Những cây cầu bắc qua sông Đà Rằng

Cập nhật lúc:   14:55:41 - 26/02/2018 Số lượt xem:   4857 Người đăng:   Administrator
Trước giải phóng, Phú Yên tự hào có cầu Đà Rằng dài nhất miền Nam, với 21 nhịp cầu, dài 1.105m. Cầu Đà Rằng đã đi vào ca dao đầu thế kỷ XX:

Cầu Đà Rằng dài hai mươi mốt nhịp
Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu
Ngày xuân con cá giải sầu
Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng.

Cầu Đà Rằng đầu tiên được người Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX, kết cấu dầm thép chịu lực, trụ bê tông cốt thép với bộ khung thép bảo vệ hình zích zắc, dùng chung cho cả đường bộ và đường sắt, là cây cầu dài nhất miền Nam, dài thứ nhì Việt Nam (sau cầu Long Biên bắc qua Sông Hồng) ở thời điểm đó. Trong tác phẩm“Constraction de Granls Ponts en béton amé Sur la route mandarine en Annam entre Tourane et Nha Trang (xây dựng những cây cầu lớn bằng bê tông trên đường Cái quan - Quốc lộ của An Nam từ Đà Nẵng đến Nha Trang) do toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1929 đã cung cấp thông tin rằng: Từ cuối năm 1924 đến tháng 5/1925 người Pháp đã nghiên cứu xây cầu vượt sông Đà Rằng trên con đường số 1. Dự kiến xây dựng 2 cây cầu bằng bê tông cốt thép. Một cầu có chiều dài 146,5m (cầu Sông Chùa) nằm trên nhánh sông nhỏ (Sông Chùa) bên tả ngạn; cây cầu chính bắc qua sông Đà Rằng. Thời điểm ấy, giao thông được nối đôi bờ Sông Ba chủ yếu là các bến đò.

Năm 1924, việc xây hai cầu này càng trở nên cấp bách bởi dự án xây dựng tuyến đường sắt từ Đà Nẵng vào Nha Trang được xúc tiến. Hai cây cầu này (dùng cho cả đường sắt và đường bộ) là rất cần thiết để nối liền đường bộ Hà Nội - Sài Gòn và đường sắt Hà Nội - Sài Gòn. Công trình xây dựng cầu Đà Rằng được đấu thầu ngày 23/2/1926 với nhà thầu Trương Phú Vinh và Ung Du, tổng chi phí hơn 117.800 đồng Đông Dương (nhà thầu đồng ý bớt giá 17%, bao gồm cả cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa). Dự kiến thời hạn thi công là 16 tháng (kết thúc vào ngày 28/7/1927). Trong quá trình thi công do nước lũ dâng cao trong mùa mưa nên làm chậm tiến bộ thi công, đặc biệt là cơn lũ ngày 23/10/1927. Ngày 29/3/1927, nhà thầu Ai-By tham gia các phần việc phát sinh còn lại và hoàn thành nhịp cầu cuối cùng ngày 21/4/1929. Số nhịp cầu của công trình tăng thêm một nhịp (55 nhịp) và chiều dài công trình tăng lên 1.075m.

Hoàn thành cầu đường sắt - đường bộ Đà Rằng, người Pháp mới có thể chính thức nối đường ray đường sắt xuyên Việt tại ga Hảo Sơn ngày 2/9/1936.

Trong phong trào tiêu thổ kháng chiến chặn bước tiến quân Pháp xâm chiếm vùng tự do Phú Yên, cùng với những ngôi nhà kiên cố ở TXTuy Hòa, cầu Đà Rằng bị phá hủy tháng 12/1946.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), chính quyền Sài Gòn khôi phục cầu Đà Rằng (dùng cho cả đường sắt và đường bộ) theo đúng nguyên mẫu thiết kế của người Pháp.

Năm 1970, chính quyền Sài Gòn khởi công xây dựng cầu đường bộ Đà Rằng, song song với cầu đường sắt do người Pháp xây dựng. Công trình cầu đường bộ Đà Rằng do Tiểu đoàn 201 công binh trực thuộc Liên đoàn 20 công binh quân đội Sài Gòn thi công. Đây là cây cầu đường bộ được đánh giá là hiện đại nhất miền Nam thời điểm ấy gồm 59 nhịp với 58 trụ trung gian. Trong 59 nhịp, có 52 nhịp dài, mỗi nhịp 18m, 7 nhịp mỗi nhịp dài 21m, mỗi nhịp có từ 5-6 đà dọc. 58 trụ trung gian sử dụng cừ sắt với mô đầu trụ bằng bê tông cốt thép. Mỗi trụ trung gian có 6 cừ đóng thẳng, 4 cừ đóng xiên, các cừ sắt đóng sâu vào lòng đất từ 18-24m. Lòng cầu rộng 7,5m, lề đi bộ hai bên rộng 0,9m. Trọng tải của cầu 35-50 tấn, lưu thông hai chiều.

Ngày 13/2/1971, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu khánh thành cầu Đà Rằng. Tuy hiện đại nhưng đây là cầu dã chiến, thời hạn sử dụng 20 năm.

Sau ngày giải phóng, Bộ Giao thông và chính quyền địa phương liên tục gia cấp tu bổ cầu Đà Rằng để kéo dài thời gian sử dụng. Riêng cầu đường sắt, năm 1999, Bộ GTVT hợp tác với Nhật Bản duy tu sửa chữa lớn và sơn lại màu cầu.

Từ khi khánh thành cầu đường bộ Đà Rằng (13/2/1971) đến nay đã 45 năm, sau nhiều lần tu sửa, cầu Đà Rằng cũ vẫn đang sử dụng (có hạn chế một số phương tiện giao thông tải trọng lớn). Ngày 4/7/2016, Bộ trưởng GTVT thống nhất với kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng mới cầu Đà Rằng, cầu Sông Chùa trên tuyến quốc lộ 1 cũ từ nguồn trái phiếu Chính phủ của các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1. Theo đó, cầu Đà Rằng cũ và cầu Sông Chùa sẽ được xây dựng mới bằng chất liệu bê tông cốt thép vĩnh cửu, với quy mô đầu tư khổ cầu rộng 18m, gồm 4 làn xe chạy, mỗi làn rộng 3,5m lề bộ hành mỗi bên rộng 2m. Tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.

Năm 2003, Bộ GTVT chỉ đạo thi công đường tránh quốc lộ 1 qua Tuy Hòa. Đây là quyết định bất ngờ không có trong kế hoạch ban đầu. Đó là thời điểm, Nhà nước tổ chức đấu thầu khôi phục 5 cầu trên quốc lộ 1 thuộc dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản còn thừa một nguồn vốn lớn. Thời hạn chỉ còn 18 tháng, phía Nhật Bản yêu cầu khi thiết kế được duyệt chỉ thi công xây dựng cầu Đà Rằng mới chỉ 12 tháng và không được phép quá hạn.

Bộ GTVT và UBND tỉnh bắt tay thực hiện dự án bằng con số không: chưa thiết kế, chưa giải phóng mặt bằng, chưa tính toán phương án thi công. Để bảo đảm tiến độ 12 tháng, các công việc được phân công rất cụ thể, UBND tỉnh chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, chỉ trong 7 tháng, Bộ GTVT lập dự án thiết kế cầu Đà Rằng chỉ trong 6 tháng.

Cầu Đà Rằng mới được xác định là cây cầu lớn và quan trọng nhất trên tuyến quốc lộ 1 nên mọi nguồn lực được tập trung tối đa. Bộ GTVT đã chọn những nhà thầu có năng lực nhất để thi công như: Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long. Để bảo đảm tiến độ theo đúng yêu cầu của phía Nhật Bản, tất cả các khâu từ lập dự án đến thiết kế, thi công giải phóng mặt bằng đều thực hiện khẩn trương cùng thời điểm. Cầu Đà Rằng mới khởi công xây dựng tháng 7/2003 và thi công trong thời gian kỷ lục (12 tháng), với chiều dài 1.521m, gồm 36 nhịp, tổng kinh phí đầu tư 420 tỉ đồng.

Ngày 10/11/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải cắt băng khánh thành cầu Đà Rằng mới trên tuyến tránh quốc lộ 1, cây cầu dài 1.512m, rộng 12,5m được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, quy mô vĩnh cửu. Đây là cây cầu dài nhất miền Trung trên quốc lộ 1.

Ngày 11/1/2006, Phú Yên khởi công xây dựng cầu Hùng Vương bắc qua hạ lưu Sông Ba (gần cửa biển Đà Diễn) nối đường Hùng Vương với TP Tuy Hòa ở bờ nam sông Đà Rằng. Đến ngày 31/3/2011, cầu Hùng Vương - công trình chào mừng 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển được khánh thành. Cầu dài trên 2km, phần cầu chính dài 1.280m, rộng 18m, gồm 4 làn xe, 2 lề dành cho khách bộ hành. Đường dẫn phía bắc rộng 15m, có hai đường cặp hông nối với đường Bạch Đằng ven Sông Chùa. Phía nam ngoài đường dẫn còn có nút giao thông hình dáng bán hoa thị cho các nhánh rẽ lên và xuống cầu.

Cầu Hùng Vương có tổng mức đầu tư 477 tỉ đồng, trong đó giá trị xây lắp 380 tỉ đồng. Đây là cây cầu hiện đại thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật nối thành phố với sân bay Tuy Hòa, Cảng Vũng Rô và vùng kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho khu vực kinh tế Nam Phú Yên. Cầu được lắp đặt hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, tạo một điểm nhấn tuyệt vời của TP Tuy Hòa khi màn đêm buông xuống.

Ngày 19/1/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khởi công xây dựng cầu Đà Rằng, cầu Sông Chùa trên quốc lộ 1 cũ do Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư.
Ngày 19/1/2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, lãnh đạo Bộ ngành TƯ và lãnh tỉnh Phú Yên nhấn nút khởi công dự án cầu Đà Rằng, mở rộng “cửa ngõ” phía Nam thành phố Tuy Hòa. Ảnh: CTV

Dự án cầu Đà Rằng có tổng chiều dài 1,7km, trong đó dài 1,2km, chiều dài đường dẫn hai đầu cầu 336m. gồm 2 làn xe cơ giới rộng 7m, dải an toàn rộng 1m, lan can và lề đi bộ rộng 2,5m. Dự án có tổng mức đầu tư 340 tỉ đồng từ nguồn vốn dư trái phiếu, Chính phủ của các dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Cây cầu mới sẽ thay thế cây cầu cũ được khánh thành năm 1971 đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa được xây dựng mới góp phần tạo điểm nhấn đầy ấn tượng cho TP Tuy Hòa về cây cầu dài nhất miền Trung qua quốc lộ 1.

Những cây cầu bắc qua sông Đà Rằng tạo một điểm nhấn về mỹ quan đô thị, góp phần tạo nên hồn cốt của thành phố trẻ Tuy Hòa đầy sức sống trong chuỗi đô thị ven biển miền Trung Việt Nam. Không chỉ vậy, những cây cầu bắc qua sông Đà Rằng - dòng sông lớn nhất miền Trung, chẳng những tạo động lực phát triển cho tỉnh Phú Yên, mà còn tạo động lực phát triển cho khu vực Nam Trung Bộ và cả nước. Những cây cầu này nằm trên huyết mạch giao thông trọng yếu của quốc gia và con đường ven biển tuyệt đẹp của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đó là những cơ sở hạ tầng quan trọng để quê hương, đất nước phát triển bền vững trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đây cũng là những biểu tượng của thành phố biển Tuy Hòa, là niềm tự hào quê hương, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách và những người con Phú Yên xa xứ 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 380
accessibility Hôm qua: 107
account_circle Trong tháng: 277.048
account_box Trong năm: 43.317
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.637