Khép lại năm 2010, mặc dù gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi nhưng nông, ngư dân Phú Yên
Khép lại năm 2010, mặc dù gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi nhưng nông, ngư dân Phú Yên đã có được những vụ mùa bội thu. Năng suất sản lượng các loại nông thuỷ sản tăng cao. Giá cả ổn định theo chiều hướng có lợi cho nông dân đã giúp người dân có điều kiện vươn lên, cải thiện đời sống và có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất trong năm 2011. Bài ghi nhận của phóng viên Lê Biết.
Những mùa vàng bội thu
Ảnh hưởng của đợt bão lũ lịch sử cuối năm 2009 và 3 trận lũ liên tiếp tháng 11/2010 đã khiến cho ao đìa tan hoang, ruộng đồng xơ xác. Những tưởng nông dân sẽ không vượt qua được những khó khăn do thiên tai. Song với quyết tâm “trời làm mất, bắt đất phải đền” của nông dân Phú Yên, sự trợ lực kịp thời và đồng bộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức nhân đạo, từ thiện, nông dân Phú Yên đã vượt qua khó khăn, bắt tay vào sản xuất và đã có được liên tiếp 2 mùa lúa chính bội thu trong năm 2010 với năng suất, sản lượng rất cao. Một vụ đánh bắt thuỷ sản “khoang nặng, cá đầy”
Đánh giá kết quả sản xuất năm 2010 của ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên cho thấy: Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 tiếp tục duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 9% và đạt 104,9% so với kế hoạch năm 2010 mà ngành đề ra; Sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh lần đầu tiên đạt gần 36 vạn tấn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản cả năm 2010 ước đạt 7.073 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2009; Các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng phát triển và mở rộng; Một số cây trồng, vật nuôi được nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; Hầu hết các chỉ tiêu và nhiệm vụ về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch năm 2010.
Trong các thành tựu của ngành nông nghiệp trong năm 2010, khai thác thuỷ sản xa bờ được đánh giá là triển vọng nhất trong vòng 5 năm qua. Lần đầu tiên ngư dân Phú Yên đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay với sản lượng khai thác cá ngừ đại dương trên 5000 tấn. Sản lượng tăng, giá cả ổn định ở mức cao nên hầu hết ngư dân làm nghề đánh bắt thuỷ sản xa bờ đều có lãi và có điều kiện đầu tư đóng mới và tu bổ tàu thuyền để bước vào vụ đánh bắt 2010. Ông Phạm Kiếm ngư dân phường Phú Đông, thành phố Tuy Hoà cho biết, biển no, cửa ngõ thông thoáng nên ngư dân như mở cờ trong bụng, hy vọng năm nay tiếp tục thắng lợi. Còn ông Huỳnh Luồn, cười khà khà, ngắm đi ngắm lại chiếc thuyền mới công suất 150CV chuẩn bị hạ thuỷ, ông bảo chiếc thuyền này là thành quả làm ăn của năm rồi. Thợ bạn thì mỗi đứa chia được trên 70 triệu, mừng không thể tả. Năm nay không lo gì thiếu bạn thuyền, chỉ mong ông bà thương, thuận buồm xuôi gió để được ăn tết sớm trên biển.
Một thành quả khác trong nông nghiệp Phú Yên năm 2010 là việc mở rộng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu qủa kinh tế cao cho nông dân. Từ các mô hình như cùng nông dân ra đồng, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sản xuất giống nông hộ, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ giới hoá trong sản xuất...đã giúp người nông dân dần nắm bắt được những kỹ thuật canh tác tiên tiến và đầu tư có hiệu quả trên đồng ruộng. Ông Nguyễn Văn Lành, Hợp tác xã nông nghiệp Hoà Quang Nam, huyện Phú Hoà nói: Nông dân chúng tôi giờ đã biết chọn giống, phục tráng giống lúa; tỷ lệ giống lúa xác nhận đưa vào sản xuất đã chiếm tới 80%. Hợp tác xã Hoà Quang Nam lần đầu tiên đi tiên phong trong xây dựng thương hiệu lúa giống và sản phẩm lúa giống Hoà Quang Nam bắt đầu vươn ra các tỉnh bạn. Giống tốt, nước non đều đặn thì không lo thiếu lúa hàng hoá. Vấn đề hiện nay là tổ chức tốt khâu tiêu thụ nông dân làm ăn lớn hơn.
Ông Phan Khánh, trưởng phòng kinh tế thành phố Tuy Hoà khẳng định: Kỹ thuật thâm canh được chú trọng, kết hợp nhuần nhuyễn với những kinh nghiệm sản xuất từ ngàn đời nay đã giúp nhiều địa phương có được những mùa vàng bội thu. Năng suất lúa đạt trên 80 tạ/ha, thậm chí có nơi lên đến 100 tạ/ha đã không còn là chuyện hiếm, tên các hợp tác xã có năng suất lúa trên 80tạ.ha của Phú Yên ngày càng kéo dài thêm, từ Phường 5, Bình Ngọc, Hoà Thắng, Hoà Trị, Hoà Quang cho đến cả những xã khó khăn như Hoà Hội, Nam An Nghiệp, Tây An Ninh...
Một thành quả khác trong sản xuất nông nghiệp là năm 2010 người trồng mía, trồng sắn trong tỉnh đã có thu nhập khá nhờ giá mía, sắn tăng rất cao. Nhiều nơi nông dân đã đầu tư trồng mía thâm canh cho năng suất từ 80-100 tấn/ha, giá mía luôn ổn định ở mức cao nhờ giá đường thế giới tăng cao. Đối với cây sắn, thị trường Trung Quốc đang là nơi tiêu thụ khổng lồ lượng sắn của Việt Nam nên nông dân cũng có cơ hội để tăng thu nhập nhờ giá sắn tăng cao. Ông Lê Ngọc Nuôi, mệnh danh là vua mía của Đồng Xuân nói như đinh đóng cột “năm ngoái làm trên 20 ha, thu lãi hơn 100 triệu, năm nay mở rộng diện tích lên 40 ha và với giá mía gần 1 triệu/tấn như hiện nay, cầm chắc vài ba trăm triệu.
Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, để phát triển sản xuất các loại cây công nghiệp chế biến này bền vững, huyện đang liên kết chặt chẽ với các nhà máy và các trung tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất, đưa năng suất 2 cây mía và sắn lên cao và ổn định thị trường tiêu thụ, tạo ra một vùng nguyên liệu lớn, năng suất, chất lượng cao, phục vụ công nghiệp chế biến.
Tạo tính đột phá từ những giải pháp
Trong năm 2011, ngành nông nghiệp Phú Yên tiếp tục phấn đấu phát triển Nông lâm ngư nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH gắn với giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, về canh tác, về sau thu hoạch, tạo điều kiện cho việc triển khai công tác giống, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư họat động thiết thực, hiệu quả; Phát triển Nông nghiệp sản xuất hàng hóa có quy mô ngày càng tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, gắn kết chặt chẽ 4 nhà; giữ vững diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch (32.000 ha trong đó đất chuyên lúa 26.500 ha), bảo đảm vững chắc sản lượng lương thực có hạt trên 35 vạn tấn; mở rộng diện tích, áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tăng năng suất, chất lượng các loại rau, màu, cây ăn quả, cây công nghịêp có lợi thế (mía, sắn ...); phát triển chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp gắn với an tòan dịch bệnh; Phát triển lâm nghiệp theo hướng tòan diện, bền vững, hỗ trợ thông qua các Dự án lâm nghiệp để người dân có thể sống, vượt nghèo từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản đa dạng theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng về nuôi thâm canh sản phẩm chủ yếu như : tôm hùm lồng, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nuôi cá nước mặn, nước ngọt, nước lợ ... bảo đảm vệ sinh, an tòan thực phẩm. Đẩy mạnh việc đánh bắt hải sản xa bờ; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến xuất khẩu thủy sản; Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới hòan thành 91 xã vào năm 2011, làm cơ sở triển khai thực hiện 18 tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới ở xã...
Tất cả những giải pháp trên nhằm thực hiện mục tiêu chung mà ngành nông nghiệp Phú Yên đang hướng đến tiếp tục nâng cao mọi mặt đời sống cho nông dân, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn./.
[Lê Biết]