút nhỏ; nhiều việc phát sinh thì thắt nhiều nút kế tiếp nhau. Về sau, họ dùng thêm phương pháp khắc những ký hiệu giản đơn lên gỗ hoặc tre để ghi nhớ. Nhưng do lịch sử phát triển, sự việc ngày càng phước tạp, sự vật cần nhớ và giao lưu ngày càng nhiều, hai loại phương pháp trên không thể đáp ứng được yêu cầu, do đó việc sáng tạo ra một loại chữ trở thành yêu cầu cấp bách. Từ thời Hoàng Đế (2697-2599 trước Công Nguyên) người ta đã biết dùng những ký hiệu khắc họa mang tính tượng hình để ghi nhớ những việc thường ngày. Chính từ những ký hiệu khắc họa ấy đã hình thành Gíap cốt văn từ thời Thương Chu cách đây trên 3.000 năm được xác định là tổ tiên của chữ Hán, nhưng Gíap cốt văn không phải tự nhiên mà có, người có công lớn nhất trong việc hình thành chữ viết nguyên thủy ấy của Trung Hoa là Thương Hiệt, không như các quốc gia khác, chữ của Trung Hoa (chữ Hán) và chữ của ta (chữ Nôm) đều có dạng tự hình vuông, được kết cấu bởi từ một nét đến nhiều nét ngắn dài, ngang dọc khác nhau. Viết từ trên xuống dưới, và từ phải sang trái đó là đặc thù của 4 nước đồng căn Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản.
Hệ ngữ và chữ viết Pali Sanskrit phát triển khoảng 3.700 năm, người ta cho rằng Pali có thể là một dạng Lingua franca (ngôn ngữ thương mại) vào thời đại đế chế Maurga của A Dục Vương (Asoka). Cho đến thời điểm Phật giáo truyền sang Sri Lanka. Pali là một ngôn ngữ văn chương phức tạp được sử dụng cho việc ghi lại toàn bộ kinh Phật, các quốc gia Ấn Độ, Myanmar. Sri Lanka, Népan, Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước có theo Phật giáo hệ phái Nam tông.ngày nay còn để lại một thư tịch khổng lồ.
Vì thế khi nắm được hệ thống công cụ ngôn ngữ, con người có thể chế tác ra nhiều khái niệm để diễn đạt mọi sự tồn tại trong thế giới sự vật và hiện tượng, tiến tới tư duy trao đổi ý nghĩ và chuyển giao văn hóa cho nhau. Từ đây hình thành văn hóa ngôn ngữ và hình thành hệ thống cách cư xử của chúng ta đối với sự vật và hiện tượng phù hợp với chân lý và đạo lý xã hội. Văn hóa ngôn ngữ cũng thế, nó biểu hiện phẩm chất đạo đức, trí tuệ của con người trong giao tiếp ứng xử và tư duy.
Chữ Braille, chữ của người mù
Không “nhìn thấy” có nghĩa là không thể “đọc” được. Như thế niềm hy vọng tiếp thu một nền giáo dục tối thiểu cũng không còn, nói gì đến việc tiếp cận đến các kiến thức mới mẻ. Tuy thế, Louis Braille đã phát minh ra hệ thống chữ nổi năm 1829 dành cho người mù. Hệ thống này đơn giản gồm 6 dấu chấm được sắp xếp theo mô hình 2 cột, 3 hàng. Do những tổ kết hợp có trong tiểu tổ trên, L.Braille tạo ra 63 ký hiệu và chia làm 7 nhóm nhằm thay thế cho các nguyên âm, dấu hiệu âm nhạc và toán học. Để việc chỉ định thêm dễ dàng, các điểm được đánh số như sau: từ trên xuống dưới, cột trái là những chấm 1-2-3 cột phải là những chấm 4-5-6. Chấm 1 chỉ chữ A, hai chấm 1-2 chỉ chữ B v.v...
Cái hay của chữ Braille là các chữ được đục nổi trên giấy chỉ lớn hơn chữ in bình thường của người sáng mắt một chút. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, tất cả các văn tự được người mù “đọc” bằng đầu ngón tay một cách mau lẹ dễ dàng.
3- Nguồn gốc tiếng Việt
Về nguồn gốc tiếng Việt, hiện nay đang có nhiều giả thuyết với nhiều cứ liệu khác nhau. Nhưng chưa đi đến được những kết luận dứt khoát và thuyết phục, trong các nghiên cứu hiện nay đang hướng sự tìm tòi suy nghĩ vào một hệ ngôn ngữ rộng lớn, hình thành từ xa xưa trải rộng trên một địa bàn mênh mông bao trùm cả bán đảo Đông Dương và những miền lân cận, được gọi là hệ ngôn ngữ Nam Á, bao gồm nhiều nhóm ngôn ngữ như Môn-Khơ me, Việt-Mường, Thái v.v... Đến nay, tuy cần có nhiều thảo luận, gần như giới học giả đều thừa nhận trong khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo, đã tồn tại ba ngữ hệ hay ngữ tộc là: Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Autronessian) và Tày Thái (Tai)...
Vị trí tiếng Việt theo ý kiến của Maspéro (1912) xếp vào ngôn ngữ Thái, và những cố gắng của Haudricourt đã thuyết phục giới nghiên cứu tiếng Việt thuộc ngữ hệ Môn-Khơme hay Nam Á (Austroasiatic). Nhưng vấn đề đặt ra là tiếng Việt đã tách ra từ ngữ hệ Nam Á như thế nào? Đến nay, khái niệm Proto-Việt-Mường. Người ta tạm chấp nhận thiên hướng khái niệm này.
Ngày nay tiếng Việt, là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam, và cũng là ngôn ngữ phổ thông cho tất cả dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
4-Chữ Quốc ngữ
Trong phần này chỉ nói đến chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Danh từ chữ Quốc ngữ hay chữ Việt đã được dùng từ lâu, chữ Quốc ngữ là danh từ chung, chỉ cho các thứ chữ của một nước, chẳng hạn như chữ Nôm cũng là chữ Quốc ngữ của nước ta trong một thời kỳ, nên danh từ chữ Quốc ngữ để chỉ cho chữ viết chúng ta dùng ngày nay. Chữ này thoạt đầu do những vị giáo sĩ Tây phương truyền đạo tại Việt Nam, họ mượn mẫu tự La Tinh, ghép lại để ghi âm địa danh và các nhân vật địa phương, từ đó nó đã trải qua các thời kỳ hình thành cho đến ngày nay.
Việc sáng tác chữ Quốc ngữ là công trình chung của nhiều người, được thực hiện trong nhiều năm. Năm 1621, Alexanre de Rhodes đến Đàng Trong, cùng với Linh mục Antonio de Fontes học tiếng Việt với Linh mục Francisco de Fina (1595-1625) là người châu Âu đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Ông cùng với Cristoforo Buzomi đến lập cơ sở truyền giáo ở Nước Mặn (Qui Nhơn). Trong quyển Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 (tủ sách Ra Khơi-saigon, 1972) Linh mục Đỗ Quang Chính nói rằng, nhiều bản văn của các giáo sĩ Dòng Tên viết bằng các văn tự Châu Âu trong thời kỳ 1621-1648 đều có chen những chữ Quốc ngữ ghi tên nhiều người và tên đất, trong các văn bản đó, có 3 bản viết năm 1621 của Joãn Roiz, Gaspar Luis và Cristoforo Borri. Ngoài ra trong thời gian này còn có 2 quyển tự điển viết tay bị thất lạc. Tự điển Việt-Bồ-La của Gaspar d’ Amaral (1592-1645) và cuốn tự điển Bồ-Việt của Antinio Barbosa (1594-1647). Tuy Alexandre de Rhodes (1591-1660) không phải là người duy nhất hay đầu tiên sáng tác chữ Quốc ngữ, nhưng trong suốt thời gian từ 1636-1645 ông đã tổng hợp các công trình của người đi trước và đồng thời để hoàn thành quyển từ điển Dictionrium annamitticum, lusitanum et latium
(Từ điển An nam-Bồ đào nha và La tinh) và tự thể nghiệm bằng quyển sách song ngữ Việt-La gọi tắc là Phép giảng tám ngày (quyển này được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng-xã An Thạch, Huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) để đặt nền tảng cho việc hình thành chữ Quốc ngữ. Cả hai quyển đã được xuất bản tại Roma năm 1651.
Phải đợi đén những nhà văn tiên phong như: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của sáng tác văn chương, đẩy mạnh việc truyền bá chữ Quốc ngữ, trong đó Huỳnh Tịnh Của soạn quyển Đại Nam Quốc Âm Tự Vì, in năm 1896. Họ là những nhà văn lớn, gây thành phong trào đầu tiên về các địa hạt: báo chí, dịch truyện Tàu, viết tiểu thuyết và ngay cả phong trào Thơ Mới cũng trong thời kỳ này. Do đó, dường như chỉ khi văn xuôi xuất hiện nhiều trên báo chí, người ta thấy được trước năm 1913 báo chí chủ yếu giúp người đọc làm quen với chữ Quốc ngữ.
Khác với nhiều hệ thống ngôn ngữ trên thế giới, với 29 âm trong đó có 11 nguyên âm, 1 bán nguyên âm, 17 phụ âm và 5 thanh điệu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) đã làm cho tiếng Việt trầm bổng linh hoạt với giai điệu và tiết tấu sinh động đầy nhạc tính.
5- Chữ Quốc ngữ ngày nay
Ngày 8-9-1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, phong trào Bình dân học vụ dạy chữ Quốc ngữ phát triển tử thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng, miền biển đến rừng núi xa xôi hẻo lánh, phong trào này đã lôi cuốn được mọi tầng lớp mọi lứa tuổi tham gia, nạn mù chữ đưỡc thanh toán một bước rất quan trọng.
Chữ Quốc ngữ đã góp phần trong công việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa nước nhà. Vì dễ học, cho nên đại đa số quần chúng có thể thưởng thức di sản tác phẩm Hán Nôm đã được Quốc ngữ hóa. Nhiều tác phẩm mới đã được phát hành rộng rãi vì phương tiện ấn loát dễ dàng và ít tốn kém, đặc biệt chữ Quốc ngữ được điện tốn hóa, tạo điều kiện cho nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện.
* Từ thuần Việt:
Khái niệm từ thuần Việt có đúng không? Theo học giả An Chi thì cho rằng “từ thuần Việt” là một khái niệm thực sự không thích hợp, nghĩa là không nên đặt ra (2). Và những khảo luận, các luận văn về từ thuần Việt thường không mấy tin cậy... Nếu quan niệm từ thuần Việt chỉ là những từ vốn có khi tiếng Việt mới hình thành, thì sẽ không thấy được sự biến đổi và phát triển của bản thân tiếng Việt. Bản sắc của tiếng Việt không phải chỉ là những yếu tố vốn có của tiếng Việt mà còn bao gồm những yếu tố tiếng Việt còn tiếp nhận các ngôn ngữ khác, biến nó thành bộ phận không thể thiếu của mình và được Việt hóa ở mức độ thành bản ngữ.
Trong quá trình giao lưu văn hóa, thì sự giao thoa ngôn ngữ là không tránh khỏi. Trên thực tế thì nhiều từ tiếng Việt cũng đã vay mượn từ tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh... như đã “thuần hóa” thành tiếng Việt. Vấn đề cốt lõi là du nhập nhưng phải chọn lọc. Quy luật đó cho thấy một ngôn ngữ muốn tồn tại thì phải luôn vận động, phát triển. Ngôn ngữ đó không thể đóng kín mà phải tiếp xúc giao thoa, quá trình này dẫn tới việc vay mượn (trên 70% từ vựng tiếng Việt đều có nguồn gốc từ tiếng Hán) và trở thành hiện tượng khúc xạ trong ngôn ngữ. Không ai dám chắc có ngôn ngữ nào trên thế giới tuyệt đối “thuần khiết” . Nếu không vận động trong sự giao thoa ấy thì ngôn ngữ đó sẽ biến thành tử ngữ, điều này đã từng xảy ra trên thế giới.
Nhiều khi xuất hiện sự sao phỏng (calgue) một biện pháp thông thường của sự vay mượn từ ngữ (lexical borrwing), khi ta cần chuyển một khái niệm mới lạ từ tiếng nước ngoài vào tiếng Việt, chẳng hạn: guere froide là “chiến tranh lạnh”, marché noir là “chợ đen ”, package là “trọn gói ”. Trong khẩu ngữ Nam Bộ “làm le ” nghĩa là: làm cho ra vẻ cái bộ ngon lành, từ le này là do tiếng Pháp l’air là: dáng vẻ; gốc Pháp nhập vào tiếng Việt được thanh điệu hóa, từ fỏmage: pho mát; oeuf au plat: trứng ốp la; chaland: sà lan...Nó đã góp vào tiếng Việt một lối nói mới và một khái niệm mới.
6- Tiếng Việt hiện đại:
Là người Việt Nam hôm nay, nhưng chưa chắc bạn đã hiểu được hết ngôn ngữ của người Việt, thậm chí có những từ mà ta chưa bao giờ biết đến, hoặc có những từ nghe mà không biết ý nghĩa của từ đó là gì, như so sánh lược khảo sau đây:
Về cơ bản, tiếng Việt thế kỷ XVII cũng có khác nhiều so với tiếng Việt hiện đại và đi vào chi tiết sẽ có những dị biệt khá thú vị, đây cũng chính là qui luật vận động.
Về ngữ âm, ở thế kỷ 17 có một số phụ âm đầu và tổ hợp phụ âm đầu hiện nay không còn nữa (đọc trong các tác phẩm thời nay) đó là các phụ âm: b như bê ta của Hy Lạp, khác b của tiếng Việt hiện đại bl, pl, ml, mnh, tl. Chẳng hạn ví dụ: bá áo = vá áo; plàn gió = làn gió; tlíu tlo = líu lo...
Về ngữ pháp, các động từ chỉ sự tiếp thu chính trong tiếng Việt hiện đại là được và bị. Được biểu thị “sự may mắn” , bị biểu thị “sự bất hạnh”. Trong tiếng Việt thế kỷ XVII được hầu hết biểu thị sự may mắn, nhưng cũng có vài trường hợp lại biểu thị sự không may. Chẳng hạn: (...) chẳng theo (đạo) thì được tội. (...) mà được mọi sự dữ vô cùng...
Về từ vựng, có hàng trăm từ ngữ dị biệt biến đổi, biến nghĩa dưới nhiều hình thức và bị mất hẳn sử dụng trong vốn từ vựng tiếng Việt hiện đại, ví dụ như: áng ná = cha mẹ; trước = trúc, tre; nghỉ = người đó... qua những khảo sát trên, chúng ta sẽ thấy hiện nay tiếng Việt hiện đại cũng đang có các hiện tượng sau đây:
* Hiện tượng khúc xạ trong ngôn ngữ:
Vấn đề khúc xạ trong ngôn ngữ thường xảy ra trong các ngôn từ của thế giới, từ ngoại lai (foreignism) du nhập vào và bị được hiểu theo một cách khác, ví dụ: trong tiếng Hán lịch sự vốn có nghĩa: “trải việc, thạo việc” trong tiếng Việt có nghĩa “sang trọng, nhã nhặn, thanh nhã”. Từ tài tử trong tiếng Hán: “người lịch sự, tử tế ” trong tiếng Việt “diễn viên điện ảnh; người không chuyên nghiệp, a ma tơ thiếu cố gắng”. Từ quán quân: “ông tướng thời xưa gọi là quán quân; người dành giải nhất trong cuộc thi thể thao” (**) giờ đây được dùng trong các lĩnh vực chẳng ăn nhập gì với thể thao cả...
* Hiện tượng ngôn ngữ tuổi “teen”:
Hiện nay do sự phát triển của công nghệ thông tin, giới trẻ ngày càng có khuynh hướng “bóp méo” tiếng Việt đến phủ phàng. Nhất là đại bộ phận tuổi mới lớn, thường sử dụng ngôn ngữ “lạ” khi nhắn tin điện thoại, chát và gởi e-mail và đăng nhập trên mạng facebook trên internet. Thành phong trào gây hiệu ứng xấu, làm biến dạng tiếng Việt rất trầm trọng, thường nhận thấy ở các từ “rồi, biết, không, vậy, gì” thì trở thành “rùi, bjt, hem, zay, j”, “cái zị zậy ta” (cái gì vậy ta?) có những câu biến dạng “trua nay con k zja an kum” (trưa nay con không về ăn cơm) hoặc “iêu anh em zám hok”(yêu anh em dám không?) nhan đề của một bộ phim... Thật ra hiện tượng này không đáng lo ngại, nó chỉ xảy ra trong những nhóm nhỏ, cũng như trước đây còn có những từ ngữ đường phố gây tranh cãi trong các tác phẩm của Duyên Anh trong thập niên 60 ở miền Nam, và những tiếng lóng, ngôn ngữ chợ trời v.v. dần dần tự thân các ngôn gnữ này cũng bị xóa nhòa.
7- Thay lời kết:
Gần 400 năm hình thành và phát triển, tiếng Việt ngày nay được bổ sung thêm vào kho từ vựng, một số lượng lớn hoàn chỉnh như ngày hôm nay, theo quy luật của cuộc sống, đã có những từ mất đi vĩnh viễn, và có những từ mới lạ xuất hiện, trong vòng năm thập niên trở lại đây, do sự giao thoa nhiều ngôn ngữ trên thế giới và tốc độ tiến bộ của công nghệ khoa học hiện nay.
Để giao tiếp và hội nhập được trong thời đại bùng nổ thông tin và khoa học công nghệ như hiện nay, mỗi người chúng ta cần trau dồi thêm vốn liếng văn hóa ngôn ngữ của mình. Đó là rèn luyện ngôn ngữ ở hai dạng: nói và viết. Nói phải nói chính âm (tức là phát âm chuẩn), viết thì phải viét đúng chính tả (là viết đúng). Và với ngôn ngữ nào đi nữa thì cũng được xây dựng trên ba bình diện cơ bản: ngữ vựng (vocabulary) – ngữ âm (phonology) – và ngữ pháp (grammar). Ba bình diện cơ bản này cho tất cả các khả năng là học thuật làm chủ ngôn ngữ (academic language proficiency) thiên về đọc và viết mang tính hàn lâm, từ đó hình thành các kỹ năng ngôn ngữ (interpersonal communication skills) thiên về nghe và nói, điều này thường thấy ở các nhà hùng biện, các diễn giả, người dẫn chương trình... Khi nói năng, để có hiệu quả thuyết phục được, chúng ta thường lấy lý lẽ lập luận dùng những vốn từ áp dụng đúng ngữ cảnh về sự dùng ngôn ngữ (pragmatic linguistics) còn gọi là ngữ dụng học.
Bài viết góp vào một góc nhìn để chúng ta lắng nghe ngôn ngữ tiếng Việt đơn giản hơn, trong sáng hơn, cần lưu ý là chữ Quốc ngữ tính chất của nó là chữ ghi âm chữ ghi âm vị, là một loại hình văn tự đơn giản đến mức lý tưởng về nguyên tắc, cho nên cần chuẩn hóa nó ngay cả trong phương ngữ, thổ ngữ và các từ đồng âm. Điều này có lợi cho tiếng Việt phát triển và đơn giản hóa hơn khi phổ biến nó, tạo cho mọi người học tiếng Việt dễ dàng kể cả người nước ngoài, điều này sẽ không bắt trí nhớ làm việc nhiều một cách không cần thiết. Với nguyên tắc một chữ cái cho một âm vị, mỗi âm vị chỉ được ghi bằng một chữ cái duy nhất.
Nhờ có vốn từ vựng phong phú trong thói quen học tập, mà con người có thể nâng cao chất lượng ngôn ngữ lời ăn tiếng nói trong giao tiếp. Phong cách ngôn ngữ của một người thể hiện trình độ văn hóa, không nên sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện. Sử dụng không đúng sẽ làm cho ngôn ngữ bị hạn chế rất nhiều về ngữ nghĩa. Một yếu tố nữa: nếu lạm dụng quá nhiều yếu tố ngoại lai sẽ có nguy cơ ngôn ngữ của nhiều dân tộc sẽ bị mai một. Quá trình giảng dạy tiếng Việt, cần thống nhất nguyên tắc sử dụng cho thế hệ trẻ, nếu không chuẩn hóa đúng sẽ dẫn đến việc sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện của thế hệ này dần dần trở thành một thói quen gây nguy hại đến sự trong sáng của tiếng Việt. Nhìn sang các nước khác trong khu vực, như Nhật Bản từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Hán văn, nhưng họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa của riêng mình, ngôn ngữ của họ rất phức tạp có đến 3 bộ vần đó là: higarana và katakana biểu âm; bộ kanji dựa trên chữ Hán biểu ý. Người ta vẫn tôn trọng ngữ pháp của mình và giữ gìn nó để trở thành một cường quốc. Gìn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt là giữ gìn được nền tảng văn hóa ngôn ngữ Việt Nam
Chú thích và Tài liệu tham khảo:
(*) Đa số các ngôn ngữ có nguy cơ tử vong có thể không lưu lại một dấu vết nào, khi biến mất đi. Nhất là các ngôn ngữ chưa có chữ viết là những sinh vật rất mong manh. (Báo Le Mode ngày 1-3-2013 UB chuyên viên UNESCO)
(**) Language proficiency: Sự thành thạo ngôn ngữ của cá nhân
(***) Theo từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh
- Theo catalog Ethnologue
- Từ Thuần Việt? – An Chi, Tc Từ Điển học & Bách khoa thư số 2, 2015
- Tạp chí KTNN số: 62 – 126 – 162 – 673
- Vài nét về tiếng Việt thế kỷ XVII – Lê Trung Hoa, KT số 60, tr.75 sdd
- Tự vị Annam Latinh – Nxb Trẻ 1999
- Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt – Nguyễn Tái Cẩn, Nxb Giáo Dục 1995.
- Lột trần Việt ngữ - Bình Nguyên Lộc. Nxb Nguồn xưa, Saigon 1972.
- Từ điển Việt Nam – Lê Văn Đưc. Nhà sách Khai Trí, Saigon 1970.
- Thử phân kỳ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt – Nguyễn Tài Cẩn, Tc ngôn ngữ số 10, 1998
- “Hán Việt” và “thuần Việt” trong tiếng Việt, văn Việt, người Việt, Cao Xuân Hạo, Nxb trẻ, 2001.