Phú Yên phát triển thủy sản theo hướng bền vững
Cập nhật lúc: 15:13:21 - 26/09/2017
Số lượt xem: 1186
Người đăng: Administrator
Thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Phú Yên đang triển khai 5 giải pháp
Thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Phú Yên đang triển khai 5 giải pháp phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững.
Tỉnh thực hiện nhiều chính sách giúp ngư dân chuyển hướng khai thác từ ven bờ ra vùng biển khơi trên cơ sở mở rộng năng lực đánh bắt xa bờ; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng và dịch vụ nghề cá; tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày bằng các chính sách tín dụng, hỗ trợ năng lực sản xuất.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi đi đôi với nâng cao chất lượng giống, xử lý dịch bệnh và môi trường; gắn khai thác, nuôi trồng thủy sản với công nghiệp chế biến để tăng giá trị; đồng thời tìm kiếm đối tác liên doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Từ năm 2011 đến nay, thông qua các chính sách tín dụng và hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 của Chính phủ, ngư dân tỉnh Phú Yên đã đầu tư đóng mới 209 tàu thuyền từ 90 -400 mã lực. Nhờ vậy, hai năm gần đây tuy số lượng tàu thuyền giảm từ 7.465 chiếc xuống còn 7.002 chiếc nhưng tổng công suất lại tăng 96.938 mã lực lên 115..046 mã lực. Năm 2012, sản lượng hải sản khai thác của Phú Yên đạt 49.600 tấn, tăng 4.400 tấn so năm 2011; trong đó sản lượng cá ngừ đại dương lên đến 6.050 tấn.
Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm bằng lồng, tỉnh Phú Yên đã mở rộng việc nuôi các loài thủy sản khác như cá mú, hàu, rong câu theo hướng phát triển kinh tế hộ. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản nước lợ của tỉnh Phú Yên đạt 2.635ha và gần 27.000 lồng nuôi mặt nước biển. Năm 2012 là năm xảy ra nhiều dịch bệnh đối với nghề nuôi trồng thủy sản nhưng nhờ mở rộng vùng nuôi nên tỉnh vẫn đạt sản lượng 8.000 tấn thủy sản các loại. Trong đó sản lượng tôm hùm đạt 660 tấn, tăng 160 tấn so với năm 2011; cá và thủy sản khác tăng từ 9 đến 75% so năm 2011, với sản lượng 1.370 tấn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho biết giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2006-2010 của tỉnh tăng bình quân 6,6% và mục tiêu giai đoạn 2011-2015 tăng từ 7% trở lên.
Thống kê cho thấy, năm 2012, tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản Phú Yên đạt hơn 3.650 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2011 và chiếm gần 37% giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp Phú Yên. Giá trị xuất khẩu ngành thủy sản đạt 45 triệu USD, chiếm hơn 31% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành thủy sản Phú Yên trong những năm đến là xây dựng hạ tầng nghề cá, trước mắt là hai cảng cá Dân Phước và Phú Lạc. Dự án nâng cấp cảng cá Dân Phước (thị xã Sông Cầu) dự kiến được thực hiện vào cuối năm nay với kinh phí khoảng 49 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới (WB). Khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo động lực phát triển nghề cá khu vực phía Bắc tỉnh Phú Yên. Hiện, sản lượng khai thác qua cảng Dân Phước hàng năm khoảng 4000 tấn, chỉ đáp ứng được 23% sản lượng khai thác.
Tỉnh Phú Yên đã khánh thành Cảng cá Phú Lạc tại xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa để phát triển khu vực phía Nam của Tỉnh với tổng kinh phí hơn 68,6 tỉ đồng; trong đó, vốn Trung ương gần 54,7 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 3,5 tỉ đồng và 10,3 tỉ đồng huy động từ các thành phần kinh tế khác. Cùng với việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (thành phố Tuy Hòa) với hơn 150 hộ tham gia, tỉnh Phú Yên đang xử lý dứt điểm 27 hợp tác xã nghề cá thực chất đã ngưng hoạt động từ lâu. Các hợp tác xã trên được thành lập từ năm 1997-1999 và giải quyết việc làm cho 400 lao động. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, các hợp tác xã này rơi vào tình trạng làm ăn không hiệu quả do quản lý yếu kém, tàu nằm bờ nhiều hơn ra khơi.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhằm phù hợp với thực tế và định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Trong đó, riêng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ đến năm 2020 sẽ tăng lên 3.045ha và diện tích mặt nước biển là 950ha, tăng gần gấp hai lần so năm 2010.
Hiện nay, vấn đề bức thiết trong nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên là môi trường còn ô nhiễm nên thường xảy ra dịch bệnh. Để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi, thị xã Sông Cầu đã quy hoạch chi tiết tạm thời 150ha mặt nước biển ở xã Xuân Thịnh và quyết định giao cấp cho 40 tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, thị xã Sông Cầu đang tiến hành khảo sát, xác định tiếp 628ha vùng mặt nước biển ở xã Xuân Cảnh để đưa vào quy hoạch nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè. Huyện Tuy An cũng đã quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm hùm trên biển với diện tích 30ha tại hai xã An Chấn và An Hải.