Hỗ trợ kỹ thuật để phát triển bền vững cây hồ tiêu

Cập nhật lúc:   15:13:28 - 26/09/2017 Số lượt xem:   1100 Người đăng:   Administrator
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Vinacafe Sơn Thành kiểm tra bệnh trên cây tiêu - Ảnh: T.Tiên Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Vinacafe Sơn Thành kiểm tra bệnh trên cây tiêu - Ảnh: T.Tiên
Những năm gần đây, do giá cao nên nông dân tỉnh Phú Yên phá bỏ diện tích sắn, bắp để trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô trồng tiêu tự phát, ....
Những năm gần đây, do giá cao nên nông dân tỉnh Phú Yên phá bỏ diện tích sắn, bắp để trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô trồng tiêu tự phát, không chỉ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi không am hiểu kỹ thuật chăm sóc nên cây tiêu bị nhiễm bệnh, giá cả phụ thuộc vào thương lái. 

Vườn tiêu rộng 4.000m2 của anh Hồ Hoàn Toàn ở thôn Mỹ Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa trồng cách đây 8 năm và đã cho thu hoạch. Riêng năm 2015, giá tiêu được thương lái mua trên dưới 200.000 đồng/kg khô, anh Toàn lãi 170 triệu đồng. Chính vì vậy, anh Toàn đã ươm giống để trồng thêm 2.500m2 nữa nhưng mới đây lại xuất hiện nhiều gốc có hiện tượng nhiễm bệnh.Lo lắng trước việc vườn tiêu đang có tình trạng chết hàng loạt, anh Toàn cho biết: “Đây là vùng đất phù hợp trồng loại cây này. Nếu cây phát triển ổn định sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để trồng được loại cây này đòi hỏi phải có kỹ thuật và cách chăm bón cẩn thận. Tôi rất lo lắng trước tình trạng vườn tiêu đang đồng loạt nhiễm bệnh”.
 
Tương tự, vườn tiêu rộng 3.750m2 trồng gần hai tuổi của anh Nguyễn Công Loan cũng ở thôn Mỹ Bình sinh trưởng tốt nhờ chăm sóc kỹ và áp dụng quy trình tưới khép kín với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu đồng. Cách đây hai năm, diện tích đất này anh Loan trồng sắn, bắp, đậu các loại, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, nên quyết định chuyển sang trồng tiêu.“Thấy người ta đổ xô trồng tiêu, mình có đất nên cũng đầu tư trồng 600 gốc. Tuy tiêu chưa đến kỳ thu bói, nhưng thấy phát triển khá tốt. Nếu tiêu bị nhiễm bệnh thì tự học hỏi, tìm tòi trên mạng Internet để chữa trị, chứ chưa được dự tập huấn lần nào. Giá tiêu từ 150.000 đồng đến 170.000 đồng/kg khô là có lãi, nếu xuống 100.000 đến 120.000 đồng thì cầm cự do đầu tư ban đầu quá lớn”, anh Loan nói.
 
Xã Sơn Thành Đông có gần 300 hecta tiêu, nhưng đến nay chỉ có hai vùng trồng tiêu được quy hoạch ở thôn Mỹ Bình và Thành An với diện tích 19,5 hecta. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông cho biết: “Những năm tới, địa phương tiếp tục quy hoạch vùng khác đủ điều kiện về thổ nhưỡng và nước tưới để nhân dân trồng tiêu phát triển kinh tế hộ”.
 
Trong khi đó, vùng trồng tiêu lớn thứ hai của tỉnh là huyện miền núi Sông Hinh cũng đang xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm trong khi khoảng 2 tháng nữa là vào mùa thu hoạch. Như vườn tiêu 5 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Lộc ở thôn Bình Sơn, xã Sông Hinh đang bị khô ngọn, úa lá. Ông Lộc cho biết, cuối năm 2015 trong vườn tiêu lác đác xuất hiện tiêu nhiễm bệnh. Ông đã không ngại khó khăn lặn lội sang tận hai tỉnh kề bên là Đắc Lắc, Gia Lai để học hỏi kinh nghiệm và mua thuốc về chữa trị. Tuy nhiên, đến nay lần lượt những gốc tiêu nhiễm bệnh khô cành, rụng lá. Ông Trần Văn Thế, cán bộ phòng NN&PTNT Huyện tăng cường về xã Sông Hinh cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 30 hecta tiêu nhưng 25% trong số đó đã bị chết vì bệnh chết nhanh, chết chậm”…
 
Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã phân bổ cho tỉnh Phú Yên diện tích trồng tiêu đến năm 2020 là 400 hecta nhưng trên thực tế đến cuối năm 2015 diện tích đã lên đến 800 hecta, trong đó hơn một nửa diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng 1.200 tấn.
 
Đồng thời trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh Phú Yên chủ trương mở rộng diện tích cây tiêu lên khoảng 1.000 hecta, chủ yếu tập trung ở hai xã Sơn Thành Tây và Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) với diện tích 750 hecta. Diện tích còn lại thuộc huyện miền núi Sông Hinh và một ít ở huyện miền núi Sơn Hòa.
 
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó phòng Nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết: “Trên cơ sở gần 800 hecta hiện nay có sẵn, ngành nông nghiệp sẽ rà soát lại và sẽ bổ sung từ 200 hecta đến 300 hecta”.
 
Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, việc mở rộng diện tích trồng tiêu là đúng định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy vậy, do hiện nay việc trồng tiêu mang tính tự phát nên để giúp nông dân trồng tiêu hiệu quả, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học và thuốc BVTV trong phòng trừ dịch bệnh hại tiêu vốn là những điểm yếu trong canh tác của nông dân hiện nay…
 
Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm: “Ngành nông nghiệp Phú Yên tập trung quản lý ngay từ khâu giống, đặc biệt là các cơ sở phải có các điều kiện sản xuất, kinh doanh về giống thì mới được phép hoạt động. Sau đó là xây dựng các mô hình tiên tiến như sản xuất theo quy trình VietGap, áp dụng biện pháp bón phân, tưới nước tiết kiệm để giảm chi phí; hạn chế tối đa việc xới đất làm tổn thương bộ rễ gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm”.
NGUYỄN VỊNH
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 24
accessibility Hôm qua: 386
account_circle Trong tháng: 277.078
account_box Trong năm: 43.347
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.667